Thứ sáu, ngày 10/05/2024

Sổ tay phóng viên

Tác nghiệp ở Trường Sa


(05/04/2013 11:44:35)

Tác nghiệp ở Trường Sa. Đó không chỉ là vinh dự mà còn là may mắn đối với mỗi PV, bởi trong đời làm báo, không phải ai cũng có cơ hội đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi.

 

Nhà báo Lê Huyền (thứ hai bên trái) cùng các đồng nghiệp TTXVN trò chuyện với Thượng tọa Thích Tâm Hiện, một trong những chư tăng đầu tiên ra hành đạo ở Trường Sa

Chính vì vậy, ngay khi biết tin được tham gia chuyến công tác Trường Sa của đoàn cán bộ TTXVN tháng 4/2012 do Phó Tổng giám đốc (PTGĐ) Ngô Hà Thái làm trưởng đoàn, tôi đã nghĩ: Sẽ chẳng có kết quả nào, thắng lợi nào, thậm chí chẳng chuyến đi nào, có thể so sánh bằng hành trình đến với Trường Sa. Và, quả thật, chuyến đi đã mang lại cho tôi cũng như tất cả các thành viên trong đoàn những ấn tượng và kỷ niệm khó phai.

Mặc dù đã gần hai chục năm gắn bó với nghề, từng tác nghiệp ở nhiều địa bàn, nhiều hoàn cảnh, nhưng với tôi, việc tác nghiệp ở Trường Sa gắn liền với cảm xúc thật đặc biệt. Dễ mà không dễ!

Điểm không "dễ" đầu tiên mà bất cứ PV nào khi bước chân lên tàu đều phải sẵn sàng đối mặt. Đó là... say sóng! Các thủy thủ cũng như những PV đi trước đã cảnh báo chúng tôi về say sóng biển, thứ mà cánh nam giới còn phải liêu xiêu, khó đỡ, huống chi là nữ (đã thế tôi và chị Tuyết Nhung, Ban Thế giới, lại còn thấp bé nhất trong cánh chị em trên tàu). Đã say sóng thì biết tác nghiệp kiểu gì? Vì thế, đề phòng say sóng có thể đến bất cứ lúc nào, ngay khi tàu khởi hành, tôi đã lân la làm quen với các nhà sư trong chuyến đi đầu tiên ra trụ trì chùa ở Trường Sa để phỏng vấn, lấy trước tư liệu... Không chỉ tôi, một số PV khác cũng tranh thủ tận dụng cơ hội chưa say sóng để thu thập một số thông tin làm vốn dự phòng... Rất may, chuyến đi đó biển yên sóng lặng.

 Vấn đề tiếp theo đối với PV Trường Sa là xử lý cảm xúc và tư liệu. PV nào lần đầu đến với Trường Sa cũng đều có một cảm xúc thiêng liêng khi được đặt chân tới vùng chủ quyền của đất nước giữa bốn bề sóng gió. Mặc dù đã được nghe nhiều, xem nhiều và đọc nhiều về Trường Sa, nhưng với cánh PV, mọi thứ khi được mắt thấy tai nghe sẽ là những điều mới lạ. Bởi vậy đề tài để viết sẽ phong phú vô cùng.

Ấy vậy nhưng cái "khó" lại cũng chính ở cảm xúc và nguồn đề tài phong phú! Mới nghe, tưởng chừng điều này mâu thuẫn, nhưng thực tế đúng là như vậy. Cảm xúc khi đến với Trường Sa lạ lắm. Đó là khi khái niệm "đất nước" được hiện hữu bằng xúc cảm khi bắt đầu bước chân lên tàu và chứng kiến nghi lễ tiễn đưa của Hải quân và nghe tiếng còi tàu chào đất liền. Lòng bỗng rưng rưng khi lần đầu tiên nhìn thấy đảo của ta mờ mờ xuất hiện giữa đại dương. Tôi nhớ sau hơn một ngày đêm lênh đênh giữa đại dương, có ai đó reo lên: "Đảo kìa, Song Tử Tây đấy"! Tất cả mọi người đều dồn về một bên tàu và im lặng hướng về phía đảo, như hướng về Tổ quốc- người thân đã lâu ngày gặp lại.... Mỗi lần đến với một hòn đảo, dù là đảo chìm, đảo nổi hay nhà giàn là lặp lại một cảm xúc vẹn nguyên, như lần đầu nhìn thấy Tổ quốc từ biển khơi.

Tôi cũng không quên cảm giác vừa ấm ức, vừa nghẹn ngào khi mờ sáng, tàu đến gần Nhà giàn DK1 thì trời đổ mưa. Nhìn các chiến sĩ hải quân vẫy cờ Tổ quốc chào từ đằng xa mà nghẹn ngào, chỉ lo trời mưa sẽ không lên được. Chúng tôi đã nghe kể về những chuyến đi, do mưa và thời tiết khắc nghiệt, xuồng nhỏ không thể đến Nhà giàn nên tàu đành đi qua, người trên tàu, người trên Nhà giàn chỉ biết vẫy tay, vẫy cờ chào nhau. Các chiến sĩ mong tàu như mong người thân. Giữa đại dương, gặp một con tàu đi qua đã là khó, huống gì được bắt tay, được gặp gỡ với "đất liền". Bởi vậy, cả tàu đã reo vui, xốn xang khi mưa dứt. Còn nhớ, tôi và Tuyết Nhung đã cuống cuồng khi không thấy tên hai chị em trong danh sách ra Nhà giàn (vì chỉ ưu tiên cho một số nam giới và diễn viên). Cả hai vẫn nai nịt gọn gàng, nì nèo "xin" xuống xuồng bằng được. Giữa lúc "ban tổ chức" đang lưỡng lự vì ái ngại cho hai chị em nhỏ bé, PTGĐ Ngô Hà Thái, khi đó đang ở dưới xuồng, cứu nguy bằng cách giục giã: "Xuống đi! Xuống đi!", thế là hai chị em vơ vội cái áo phao bên cạnh, khoác bừa lên người rồi nhảy xuống. Trong đời, tôi sợ nhất là độ cao. Ấy vậy mà với Nhà giàn DK1, cao và chênh vênh đến mấy tôi cũng không sợ, cứ nhắm tịt mắt mà leo lên, miễn là chạm tay được vào Nhà giàn, được gặp gỡ với các chiến sĩ trên ấy...

