Thứ sáu, ngày 10/05/2024

Sổ tay phóng viên

Đi thường trú-cơ hội để phóng viên trẻ trưởng thành


(07/02/2013 09:59:10)

Hai mươi ba tuổi, được làm việc trong hãng Thông tấn quốc gia là điều may mắn với tôi. Sau hơn một năm trải nghề tại Phân xã Nam Định, cũng như những bạn bè, đồng nghiệp cùng khóa K25, tôi đã thấy mình tự tin, trưởng thành hơn rất nhiều cả về kiến thức lẫn kinh nghiệm trong thực tế làm việc - những điều không có trường nào dạy.

Một buổi họp giao ban thông tin đầu tuần tại PX Nam Định (tác giả ngồi giữa)

Hẳn ai cũng nghĩ được về công tác tại chính quê hương mình là "nhất". Kể cũng không sai. Nhưng với cá nhân tôi thì lại không hẳn là toàn cái được. Tôi cảm thấy có áp lực, bởi chính trên mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, giờ tôi phải đứng trên một phương diện khác, một góc nhìn khác - góc độ của công việc, để soi chiếu.

Mười hai năm phổ thông cắm cúi đến trường rồi về nhà, bốn năm đại học chỉ tranh thủ cuối tuần về thăm gia đình; vì vậy, khi về nhận công tác, ngoài vài con đường trong thành phố Nam Định nhỏ bé thì tôi cũng bỡ ngỡ gần như những bạn đồng nghiệp từ nơi khác đến. Không thông thuộc địa bàn nên mỗi lần đi huyện, xã nào làm việc tôi đều phải hỏi thăm, chuyện lạc đường là... cực kì bình thường. Tất cả với tôi cũng không khác gì những anh chị và các bạn khác trong K25 được đi phân xã: Bắt đầu từ chỗ "mới tinh".

Và thế là nhiều khó khăn ào đến, từ việc thiết lập mối quan hệ với các cơ quan, cơ sở tại địa phương, tìm đề tài, tiếp cận và xử lý nguồn tin như thế nào cho hiệu quả, hợp lý, tới sự lo lắng để đạt và cố gắng vượt định mức được giao của Ban BT tin Trong nước mà vẫn phải đảm bảo tôn chỉ "Nhanh - đúng - trúng - hay" của hãng thông tấn quốc gia. Đối với một phóng viên nữ còn non tuổi đời và tuổi nghề như tôi, những ngày đầu tiên đó quả thực... khá hoang mang. Thật may là có sự chỉ bảo của Trưởng phân xã, của các anh, chị đi trước, vừa "mách" cho kinh nghiệm làm việc, vừa động viên phải xông xáo, tự tin nên mọi thứ cũng dần đi vào quỹ đạo.

Khi đã quen hơn với công việc và cách thức tác nghiệp, tôi nhận thấy bên cạnh những vất vả thì cái "được" của mình cũng không hề ít: Được rèn luyện tác phong, kĩ năng làm việc trong môi trường báo chí, cách xử lý thông tin nhanh và hiệu quả; được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người với những hiểu biết và vị trí xã hội khác nhau, giúp tôi tích lũy vốn sống và sự tự tin trong giao tiếp...

Đợt bão số 8 đi qua Nam Định hồi tháng 10/2012 chính là kỉ niệm đáng nhớ nhất trong hơn một năm làm phóng viên của tôi. Từ chập tối, toàn thành phố và các huyện đã mất điện, ngoài trời mưa to, gió thổi "bay người". Rồi xảy ra sự cố tháp truyền hình đổ. Sau khi đi tìm hiểu, thu thập thông tin, anh Trường, Trưởng phân xã, gọi điện cho tôi nhờ đánh máy tin của anh để đảm bảo nộp về tổng xã ngay trong đêm, vì văn phòng cơ quan mất điện, D-Com 3G dùng mạng Viettel lại không hoạt động được. Lúc đó đã hơn 1 giờ sáng, hai anh em thắp nến làm việc trong tình trạng phập phù sóng yếu và nguồn pin gần cạn của điện thoại...

Thời điểm này, sau hơn một năm nhìn lại, thực sự tôi đã thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Đi nhiều hơn, viết nhiều hơn, được trải nghiệm nhiều hơn, tôi ngày càng cảm nhận được ý nghĩa, niềm vui mà công việc mang lại - niềm vui của những người phóng viên trẻ thường trú ở địa phương. 

Hiền Hạnh
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2013