Chủ nhật, ngày 10/11/2024

Học theo Bác, làm theo Bác

"Người cách mạng phải có đạo đức..."


(01/06/2009 15:16:52)

Bác nói: "Nếu cán bộ đảng viên không giữ được thói quen tiết kiệm sẽ tham ăn ngon, tham mua các thứ xa hoa. Lương không đủ thì người cán bộ, đảng viên đó sẽ lấy các thứ ở đâu? Lúc ấy chỉ có hai cách: Một là ăn cắp của Chính phủ; hai là bị tiền mua chuộc".

       Trong di sản Bác Hồ kính yêu để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta, một trong những bài học lớn có ý nghĩa sâu sắc, đến nay vẫn mang tính thời sự phải kể đến bài học về giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.

       Đồng chí Vũ Kỳ, một trong những người giúp việc cho Bác từ ngày đầu Cách mạng tháng Tám cho đến khi Người đi vào cõi vĩnh hằng, đã kể rằng giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên là công việc gần như thường trực trong đời sống chính trị của Người. Từ những bài báo, bài nói chuyện tại các hội nghị, các lớp học chính trị đến làm việc và tiếp xúc hàng ngày với cán bộ, đảng viên các cấp, khi có dịp là Bác đều nhắc nhở, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng. Theo Người, cán bộ, đảng viên cộng sản phải là người giác ngộ về lý tưởng, trung thành với sự nghiệp của giai cấp vô sản, suốt đời hy sinh phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân.

       Trong giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, Bác quan tâm trước hết đến vấn đề đạo đức cách mạng và do đó ngay trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" viết tháng 10/1947, Người chỉ rõ: "Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Một lần khác vào năm 1958, trong một bài viết chuyên đề về đạo đức cách mạng, Bác lại chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Với cách đặt vấn đề như trên, trong tác phẩm "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" viết nhân dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960, trong khi biểu dương những đảng viên trung kiên, gương mẫu góp phần làm nên những thành tích vẻ vang của Đảng trong 30 năm qua, Bác cũng nghiêm khắc phê phán những biểu hiện thoái hoá, biến chất của một số đảng viên. Bác viết: "Đó là những người "mang nặng chủ nghĩa cá nhân" việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo mình vì mọi người mà chỉ muốn mọi người vì mình". Bác cũng chỉ ra rằng, rèn luyện để chiến thắng cái "tôi" trước ranh giới mỏng manh giữa cái tốt và cái xấu, nhất là trong cuộc sống đời thường là việc làm cực kỳ gian khổ, bởi nó biểu hiện ngay trong thói quen hàng ngày của mỗi người như ăn mặc, đi lại... Về vấn đề tiết kiệm, Bác đã nói: "Nếu cán bộ, đảng viên không giữ được thói quen tiết kiệm sẽ tham ăn ngon, tham mua các thứ xa hoa. Lương không đủ thì người cán bộ, đảng viên đó sẽ lấy các thứ ở đâu? Lúc ấy chỉ có hai cách: Một là ăn cắp của Chính phủ; hai là bị tiền mua chuộc". Thật đơn giản nhưng sâu sắc đối với mỗi cán bộ, đảng viên ở mọi cương vị, mọi lĩnh vực và mọi thời kỳ.

      

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng mọi người tăng gia sản xuất thời kỳ ở Việt Bắc
Đạo đức cách mạng được Bác coi như sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư duy và hành động của người cán bộ, đảng viên mà trước hết là trung thành với lý tưởng cách mạng, đồng thời được biểu hiện phong phú trên nhiều lĩnh vực của đời sống. Bác Hồ chính là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên noi theo trong học tập, rèn luyện nhằm hoàn thiện phẩm chất, nhân cách của người cộng sản kể cả trong những hoàn cảnh, điều kiện khó khăn và gian khổ nhất. Bác đặt vấn đề: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, điều cơ bản cần có của mỗi cán bộ cách mạng", và theo Người, "quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước... Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước". Một lần khi nghe cán bộ giúp việc có ý muốn may thêm áo cho Bác, Người từ chối với lý do: "Vừa tốn vải, vừa không cần thiết, trong lúc nhiều gia đình ở nông thôn, thành thị còn phải mặc quần áo vá". Những cán bộ giúp việc còn nhớ đã có lần ngay sau khi nước ta vừa giành chính quyền, khi nhìn thấy một cán bộ mặc bộ quần áo mới (mặc dù đó là quần áo đồng bào cho), Bác đã nhắc nhở: "Đồng bào cho cũng không nên mặc. Việt Minh mình mới giành chính quyền mà cán bộ đã ăn mặc đẹp là không nên".

       Và có lần, Bác lấy quả chuối cắt bỏ phần đã nẫu và ăn ngon lành, trong khi trước đó một cán bộ đã không ăn mà bỏ lại trên bàn. Bác bảo: "Hồi ở chiến khu Việt Bắc, nhiều lúc bác cháu ta thèm một quả chuối nẫu cũng không có". Hành động đó của Bác cũng là để giáo dục mọi người về ý thức tiết kiệm.

       Còn có thể kể ra vô vàn những mẩu chuyện sinh động nữa về những việc làm của Bác trong cuộc sống, lao động và cả trong xử lý công việc hàng ngày. Mỗi câu chuyện mang ý nghĩa riêng, nhưng tất cả đều nhằm giáo dục tư tưởng trung thành với lý tưởng cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính mà Người là tâm điểm hội tụ những bài học về giá trị cao đẹp của người cộng sản chân chính với ý nghĩa đầy đủ nhất của những từ đó. Suy nghĩ, hành động của Bác chính là tấm gương đầy tính thuyết phục về rèn luyện, tu dưỡng đối với cán bộ, đảng viên của Đảng do Người sáng lập trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nguyễn Tử Nên
Theo NSTT số 5/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Quan điểm của Hồ Chí Minh về huấn luyện và sử dụng cán bộ quản lý Báo chí - Xuất bản (01/06/2009 15:08:52)

Gắn việc học tập và noi gương Bác trên mỗi sản phẩm thông tin (08/05/2009 11:51:05)

Người lái xe thật thà liêm khiết (08/04/2009 09:58:04)

Hồi ức tháng Ba (08/04/2009 09:18:07)

Bà Nguyễn Thị Mai - người giữ lửa truyền thống gia đình (19/01/2009 09:57:30)

Tạo được sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động (16/01/2009 08:43:22)

Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về tự học (03/12/2008 12:26:28)

Học tập tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" trong công tác bồi dưỡng cán bộ (03/12/2008 12:22:18)

Thấm lời Bác dạy:
Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?
 (07/10/2008 09:59:01)

Tin người tốt, việc tốt (07/10/2008 09:38:34)