Thứ năm, ngày 04/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Những "mỏ vàng" Thông tấn


(30/07/2014 16:14:41)

Nói TTXVN có vàng, vàng mười hẳn hoi. Chắc nhiều người nghĩ là nói thế... cho vui. Nhưng đó là sự thực 100%.

Vàng nằm ở hai kho tư liệu của ngành, một nằm ở tầng 4 (Ban biên tập Ảnh) và một ở tầng 6 (Trung tâm Thông tin Tư liệu) tòa nhà Trung tâm thông tấn quốc gia số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Thời gian một đi không trở lại, nhưng may mắn thay, những kho tư liệu của TTXVN vẫn lưu giữ được nhiều hình ảnh, thông tin vô cùng quý báu về đất nước, về dân tộc, về chính ngành thông tấn trong tiến trình dựng xây và phát triển, với những sự kiện, biến cố mang tầm lịch sử.

Các "mỏ vàng" này đang được quản lý, khai thác ra sao và sắp tới như thế nào? Đó là vấn đề Nội san Thông tấn đề cập đến trong chuyên đề này.

Nhân viên tổ ảnh mẫu (phòng ảnh tư liệu) giới thiệu ảnh với khách hàng 

1. Nâng tầm kho tư liệu ảnh quốc gia

Xét về số lượng, có thể nói, kho tư liệu ảnh của TTXVN là lớn nhất nước. Riêng kho tư liệu ảnh do Ban biên tập (BBT) Ảnh quản lý đã có hơn 700.000 tư liệu ảnh (phim gốc), trong đó có khoảng 500.000 phim đen trắng và hơn 150.000 phim màu. Đấy là chưa kể TTXVN còn có kho tư liệu ảnh của Báo ảnh Việt Nam và các tư liệu ảnh đang được hai Cơ quan đại diện ở TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng quản lý.

Về nội dung, kho ảnh TTXVN có một số tư liệu ảnh vô giá, đó là những bức ảnh "độc nhất vô nhị" ghi lại những thời khắc lịch sử của đất nước, những hình ảnh phong phú, sinh động của Hồ Chủ tịch, của nhiều danh nhân trong nước và quốc tế...

Số lượng lớn, giá trị cao, nhưng chất lượng tư liệu thì có vấn đề: Tư liệu ảnh của ngành hiện chủ yếu được bảo quản dưới dạng phim gốc. Với phim màu, thời gian bảo quản trong các điều kiện tốt nhất cũng chỉ được 20-30 năm; phim đen trắng- thời hạn bảo quản có thể được trên 50 năm. Thế mà, kho phim ảnh của TTXVN đã hàng chục "tuổi đời", lại trải qua những năm chiến tranh khắc nghiệt, đến giờ cũng chưa có được điều kiện bảo quản tốt nhất, nên sự xuống cấp là khó tránh khỏi. Khoảng 35% số phim âm bản đã có có hiện tượng bong thuốc, mốc và bay màu, cần sử dụng các biện pháp kỹ thuật để khôi phục. 65% số phim còn lại cần phải chấm sửa ở những mức độ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng của phim hoặc chất lượng của phim. Về chú thích ảnh, cũng có những sai sót cần giải quyết. Chú thích giai đoạn 1970 trở về trước phần lớn không đầy đủ yếu tố thông tin, thậm chí nhiều ảnh bị sai lệch thông tin, chưa hoàn chỉnh về câu chữ và ngữ pháp.

Tổ số hóa (Phòng Ảnh tư liệu) chấm sửa và scan ảnh 

Số hóa kho tư liệu ảnh là bước đi cần thiết trong giai đoạn này, nhằm bảo vệ những tư liệu quý giá về lịch sử và quá trình phát triển của dân tộc, của đất nước. Điều này cũng là tất yếu trong tiến trình phát triển của thời đại công nghệ.

