Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Sổ tay phóng viên

Tìm chim, kiếm voọc giữa biển trời Bắc bộ


(12/01/2016 11:08:27)

Nhận nhiệm vụ phóng viên ảnh thường trú tại thành phố Hải Phòng và các tỉnh duyên hải Bắc bộ, tôi đã có cơ hội tận mắt nhìn thấy những động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng, được xếp hạng nguy cấp trong Sách Đỏ quốc tế như: Voọc Cát Bà, Cò mỏ thìa, Cò lạo Ấn độ… và những trải nghiệm thực sự thú vị suốt hành trình ghi lại hình ảnh về động vật hoang dã.

Muốn “săn chim” ở Vườn quốc gia Xuân Thuỷ phải qua sông bằng chiếc bè xốp mỏng manh

 
“Săn chim” ở vườn quốc gia Xuân Thủy
Ý tưởng về một bộ ảnh chụp thiên nhiên, môi trường tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định) đã được hình thành từ khi tôi nhận quyết định đi công tác thường trú. Mọi thông tin, địa chỉ liên hệ đều đã được tôi tìm hiểu kỹ. Hình dung và thực tế đôi khi có khoảng cách rất xa. Nghĩ rằng rất đơn giản là vác máy đi và chụp, nhưng khi vào cuộc, mới thấy “săn chim” cũng lắm gian nan.
Hoang mang là cảm giác đầu tiên khi đặt chân đến Vườn quốc gia Xuân Thủy. Những ao đầm mênh mông, những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn hiện ra trước mắt, nhưng lại không thấy bóng dáng những loài cò quý. Trên địa bàn rộng hơn 14.000 ha cả vùng lõi và vùng đệm, tôi sẽ phải đi tìm cho được loài Cò mỏ thìa, một trong những loài có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong Sách Đỏ quốc tế. Cò mỏ thìa có tập tính sinh hoạt không cố định, vào dịp đầu đông chúng di cư từ phương Bắc đến Vườn Xuân Thủy kiếm ăn và chỉ xuất hiện khoảng 40 cá thể.
Thường là cuối tháng 12 hàng năm, Vườn quốc gia Xuân Thủy sẽ “đón” Cò mỏ thìa về nhiều. Thế nhưng, cán bộ Vườn cho biết, năm nay chưa ghi nhận cá thể cò nào. Những tưởng phải bỏ cuộc, nhưng thật may mắn khi đến ngày thứ ba, tôi nhận được cú điện thoại của một người dân thông báo có khoảng 20 cá thể Cò đang kiếm ăn trên đầm tôm.
Mừng không kể xiết! Mượn được chiếc xe máy của cán bộ kiểm lâm, tôi phi thẳng về phía những đầm tôm. Bờ đầm tôm dài và ngoắt ngoéo, có khi phải băng qua những con sông nhỏ. Người dân thấy phóng viên máy móc lỉnh kỉnh, thương tình lại kéo bè cho sang nhờ. Gọi là bè, nhưng thực ra đó chỉ là mảnh xốp nhỏ, buộc vào sợi dây thừng để qua sông (ảnh).
Những cá thể Cò mỏ thìa hiện ra cách tôi khoảng 300m, trông chúng chỉ là những đốm trắng mờ nhạt. Hai tay cầm máy ảnh, tôi lom khom luồn lách giữa những bụi cỏ lau. Anh Dần, cán bộ kiểm lâm, luôn nhắc tôi rằng các loại chim đều rất thính, chỉ một tiếng động nhỏ cũng lập tức khiến chúng bay đi và mọi sự nỗ lực sẽ là uổng công. Tôi bò, trườn như một chiến sĩ đặc công, không dám thở mạnh, cho đến khi khoảng cách với lũ cò gần nhất có thể là khoảng 100m. Không thể đến gần hơn, tôi khẽ đặt máy sau những bụi cỏ may và nhìn ngắm đàn cò. Hai mươi mốt con cò bình thản đậu trên mặt nước của đầm tôm, thỉnh thoảng có con rỉa lông, rũ mình làm tung bọt nước trắng xóa. Dường như chúng đang nghỉ ngơi sau một chặng đường xa. Tôi bấm máy liên tục, không dám rời mắt khỏi chiếc máy ảnh vì biết chỉ cần lơ là vài giây, đàn chim sẽ đập cánh bay đi. Ở khoảng cách này và với chiếc ống kính tiêu cự 300mm và khẩu nối TCx1.4, tôi vẫn chưa thể ghi lại những hình ảnh chi tiết nhất. Dù vậy, tôi cũng đã có những hình ảnh đầu tiên về loại chim quý hiếm này.
Cò mỏ thìa - loài chim được xếp hạng nguy cấp trong Sách Đỏ quốc tế
Tạm bằng lòng với những tấm hình về cò, tôi được cán bộ Vườn quốc gia Xuân Thủy giới thiệu đến những khu vực khác với nhiều loài chim phổ biến hơn. “Đặc sản” của Vườn Xuân Thủy có lẽ là Vịt trời. Khi nắng chiều buông xuống, cảnh tượng hàng chục nghìn con Vịt trời đập cánh bay lên khỏi mặt nước khiến tôi nao lòng.
 
