Thứ năm, ngày 04/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Đi thường trú là quyền lợi của PV trẻ


(03/01/2013 15:12:34)

Ngày 21/12, Đoàn Thanh niên TTXVN tổ chức Tọa đàm trực tuyến "PV trẻ đi công tác luân chuyển tại phân xã địa phương". Theo Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi: Đi thường trú vừa là nghĩa vụ tiếp nối truyền thống của TTXVN, vừa là một quyền lợi để phát triển nghiệp vụ. Thời gian tới, sẽ tạo điều kiện tối đa, cả về chế độ chính sách lẫn điều kiện làm việc, để các PV phân xã thực hiện tốt nhiệm vụ.

Ban lãnh đạo cơ quan tặng quà các phóng viên trẻ đi phân xã

Đi để trưởng thành

Hơn 100 PV trẻ ở cả 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đại diện cho hơn 800 đoàn viên thanh niên TTXVN đã tham dự cuộc tọa đàm. Tham luận và ý kiến của nhiều đoàn viên đều khẳng định: Việc đi thường trú địa phương đem lại những vốn sống, những trải nghiệm quý giá trong cuộc đời một PV.

Nguyễn Thị Hải Yên, PV báo Tin Tức tại TP Hồ Chí Minh, người từng đi thường trú ở Khánh Hòa và Bình Thuận, cho rằng, nếu là một PV mới vào nghề, nên đi công tác thường trú bởi vì đó là nơi mới, sẽ giúp PV có nhận thức sắc sảo hơn. Hải Yên chia sẻ: Khi các PV trẻ mới vào cơ quan hỏi kinh nghiệm của tôi, tôi đều nói: Nên đi cơ sở. Được cọ xát với thực tế cuộc sống tại cơ sở, sẽ có nhận thức tốt hơn, có kinh nghiệm sống và kinh nghiệm làm việc.

Đại diện cho lứa PV đi thường trú trẻ nhất có mặt tại buổi tọa đàm là PV Vũ Thị Bắc. Cuối năm 2011, Bắc nhận nhiệm vụ đi thường trú tại Phú Thọ. Theo Bắc, dù Phú Thọ thuận lợi hơn nhiều so với Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, nhưng PV nữ thường trú một tỉnh miền núi phải đối mặt với nhiều khó khăn: "Công tác xa, với PV nam đã khó, PV nữ, nhất là những chị đã lập gia đình, càng vất vả hơn bởi vừa phải hoàn thành công việc vừa không thể quên thiên chức làm vợ, làm mẹ". Mặc dù vậy, nữ PV trẻ cũng khẳng định, sau một năm công tác tại Phú Thọ, mình đã trưởng thành hơn nhiều về kỹ năng làm báo và cả kỹ năng sống. Đặc biệt, được tác nghiệp truyền hình là điểm khác biệt lớn nhất của PV TTX so với các PV đại diện cơ quan báo chí khác.

Tinh thần xung kích của các đoàn viên đã thể hiện ngay tại buổi tọa đàm. Đoàn viên Nhật Anh, Chi đoàn Ban BT Ảnh, cho biết: "PV, BTV trẻ của Ban luôn sẵn sàng xung kích. Khi được điều động đi phân xã, nhiều người vui vẻ, hồ hởi". Đại diện các Chi đoàn Ban Biên tập Tin thế giới, Ban Biên tập tin đối ngoại mong muốn, cơ quan có cơ chế để BTV các ban này được đi công tác tại địa phương. Còn Đỗ Phương Bình, thủ khoa khóa thi tuyển viên chức 2012 của cơ quan, người mới trở thành PV của TTXVN từ ngày 1/12, thể hiện quyết tâm: "Với sức trẻ, chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ đến bất kỳ nơi nào cơ quan giao".

Từ trải nghiệm sau hơn 11 năm đi phân xã của của mình, nhà báo Nguyễn Viết Tôn, Phó Trưởng phòng Tin Tức Cuối tuần (báo Tin Tức) tâm sự: Đi thường trú phân xã là một điều mà bất cứ một PV trẻ nào mới vào nghề cũng cần. Anh nói: "Tôi nhận ra rằng, vốn sống có được sau quãng thời gian đi thường trú đã giúp mình rất nhiều. Giờ đây, được giao nhiệm vụ viết mảng nào tôi cũng theo được".

Nhà báo Hoàng Thảo Nguyên, Trưởng Phân xã Thái Nguyên cũng chung ý kiến như vậy: "Với trải nghiệm thực tiễn của mình, tôi nghĩ rằng, mỗi người nên xác định đi thường trú không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ hội tích lũy thêm vốn sống, một điều mà không phải ai cũng nắm bắt được".           

Trưởng Ban Tổ chức cán bộ Ngô Thị Kim Oanh nhắn nhủ các đoàn viên: "Hãy thay đổi cách nhìn đối với việc về công tác tại các phân xã. Nếu nghĩ rằng, đi phân xã là đi để học, không phải là đi mãi mãi, thì chúng ta sẽ coi đó là một chuyện không quá khó khăn, không phải là sự thiệt thòi".