Việc triển khai Dự án số hóa Kho tư liệu quốc gia hiện nay đang được BBT Ảnh tập trung thực hiện. Phòng Ảnh tư liệu đang scan, nhập liệu, chấm sửa ảnh và biên tập chú thích phục vụ cho quá trình số hóa. Đây là một công việc khó khăn và phức tạp vì chỉ riêng việc lựa chọn phim nào cần scan trong số hàng trăm ngàn phim đã là khó, chưa kể đến việc rà soát, tra cứu để có lượng thông tin đầy đủ về sự kiện xảy ra. Có khi cùng một bức ảnh nhưng hai phóng viên chụp lại viết hai chú thích khác nhau; hoặc một nhân vật lại có hai tên khác nhau (đã phiên âm ra tiếng Việt, kiểu "Ve-giơ-ri-nhép"....). Nếu sự việc mới xảy ra năm trước, thậm chí dăm năm trước thì việc tra cứu, chỉnh sửa là khả thi. Tuy nhiên, những tấm ảnh đó lại phản ánh những sự việc đã xảy ra cách đây cả ba, bốn chục năm, chức vụ của nhân vật trong ảnh chỉ "thường thường bậc trung" thì quả là vô cùng nan giải.

Một vấn đề hóc búa nữa trong quá trình số hóa là các ký hiệu đơn vị, địa danh trong chiến tranh. "Đoàn pháo binh X, Trung đoàn Y tại Bến phà Z giáng trả giặc Mỹ những đòn đích đáng".... Bây giờ, còn ai hiểu những X, Y, Z... là gì ? Thế cho nên việc khôi phục, chỉnh sửa lại những chú thích cũ đang làm những BTV của BBT Ảnh đau đầu. Một trong những biện pháp đang được áp dụng là tìm trực tiếp tác giả bức ảnh, xác minh lại những chi tiết thiếu sót (thời gian, địa điểm...). Còn nếu chẳng may tác giả ảnh đã qua đời thì lại phải tìm đến những người hoạt động cùng thời hoặc từ những nguồn tư liệu khác.

Thực tế, những người làm tư liệu ảnh vừa thực hiện việc số hóa vừa run. Run vì những mặt trái trong việc copy dữ liệu mà ai cũng biết. Tất nhiên không phải vì lắm nguy cơ mà chúng ta chùn bước, bởi nguồn tư liệu có giá trị to lớn này cần (và phải) được giới thiệu tới độc giả trong nước và cả quốc tế, TTXVN cần biến những tư liệu này thành một nguồn thu tương xứng, hiệu quả. Tuy nhiên, việc sử dụng và khai thác nguồn tư liệu ảnh cần có một cơ chế phù hợp để có thể biến nó thành vàng mười thực sự.

Đồng thời với việc biên tập chú thích, số lượng phim đã scan cần, rất cần được khôi phục, chỉnh sửa. Những tấm phim trải qua thời gian, mặc dù sử dụng cả dung dịch chuyên dụng để lau rửa, vẫn không thể mất đi những vết ố, mốc... Điều này dẫn tới một hệ lụy tất yếu cho tổ kỹ thuật là phải dồn rất nhiều tâm trí và công sức cho việc chấm sửa. Có lúc, mất cả ngày trời mà vẫn không chấm xong một phim. Mất nhiều tâm sức đến như vậy là để tấm phim sau chỉnh sửa vẫn giữ được những giá trị, nội dung vốn có.

Cuối cùng, phải nói đến khó khăn lớn nhất- kinh phí. Việc đầu tư cho số hóa còn nhiều bất cập bởi kinh phí hạn chế nên không thể đầu tư đồng bộ mà phải làm dần từng bước. Điều này dẫn đến nguy cơ: Kết thúc dự án cũng đồng nghĩa với việc kết thúc số hóa, nếu không bắt đầu một dự án mới trong một thời kỳ đầy khó khăn với việc cắt giảm chi tiêu như hiện nay.

Đến nay, mục tiêu số hóa 100.000 phim trong ba năm 2012, 2013, 2014 của dự án số hóa kho tư liệu quốc gia cơ bản đã hoàn thành. Việc xây dựng một khung tìm kiếm với nhiều từ khóa cũng đã tương đối hoàn thiện. Chất lượng ảnh đã scan tốt, có thể sử dụng vào việc khai thác lâu dài. Tuy nhiên, đồng nghĩa với việc đưa vào khai thác là phải có một mặt bằng phù hợp để đặt máy tính phục vụ khách đến chọn ảnh. Nhưng với diện tích khoảng 7m2 hiện nay của phòng ảnh mẫu thì đây quả là bài toán chưa có lời giải.  

