Thứ ba, ngày 23/04/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Một năm làm quen với nghề, với ngành


(04/12/2014 09:51:25)

Gần một năm bước chân vào ngôi nhà Thông tấn, số bài học mà tôi có được trong suốt thời gian qua đã nhiều lên trong cuốn nhật ký cá nhân và sổ lưu sản phẩm. Tôi nghĩ, nếu đi hết cuộc đời với nghề báo thì sẽ có rất nhiều khoảnh khắc, sự kiện để nhớ; nhưng chắc chắn, trong ký ức tôi sẽ mãi in sâu khoảng thời gian "chân ướt chân ráo" làm quen với nghề, với ngành.

Những ngày đầu bỡ ngỡ

Sau hơn một tháng được học nghiệp vụ, được trang bị những kiến thức cơ bản để làm một phóng viên "3 trong 1" của TTXVN, mỗi thành viên của K27 chúng tôi được phân công về thường trú ở các tỉnh. Tôi được phân về xứ dừa Bến Tre.

Tin đầu tiên tôi được giao làm sản phẩm thông tin với cả ba loại hình: Viết tin, chụp ảnh và làm truyền hình. Sự kiện hôm ấy có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội, tham dự. Tôi đã lo lắng, mất ngủ, rồi "cầu cứu" đồng nghiệp Mai Hưng Thịnh: "Anh đi quay giúp em, em đi theo xem có gì em rút kinh nghiệm lần sau. Em sợ quá". Nhưng anh ấy thẳng thừng "Em tự đi đi, không sao đâu. Hồi anh mới về, anh cũng tự làm mà".

Bước vào hội trường, tôi toát mồ hôi. Ai cũng nhìn, tôi càng run. Tôi chả dám ngẩng đầu lên, cứ lẳng lặng chọn góc quay, quay rồi đọc tài liệu và lắng nghe phát biểu... Về, viết tin, dựng phim. Lúc đi học tôi nhớ mãi câu nói của thầy Vũ Quang Hào: "Viết tin chỉ cần tối đa 30 phút là xong". Thế nhưng, tôi loay hoay đến hơn một tiếng. Đầu ong ong, bụng đói, mắt hoa cả lên. Viết xong, lại run, chả dám gửi đi. Lại nhờ anh Hưng Thịnh đọc trước khi nộp cho Trưởng Cơ quan thường trú Phạm Văn Trí. Không ngờ đọc xong tin anh bảo "Không được rồi em ơi. Tin này em phải đưa phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội lên trước chứ". Thế là lại phải làm lại và nhờ anh ấy đọc lần nữa rồi mới dám nộp. Tin phát mạng và tôi được chấm 35 điểm. Tôi sẽ nhớ mãi sản phẩm thông tin này, không phải vì điểm số mà là bài học nghiệp vụ được người đồng nghiệp truyền lại.

Ở CQTT, tôi được giao phụ trách mảng tôn giáo. Dịp cuối năm, gần đến lễ Giáng sinh, sếp gợi ý đề tài: Đến nhà thờ Dòng Mến thánh giá Cái Mơn (huyện Chợ Lách) tìm hiểu việc chuẩn bị cho Giáng sinh.

Tôi không theo tôn giáo nào và trước giờ cũng ít đọc về tôn giáo. Trước khi đến đó, tôi lên mạng tìm hiểu về Nhà Dòng Mến thánh giá Cái Mơn, về cách xưng hô với các nhân vật mình sẽ gặp, những điều gì không được nói khi đến nơi đây... Chuẩn bị thế nhưng tôi vẫn không an tâm. Trước khi lên đường, tôi nói thật với Trưởng CQTT: Chú ơi, cháu run quá. Nếu cháu mà nói sai, người ta đánh giá phóng viên TTX mà thiếu hiểu biết, ảnh hưởng đến hình ảnh cơ quan.

Chú Trí động viên và khuyên tôi: Mình cứ nói trước rằng chưa đủ hiểu biết, thế còn hơn để người ta nhận ra điều đó. Đến đó, gặp các sơ, cháu cứ nói thẳng: Cháu mới về Bến Tre công tác, vừa được giao phụ trách lĩnh vực này nên có nhiều điều chưa biết hết. Cháu đến đây gặp các sơ vừa để viết bài vừa để học thêm.

Nhờ làm theo lời khuyên của Trưởng CQTT, tôi đã thiết lập được mối quan hệ với "các dì" ở nhà dòng, tìm được đề tài viết bài và làm phóng sự truyền hình: "Thầm lặng những tấm gương nhân ái".

Sau thời gian làm nghề, tôi nhận ra, những người làm biên tập có nhiều kinh nghiệm, có cái nhìn tổng thể, bao quát hơn và nắm rõ được định hướng thông tin. Cho nên, khi phóng viên thường trú và biên tập viên có sự trao đổi kịp thời về tin, bài thì phóng viên sẽ xử lý thông tin nhanh hơn. Và những phóng viên trẻ mới vào nghề như chúng tôi sẽ học hỏi được rất nhiều, tránh sa đà vào những sự kiện, vụ việc vụn vặt. Đây cũng là cách để chúng tôi đưa được những thông tin cần thiết một cách phù hợp, đúng ý đồ thông tin của cơ quan.

