Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Tìm hiểu báo chí

Xì căng đan báo chí gây chấn động nước Đức: Bàn tay không che nổi mặt trời


(03/01/2013 16:09:49)

Ở các nước tư bản, báo chí được tự do tuyệt đối? Để trả lời câu hỏi này, Nội san Thông tấn cùng bạn đọc ôn lại câu chuyện về vụ xì căng đan "Spiegel" diễn ra cách đây 50 năm, là một trong những vụ xì căng đan báo chí đình đám nhất ở CHLB Đức thời hậu chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Biểu tình đòi quyền tự do báo chí và tôn trọng luật pháp ở CHLB Đức

Tuần báo Spiegel được cấp giấy phép xuất bản vào tháng 11/1946 và ra số báo đầu tiên vào ngày 4/1/1947 tại thành phố Hannovre, chủ bút kiêm Tổng biên tập là Rudolf Augstein. Ngay số ra đầu tiên với số lượng 15.000 tờ, báo Spiegel đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt, đặc biệt là những người thuộc thế hệ trẻ muốn xây dựng lại một nước Đức hùng mạnh sau chiến tranh. Dưới sự quản lý và điều hành của Augstein, báo Spiegel đã thể hiện mình là một phương tiện thông tin ngôn luận đứng đắn, có bản lĩnh, dám phê bình những thói xấu, sự trì trệ, kể cả những yếu kém trong việc điều hành của chính phủ.

Spiegel nhiều lần gây sóng gió trong dư luận khi tung ra loạt phóng sự điều tra về việc nhận hối lộ của một số nghị sĩ Quốc hội trong việc bỏ phiếu chọn thành phố (Bonn hay Frankfurt) làm thủ đô liên bang; đưa ra ánh sáng việc Thủ tướng liên bang Konrad Adenauer, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hans Blankenhorn và Tổng lãnh sự Rudolf Reifferschield cộng tác với tình báo Pháp; nghi vấn hối lộ có liên quan đến Bộ trưởng Quốc phòng Josef Strauss trong việc xây dựng hàng chục nghìn căn hộ cho lính Mỹ đồn trú tại CHLB Đức. Từ đó, mâu thuẫn trầm trọng giữa Bộ trưởng Strauss và báo Spiegel bắt đầu phát sinh.

Vào năm 1962, ở CHLB Đức rộ lên câu hỏi, liệu nước này có khả năng đối phó với một cuộc tấn công của khối Hiệp ước Warszawa hay không? Nhiều ý kiến lo ngại rằng, có một nguy cơ tiềm ẩn ở phía bên kia của "bức tường" Berlin. Trước đó một năm, bức tường Berlin đã dựng lên và chiến tranh lạnh đang ở giai đoạn cao trào. Trong bối cảnh đó, cây bút chuyên viết về lĩnh vực quân sự của Spiegel, Conrad Ahlers, viết bài "Chưa sẵn sàng đối phó", phản ánh chân thực việc thực hiện tình huống quân sự giả tưởng "Fallex 62" của NATO. Bài viết được đăng tải trên số báo phát hành ngày 10/10/1962 của Spiegel. Trong bài báo, Ahlers chỉ ra rằng, Chính phủ CHLB Đức chưa thực sự sẵn sàng đối phó với một cuộc tấn công hạt nhân có thể xảy ra do khối Hiệp ước Warszawa phát động với những nguyên nhân sau: Nước này không có Luật Tình trạng khẩn cấp, do đó rất khó huy động lực lượng ứng phó. Tiếp đến, hệ thống bệnh viện cũng như thông tin liên lạc vốn quá xập xệ cũng sẽ bị tê liệt ngay lập tức; hệ quả là người dân không được chăm sóc y tế đầy đủ và giao thông thì bị đình trệ. Bên cạnh đó, Ahlers cũng không quên chỉ trích mô hình tổ chức yếu kém của lực lượng vũ trang Đức.

"Tái ông mất ngựa", sau vụ việc này, ảnh hưởng của tờ Spiegel lại mạnh mẽ hơn, số lượng phát hành tăng vọt, tiềm lực kinh tế cũng tăng lên.