Tìm voọc trên vịnh Lan Hạ
Nếu tìm chim giữa biển trời mênh mông đã khó, thì để gặp những chú Voọc giữa hơn 10.000 ha của Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng) lại càng không đơn giản. Voọc Cát Bà là động vật được xếp vào danh sách cực kỳ nguy cấp trong Sách Đỏ quốc tế, một trong 10 loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới và là loài linh trưởng hiếm nhất châu Á. Loài linh trưởng đặc hữu này không có ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, chỉ còn tồn tại ở quần đảo Cát Bà. Chính vì vậy công tác bảo tồn và phát triển đàn Voọc, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Theo thống kê, đến đầu năm 2015, chỉ có khoảng 64 cá thể Voọc đang sinh sống rải rác trên khoảng 400 hòn đảo lớn nhỏ, với diện tích khoảng trên 5000 ha mặt nước. Việc nhìn thấy và tiếp cận những chú Voọc Cát Bà là đặc biệt khó khăn do sinh cảnh sống chủ yếu là rừng trên núi đá vôi, địa hình vô cùng hiểm trở, lại nằm cách biệt trên mặt biển. Cách duy nhất để có thể quan sát chúng là đi thuyền dọc các đảo trên Vịnh Lan Hạ và… chờ đợi sự may mắn.
Voọc Cát Bà - loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.
Anh Mai Sỹ Luân, cán bộ Dự án bảo tồn Voọc chia sẻ, muốn quan sát và chụp ảnh đàn Voọc thường phải đi từ sáng sớm do đặc tính của Voọc thường ra ngoài kiếm ăn vào buổi sáng và trở về hang vào buổi trưa. Vậy là 4 giờ sáng, trong cái lạnh tê tái của mùa đông, tôi và anh Luân cùng một cán bộ kiểm lâm khởi hành từ bến Bèo. Thuyền chạy khoảng 30 phút là ra đến khu vực Cửa Đông. Giữa muôn trùng sóng nước và những dãy đảo nhấp nhô, tôi căng mắt nhìn lên những tảng đá, lùm cây ở độ cao vài trăm mét. Thuyền lững thững trôi từ đảo này đến đảo khác, ba tiếng đồng hồ trôi qua mà chưa thấy bóng dáng nào của Voọc.
 Khi mặt trời đã lên cao, cả đoàn định chuyển hướng đi Giỏ Cùng thì bất ngờ những chú Voọc đầu tiên đã xuất hiện. Một con Voọc khoảng ba tuổi, đầu đỏ thân đen đang di chuyển trên những vách đá dựng đứng. Tiếp sau đó là những cá thể khác lần lượt xuất hiện, chúng phơi nắng trên một tảng đá lưng chừng núi. Đáng chú ý là trong đàn Voọc khoảng 15 cá thể này có đến 3 cá thể Voọc con. Những cá thể Voọc non có màu vàng cam rất bắt mắt, sau khi trưởng thành lông chúng dần chuyển sang màu đen. Những con Voọc mẹ vừa ôm con vừa di chuyển thoăn thoắt trên những vách đá, hay cheo leo trên những ngọn cây hái lá, kiếm ăn. Tôi bấm máy nhiều nhất có thể…
Chụp Voọc quả là không đơn giản, bởi những dãy núi quá cao, trong khi sóng biển làm chiếc thuyền rung, lắc liên tục. Theo cán bộ dự án bảo tồn Voọc, tôi rất may mắn khi lần đầu ra vịnh đã gặp Voọc, trước đây nhiều đoàn phóng viên đi cả tuần lễ mà không có cơ duyên này. Quả thực hai ngày liên tiếp sau đó tôi quay lại thì đều phải ra về tay trắng vì không gặp cá thể nào. Việc được thấy tận mắt những cá thể Voọc và ghi lại hình ảnh của chúng đã mang lại cho tôi niềm phấn khích vô cùng.

Theo Nội san Thông tấn, số 12/2015