Thứ năm, ngày 04/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

ỘQuayỢ và ỘviếtỢ

Phóng viên chuyên trách: " Chuyên" cao, "trách" lớn


(07/02/2013 10:11:14)

Có một đội "đặc nhiệm" của TTXVN, số lượng ít nhưng rất quan trọng. Ấy là những PV chuyên trách thông tin về lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Những dòng tâm sự đầu xuân này giúp chúng ta hiểu hơn về công việc của họ với tính đặc thù cao, trách nhiệm lớn.

PV Hoàng Giang với chiếc camera nhỏ mang "thương hiệu" Vnews

Đến thời điểm này, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trong nước đã có PV ghi hình chuyên trách của Trung tâm Truyền hình thông tấn (THTT) và PV phân xã thực hiện. Tuy nhiên, với những chuyến công tác xa, nhất là các cuộc thăm và làm việc tại nước ngoài của các đồng chí lãnh đạo, số PV chuyên trách của TTXVN đi theo vẫn hạn chế: Một tin, một ảnh. Trước yêu cầu phải có tin- ảnh- hình cập nhật gửi về, chẳng còn cách nào khác, PV viết chúng tôi cũng phải có trong hành trang một chiếc camera nhỏ.

 

Những thao tác "lạ" thành "quen"

Mỗi khi chuyên cơ chuẩn bị hạ độ cao, dưới cánh máy bay dần hiện ra những thành phố, rừng cây, đồi núi đẹp như tranh vẽ, cũng là lúc tôi cùng các đồng nghiệp lấy đồ nghề ra khỏi túi. Đặt cạnh chiếc máy quay phim bọc thép của PV Hãng phim tài liệu khoa học Trung ương hay chiếc Sony Betacam của VTV1, cái camera MC50 của tôi thật khiêm tốn. Cửa máy bay vừa mở ra, cũng là lúc nhóm PV theo đoàn đi như chạy xuống thang.

Kể từ ngày gia nhập đội ngũ quay phim, chụp ảnh, tôi không còn được tụt lại sau như những PV viết của các báo. Cũng chen lấn, chiếm vị trí, chọn góc đẹp, cũng bị xô đẩy, tì đè... Nhưng không hề gì. Chiếc camera nhỏ lúc này phát huy hết ưu thế xoay xỏa giữa không gian hẹp, đưa lên cao, hạ xuống thấp, lách qua trái, qua phải, cố gắng để chọn những được hình ảnh đạt nhất. Khi lãnh đạo lên xe VVIP, cũng là lúc phần ghi hình phải xong. Trên xe dành cho báo chí, những hình ảnh vừa quay được phải đổ nhanh vào laptop. Trên đường từ sân bay về khách sạn là phải dựng xong. Đến khách sạn, kết nối xong internet, công việc còn lại là nhấn phím để gửi hình về. Vậy là tạm xong phần khởi động đầu tiên cho seri tin về hoạt động của Chủ tịch nước tại mỗi quốc gia đến thăm và làm việc. Nga, Kazakxtan, Brunei hay Myanmar... đều là vậy. Sẽ còn nhiều kịch bản khác nhau cho mỗi không gian làm việc: Hội đàm, hội kiến, thăm, tiếp khách. Tôi đã quen. Và sẵn sàng cho những chuyến đi tiếp theo.

 

Vượt lên trở ngại

Tôi được Trung tâm THTT trang bị đầy đủ một bộ máy quay, laptop chuyên dụng từ những ngày đầu đi chuyên trách. Nhưng thời kỳ đầu, máy quay chủ yếu để chụp ảnh và laptop dùng gõ tin là chính. Thật khó quen với việc cầm máy quay xuất hiện trước đám đông. Máy quay nhỏ, người quay thì không chuyên đã đành. Nhưng ngại nhất là vẫn là... những lời khuyên rất chân tình. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp nhắc nhở: Làm PV chuyên trách chỉ lo một việc thôi đã là đủ mệt, vì phải toàn tâm toàn ý; vừa quay vừa viết chẳng những vất vả, mà còn không đúng vai, tranh việc của chuyên trách "truyền hình", dễ mất lòng nhau lắm.

Chưa kể để được làm một "cameraman" cho lãnh đạo cũng không hề đơn giản. Để có thể tiếp cận với các đồng chí lãnh đạo trong khuôn khổ các hoạt động cho phép, những vị trí quay phim cho nguyên thủ thường được mặc định danh tính. Trường hợp có thêm một người trong vai quay phim nữa, phải được phép của lực lượng bảo vệ cả trong nước và nước ngoài. Bằng không chỉ có thể ngồi ở phòng chờ, đợi có người cung cấp nội dung để làm tin. Và còn nữa, liệu những hình ảnh quay được về có sử dụng được không? Trường hợp nào đó có thể châm chước. Nhưng ở đây là hình ảnh của một nguyên thủ.

Có những chuyến đi, tôi cũng đã tranh thủ quay khi có cơ hội. Đó là lúc lãnh đạo làm việc tại một hội nghị ở trong nước, hay thăm làm việc tại một sứ quán ở nước ngoài. Ở những địa điểm như vậy, điều kiện tác nghiệp không quá ngặt nghèo. Tôi bấm máy, nhìn các đồng nghiệp truyền hình làm sao thì mình làm vậy. Về khách sạn, âm thầm đổ hình ra để xem lại và xem tivi để rút kinh nghiệm. Nhiều chuyến cầm máy theo nhưng vẫn "tay không", vì chưa đủ tự tin. Cho đến khi công tác tại Phillippin, chuyến đi nước ngoài thứ ba kể từ khi nhận quyết định đi chuyên trách, nơi không có phân xã, không có người trợ giúp, tôi mới mạnh dạn gửi về nước những tin hình đầu tiên do mình tự quay. Xem qua internet, thấy tin của mình làm cũng không đến nỗi nào, tôi mới tự tin hơn cho những lần tiếp theo.

