Thứ tư, ngày 24/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Phỏng vấn chân dung


(04/01/2013 13:36:38)

Báo chí không phải là một ngành khoa học đi tìm sự thật, và phỏng vấn cũng vậy. Nhưng có những điểm chung và những kinh nghiệm đã được các nhà báo trên toàn cầu chia sẻ.

Các cuộc phỏng vấn chân dung tất nhiên phụ thuộc vào việc người trả lời phỏng vấn là ai: Nông dân hay chính trị gia, một em bé hay người cao tuổi... Nhưng cuộc phỏng vấn cũng phụ thuộc vào người thực hiện phỏng vấn là ai. Dù cho chúng ta có cố gắng tỏ ra khách quan hoặc giữ quan điểm trung hòa thế nào đi nữa thì chúng ta vẫn là một phần của cuộc phỏng vấn. Bản thân từ "phỏng vấn" cũng chỉ ra điều này. Phỏng vấn = inter + view = quan sát lẫn nhau. Cuộc phỏng vấn là một cuộc gặp gỡ, một sự tương tác.

Chuẩn bị câu hỏi

Chuẩn bị câu hỏi đã bao hàm sự chuẩn bị cho câu trả lời. Cân nhắc tất cả những lựa chọn và kết quả khác nhau. Nếu nhân vật trả lời thế này thì nên hỏi tiếp câu nào? Hoặc nếu như ông ấy không trả lời thì sao? Có thể đặt câu hỏi đó theo cách khác không? Có thể tìm hướng khác để tiếp cận với đối tượng không?

"TÔI KHÔNG CÓ BÌNH LUẬN GÌ"

Ở Thụy Điển, nếu quan chức từ chối trả lời thì vị quan chức đó biết rằng báo chí sẽ đăng việc ông ta từ chối nhà báo. "Chúng tôi đã hỏi bộ trưởng NN về vấn đề này nhưng bộ trưởng từ chối trả lời". Như vậy thì "không có bình luận gì" lại mang nhiều hàm ý thông tin: Vị bộ trưởng phải chịu trách nhiệm về việc này nhưng ông ta không nhận thức rõ trách nhiệm của mình.

Trả lời còn là sự phục vụ thông tin cho công chúng. Trong trường hợp vấn đề nghiêm trọng, công luận muốn biết những người có trách nhiệm nói gì về vấn đề này. Vì vậy, cần phải làm rõ thực tế là PV đã cố gắng đi tìm hiểu thông tin nhưng người có trách nhiệm từ chối trả lời. Việc một vị quan chức từ chối cung cấp thông tin sẽ tạo ấn tượng xấu về hình ảnh của họ trong mắt công chúng. PV hãy nói cho những người từ chối trả lời biết rằng việc họ từ chối cũng sẽ được đăng lên báo. Có thể vì thế mà vị quan chức sẽ phải trả lời.

Các PV thường mắc một lỗi chung là chuẩn bị quá nhiều câu hỏi. Nguy cơ là PV phải tập trung vào bản ghi chép câu hỏi và lo lắng làm sao để đủ thời gian để hỏi hết những câu đã soạn sẵn trước khi cuộc phỏng vấn kết thúc. Như vậy chúng ta sẽ rơi vào cái bẫy là không còn chăm chú lắng nghe câu trả lời nữa mà chỉ ghi chép tất cả mọi điều, cả những điều có thể hiểu lẫn những điều không hiểu. Chúng ta đánh mất khả năng tóm lược và tư duy để đặt câu hỏi tiếp theo. Khi đó chúng ta không còn là người điều khiển cuộc phỏng vấn nữa mà chỉ là cái máy ghi chép.

       Địa điểm phỏng vấn

Nơi tốt nhất để thực hiện phỏng vấn chân dung là tại nhà riêng của nhân vật. Nhà riêng là một mỏ vàng thông tin với nhiều cánh cửa dẫn tới câu hỏi mới.

Một bà bói người Thụy Điển có lần đã kể về những phương pháp bà sử dụng trong phỏng vấn. Bà có thể đọc nhiều thứ từ những cái bắt tay. Lỏng hay chặt? Bà lắng nghe giọng nói của khách hàng để đoán ra địa vị xã hội của họ. Giọng nói và ngôn ngữ cơ thể cho biết khách hàng là người rụt rè hay tự tin. Nhãn hiệu, chất lượng và phục trang cũng rất quan trọng. Khách hàng tới gặp bà bằng taxi hay đi bộ? Bà bói đã sử dụng tất cả những thông tin ẩn sau vẻ ngoài của khách hàng để thuyết phục họ rằng bà có biệt tài thiên phú là đoán định được tương lai. Tuy nhiên, bà ấy chỉ đơn giản là biết tận dụng những tín hiệu thông tin mà khách hàng mang tới và kiếm được bộn tiền.