Những cuộc điện thoại ấm lòng

Một ngày, 12giờ 30 tôi mới về đến cơ quan, bụng đói, mắt hoa thì nghe điện thoại cơ quan đổ chuông: "Em có phải là Trần Thị Thu Hiền, phân xã Bến Tre không?". Nghe giọng Hà Nội từ đầu bên kia, tôi nghĩ, chắc là bài gửi có vấn đề rồi. 

"Anh là..., Ban tin Kinh tế đây em. Anh đã đọc bài của em gửi nên hỏi lại thông tin cho chính xác. Em là phóng viên mới đúng không?/ Ủa sao anh biết giỏi thế?/ Ừ, anh đọc bài là anh đoán ra. Viết bài này chắc em bỏ công đi nhiều lắm nhỉ?/ Dạ. Em mới về đây công tác được gần một tháng, chưa biết nhiều, nhưng nhờ đi viết bài này mà em đi được mấy nơi luôn anh ạ./Ừ, phóng viên trẻ đi nhiều như thế là tốt. Cần phát huy nhé".

Tưởng bị phê bình, hóa ra lại được khen, tôi vui quá.

Một hôm khác, tôi lại nhận cuộc điện thoại của anh Hoàng Đức Long (VNEWS, thầy giáo dạy truyền hình của chúng tôi). Ấy là trong chuyến tôi đi làm thông tin về hiện tượng khai thác cát trái phép, gây sạt lở đất vườn của người dân ở xã Sơn Định, huyện Chợ Lách. Dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị với chính quyền nhưng chẳng được hồi âm.

Buổi chiều, tôi được một người dân "giấu" trong nhà, đợi đêm đến sẽ đi quay. Trong lúc đợi, bỗng tôi thấy sợ nên gọi cho anh Đức Long, nhờ tư vấn. Anh bảo: "Thôi, em về đi, nguy hiểm lắm. Coi chừng bọn bảo kê nó đập máy, đập cả người đó. Về bàn với anh Hưng Thịnh, lên kế hoạch kỹ lưỡng rồi thực hiện". Nghe nói thế, tôi xanh mặt, tim đập loạn lên... chỉ muốn chạy về thôi. Nhưng rồi tôi vẫn ở lại.

Đêm đó chả nghe tiếng xáng cạp khai thác cát, tôi nghĩ "thế là được ngủ rồi". Nhưng đến 4 giờ sáng thì chú chủ nhà gọi dậy, đưa tôi qua sông để quay "tụi xáng cạp ầm ầm". Rồi chú gọi thêm những người dân trong ấp ra cho tôi phỏng vấn, ghi hình (ai cũng bất ngờ: Phóng viên Trung ương sao nhỏ thế?). Đang làm thì nghe người dân mách, tin có nhà báo quay phim lan ra rồi đó. Nhớ tới lời cảnh báo của anh Đức Long, tôi chạy một mạch về cơ quan, báo cáo sếp rồi quay lại phỏng vấn tiếp. Nhưng... chưa kịp làm thì những đối tượng khai thác cát trái phép đã bỏ chạy trước rồi. Dù sản phẩm không sử dụng được nhưng tôi vẫn thấy vui.

"Thế nào rồi em? Cái vụ khai thác cát trái phép sao không thấy gửi?/ Anh Long ơi, người dân điện thoại bảo em thế này: Từ cái hôm cháu về quay phim, mấy cái xà lan, xáng cạp chạy biến luôn, không quay lại nữa/ Đó, em thấy sự lợi hại của nhà báo chưa?".

Vẫn biết, còn nhiều khó khăn trên chặng đường công tác của những phóng viên trẻ chúng tôi. Nhưng giờ đây, sau những trải nghiệm, những kinh nghiệm đã tích lũy được trong thời gian qua, tôi đã tự tin hơn mỗi khi đi công tác.

Trần Thị Thu Hiền - CQTT TTXVN tại Bến Tre
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2014

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

“Đoảng như ba “chàng” phóng viên Đồng Tháp (31/10/2014 10:36:01)

Mảnh đất, con người An Giang thúc giục chúng tôi lên đường (05/09/2014 15:07:03)

Làm báo ở "trời Tây" (31/07/2014 09:43:43)

Khi phóng viên thường trú làm cầu nối cộng đồng (01/07/2014 10:46:28)

Phóng viên thường trú yêu ngành và mong ngành yêu mình (01/07/2014 10:38:57)

Vụ " MH -370" và những cuộc họp báo trường kỳ  (02/06/2014 10:27:40)

Hành trình vào vùng chiến sự (01/04/2014 10:47:29)

Những trải nghiệm khi tác nghiệp tại Đông & Tây  (09/10/2013 10:22:21)

Phân xã TP. Hồ Chí Minh - xây dựng đội ngũ tinh gọn, chất lượng (09/10/2013 10:12:01)

Diễn đàn thu hút những ý kiến trí tuệ và nhiệt tâm (28/06/2012 10:53:01)