Thứ năm, ngày 25/04/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Mảnh đất, con người An Giang thúc giục chúng tôi lên đường


(05/09/2014 15:07:03)

Về nhận nhiệm vụ ở Cơ quan thường trú An Giang chưa lâu, nhưng những chuyến đi công tác vùng biên giới đã giúp tôi mở rộng tầm mắt về văn hóa, phong tục tập quán, lối sống của người dân địa phương. Dù là dân tộc Chăm, Khmer, Hoa hay Kinh, những con người mà tôi từng gặp ở những vùng đất "trĩu nặng phù sa" này, đều dành cho tôi nụ cười tươi rói và tấm tình nồng hậu.

          

PV Công Mạo tác nghiệp tại...

           Tôi là dân miền Trung, giọng nói "đặc quánh" Hà Tĩnh, lại thêm cái tội nói nhanh, cứ phải nhắc lại hai, ba lần mọi người mới hiểu. Vậy mà gần một năm qua tôi đã gắn bó với vùng đất An Giang, giọng đã vơi chất Trung bộ đi để phù hợp với Nam bộ.

       Thuở ban đầu, An Giang hoàn toàn xa lạ đối với tôi, từ lời ăn tiếng nói, phong tục, tập quán đến thức ăn... Tôi chỉ biết về An Giang qua báo, đài, sách vở, rằng đây là một tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có đường biên giới dài, tiếp giáp với nước bạn Campuchia, vẫn được gọi với cái tên "Thất Sơn huyền bí". Điều may mắn là ngày đầu về nhận công tác ở Cơ quan thường trú (CQTT) TTXVN tại An Giang, tôi nhận được sự giúp đỡ rất tận tình của chú Vương Thoại Trung, Trưởng CQTT và cô Thu Trang, phóng viên (vợ chú Trung). Tôi được cô chú dìu dắt, đưa đi cùng tới các sự kiện, các cuộc họp của tỉnh để làm quen với mọi người, nhất là các vị lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện thị... Những sản phẩm thông tin đầu tiên của tôi được Trưởng CQTT chỉnh sửa tỉ mỉ. Sự quan tâm hướng dẫn của các thành viên trong đơn vị đã giúp tôi cảm thấy tự tin hơn rất nhiều.

       Một kỷ niệm khó quên với tôi là chuyến công tác độc lập đầu tiên, tôi phải đến hai xã biên giới Phú Lộc và Vĩnh Xương của thị xã Tân Châu, cách Campuchia một con sông, để đưa tin về đợt khám chữa bệnh và cấp phát thuốc cho người nghèo do lực lượng Quân y Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang phối hợp với Câu lạc bộ Bác sĩ trẻ Bệnh viện đa khoa An Giang thực hiện. Háo hức nhưng cũng đầy lo lắng, đêm trước khi khởi hành, tôi không tài nào ngủ được, cứ "lang thang" trên mạng tìm đọc thông tin về biên giới An Giang. Sáng hôm sau, vì không quen đường nên tôi đi từ bốn giờ sáng. Chạy xe gắn máy, mang theo nào là máy quay, máy ảnh, máy tính, áo mưa, nón tai bèo... tôi vượt quãng đường 150 km trong ba tiếng đồng hồ. Khi đoàn y bác sĩ tới nơi, ai nấy khẩn trương bắt tay vào việc. Người phát phiếu, ghi tên cho bà con; người khám chữa bệnh, phát thuốc. Càng về trưa, bà con đến khám bệnh càng thêm đông, các cán bộ làm việc không ngơi tay song không ai than phiền. Chuyến đi ấy, tôi đã thực hiện được cả tin văn bản lẫn tin truyền hình.

PV Công Mạo (bìa trái) đang tham gia Khóa Bồi dưỡng nghiệp vụ thông tấn K27

       Một kinh nghiệm nho nhỏ khác là, khi đã tới nhà đồng bào, nhất thiết phải vào nhà ngồi chơi, uống chén nước cùng chủ nhà, nói chuyện với họ một cách chân tình. Nếu không, bạn sẽ bị coi là thiếu tôn trọng, không thật lòng với gia chủ... Đây là kinh nghiệm mà một đồng nghiệp ở đài PTTH An Giang đã truyền lại cho tôi trong một lần đi đưa tin về mô hình nuôi bò lai cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn. Lần ấy, khi chúng tôi vừa tới nhà, sau màn làm quen, chủ nhà liền mang lên một đĩa đậu bắp luộc, một con cá lóc nướng cùng hai xị rượu rồi bảo "Quay phim à, tý nữa quay. Giờ làm vài ly cho ấm bụng đã...". Tôi không uống được rượu lại phải chạy xe máy đường dài nên định xin phép không uống. Thấy thế, anh bạn đồng nghiệp đi cùng nói nhỏ: "Không uống họ không cho quay đâu. Họ cứ ngồi lai rai thì mình sẽ về không thôi. Uống một hai ly là được mà!". Anh nói trúng phóc. Chủ nhà chỉ rót một ly uống chung (hai người một ly, người này mời người kia để làm quen) rồi dẫn chúng tôi ra trại nuôi bò để ghi hình.

Có một kinh nghiệm mà tôi rút ra qua những lần tác nghiệp tại vùng biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đó là trước khi đi nên tìm cách liên hệ với Bộ đội Biên phòng địa phương hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (Phòng Chính trị) để được giúp đỡ. Các anh sẽ dẫn đường, có khi còn phiên dịch (ở An Giang là phiên dịch tiếng Khmer) cho phóng viên. Điều hay nữa là, khi thấy có bộ đội biên phòng, bà con không sợ bị kẻ xấu lừa nên yên tâm hơn, cởi mở trả lời phỏng vấn.

Mỗi chuyến đi đến An Phú, Tân Châu, Tri Tôn, Tịnh Biên hay Châu Đốc đều để lại trong tôi rất nhiều kỷ niệm và những kỷ niệm đó giúp tôi gắn bó hơn với mảnh đất, con người An Giang. Giờ, một tuần mà không xách xe máy đi lên vùng Bảy Núi, qua Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú,... là tôi cứ thấy thiếu thiếu. Cũng vì thế mà niềm đam mê làm báo trong tôi ngày một lớn hơn, thúc giục tôi tiếp tục đi, đến và viết.

 

 

Công Mạo- CQTT tại An Giang
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Làm báo ở "trời Tây" (31/07/2014 09:43:43)

Khi phóng viên thường trú làm cầu nối cộng đồng (01/07/2014 10:46:28)

Phóng viên thường trú yêu ngành và mong ngành yêu mình (01/07/2014 10:38:57)

Vụ " MH -370" và những cuộc họp báo trường kỳ  (02/06/2014 10:27:40)

Hành trình vào vùng chiến sự (01/04/2014 10:47:29)

Những trải nghiệm khi tác nghiệp tại Đông & Tây  (09/10/2013 10:22:21)

Phân xã TP. Hồ Chí Minh - xây dựng đội ngũ tinh gọn, chất lượng (09/10/2013 10:12:01)

Diễn đàn thu hút những ý kiến trí tuệ và nhiệt tâm (28/06/2012 10:53:01)

Cốt lõi vẫn là yếu tố con người (29/05/2012 14:01:30)

Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng phóng viên trong nước (29/05/2012 10:56:34)