Chúng ta có thể học hỏi nhiều điều từ chiến lược này. Hãy học cách thẩm thấu và sử dụng những thông tin phi ngôn ngữ. Điều này lý giải vì sao 95% thành công của cuộc phỏng vấn đến từ tập trung chú ý và suy ngẫm, còn việc ghi chép tỉ mỉ chỉ mang lại 5% sự thành công. Điều này cũng giải thích tại sao những địa điểm trung lập như nhà hàng, quán cà phê, lại không phải là nơi lý tưởng để phỏng vấn.

Lựa chọn thứ hai là tại nơi làm việc. Tốt hơn cả là PV đi gặp gỡ nhân vật cả ở nhà riêng lẫn nơi làm việc. Và nếu có thể được, đến cả những nơi nhân vật hay lui tới lúc rảnh rỗi.

Thời điểm thực hiện

PV nên đến trước nửa tiếng so với giờ hẹn phỏng vấn. Đến sớm không phải để gây bất ngờ cho nhân vật mà là để có thời gian thu thập thông tin từ bối cảnh xung quanh. Xem xét những thông tin mà bối cảnh mang lại: Khu này giàu hay nghèo? Có thể nói chuyện một chút với hàng xóm hoặc với nhân viên... Những thông tin này sẽ giúp PV hiểu rõ hơn về người được phỏng vấn và hoàn cảnh xã hội của họ.

Phỏng vấn thế nào cho hiệu quả?

Có thể vừa đi vừa nói. Người được phỏng vấn có thể không thoải mái khi phải ngồi đối diện với PV để trả lời. Họ có thể thư thái hơn nếu trò chuyện trong lúc đi dạo. Không nhất thiết phải giao tiếp bằng ánh mắt với nhân vật trong suốt cuộc nói chuyện. Sau khi giao tiếp bằng mắt lúc hỏi, nhân vật có thể tự do nhìn đi hướng khác. Việc PV nhìn chòng chọc vào nhân vật có thể phá hỏng buổi nói chuyện vì khi đó PV ở thế áp đảo và không còn chỗ cho nhân vật thể hiện.

Khi nhân vật hồi tưởng về quá khứ, nhớ lại một cảm giác hay một ngày đặc biệt, họ thường lạc trong ký ức. Vì vậy họ thường nhìn ra cửa sổ, nhìn lên trần hoặc nhìn xuống sàn nhà trong khi mải truy tìm lại những chi tiết trong trí nhớ. Mắt họ nhìn đi hướng khác để giúp trí óc hồi tưởng lại. Đây là lúc nên thử cách vừa đi dạo vừa trò chuyện.

Là nhà báo ai cũng từng có lần trải qua tình thế khó khăn, khi nhân vật im lặng, PV không biết phải hỏi tiếp như thế nào. Người được phỏng vấn im lặng chờ đợi câu hỏi tiếp theo, từng giây trôi qua dài như cả một giờ. Và thế là PV bắt đầu tuôn ra hàng loạt câu hỏi như bắn súng liên thanh chỉ để phá vỡ sự im lặng, mất quyền kiểm soát cuộc phỏng vấn và bỏ lỡ cơ hội vàng do sự im lặng mang lại.

             7 SAI LẦM CHẾT NGƯỜI KHI PHỎNG VẤN

John Sawatsky là PV điều tra người Canada thường xuyên đi dạy về phương pháp phỏng vấn. Ông cho rằng đặt câu hỏi sai có thế chặn đứng dòng thông tin mà người trả lời phỏng vấn đang muốn nói ra. Ông xác định có 7 sai lầm chết người trong phỏng vấn là:

1. Không đặt câu hỏi: Đưa ra lời tuyên bố mà không đặt câu hỏi sẽ "chặn họng" người trả lời phỏng vấn. Ví dụ, khi PV nói "Đây chắc là điều tồi tệ nhất xảy ra với anh từ trước tới nay" thì người được phỏng vấn sẽ ngừng trả lời.

2. Hỏi quá nhiều câu cùng một lúc: Nếu nghe hai câu hỏi hoặc nhiều câu hỏi cùng một lúc, người được phỏng vấn sẽ chọn trả lời câu anh ta thích.

3. Câu hỏi quá tải: Quá nhiều thông tin dồn nén trong một câu hỏi hoặc câu hỏi quá dài. Ví dụ "Điều gì khiến ông quả quyết khẳng định rằng biện pháp mới này tối ưu hơn?", sẽ khiến người được phỏng vấn chọn chỉ trả lời một ý "Điều gì khiến ông quả quyết khẳng định..." hoặc "Biện pháp mới này tối ưu hơn như thế nào"

4. Bình luận câu hỏi: Một câu bình luận thêm vào sau câu hỏi sẽ khiến người được phỏng vấn trả lời câu bình luận chứ không trả lời câu hỏi.

5. Sử dụng ngôn từ nhạy cảm: Chọn sai từ ngữ có thể phá hỏng cả buổi phỏng vấn.

6. Phóng đại, chuyện bé xé ra to: Một câu hỏi phóng đại khiến cho người được phỏng vấn phải nhìn lại câu chuyện ở góc độ cân bằng và ngừng kể chuyện.

