Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Tìm hiểu báo chí

Sẽ có nhà báo rô bốt?


(01/07/2014 14:36:06)

Sue Greenwood, giảng viên bộ môn báo điện tử của Đại học tổng hợp Staffordshire (Anh), cho biết, không loại trừ khả năng, một ngày nào đó sẽ có rô bốt... phóng viên. Thực hư câu chuyện này là thế nào? Phải chăng, cánh nhà báo chúng ta sẽ bị rô bốt làm cho thất nghiệp?

Phương tiện bay không người lái- công cụ hỗ trợ việc đưa tin

Rô bốt nhiều tiềm năng

Nghề báo gắn liền với nghiệp viết. Và có một sự thực là, máy tính của Narrative Science - một công ty chuyên về các máy tính viết tin - nhiều khi viết lách còn tốt hơn các phóng viên.

Có những công việc mà các phóng viên rô bốt đang làm khá tốt, như quay những thước phim về các vụ thảm họa; viết những câu truyện dựa trên các dữ liệu sẵn có cho những độc giả nhỏ tuổi. Đây không phải là rô bốt có hình hài như chúng ta vẫn hình dung, mà là những phần mềm và phương tiện bay không người lái.

Các hãng thông tấn báo chí quốc tế đang ngày càng phát triển việc sử dụng phần mềm để viết bài và phương tiện bay không người lái để chụp hình. Sau khi dữ liệu được nhập vào, các phần mềm tạo ra bộ khung và một bài báo. Cách đây hai năm, quang cảnh trận lụt ở hạt Wiltshire (Anh) đã được phương tiện bay không người lái của một người dân ghi lại và sau đó, anh này gửi sản phẩm cho hãng BBC. Hiện có một số tòa soạn báo sở hữu phương tiện bay không người lái để chụp ảnh.

 

...Và những điều bất khả

Tuy nhiên, máy tính và rô bốt không thể làm hết những công việc của các nhà báo. "Gần đây, tôi nghĩ nhiều đến rô bốt, về những kỹ năng làm báo có thể và không thể truyền thụ cho phương tiện bay không người lái và những phần mềm viết báo của chúng ta"- là một giáo sư về chuyên ngành báo chí, Sue Greenwood đặt vấn đề.

       Bà nói với các sinh viên của mình rằng, kỹ năng quan trọng nhất với một nhà báo là tính tò mò. Không chỉ về những sự kiện lớn, mà cả những tò mò thường nhật: Chuyện gì diễn ra với đôi tình nhân đang "chiến tranh lạnh" với nhau? Điều gì thôi thúc gã thanh niên kia vét từng đồng xu để mua một cốc bia?... Sue từng có thời gian làm việc với một phóng viên trẻ. Sau khi hết giờ làm việc ở tòa soạn, anh này đến làm thêm trong một quán rượu. Cầm trong tay một ly Coca (chứ không phải là rượu), anh trò chuyện với mọi người. "Có lần, tôi hỏi anh PV trẻ lý do việc làm thêm và nhận được câu trả lời là, anh ấy có nhu cầu muốn biết những người khác nghĩ gì"- Sue Greenwood kể.

Tuy có khả năng viết lách, rô bốt và máy tính chỉ có thể xử lý những gì mà con người nhập vào. Chúng cần con người nhấn nút để chúng có thể làm việc theo mục đích con người định ra. Và cho dù chúng ta có bấm bao nhiêu nút đi chăng nữa, cũng vẫn không thể khiến cho rô bốt cảm thấy tò mò. Hãy thử hình dung, ở quán rượu, người phóng viên trẻ tuổi nói trên được thay thế bởi một rô bốt săn tin. Việc này có thể trở thành hiện thực sau 10 năm nữa, khi mà leo cầu thang không còn là vấn đề với các rô bốt (hiện rô bốt CoBot, do Viện Rô bốt thuộc Đại học tổng hợp Carnegie Mellon phát triển, đã có thể leo cầu thang bằng cách đứng chờ cạnh thang máy và yêu cầu những người qua lại giúp nhấn nút số tầng mà nó cần lên). Rô bốt săn tin sẽ có các thiết bị cảm biến để chúng có thể đi lại trong quán rượu mà không va chạm vào người khác hay làm đổ đồ uống. Nó có thể được cài một ngân hàng dữ liệu với những tên gọi và khuôn mặt; vì vậy nó có thể nhận ra một thành viên hội đồng địa phương hay một cầu thủ bóng đá. Nhưng chúng sẽ trò chuyện, thể hiện cảm xúc ra sao? Làm thế nào để một con rô bốt biết được khi nào thì nhìn thẳng vào mắt người khác, khi nào thì nhìn đi nơi khác? Làm thế nào để nó biết được khi nào thì nên thay đổi chủ đề, khi nào thúc giục trả lời và khi nào đưa ra một câu hỏi khác để có được câu trả lời phù hợp hơn?...

Thực tế, có đến gần 1.000 nhà báo bị sát hại trong 10 năm qua. Một rô bốt có thể chụp ảnh, ghi âm và được điều khiển từ xa bởi một phóng viên (nhập các câu hỏi cho rô bốt). Việc thu thập thông tin từ xa một cách an toàn giúp phóng viên tiếp cận gần hơn với tình hình thực tế của những người đang bị mắc kẹt trong cuộc chiến tranh hoặc thảm họa. Do vậy, rô bốt, phương tiện bay không người lái và phần mềm thuật toán là những công cụ đưa tin hữu ích. Vậy còn bao lâu nữa các tòa soạn mới có thể cử rô bốt đến vùng chiến sự thay vì cử phóng viên đi?

Câu trả lời có lẽ đã rõ ràng. Rô bốt có thể thực hiện một số phần việc của nhà báo; nhưng không thể có "nhà báo rô bốt". Các tòa soạn sẽ không cử rô bốt đến quán rượu để săn tin (trừ khi quán rượu đó đầy rẫy những kẻ khủng bố có bom) nhưng có thể dùng nó để đưa tin về một phiên tòa, một cuộc họp... hoặc thu thập một số thông tin và hình ảnh. Tuy nhiên, chúng ta không nên nhìn nhận rằng, những rôbốt này sẽ làm thay công việc của các nhà báo. Chúng chỉ là những công cụ giúp nhà báo truyền tải được nhiều thông tin hơn về những gì đang xảy ra trên thế giới - và có lẽ, thúc đẩy báo chí tập trung hơn vào câu hỏi "tại sao" (bởi rô bốt sẽ giúp PV trả lời các câu hỏi "cái gì" hay "ai"). 

Theo Nội san Thông tấn, số 6/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Syria, nơi nguy hiểm nhất cho các nhà báo năm 2013 (06/05/2014 15:13:49)

Liệu BBC có bị suy vong? (06/05/2014 15:10:21)

Giải Ảnh báo chí thế giới năm 2013: Hướng về người nghèo (01/04/2014 11:39:47)

Nga xóa tên RIA Novosti, cải tổ hệ thống truyền thông (30/12/2013 14:41:36)

Những kẻ nghe lén ở News of the World bị xét xử (03/12/2013 10:24:14)

Tương lai của phóng sự chiến tranh... (05/11/2013 15:19:06)

Tên các nước/vùng lãnh thổ trên thế giới và thủ đô thường dùng (10/10/2013 09:57:14)

Sự chuyển hướng của các phóng viên điều tra (09/10/2013 10:26:33)

Ảnh báo chí biết "kể chuyện" (10/09/2013 10:32:44)

1USD, mua được một... tờ tạp chí (10/09/2013 10:10:29)