Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Tin tức sự kiện và kỷ niệm

Một thập kỷ tôn vinh những tình yêu Hà Nội


(01/09/2017 09:47:30)

Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức từ năm 2008. Mười năm, khoảng thời gian đủ dài để khẳng định sự thành công của giải, không chỉ thể hiện tình yêu, trách nhiệm với Hà Nội mà còn thể hiện uy tín của tờ báo vốn đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng độc giả.

Tổng giám đốc Nguyễn Đức Lợi trao Giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội năm 2017 cho Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, đại diện chính quyền thành phố với việc xây dựng Phố đi bộ khu vực Hồ Gươm


Vào một ngày giữa năm 2008, nhà văn Nguyễn Thu Thủy (nay là Giám đốc Công ty sách Limbooks), khi đó là cộng tác viên của báo Thể thao & Văn hóa, sau cuộc phỏng vấn họa sỹ Bùi Thanh Phương, con trai danh họa Bùi Xuân Phái, có kể lại với chúng tôi rằng: Gia đình cụ Phái muốn gửi lập một giải thưởng nho nhỏ tôn vinh danh họa, với quỹ giải thưởng là 30.000 USD. Nói “giải thưởng nho nhỏ” vì không phải dùng cả số tiền ấy vào một kỳ trao giải mà sẽ gửi tiết kiệm, hằng năm lấy số lãi (tương đương vài chục triệu đồng theo lãi suất thời điểm đó) để tổ chức trao giải thưởng.
 
Nghe thông tin đó, sẵn có tình cảm với danh họa Bùi Xuân Phái, chúng tôi làm việc với họa sỹ Bùi Thanh Phương và rất chia sẻ với nguyện vọng của gia đình anh. Cho dù số tiền không lớn, nhưng có thể duy trì giải thưởng và coi đó như là một dịp gặp gỡ, để tưởng nhớ đến danh họa Bùi Xuân Phái, một con người đã sống một cuộc đời rất đỗi thầm lặng để tôn vinh cái đẹp vĩnh cửu.
 
Lúc đầu, mọi người nhất trí là giải thưởng sẽ mang tên Bùi Xuân Phái, nhưng trao trên lĩnh vực nào, với tiêu chí “chấm giải” ra sao vẫn chưa thể thống nhất. Nếu chỉ là một giải thưởng về hội họa như ý định ban đầu của gia đình, thì liệu có đủ uy tín để cạnh tranh với các giải mỹ thuật “chính thống” không? Hay sẽ biến thành một Quỹ học bổng cho các tài năng trẻ?
 
Nhà báo Ngô Hà Thái, khi đó là Tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa và là giám khảo của giải thưởng, cho rằng, sức ảnh hưởng của Bùi Xuân Phái không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực hội họa, mà còn rộng lớn hơn nhiều: Hai từ “Phái Phố - Phố Phái” đã trở thành biểu tượng cho một Hà Nội cổ kính, thâm trầm. Cuộc đời của cụ cũng là minh chứng sống động cho một tình yêu đau đáu với Hà Nội. Vì thế, giải thưởng phải nhằm tôn vinh cho những tác giả, tác phẩm, ý tưởng, hành động “tiếp nối” được tình yêu đó của cụ, chứ không chỉ trong các tác phẩm hội họa. Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội cũng là Chủ tịch Hội đồng Giám khảo trong 10 mùa giải qua, đã thống nhất tên giải là “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”.
 
Đó là một cái tên đẹp và cũng là một giải thưởng đẹp: Giải thưởng tôn vinh cho tình yêu đối với một địa danh - thành phố Hà Nội, trái tim của cả nước. Bà Meyer-Zollitsch, Giám đốc Viện Goethe Hà Nội, khi lên nhận giải thay cho TS. Michael Waibel (Đức) - người đoạt giải Tác phẩm với cuốn “Hà Nội Capital” do ông chủ biên năm 2015 - đã nhận xét: Ở nước Đức chúng tôi, mỗi năm, rất nhiều thành phố có những giải thưởng tôn vinh những công dân đã có cống hiến cho thành phố. Thế nhưng, tất cả những giải thưởng đó không thể đem so sánh với giải thưởng Bùi Xuân Phái. Bởi lẽ, giải thưởng Bùi Xuân Phái trải dài về thời gian lẫn không gian. Trong khi các giải thưởng ở Đức chỉ dành cho những công dân có “hộ khẩu” ở thành phố nơi mình đang sống thì giải thưởng Bùi Xuân Phái đã rất nhiều lần phát hiện, tôn vinh kịp thời những người nước ngoài “Vì tình yêu Hà Nội”! Đó như là một điều đặc biệt mang bản sắc riêng khiến tôi rất xúc động và hãnh diện khi được đại diện cho ê kíp thực hiện cuốn sách “Hà Nội Capital” lên nhận giải.
 
Giải thưởng tôn vinh những nhân vật, tác phẩm, ý tưởng, việc làm có thể chưa ai biết đến, cũng có thể đã rất quen thuộc, nhưng vẫn gây ngạc nhiên, ngỡ ngàng cho cả những người đứng trên bục nhận giải, vì nó đã “chạm” vào niềm sâu kín nhất, đau đáu nhất của chính họ: Tình yêu với Hà Nội. Tình yêu ấy là động lực thôi thúc họ sống, sáng tạo và hành động. Tôn vinh họ ở giá trị ấy, họ xúc động, coi chúng tôi như những người “tri kỷ”.
 