Những khó khăn lúng túng khi phải quay, viết, dựng, truyền tin ở nước ngoài ngày đầu rất nhiều. Có những lúc toát mồ hôi vì không đăng nhập được vào wifi khách sạn như ở Myanma. Có những lúc lạnh người khi đang truyền dở hình về thì máy hết pin như ở Kazacxtan. Có những lúc ruột xót như bào, khi đang truyền tin về, được đến 90% thì phải rút dây mạng để ra sân bay vì chuyên cơ sắp cất cánh như ở Hàn Quốc...

Lại nói về việc gửi hình, đôi khi đây lại là khâu vất vả nhất. Chẳng thế mà VTV1 luôn có một kỹ thuật viên trong êkíp chuyên lo việc dựng và gửi hình. Bình quân, để gửi cái tin dài chừng 1 phút phát sóng, sẽ mất khoảng 30 phút để gửi, mà trong "nhà bếp" truyền hình, có khi chỉ 5 phút đã quyết định việc lên được sóng hay không.

Đến giờ, bạn bè đồng nghiệp đi cùng cũng không còn xa lạ với chuyện vừa quay vừa viết của PV TTXVN. Mỗi chuyến công du, tùy viên báo chí của Bộ Ngoại giao luôn tạo điều kiện bằng cách xin thêm suất quay cho PV viết tin kiêm ghi hình chuyên trách TTXVN vào dự các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng diễn ra giữa các nguyên thủ. Có những chuyến thăm, khi lịch trình dày quá, camera chuyên trách làm không hết việc, tôi lại được giao nhiệm vụ phối hợp cùng để có được hình ảnh đầy đủ về chuyến thăm làm việc của lãnh đạo nước ta.

 

Phối hợp quay và viết

Một câu hỏi đặt ra, quay như vậy, thời gian nào mà viết?

Xin được trình bày, có những hoạt động của lãnh đạo, nếu viết tin phát mạng chính thống thì chỉ một vài câu, nhưng hình quay lại rất phong phú, hấp dẫn. Những lúc đó PV nên đầu tư công sức cho việc ghi hình, vì kỹ năng phục vụ viết tin chưa cần đến. Ví như các cảnh quay chuyên cơ hạ cánh, cờ hoa chào đón, chào cờ, duyệt đội danh dự. Hay có những hoạt động đặc thù, cả PV tin và ghi hình đều chỉ được dự từ 1-2 phút, đủ để chứng kiến lãnh đạo hai nước chào hỏi xã giao. Thời gian đó sử dụng cho việc ghi hình là rất hữu ích. Đương nhiên, những khoảnh khắc nào chỉ dành riêng cho báo viết, thì không thể buông bút ghi chép để ghi hình, đặt micrô lấy tiếng lãnh đạo phát biểu. Đó cũng là lý do vì sao tin lãnh đạo Đảng, Nhà nước làm việc ở nước ngoài có nhanh, cập nhật, nhưng phần trích tiếng phát biểu, đôi khi vẫn không được đầy đủ. Làm nhiều thành quen, khi đã biết việc nào là trọng tâm, việc nào then chốt, thì cũng tự tìm ra công thức để giải quyết được hợp lý mục đích yêu cầu.

 

Ở năm thứ ba đi chuyên trách, công việc ngày một nhiều. Có lúc tôi từng đặt giả thiết, nếu sắm thêm cái ổ cứng, đi đến đâu cũng chịu khó xin lại hình của đồng nghiệp gửi về, có phải đỡ hơn không? Nhưng rồi, mỗi lần thấy các đồng nghiệp cầm máy quay chạy phăm phăm lên trước, tôi cũng bật máy mà lao theo. Truyền hình, đúng là đã biết làm rồi thì khó mà dứt. Chuyện kết hợp giữa quay và viết, dù là cách làm "sáng tạo" hay "bất đắc dĩ", thì cũng phải gắng để làm cho tốt, một khi "tam bảo" sản phẩm của TTXVN: tin- ảnh- hình, đang đồng hành, là sự lựa chọn của hiện tại và tương lai.

Hoàng Giang:PV chuyên trách Chủ tịch nước
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phỏng vấn chân dung (04/01/2013 13:36:38)

Xì căng đan báo chí gây chấn động nước Đức: Bàn tay không che nổi mặt trời (03/01/2013 16:09:49)

Thông tin kinh tế về phát triển bền vững  (03/01/2013 15:57:58)

Đi thường trú là quyền lợi của PV trẻ (03/01/2013 15:12:34)

5 công thức bố cục kinh điển của nhiếp ảnh (05/12/2012 16:12:13)

BBC trong vận bĩ (05/12/2012 15:40:40)

Đôi điều về chuyện học nghề ở Vnews  (05/12/2012 11:24:40)

Công tác đào tạo, từ góc nhìn của một tòa soạn báo đối ngoại  (05/12/2012 11:17:49)

"SáỪổ háỪỄc" cáỪậa cÃắc nhà bÃắo thÃƠng táỨần (05/12/2012 10:23:00)

Để có một bức ảnh tốt (02/11/2012 11:10:04)