 

Thường xuyên sắp xếp kho tư liệu một cách khoa học

2. Kho tư liệu hồ sơ, báo chí - đợi khách hàng, chờ số hóa

Nằm ở góc khuất trên tầng 6 của tòa nhà số 5 Lý Thường Kiệt, kho tư liệu (thuộc Trung tâm Thông tin Tư liệu) hiện lưu giữ hơn 9.000 tập tài liệu, là những tài liệu báo chí quý hiếm, có giá trị lịch sử bền lâu, ghi dấu các sự kiện quan trọng của đất nước và trên thế giới. Đây là một phần tài sản quan trọng, là kết quả lao động, phấn đấu không ngừng của cán bộ, phóng viên, biên tập viên TTXVN trong suốt gần 70 năm qua. Đang "ngụ" trên một diện tích khoảng hơn 200 m2, dù chưa bề thế so với hệ thống kho tàng của những trung tâm lưu trữ lớn khác, nhưng kho tư liệu giờ đã khá khang trang so với những lần "định cư" trước, khi tòa nhà số 5 Lý Thường Kiệt chưa được xây dựng mới.

Trước tiên, phải kể tới 30 loại ấn phẩm của TTXVN được lưu giữ trong kho kể từ khi thành lập TTXVN cho đến nay, bao gồm nhiều loại báo và bản tin: Tin trong nước, Tin thế giới phổ biến, Tin tham khảo, Tin tham khảo đặc biệt; các nhật báo, tuần báo, nguyệt san; các tạp chí định kỳ bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.... Đáng chú ý là vẫn còn những bản tin trong nước từ tháng 11/1952 (được đánh máy trên giấy pơluya mỏng, hiện đã bắt đầu ố vàng); những bản Tin thế giới từ năm 1955; Tin tham khảo Việt Nam từ năm 1958; Tin Miền Nam, Tin đấu tranh thống nhất; Báo ảnh Việt Nam với các thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Campuchia, Lào, Tây Ban Nha, Trung Quốc...

Một mảng hồ sơ tài liệu, tư liệu vô cùng quý là hồ sơ về miền Nam Việt Nam từ 1954-1975. Đến nay, những tập hồ sơ này vẫn còn tương đối đầy đủ và được giữ gần như nguyên bản với rất nhiều vấn đề. Có thể tìm thấy ở đây tư liệu về đấu tranh ngoại giao (những văn bản chính trong hội nghị Geneva và thi hành Hiệp định Geneva...); tư liệu về Mỹ - ngụy (Báo cáo mật của Lầu Năm góc về cuộc chiến tranh Việt Nam; tiểu sử của từng tổng thống, phó tổng thống, các bộ trưởng quốc phòng, các tướng Mỹ tham gia chiến tranh Việt Nam; diễn biến nội các quân đội Sài Gòn; niên giám Quốc hội Việt Nam Cộng hòa; chính phủ bù nhìn thời kháng chiến; các vụ đảo chính; sắc luật, hiến pháp thời Ngụy Sài Gòn; các cuộc đàn áp, tội ác đẫm máu của Mỹ...).

Đặc biệt, trong số tài liệu này, còn có những tư liệu vô giá về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa như: Bản đồ khu vực biển Đông của Ngụy quyền Sài Gòn; Tuyên bố của ngụy quyền Sài Gòn về Hoàng Sa và Trường Sa; Những bài viết đăng trên báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa năm 1979; Sách trắng về Hoàng Sa, Trường Sa năm 1988... Đây là những chứng cứ pháp lý quan trọng góp phần khẳng định chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phục vụ khách đến tra cứu tại Thư viện 

Kho tư liệu của TTXVN hiện cũng lưu báo Nhân dân từ năm 1951, báo Thống Nhất từ năm 1960, báo Quân đội nhân dân từ năm 1966. Ngoài ra còn có cả những tờ báo dưới thời Việt Nam Cộng hòa: Dân chủ, Sóng thần, Điện tín, Đại Dân tộc... Những trang báo này rất có giá trị về mặt lịch sử báo chí, bởi ngay trong lòng báo chí ngụy quyền vẫn có những tờ báo phản ánh chân thực xã hội miền Nam thời Mỹ ngụy và kêu gọi hòa hợp, hòa giải, đòi quyền dân tộc tự quyết, đòi chấm dứt chiến tranh ...