Dường như ai cũng biết đến nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (đã mất năm 2012). Năm 2009, cụ 83 tuổi. Tôi báo tin cho cụ biết kết quả Giải thưởng Lớn - Vì Tình yêu Hà Nội năm đó với 100% phiếu thuận dành cho cụ, mà không dám bộc lộ niềm vui ra nét mặt, bởi tôi nghĩ với tên tuổi lớn như cụ, thì giải thưởng “nho nhỏ” của một tờ báo, chẳng phải là cái gì đáng kể. Hôm đó, cụ chỉ bảo: “Trong chương trình có phần cho mình phát biểu không”? Tôi trả lời “Có ạ”! Đến lúc lên nhận giải, cụ rút trong túi ra một tờ giấy đánh máy vi tính (tôi có xin lại tờ giấy này).
 
Chưa bao giờ tôi được nghe một “diễn từ” nhận giải thưởng chân thành và cảm động đến vậy: “Giải thưởng thật vô tư, đầy tinh thần cống hiến. Cao cả lạ lùng, chỉ một nỗi niềm vì tình yêu Hà Nội. Còn tôi sung sướng là vì từ khi nghiên cứu về Hà Nội tới nay, tôi chưa được một giải thưởng nào. Đến nay, đã 83 tuổi mới được nhận một giải thưởng không chỉ cao quý mà còn là cao cả, vì đó là một giải thưởng phi chính phủ lần đầu hiện diện ở nước ta, nêu một tấm gương sáng cho nhiều giới. Lần này, niềm sung sướng ở tôi cũng tương tự như từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi bạn đọc, công chúng gọi tôi là “nhà Hà Nội học”, một danh hiệu dân dã không quyền lợi, không bổng lộc nhưng thân mật và đầy ưu ái… Trong giờ phút long trọng này, tôi tuy đã già nhưng vẫn thấy lòng dạ xốn xang và cảm tạ trước hết là tấm lòng của gia đình cụ Phái... khiến tôi như trẻ ra, như mạnh lên và phải chăng đây sẽ là nguồn sinh lực mới tài bồi cho tôi để có thể viết nhiều về Hà Nội và cho Hà Nội”.
 
Giải thưởng đi vào lòng công chúng và được sự ủng hộ của thành phố Hà Nội cả về vật chất lẫn tinh thần và hơn thế giải thưởng còn lan tỏa ra ngoài biên giới của quốc gia. Thật xúc động khi chị Noriko, vợ của TS. Nishimura người Nhật đã trang trọng mang di ảnh của chồng lên nhận giải. TS. Nishimura mất trong một tai nạn giao thông, nhưng anh đã có nhiều đóng góp cho Hà Nội, đã góp phần xây dựng Bảo tàng gốm cổ Kim Lan để tôn vinh gốm Việt.
 
Và còn rất nhiều những người nước ngoài khác, gắn bó với Hà Nội bằng một phần cuộc đời, hoặc chỉ là du khách thoáng qua, nhưng họ đã yêu Hà Nội và kịp cống hiến cho Hà Nội những tác phẩm, việc làm ý nghĩa. Họ tỏ ra bất ngờ và xúc động khi được giải Bùi Xuân Phái tôn vinh. Món quà của tình yêu thường rất bất ngờ, nhưng sẽ nhớ mãi. Đó là điều mà giải thưởng đã mang lại cho Hà Nội, cho công chúng trong 10 năm qua.
 
Đóng góp của mỗi người làm báo, mỗi tờ báo cuối cùng luôn là tôn vinh “những điển hình tiên tiến”, “có ý nghĩa tích cực cho xã hội”. Với giải thưởng này, chúng tôi, những người làm báo Thể thao & Văn hóa đã làm được điều đó không khuôn sáo, giáo điều, mà theo một cách thức đặc biệt: Phát hiện và khơi dậy những tấm lòng yêu Hà Nội, để trở thành một ngày hội thường niên “Vì tình yêu Hà Nội” suốt 10 năm qua và sẽ còn mãi mãi.
 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng (Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội năm 2013) với các bạn trẻ tại triển lãm “10 năm – Vì tình yêu Hà Nội” trên phố đi bộ Hồ Gươm, tháng 8/2017

Theo Nội san thông tấn số 8/2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhanh nhạy về thể thao, sang trọng về văn hóa (01/09/2017 09:32:34)

Anh là niềm tự hào của em và gia đình (31/07/2017 11:38:05)

Nhiều hoạt động tri ân (31/07/2017 09:26:02)

Sống mãi những dòng tin, tấm ảnh của các nhà báo liệt sỹ (31/07/2017 08:50:38)

Tăng cường phối hợp tuyên truyền, quảng bá toàn diện hình ảnh của tỉnh Quảng Ninh (13/07/2017 15:45:06)

Thông tấn xã Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tuyên truyền giai đoạn 2017 - 2022 (07/07/2017 10:00:55)

Cho phép TTXVN lập cơ quan thường trú khu vực ở New York và Brussels (07/07/2017 09:56:17)

TTXVN ký Thỏa thuận trao đổi thông tin với Hãng truyền thông Sputnik (30/06/2017 14:24:10)

Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2016: Uy tín, hiệu quả thông tin đối ngoại được nâng lên đáng kể  (01/06/2017 16:46:46)

Danh sách các tác phẩm được tặng giải thưởng Giải báo chí TTXVN năm 2016 (30/05/2017 14:48:15)