Thứ sáu, ngày 10/05/2024

Sổ tay phóng viên

Lần đầu đến Trường Sa


(03/05/2013 10:08:42)

ChuýãƯn ẵỔi ẵỔõãưu tiẳàn ẵỔõãƯn võỪƠi TrặồõỪŨng Sa cõỪưa tẳƠi diõỪẦn ra trong hặân 10 ngẳ y võỪƠi hõãêi trẳểnh dẳ y ẵỔõãởc. Vẳ  tẳƠi thõãơy mẳểnh ẵỔẳê óẠƯbõỪÊi thỳẠŨ sau chuýãƯn cẳƠng tẳâc ẵỔõãởc biõỪẬt nẳ y.

Tác giả Lộc Phương Lan bên cột mốc chủ quyền ở đảo Phan Vinh

Vất vả...

Trường Sa Lớn là đảo đầu tiên chúng tôi đặt chân đến. Sau nghi lễ đón tiếp, chào cờ, thắp hương tưởng niệm tại đài liệt sỹ, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn công tác về hội trường gặp gỡ lãnh đạo, nhân dân và các chiến sỹ sống và làm việc ở đảo Trường Sa Lớn (thị trấn Trường Sa), thăm hỏi, động viên, trao quà tặng... Rồi trong cái nắng chói chang, anh em PV tỏa đi các nơi để tìm hiểu về cuộc sống, học tập và làm việc của quân dân trên đảo. Ai nấy miệt mài phỏng vấn, ghi chép, chụp ảnh, quay phim...

Ngoài đảo Trường Sa Lớn chúng tôi được ở lại khoảng 8 tiếng, còn những điểm đảo khác, mỗi đảo chỉ được ghé vào khoảng 2-3 tiếng, có đảo chỉ vỏn vẹn một tiếng đồng hồ, tính cả thời gian đi vào, đi ra. Đây là điều khó khăn với các PV trong quá trình tác nghiệp, bởi lẽ, khi đoàn đến, các cán bộ, chiến sỹ trên đảo bận rộn với việc tiếp đón, rồi ai cũng háo hức tham gia giao lưu văn nghệ, nên tranh thủ lắm, cánh nhà báo cũng chỉ có mươi phút hỏi đáp chớp nhoáng, quá ngắn ngủi để có thể hiểu đầy đủ về cuộc sống cũng như những tâm tư, nguyện vọng của anh em chiến sỹ.

Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt cũng ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tác nghiệp, nhất là các loại máy quay, máy ghi âm, máy ảnh thì bị "thử thách" ghê gớm. Có PV trong đoàn công tác, do sơ sẩy ngã xuống biển, nước biển tràn vào làm hỏng cả điện thoại, máy ghi âm, máy ảnh, mất hết dữ liệu trong máy. Có người đứng bên mạn tàu quay cảnh sóng to lúc biển động, bất ngờ một con sóng dâng cao quá mạn tàu, người và máy ướt hết... Không những thế, nhiều điểm đảo có địa thế hiểm trở, việc đưa xuồng cập đảo rất khó khăn, hoạt động tác nghiệp của PV phải vô cùng thận trọng.

Nữ PV Nguyễn Minh Phương của báo Tin Tức, cũng vừa trở về từ Trường Sa, chia sẻ: "Chuyến đi Trường Sa lần này đối với tôi là một trải nghiệm vô cùng mới mẻ và rất thú vị. Tôi từng đọc, từng nghe các anh, chị đồng nghiệp, những người đã đi Trường Sa về, kể chuyện rất nhiều, nhưng không gì sánh nổi những cảm xúc thực sự của tôi khi đặt chân đến Trường Sa. Mỗi bước đi trên vùng đảo thiêng liêng của Tổ quốc, sao gần gũi, thân thương đến thế. Đặc biệt khi tiếp xúc, trò chuyện với các chiến sỹ trên đảo, tôi càng khâm phục bản lĩnh, sự kiên cường của các anh. Trước đây, mỗi khi công việc bận rộn, tôi thường kêu than, chán nản, nhưng bây giờ tôi tự nhận thấy, những vất vả mà tôi gặp phải không thấm vào đâu so với những khó khăn mà các chiến sỹ làm nhiệm vụ trên đảo phải chịu đựng. Tôi tự nhủ với lòng mình, từ nay về sau, dù được giao nhiệm vụ gì, khó khăn đến mấy cũng không phàn nàn và sẽ cố gắng hoàn thành thật tốt".