Vậy đấy, mới chỉ nhớ lại thôi mà muốn viết bao nhiêu cũng không đủ, huống chi là khi tác nghiệp tại chỗ. Chính những cảm xúc đầy ắp đó đã thôi thúc người PV cầm bút viết, nhưng lại rất khó đặt bút. Cái khó là viết gì để không lặp lại những cảm xúc vốn dĩ đã rất giống nhau của tất cả PV Trường Sa. Giữa bộn bề nguồn tư liệu sống, ăm ắp cảm xúc thiêng liêng, làm sao có thể viết khác, viết lạ, viết trung thực, không lặp lại những người đi trước và quan trọng hơn cả là không lặp lại lối mòn của chính mình.

Ở Trường Sa, tìm ý tưởng, kiểm soát cảm xúc để viết bài sao cho chân thực và hấp dẫn đã khó, việc gửi bài về đất liền cũng không dễ dàng gì. Mỗi khi đặt chân lên đảo, cánh PV lại tỏa đi tác nghiệp cấp tốc, nhất là ở đảo chìm và nhà giàn bởi thời gian lưu lại, chỉ là một vài tiếng. Cũng chính trong thời gian cập đảo, PV phải nhanh chóng gửi tin, bài về đất liền vì chỉ trên đảo mới có sóng điện thoại, internet, khi tàu nhổ neo là bị mất toàn bộ liên lạc. Thời gian lênh đênh trên biển để tới các đảo được tính bằng ngày đêm, có khi là vài ngày, bởi vậy việc viết tin, bài phải được hoàn tất cấp tốc và gửi kịp ngay trước khi tàu nhổ neo, nếu không sẽ mất tính thời sự. Chính vì vậy, tác nghiệp ở Trường Sa vừa cần tính độc lập để cơ động và nhanh nhạy, nhưng lại không thể thiếu sự tương trợ giữa các đồng nghiệp với nhau.

Tôi còn nhớ cái cảm giác "dựng tóc gáy" vì sợ không đủ thời gian khi ngồi lom khom trên giường tầng, bập bềnh theo nhịp sóng để viết bài "Tiếng chuông chùa nơi đầu sóng ngọn gió", viết về buổi hành lễ đầu tiên ở Trường Sa theo gợi ý của PTGĐ Ngô Hà Thái. Thời gian viết bài phải rất nhanh, vì khoảng cách từ đảo Song Tử Tây tới đảo kế tiếp rất ngắn. Khi đó đã là chiều muộn, chúng tôi chỉ có thể gửi bài về đất liền trong khoảng thời gian vài chục phút, khi tàu tới đảo, internet chập chờn. Khi đó, Trưởng Phòng điều độ Nguyễn Văn Tiếp (Ban Thư ký biên tập) đã "hy sinh", không lên đảo Đá Nam để cùng tôi ở lại tàu soát lại bài và gửi về đất liền. Máy tính trục trặc, tôi lo lắng, cuống quít đi loanh quanh mà không dám nhìn vào máy tính. Chỉ cần rớt mạng là bao nhiêu công đổ bể hết, nếu bài không kịp "đi" tối nay, ngày mai tàu mới đến đảo, mới có mạng, thì bài không còn giá trị thời sự nữa. Tôi đứng tim khi tàu bắt đầu khởi hành (có nghĩa là hết mạng), thì Tiếp hô "Xong!". Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Và việc đầu tiên khi PTGĐ Ngô Hà Thái trở về tàu gặp chúng tôi là hỏi: "Xong chưa?". Ngày hôm sau, khi tới đảo kế tiếp, mấy anh em hỉ hả vui mừng vì bài viết đã được nhiều báo sử dụng. Khi đó, duy nhất TTXVN có bài về buổi hành lễ đầu tiên ở Song Tử Tây ngay trong ngày, các báo khác chỉ kịp gửi tin. Sẽ không thể có được kết quả ấy nếu như không có sự tương trợ của anh em trong đoàn.

Suốt cả hành trình sau đó, toàn bộ thành viên trong đoàn TTXVN đều hỗ trợ nhau từ ý tưởng, chụp ảnh, phỏng vấn, quay hình và lấy tài liệu. Đó cũng chính là bài học bổ ích khi tác nghiệp ở Trường Sa. Một bài viết sẽ chỉ "nóng" và có hiệu quả khi viết ngay tức thì bằng cảm xúc, bằng nhiệt huyết nghề nghiệp cũng như có sự phối hợp của đồng nghiệp. 

Lê Huyền
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2013