Tạo điều kiện tối đa cho PV trẻ

Các PV phân xã cũng có nhiều tâm tư, đề xuất với Ban lãnh đạo cơ quan, mong được san sẻ những khó khăn trong điều kiện tác nghiệp. Theo PV Vũ Thị Bắc, trong điều kiện hiện nay, PV tại địa phương phải tác nghiệp đa năng và khẩn trương; nhưng máy quay trang bị cho phân xã còn chưa thuận tiện. Bắc mong muốn, các phân xã được trang bị tốt hơn.

Khẳng định PV đi phân xã phải nỗ lực rất nhiều, cần sự hỗ trợ của cơ quan về môi trường làm việc, về thu nhập và phương tiện tác nghiệp, PV Hứa Thị Chung đề xuất: "Nếu được, cơ quan có thể tạo điều kiện cho PV trẻ mới vào nghề được vay tiền với lãi suất ưu đãi để mua sắm thiết bị để phục vụ tác nghiệp".

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hoài Dương, Trưởng Ban quản lý chỉ đạo PX trong nước, khẳng định: Bất cứ giai đoạn nào, thanh niên cũng là lực lượng đầu tàu nòng cốt trong sự phát triển của ngành. Hiện nay, cơ quan đang xây dựng đề án để củng cố hệ thống phân xã trong nước. Những kiến nghị mà các PV nêu ra tại buổi tọa đàm sẽ được giải đáp trong đề án này, để các PV phân xã có điều kiện tác nghiệp tốt nhất. Trước mắt, đầu năm 2013, Ban lãnh đạo cơ quan sẽ thay mới một số máy quay cho các phân xã để đáp ứng yêu cầu tác nghiệp.

Kết thúc buổi tọa đàm, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của việc PV trẻ đi thường trú phân xã, vừa là nghĩa vụ phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, vừa là một quyền lợi của cá nhân. Đồng chí Tổng Giám đốc nói: "Đã là nhà báo là phải có một quãng đời làm PV. Nếu chỉ quanh quẩn trong ở các đô thị, nhất là thủ đô, với điều kiện làm việc tốt thì không thể phát triển toàn diện. Nên đi phân xã, cần phải đi phân xã. Đi làm PV thường trú thì không ai thích hợp hơn là những người trẻ. Môi trường phân xã, tính chất hoạt động của việc thường trú vừa phù hợp với thanh niên đồng thời cũng là một môi trường, điều kiện, cơ hội để thanh niên chứng tỏ mình; là một cơ hội để thanh niên thu thập kinh nghiệm, vốn sống, trải nghiệm, đặc biệt là thu thập kinh nghiệm làm báo".

Đồng chí Tổng Giám đốc nhấn mạnh: Việc các đồng chí yêu cầu cơ quan trang bị về nghiệp vụ, kỹ năng cho các đồng chí là đúng, là cần. Đó là trách nhiệm của cơ quan. Tất nhiên không thể đáp ứng mọi yêu cầu ngay trong một lúc tất cả những gì chúng ta mong muốn. Nhưng Ban lãnh đạo cơ quan sẽ đáp ứng tối đa. Ban lãnh đạo cơ quan cũng đòi hỏi các PV trẻ chuẩn bị đi phân xã phải cố gắng đáp ứng tối đa những yêu cầu của các đơn vị, của tòa soạn, ban biên tập, đáp ứng yêu cầu chung của cơ quan, để làm tốt nhiệm vụ của một PV TTXVN, một cơ quan báo chí đặc biệt.

Bí thư Đoàn Thanh niên TTXVN Trần Tiến Duẩn khẳng định, những ý kiến của Ban lãnh đạo cơ quan đã truyền niềm tin cho các PV trẻ: Đi phân xã là quyền lợi của anh em PV, từ môi trường này, anh em PV sẽ tích lũy và tạo nhiều dấu ấn trong công tác. Đây là cơ sở để phát huy tính xung kích, sáng tạo, chủ động của anh em PV, biên tập viên trẻ đối với công tác thông tin của ngành.

Trọng Linh
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

5 công thức bố cục kinh điển của nhiếp ảnh (05/12/2012 16:12:13)

BBC trong vận bĩ (05/12/2012 15:40:40)

Đôi điều về chuyện học nghề ở Vnews  (05/12/2012 11:24:40)

Công tác đào tạo, từ góc nhìn của một tòa soạn báo đối ngoại  (05/12/2012 11:17:49)

"SáỪổ háỪỄc" cáỪậa cÃắc nhà bÃắo thÃƠng táỨần (05/12/2012 10:23:00)

Để có một bức ảnh tốt (02/11/2012 11:10:04)

Thông báo: Tuyển chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2012 (đợt 1) và hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2012 (02/11/2012 10:41:33)

Giã từ văn phong hàn lâm (02/11/2012 10:27:45)

Ảnh thời sự - hãng lớn vẫn có lúc "tháu cáy" (01/11/2012 16:06:32)

"ẢỒÃằu pháỨặi cáỪẹ thẳồáỪŨng trÃỨ nẳồáỪỈc ngoài là sẳồáỪỈng" (01/11/2012 15:50:35)