 

Tôi còn nhớ, điểm đảo cuối cùng trong hành trình thăm tuyến đảo phía Nam của đoàn công tác là An Bang. Do đảo có hình nấm, sóng đánh mạnh từ hai phía, xuồng rất khó vào. Trước khi tàu thả neo, chuẩn bị xuồng đưa đoàn vào đảo, một số anh em trên tàu khuyên tôi: Lan đừng vào An Bang nhé, nguy hiểm lắm! Tôi hỏi lý do, các anh nói nhỏ: Biển sắp có dông, sóng to lắm, sáng nay có xuồng vào An Bang bị sóng đánh chìm đấy. Biết vậy, nhưng tôi vẫn kiên quyết đi. Không can được tôi, các anh dặn, nhớ cho điện thoại, máy ảnh, máy ghi âm và sổ sách vào túi ni lông, nếu không sẽ ngấm nước biển, ướt và hỏng hết. Thế rồi, người thì chúc chúng tôi may mắn, người lại chạy đi tìm túi ni lông để chúng tôi bảo vệ "đồ nghề".

Và đúng như lời các anh cảnh báo, chuyến vào đảo thật vất vả, xuồng của chúng tôi bị sóng lớn tràn vào, ai nấy ướt sũng. Cũng may, đã được nhắc nhở nên chúng tôi vẫn bảo vệ được phương tiện tác nghiệp... Cho đến giờ, tôi vẫn không quên được cảnh các chiến sỹ trên đảo An Bang lao ra giữa cơn sóng dữ, kéo xuồng vào bờ, rồi lại gắng sức đẩy xuồng ra... Họ đúng là những thành viên của "đội cảm tử An Bang" - cái tên lính đảo Trường Sa đặt cho.

 

Viếng tượng đài Liệt sĩ Trường Sa ở đảo Trường Sa lớn

... Nhưng được thật nhiều

Chuyến đi thế nào? Có vất vả không? Viết được nhiều bài không? - Đó là những câu hỏi mà chúng tôi thường gặp khi trở về từ Trường Sa. Thu hoạch được gì, hiệu quả chuyến công tác thế nào là điều mà nhiều người quan tâm. Có thể nói ngay rằng, dù tác nghiệp trong điều kiện không thuận lợi nhưng chúng tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao, PV nào cũng sẽ có những sản phẩm thông tin tốt về biển đảo.

Tuy nhiên, với riêng tôi, cái được lớn nhất trong chuyến đi Trường Sa lần này không phải là số lượng bài viết. Mà cái được lớn nhất là tôi đã được đặt chân đến Trường Sa, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Được đứng chào cờ, cất tiếng hát Quốc ca ngay dưới cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa...

Cũng nhờ chuyến đi này, tôi đã hiểu rõ hơn về đảo chìm, đảo nổi, về nhà giàn DK1, những cụm từ trước đây đã được nghe nhiều, tưởng là đã hiểu, nhưng chỉ khi đặt chân đến đảo mới cảm nhận được thật rõ nét, sống động. Và cũng chỉ khi đặt chân đến đảo, mới cảm nhận hết sự khắc nghiệt của thiên nhiên, của cuộc sống những người canh giữ biển đảo cho đất nước. Nơi đảo xa này, nếu không phải mưa bão, thì lại là nắng cháy da, cháy thịt, rồi cuộc sống thiếu thốn tình cảm do phải xa gia đình, xa vợ con... Nhưng trong điều kiện khó khăn, gian khổ như thế, các chiến sỹ hải quân vẫn anh dũng, kiên cường, vững vàng tay súng để bảo vệ chủ quyền vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc...

Và tôi đã ngộ ra sự may mắn của bản thân, rằng những khó khăn mà mình đã từng gặp trong cuộc sống không thấm tháp gì so với những gian lao, nhọc nhằn, mà các chiến sỹ ở Trường Sa đang phải gánh chịu. Cũng từ đây, tôi thấy mình cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong mỗi công việc được giao, cũng thấy mình cần sống tốt hơn nữa, có trách nhiệm hơn nữa với xã hội, với cộng đồng, có trách nhiệm hơn trong việc tuyên truyền về biển đảo, cho nhiều người hiểu thêm về vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tích cực tham gia phong trào vận động đóng góp để xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Lộc Phương Lan
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2013