Thứ tư, ngày 17/04/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Làm báo ở "trời Tây"


(31/07/2014 09:43:43)

Tôi định dùng từ "trời Tây" để nói về những miền đất ngoài Việt Nam. Ở những nơi đó, cánh phóng viên nước ngoài chúng tôi đang nỗ lực cống hiến công sức nhỏ bé của mình cho cơ quan, cho đất nước, cũng như các anh chị phóng viên trong nước. Nhưng cách thức có hơi khác.

 

Nhà báo Đỗ Vân phỏng vấn các bạn trẻ trong đêm giao thừa chào đón năm mới 2013 tại Sydney  

"Săn" tin và phí thông tin...

Theo chủ trương của lãnh đạo cơ quan, Cơ quan thường trú (CQTT) tại Australia luôn thúc đẩy công tác phóng viên và thể hiện trước tiên là ở việc săn tin. Muốn làm tốt công tác phóng viên, nhà báo phải như người đi săn để vừa có chiến lợi phẩm, vừa có cơ hội quan sát, mở rộng tầm hiểu biết và các mối quan hệ, rồi biết đâu lại phát hiện ra nhiều vấn đề. Phóng viên phải nắm bắt tình hình địa bàn, mà địa bàn ở đây là cả Australia (chưa kể New Zealand và các quốc đảo khác). Tin trên báo in, báo mạng cũng phải bao quát, nhưng tin sự kiện diễn ra tại địa bàn cần phải chú ý hơn. Khi nắm được kế hoạch diễn ra sự kiện, các phóng viên chúng tôi phải cân nhắc sự kiện trên cơ sở tính chất và tầm quan trọng của thông tin. Sau khi quyết định làm tin thì mới liên hệ, đăng ký và... nộp phí.

Quả thật tôi thấy Australia chẳng hề giống ở Việt Nam, phóng viên tham dự các sự kiện đều phải nộp phí (trừ các hoạt động, hội nghị của chính phủ, đoàn cấp cao...). Cứ đến tham gia sự kiện là phải đóng tiền, có thể qua hình thức này hay hình thức khác, nhưng mức phí đều không nhỏ. Có sự kiện (hội thảo khoa học chứ không phải hoạt động văn hóa văn nghệ) tiền vé lên tới hơn 1.000 AUD/ người. Chúng tôi "bó tay", đi "săn" sự kiện khác, rẻ hơn, có 50 AUD/ người, nhưng khi trả tiền gửi xe cho hai tiếng tham dự thì lại phải ngậm ngùi rút trong ví ra 80 AUD để trả. Mà trả bằng máy tự động chứ cũng chẳng có người thu tiền để mà còn than thở.

Ngoài việc nắm bắt thực tế các sự kiện diễn ra trên địa bàn, chúng tôi xác định phải nỗ lực phát hiện các vấn đề cần thông tin. Đó có thể là kinh nghiệm của Australia trong xử lý các vấn đề mà Việt Nam đang bế tắc, có thể là sáng kiến của Australia trong quản lý và điều tiết các ngành nghề, có thể là khai thác tiềm năng trong mối quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực, có thể là thông tin định hướng khi mà nhiều người trong cộng đồng người Việt tại Australia vẫn còn nặng tư tưởng thù hằn dân tộc... Từ khi sang công tác tại địa bàn đến nay, chưa bao giờ chúng tôi thiếu chủ đề thông tin. Danh sách vấn đề mà chúng tôi phát hiện vẫn còn dài dằng dặc, nhưng cái thiếu là quỹ thời gian trong ngày và những lăn tăn về định mức cùng một chút chi phí.

 

...Và thông tin

Khi khai thác vấn đề, chúng tôi thường cố gắng thực hiện nhiều sản phẩm thông tin, để cung cấp cho cả báo viết, báo mạng, báo hình và báo ảnh của cơ quan. Chính vì vậy, một chủ đề "ngốn" của chúng tôi không ít thời gian. Văn phong mỗi báo mỗi khác, tư duy và tư liệu cho mỗi báo mỗi vẻ, và nếu không hội đủ các yếu tố cần thiết thì sản phẩm không thể đạt kết quả như mong muốn. Đôi khi, sức ép định mức cũng khiến nhiều phóng viên thích ngồi bàn giấy hơn là "đi săn" kiểu này, hoặc chưa làm "tới bến".

Tránh nguy cơ bị "địa phương hóa" là một thực tế mà các phóng viên chúng tôi luôn lưu tâm. Theo nhận thức của cá nhân tôi, phóng viên có thể phát hiện rất nhiều chủ đề thông qua báo chí ở nước sở tại. Từ nguồn đó, có khi phóng viên chỉ cần đi quay ít hình, dẫn hiện trường một chút là về nhà đã có một phóng sự nhỏ "không đến nỗi nào". Có lẽ các phóng viên ngoài nước đều biết việc này. Nhưng theo tôi, cách làm tin đó chẳng khác nào bị "địa phương hóa". Chịu khó tư duy để có một chút tìm tòi, có những liên hệ và khái quát; điều đó sẽ giúp chúng ta có những sản phẩm có tầm, độc đáo và có bản sắc hơn trong mọi loại hình thông tin.

Đi nhiều để quan sát và phát hiện vấn đề, lại được tham quan đó đây, tôi coi đó là "một công đôi việc". Tất nhiên trước mỗi chuyến đi, chúng tôi phải lên chương trình cụ thể, tới đâu, những chủ đề cần làm, những người cần gặp gỡ và có liên hệ trước. Mọi thứ đều nhẹ nhàng khi kế hoạch chi tiết đã rành mạch, để phóng viên có thể phân bổ thời gian hợp lý giữa công việc và gia đình. Để rồi sau đó có những sản phẩm báo chí thuộc diện "hàng độc", chỉ TTXVN mới có.

Đi nhiều thì lại tiêu pha nhiều, thế nên chúng tôi rất chú ý lựa chọn chủ đề sao cho hiệu quả, cân đối chi tiêu sao cho hợp lý. Có những khi chi phí tốn kém, nhưng "được cái nọ mất cái kia", chúng tôi vẫn lựa chọn con đường làm tốt công tác phóng viên vì đó là định hướng của ngành. Và đó cũng là cách hưởng thụ cuộc sống mà chúng tôi đã chọn. 

Đỗ Vân -Trưởng đại diện CQTT tại Australia
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Khi phóng viên thường trú làm cầu nối cộng đồng (01/07/2014 10:46:28)

Phóng viên thường trú yêu ngành và mong ngành yêu mình (01/07/2014 10:38:57)

Vụ " MH -370" và những cuộc họp báo trường kỳ  (02/06/2014 10:27:40)

Hành trình vào vùng chiến sự (01/04/2014 10:47:29)

Những trải nghiệm khi tác nghiệp tại Đông & Tây  (09/10/2013 10:22:21)

Phân xã TP. Hồ Chí Minh - xây dựng đội ngũ tinh gọn, chất lượng (09/10/2013 10:12:01)

Diễn đàn thu hút những ý kiến trí tuệ và nhiệt tâm (28/06/2012 10:53:01)

Cốt lõi vẫn là yếu tố con người (29/05/2012 14:01:30)

Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng phóng viên trong nước (29/05/2012 10:56:34)

Hội nghị các Trưởng phân xã phía Bắc: Thời gian ngắn, chất lượng cao (02/05/2012 17:12:40)