Thứ ba, ngày 03/12/2024

Trao đổi - Thảo luận

Các tòa soạn báo in làm báo điện tử: Phân vân ba ngả rẽ


(31/07/2014 10:18:00)

Không thể phủ nhận ưu thế của báo điện tử trong kỷ nguyên công nghệ đang phát triển như vũ bão hiện nay, nhiều tòa soạn báo giấy truyền thống đang tìm cách "chào sân" báo mạng. Họ xoay sở thế nào trong thời buổi cạnh tranh thông tin nóng bỏng này? Nội san Thông tấn xin giới thiệu bài viết này, như một tài liệu tham khảo hữu ích cho các đơn vị xuất bản.

The New York Times- một trong những tờ báo hàng đầu chủ trương cải cách

Ông Martin Belam, một nhà cải cách báo điện tử theo đường lối cánh tả hàng đầu của Vương quốc Anh, đánh giá, phần lớn các tòa soạn in báo truyền thống đang chuyển đổi sang công việc xuất bản báo mạng theo ba mô hình gồm: Bổ sung, sao chép hoặc thay đổi.

 

Bổ sung

Việc trang web Buzzfeed hé lộ báo cáo cải cách của tờ The New York Times đã khiến cho những người gắn bó với công cuộc cải cách báo chí điện tử trong một thập kỷ qua có cảm giác buồn vui lẫn lộn. Bổ sung là mô hình mà hầu hết các tòa soạn đang theo đuổi - trong đó có cả The New York Times. Họ vẫn làm những gì mà họ vẫn từng làm trước đây - xuất bản báo giấy như trước; đồng thời xuất bản thêm một phiên bản điện tử với các nội dung bổ sung.

Thông thường, mỗi tòa soạn có một nhóm làm báo điện tử riêng và có tờ coi phiên bản điện tử là ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, trong thực tế, phiên bản báo giấy lại đóng vai trò quy định cung cách hoạt động trong tòa soạn. Có thể lấy ví dụ, các trưởng ban trong các buổi giao ban buổi sáng đầu tiên sẽ tập trung vào xem xét phiên bản báo in. Và cấp biên tập cao nhất chỉ phê duyệt bản in chứ không phải bản điện tử.

Nhiều tòa soạn báo cho rằng, sự tồn vong của một tờ báo phụ thuộc vào phiên bản điện tử và họ sẽ đầu tư cho bản điện tử. Tuy nhiên, đó là "sẽ" - thì tương lai - còn hiện tại thì điều đó chưa xảy ra bởi vì doanh thu từ bản in, cho dù đang giảm nhanh chóng, vẫn cao hơn từ phiên bản điện tử. Doanh thu từ phiên bản điện tử không tăng đủ nhanh để bù đắp cho quy mô hoạt động mà họ vẫn từng có.

Kết quả cuối cùng là các tòa soạn này đã gộp một đống các khoản chi phí bổ sung cho một hoạt động đang bị giảm dần về doanh thu. Và như tờ The New York Times phát hiện - cho dù tòa soạn chỉ coi đây như là một giai đoạn chuyển đổi, việc thoát ra khỏi giai đoạn này hóa ra lại hết sức khó khăn.

 

Sao chép

Đây là mô hình mà hầu hết các tòa soạn áp dụng khi khởi sự làm báo điện tử. Hiện nay, có một số tờ báo địa phương và tạp chí B2B (tạp chí áp dụng mô hình kinh doanh thương mại điện tử) làm theo mô hình này. Tòa soạn sản xuất nội dung cho phiên bản báo in, rồi sau đó chuyển toàn bộ phần nội dung này lên mạng; thực chất họ chỉ có một thay đổi nhỏ: Xuất bản cùng một nội dung qua một kênh khác nữa.

Sự ra đời của iPad làm xuất hiện hàng loạt phương thức sao chép mới. Những công cụ như phần mềm xuất bản điện tử của Adobe cho phép các tòa soạn chuyển phiên bản báo giấy thành phiên bản điện tử. Phần nội dung đưa lên mạng đã được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu của "kỷ nguyên màn hình cảm ứng".

Về mặt lý thuyết, điều này mang lại cho tòa soạn thêm doanh thu, trong khi mất thêm rất ít chi phí, cho nên đây dường như là một hoạt động kinh doanh khá hấp dẫn. Nhưng vấn đề ở đây là, tòa soạn không thực sự đưa ra được điều gì hay ho trong những khuôn mẫu mới của báo điện tử và họ rất dễ bị cạnh tranh hoặc lật đổ bởi các tòa soạn khác.

 

Thay đổi

Mô hình mà nhiều người mơ ước nhưng không phải ai cũng xây dựng được, đó là sự thay đổi.Có một thực tế là, một số tòa soạn đang phải đối mặt với những khó khăn trong một bối cảnh hoàn toàn khác so với trước đây. Sau khi cố gắng điều hành hai kênh xuất bản (báo in và báo điện tử), các tòa soạn phải đối mặt với thực trạng xuất bản đa kênh và những giải pháp truyền thống mà họ vẫn thường sử dụng trước đây giờ không còn phát huy tác dụng. Hệ thống quản lý nội dung trước đây không còn phù hợp trong hoàn cảnh mới. Mặt khác, ngày càng xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh thành công và mang lại lợi nhuận cao hơn trên mạng. Đấy là những tòa soạn không có sản phẩm báo in cũng như những khoản chi phí dành cho phòng nhân sự và công nghệ thông tin.

Để theo đuổi mô hình thay đổi, đòi hỏi các tòa soạn phải tính toán lại cơ cấu tổ chức và trả lời các câu hỏi dưới đây:

- Mục tiêu của tòa soạn là gì?

- Đối tượng độc giả?

- Tòa soạn cần những nội dung gì và khi nào?

- Công cụ sẵn có hiệu quả nhất để truyền tải nội dung đó là gì?

- Cần có những con người và kỹ năng nào để thực hiện điều này?

- Liệu có thể liên kết với những đối tác khác để hoạt động thành công?

- Doanh thu đến từ đâu?

Điều này không chỉ đòi hỏi tòa soạn "làm nhiều công việc với ít người" mà còn "làm nhiều thứ khác". Kevin Anderson, từng làm phóng viên, biên tập viên cho các tờ The BBCThe Guardian, hiện là tổng biên tập của hai tờ báo vùng thuộc tập đoàn truyền thông Gannette Wisconsin ở Mỹ, đã viết nhiều về việc thực hiện chiến lược thay đổi cấu trúc biên tập của những tờ báo đó. Ông nói: "Tôi đang tìm thời điểm để đổi mới bởi tôi đang xây dựng các mối quan hệ đối tác với các cơ quan sở tại để bổ sung bối cảnh và chiều sâu cho các tin bài của chúng tôi. Chúng tôi không chỉ tập hợp nội dung, mà quan trọng hơn, là tập hợp tiếng nói từ cơ sở trong cộng đồng. Chúng tôi đang nghĩ đến việc đưa tin theo chủ đề thay vì tập trung vào những câu chuyện giật gân và khuyến khích độc giả tham gia vào việc đưa tin. Những loạt chuyên đề sẽ cho phép chúng ta sản xuất ra những bài viết có chiều sâu nhằm gây dựng đội ngũ độc giả trung thành".

Theo ông Kevin, bắt tay vào giai đoạn thay đổi cũng đồng nghĩa với việc tòa soạn phải gạt bỏ tư duy truyền thống: Chúng ta là một tổ chức được thành lập để xuất bản một tờ báo/tạp chí/trang web và cho một số độc giả cụ thể nào đó. 

Theo Nội san Thông tấn, số 7/2014