        7. Đặt câu hỏi đóng: Câu hỏi chỉ có thể trả lời bằng cách "có" hoặc "không" sẽ dồn người được phỏng vấn vào thế tự vệ và có thể làm chệch hướng cuộc phỏng vấn. Thí dụ: Ông thấy chương trình này có thiết thực không?

Hỏi cho đến khi bạn hiểu thì thôi

Đôi khi cuộc phỏng vấn rơi vào tình huống vô cùng khó khăn, chúng ta không hiểu nhân vật đang nói gì. Họ có thể tuôn ra hàng loạt con số, phép toán, những thuật ngữ cao siêu mà PV chẳng hiểu gì hết. Có thể là người trả lời phỏng vấn không muốn cho PV hiểu, hoặc họ cố tình dùng những ngôn từ to tát để che giấu một sự thật là câu trả lời của họ thực ra chẳng có ý nghĩa gì.

Vấn đề ở đây là chúng ta dễ nản lòng sau khi đã hỏi đi hỏi lại mà vẫn không hiểu gì, thậm chí chúng ta có thể cảm thấy mình thật ngốc nghếch. Để giữ thể diện, nhiều người cố gắng ghi chép lại càng nhiều càng tốt và hy vọng là về nhà đọc lại sẽ hiểu. Nhưng khi về tòa soạn, chúng ta vẫn chẳng hiểu gì. Sự thực là, nếu trong lúc phỏng vấn chúng ta không hiểu thì đừng hy vọng sau đó sẽ hiểu. Nếu cứ giả vờ như đã hiểu thì chúng ta rơi vào một cái bẫy khó thoát.

Hãy là một nhà báo dũng cảm để thoát khỏi cái bẫy này. Đừng ngại phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần và xin ví dụ cụ thể. Hãy luôn suy nghĩ về ông chủ thật sự của bạn- đó là bạn đọc. Nhà khoa học có thể tự hào về nghề nghiệp của ông ta thì bạn cũng nên tự hào về nghề của mình. Đôi khi những nhân vật giữ vị trí cao coi nhà báo là những người kém hiểu biết, coi nghề báo là nghề ai cũng làm được. Chúng ta hãy tự hào vì đang làm một nghề nghiệp có khả năng giải thích những điều vô cùng phức tạp bằng ngôn ngữ đơn giản sao cho bất cứ người dân thường nào cũng có thể hiểu được. Những chuyên gia, nhà khoa học hiếm khi làm được điều này.

Hỏi, hỏi nữa, hỏi cho đến khi nào bạn hiểu thì thôi. Đây là trách nhiệm nghề nghiệp của bạn, cho dù bạn có cảm thấy bản thân kém cỏi đi chăng nữa. về lâu dài, người đọc báo sẽ hết sức biết ơn bạn.

(Theo cuốn "Cẩm nang phóng viên")

        Giải pháp cho vấn đề câu hỏi: Viết ra một vài từ về nội dung cần hỏi. Ghi chúng ngắn gọn sao cho trong cuộc phỏng vấn PV chỉ thể liếc mắt là nhìn thấy.

       Giải pháp cho "khoảng lặng": Chắc chắn ai cũng không thoải mái trong tình huống đó, nhưng đừng thể hiện sự không thoải mái ấy ra ngoài. Đừng tỏ vẻ bạn đang nóng lòng muốn nghe câu trả lời, thay vào đó hãy thư giãn, cứ để thời gian trôi đi, cứ giữ im lặng. Thông thường, trong những trường hợp như vậy, người được phỏng vấn sẽ bắt đầu nói trước. Và họ thường nói những thông tin rất quan trọng hoặc bất ngờ, đó là phần thưởng cho sự kiên nhẫn chờ đợi. PV càng giữ im lặng thì càng tạo sức ép buộc người được phỏng vấn phải nói ra. 

Theo Nội san Thông tấn, số 12/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Xì căng đan báo chí gây chấn động nước Đức: Bàn tay không che nổi mặt trời (03/01/2013 16:09:49)

Thông tin kinh tế về phát triển bền vững  (03/01/2013 15:57:58)

Đi thường trú là quyền lợi của PV trẻ (03/01/2013 15:12:34)

5 công thức bố cục kinh điển của nhiếp ảnh (05/12/2012 16:12:13)

BBC trong vận bĩ (05/12/2012 15:40:40)

Đôi điều về chuyện học nghề ở Vnews  (05/12/2012 11:24:40)

Công tác đào tạo, từ góc nhìn của một tòa soạn báo đối ngoại  (05/12/2012 11:17:49)

"SáỪổ háỪỄc" cáỪậa cÃắc nhà bÃắo thÃƠng táỨần (05/12/2012 10:23:00)

Để có một bức ảnh tốt (02/11/2012 11:10:04)

Thông báo: Tuyển chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2012 (đợt 1) và hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2012 (02/11/2012 10:41:33)