Thứ năm, ngày 25/04/2024

Sổ tay phóng viên

Lắng đọng tiếng sóng Trường Sa


(25/02/2016 15:01:45)

Những ngày đầu tháng 1/2016, nhóm phóng viên TTXVN vinh dự được tham gia đoàn công tác chúc Tết Bính Thân, động viên quân dân khu vực quần đảo Trường Sa. Chuyến đi lần đầu đến Trường Sa với 5 anh em chúng tôi (Trung Dũng - Ban biên tập tin Thế giới; Văn Hoàng - báo Tin Tức; Quốc Khánh - Ban biên tập Ảnh; Hữu Trung - Cơ quan thường trú Quảng Nam; Huy Thông - báo Thể thao & Văn hóa) đầy cảm xúc và ý nghĩa.

Nhà báo Trung Dũng trên đảo Đá Lớn A, tháng 1/2016

 

 

Từ khi tiếp xúc với nghề báo, tôi luôn canh cánh trong lòng câu nói "cuộc đời là những chuyến đi", nên mỗi chặng đường đã qua là thêm một sự trải nghiệm, thêm một điều mới học hỏi từ thực tiễn cuộc sống, thêm một bài học để rèn tay bút, tay máy. Đã từ lâu, tôi mong ước được một lần đến với Trường Sa, "đi để cảm" thực sự những gì đã gắn bó với tuổi thơ qua từng lời hát và trang báo, đi để tận mắt chứng kiến những gì mà mình đã nhiều đêm trăn trở, khi viết luận văn tốt nghiệp đại học chuyên ngành về "Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý".

Sau này khi vào ngành thông tấn, được làm việc, tiếp xúc nhiều trong "môi trường tài liệu tham khảo đặc biệt", qua thực tiễn công tác phóng viên ở cơ quan thường trú Paris (nơi có nhiều nguồn sử liệu, bản đồ quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa và Trường Sa); nghiên cứu nhiều nguồn thông tin, tư liệu nước ngoài; nhìn nhận về chủ quyền đất nước trong tổng thể các yếu tố địa chính trị, luật pháp quốc tế, kinh tế, an ninh-quốc phòng, tôi càng nhận thức sâu sắc hơn về quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Lời người thầy hướng dẫn luận văn của tôi cả tiếng Pháp và tiếng Việt, một chuyên gia hàng đầu về luật biển ở Việt Nam, Tiến sĩ N.H.T (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, hiện là Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài) vẫn luôn trong tâm trí tôi: "Hoàng Sa, Trường Sa là vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Cuộc đấu tranh giữ vững chủ quyền biển đảo chắc chắn còn lâu dài, cả đời thầy, đời các em và đời con cháu chúng ta nữa. Nơi nào đã thuộc về chủ quyền lãnh thổ thì không thể tách rời, không thể nhân nhượng".

Còn nhớ năm 2011, khi các sự cố trên biển liên tục diễn ra như vụ cắt cáp tàu Bình Minh 2, tôi đang thường trú ở Pháp. Các cuộc tuần hành, phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền lãnh thổ diễn ra vào dịp cuối tuần trên Quảng trường Trocadéro, đối diện với tháp Eiffel, được mệnh danh là Quảng trường vì nhân quyền, tự do và hòa bình. Cờ đỏ, sao vàng rợp bóng cùng những tiếng hô vang "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", "Phản đối hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam" đã làm lay động biết bao con tim, thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn bè Pháp.

Ký ức hơn 7 năm làm phóng viên thường trú TTXVN tại Pháp với những kỷ niệm khó quên trong các hoạt động đa dạng nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam của bà con Việt kiều, bạn bè quốc tế, vẫn đong đầy cảm xúc trong tôi trong chuyến công tác ra Trường Sa lần này.

 

Nhà báo nữ đến từ đất liền hỗ trợ lính đảo chuẩn bị bữa cơm chiều
Từ quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), sau hơn hai ngày hai đêm lênh đênh trên biển, tôi đã cập bến đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa. Bước chân lên đảo, đôi mắt có phần cay cay khi chứng kiến Chỉ huy trưởng Đảo Đá Lớn, Đại úy Vũ Đức Quỳnh; Chính trị viên Đảo Đá Lớn, Đại úy Đặng Quốc Hiếu, cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo đứng nghiêm, chào theo điều lệnh, đón đoàn công tác do Thượng tá Đào Giang Hải, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146-Vùng 4 Hải quân làm trưởng đoàn. Chỉ khi tới đây, những cảm xúc mới thực sự trào dâng, không thể nói nên lời. Chuỗi cảm xúc kết nối những hoạt động bảo vệ chủ quyền biển đảo những ngày ở Pháp với cảm nhận rõ nét về ý nghĩa thiêng liêng khi đặt chân lên vùng biển đảo quê hương, với ngọn cờ Tổ quốc phần phật bay trong nắng gió Trường Sa, bên cạnh người chiến sĩ Hải quân rắn rỏi, nắm chắc tay súng, đã hòa trong tôi làm một, chỉ gói gọn một từ: Xúc động!

Trong những ngày cả nước tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 86 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mừng xuân Bính Thân và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, những quà tặng đầy ý nghĩa từ đất liền của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Vùng 4 Hải quân và nhân dân cả nước khiến cho không khí đón mừng các sự kiện trọng đại của đất nước và đón Xuân của cán bộ, chiến sĩ Đảo Đá Lớn thêm rộn ràng và nhiều ý nghĩa. "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua", lời chúc Tết năm nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hiển hiện trong tâm trí chúng tôi và các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương.

Giờ đây, tôi đã có thể trả lời câu hỏi của Giáo sư Monique Chemillier-Gendreau bên lề một cuộc hội thảo về Biển Đông tại Pháp: "Là nhà báo, chắc hẳn phải đi nhiều, bạn đã đến quần đảo Trường Sa chưa?" Câu hỏi như một món nợ mà cho đến giờ thực sự tôi mới có lời giải. Rồi đây, khi trở về đất liền, tôi sẽ mang những gì tận mắt chứng kiến về niềm tin và sự quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc để kể cho Giáo sư Monique Chemillier-Gendreau và bạn bè Pháp một lòng yêu mến Việt Nam biết, để họ càng thêm yêu, thêm nhiệt huyết với Việt Nam.
Những con sóng chủ quyền của Việt Nam ở Trường Sa vẫn đêm ngày vỗ nhịp, lúc thì thầm lặng lẽ như lời nhắn nhủ, lúc sôi nổi, ồn ào như giục giã, sẽ giúp tôi mang theo niềm tin và hơi thở từ vùng biển đảo quê hương này, biến chúng thành những "tiếng sóng ở trong lòng" đến với bạn bè quốc tế nặng tình với Việt Nam, ở những nơi mà tôi sẽ có điều kiện đi qua...

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2016