Tuy một số tài liệu đã cũ kỹ, ố vàng, có những tài liệu giấy bắt đầu mục, giòn nhưng kho tư liệu đã đáp ứng được nhiều yêu cầu tra cứu của các PV, BTV trong cơ quan và nhu cầu tìm kiếm những thông tin chính thống, chuẩn xác, những thông tin gốc từ TTXVN của các cơ quan như Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các viện nghiên cứu...

Kể từ khi chính thức được thành lập vào năm 1997 đến nay, sau 17 năm, Trung tâm Thông tin Tư liệu đã xây dựng được hơn 2.000 tập hồ sơ bản giấy. Những chủ đề sâu về tình hình chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội... trong nước và quốc tế được biên soạn một cách có hệ thống và dễ tra cứu. Người đọc dễ dàng tìm được nhiều bài viết về Bác Hồ, về Đảng, Chính phủ, Quốc hội nước ta của các nhà báo cũng như các học giả; các bài viết, các bài nghiên cứu về tình hình hình Bắc Á, Trung Đông... Đây cũng chính là những tư liệu quan trọng để Trung tâm cho ra đời bản Thông tin Tư liệu (3 số/tuần) và các chuyên mục trên kênh Truyền hình Thông tấn như: Học Bác mỗi ngày, Thông điệp lịch sử, Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Tuy có số lượng tài liệu phong phú và quý hiếm như vậy, nhưng đến nay, kho tư liệu thuộc Trung tâm Thông tin Tư liệu phục vụ không nhiều độc giả. Ngoài các PV, BTV trong ngành và một số cơ quan bên ngoài có nhu cầu tìm kiếm các tài liệu gốc, đối tượng chủ yếu tìm đến đây lại là các sinh viên năm cuối của các trường đại học. Họ lấy tư liệu cho luận văn tốt nghiệp với lời bộc bạch, không ở đâu có tài liệu một cách chính xác và chính thống như vậy; các giảng viên luôn hài lòng với chất lượng của luận văn khi nguồn tài liệu được lấy từ TTXVN. Chính vì thế, cần phải quảng bá, giới thiệu rộng rãi hơn nữa để kho tư liệu được khai thác và sử dụng hiệu quả, phục vụ được nhiều đối tượng có nhu cầu tra cứu ở cả trong và ngoài cơ quan.

            Điều trăn trở của những người làm công tác quản lý kho tư liệu là, tuy đã có vị trí tương đối khang trang, nhưng kho chưa được bảo quản theo quy cách đặc thù. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, nguy cơ tư liệu bị xuống cấp, hư hỏng là rất cao. Vì vậy, việc đầu tư các trang thiết bị lưu trữ hiện đại cũng như sớm thực hiện việc số hóa tư liệu là vô cùng cần thiết.

Theo Nội san Thông tấn, số 7/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Sẽ có nhà báo rô bốt? (01/07/2014 14:36:06)

Phóng viên thường trú Bangkok - Những trải nghiệm khó quên (01/07/2014 10:59:26)

Khi phóng viên thường trú làm cầu nối cộng đồng (01/07/2014 10:46:28)

Phóng viên thường trú yêu ngành và mong ngành yêu mình (01/07/2014 10:38:57)

Nâng đỡ phóng viên trẻ (03/06/2014 08:53:15)

Vụ " MH -370" và những cuộc họp báo trường kỳ  (02/06/2014 10:27:40)

Chúng tôi làm triển lãm Điện Biên (02/06/2014 10:12:57)

Góp phần bảo vệ chủ quyền bằng những sản phẩm thông tin (30/05/2014 15:17:01)

Tin hoạt động Liên Chi hội Nhà báo (06/05/2014 15:48:49)

Syria, nơi nguy hiểm nhất cho các nhà báo năm 2013 (06/05/2014 15:13:49)