Ngoài việc phân tích những điểm yếu trên, Ahlers còn đưa ra những thông tin chi tiết về quân số của NATO, vũ khí trang bị và hoạt động di chuyển quân trong tình huống nổ ra chiến tranh. Tác giả thậm chí còn chỉ đích danh Bộ trưởng Quốc phòng Franz-Josef Strauss (người của đảng Liên minh xã hội Thiên chúa giáo) là người chịu trách nhiệm chính cho những yếu kém này. Ngay sau khi tờ báo phát hành, bài báo thu hút được sự quan tâm của dư luận và còn làm dấy lên làn sóng yêu cầu chính phủ phải hiện đại hóa quân đội và điều tra xem nguyên nhân gây suy yếu sức mạnh quốc phòng.

Cùng ngày, tờ Spiegel đăng bài của Ahlers, Bộ Quốc phòng Đức cho công bố một bản báo cáo mật, trong đó cho rằng bài viết của Ahlers đăng trên Spiegel đã tiết lộ 41 bí mật cấp nhà nước. Ngay lập tức, họ cáo buộc việc Spiegel đăng tải bài báo này là phạm tội phản quốc. Bộ trưởng Strauss đã xúc tiến điều tra việc đăng tải bài báo này. Sau một quá trình điều tra (do Tổng công tố viên Siegfried Buback phụ trách), họ đã không ngại ngần đưa ra một loạt những tội danh đối với với Spiegel như: phản bội Tổ quốc, xuyên tạc, bóp méo sự thật.

Cảnh sát áp giải Rudolf Augstein

Đêm 26/10/1962, cảnh sát tiến hành khám xét các căn hộ của 5 phóng viên làm việc cho Spiegel và bắt giữ hai Phó tổng biên tập, Johannes K. Engel và Claus Jacobi - tất cả đều bị cáo buộc tội phản bội tổ quốc. Tuy nhiên, họ không bắt được chủ báo, Rudolf Augstein, cho đến khi ông tự ra trình diện hai ngày sau đó. Tác giả của bài viết, Conrad Ahlers, bị cảnh sát Tây Ban Nha bắt khi ông đang có kỳ nghỉ ở đây. Cục phòng chống tội phạm liên bang Đức khám xét trụ sở của tạp chí Spiegel.

Vụ việc sau đó nhanh chóng được đưa ra trước Quốc hội Đức. Thủ tướng Konrad Adenauer ủng hộ các biện pháp mạnh tay với Spiegel với một câu nói nổi tiếng: "Chúng ta có một bè lũ phản quốc". Trước Quốc hội, Bộ trưởng Strauss cố phủ nhận không dính dáng gì tới vụ này. Tuy nhiên, người ta đã sớm phanh phui ra một điều: Ahlers, tác giả của bài viết trên, đã bị bắt theo lệnh của Strauss. Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp và Bộ trưởng Nội vụ lúc bấy giờ, Hermann Höcherl, phải thừa nhận là Bộ trưởng Quốc phòng Strauss đã lạm dụng quyền hạn của mình. Hai ngày sau, ở phiên điều trần trước Quốc hội, Strauss thú nhận chính ông ta "đạo diễn" việc bắt giam Tổng biên tập cùng các cộng sự ở báo Spiegel.

Các chủ báo, phóng viên và các tổ chức báo chí đều lên tiếng ủng hộ Spiegel. Không chỉ vậy, trên khắp nước Đức còn nổ ra những cuộc biểu tình tuần hành, thậm chí là bạo loạn đòi quyền tự do báo chí và tôn trọng luật pháp.

Bàn tay không che nổi mặt trời. Ngày 14/12/1962, Thủ tướng Adenauer thành lập nội các mới mà không có Strauss. Sau đó, ông tuyên bố Bộ trưởng Quốc phòng Strauss bị miễn nhiệm kể từ mùa thu năm 1963. Augstein và các cộng sự đã được trả tự do vào ngày 7/2/1963, sau 103 ngày bị cầm tù.

Hai năm sau, "vụ Spiegel" được đưa ra xét xử lần cuối. Tháng 5/1965, toà án liên bang từ chối mở phiên toà chính để xét xử Augstein và Ahlers, với lý do nội dung của bài báo trên không chứa đựng các bí mật quốc gia. Đối với trường hợp của Strauss, Văn phòng công tố chỉ ra những sai phạm của ông này như lợi dụng quyền hành và giam giữ trái phép nhưng vụ việc không bao giờ được đưa ra xét xử. Tòa án tối cao Đức sau này cũng bác đơn kiện Strauss của tạp chí Spiegel.

Khánh Chi (tổng hợp)

Theo Nội san Thông tấn, số 12/2012