Thứ tư, ngày 03/07/2024

Học theo Bác, làm theo Bác

Quan điểm của Hồ Chí Minh về huấn luyện và sử dụng cán bộ


(10/08/2009 14:27:50)

Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tổ chức thiên tài, không chỉ ở chỗ phát hiện, tìm tòi, đào tạo huấn luyện cán bộ mà còn ở chỗ sử dụng cán bộ. Theo Người, sử dụng cán bộ trước hết phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ. "Biết người cố nhiên là khó, tự biết mình cũng không phải dễ", Người nói. Để đánh giá đúng cán bộ thì "người đánh giá phải vô tư, trong sáng, phải có độ lượng vĩ đại", phải tự biết mình và sửa đổi những khuyết điểm của mình.

           

Muốn đánh giá đúng cán bộ phải căn cứ vào những tiêu chuẩn định ra cho từng giai đoạn cách mạng nhất định. Hồ Chí Minh nêu cụ thể: “Trong thế giới cái gì cũng biến hoá, tư tưởng con người cũng biến hoá. Vì vậy cách xem xét cán bộ quyết không nên chấp nhất, vì nó cũng biến hoá”. Khi đánh giá cán bộ phải đúng bản chất, thực chất của cán bộ cả đức và tài. Hồ Chí Minh cho rằng “xem xét cán bộ không chỉ xem mặt ngoài mà phải xem toàn lịch sử, toàn công việc của họ”. Nhưng phải thấy rõ “người đời ai cũng có chỗ tốt chỗ xấu”, đã là “con người ai cũng có ưu có nhược”; “phải khéo nâng cao chỗ tốt, khéo sửa chữa chỗ xấu cho họ”. Thước đo quan trọng khi đánh giá cán bộ là phải nhìn vào hiệu quả công việc được giao chứ không phải chỉ ở lời nói hoặc căn cứ vào chức vụ, bằng cấp.
            Hồ Chí Minh coi việc lựa chọn cán bộ là vấn đề hệ trọng trong công tác cán bộ của Đảng. Mục đích là tìm ra những cán bộ có phẩm chất, năng lực và uy tín thật sự, đồng thời loại bỏ những cán bộ coi địa vị lãnh đạo là chỗ mưu cầu danh lợi. Kinh nghiệm cho thấy người có đạo đức, có tài thường không phô trương ồn ào khoe khoang. Còn những người hám danh lợi thường chạy chọt luồn lách, tỏ ra sốt sắng, tích cực mặc dù họ không xứng với danh vị đó.
            Dựa trên quan điểm của Lê-nin, Hồ Chí Minh đã đưa ra các tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ như sau:
            a. Trung thành, hăng hái trong công việc và lúc đấu tranh;
            b. Có liên lạc mật thiết với quần chúng, hiểu biết quần chúng, luôn chú ý đến lợi ích của quần chúng;
            c. Có khả năng giải quyết vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn. Sáng kiến và linh hoạt trong mọi tình huống. Thất bại không hoang mang, thắng lợi không kiêu ngạo;
            d. Luôn giữ kỷ luật, có tinh thần đoàn kết giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp.
            Tiêu chuẩn chung nhất để lựa chọn cán bộ là phải có phẩm chất chính trị. Hồ Chí Minh không bao giờ tách rời phẩm chất ra khỏi năng lực mà luôn kết hợp hai mặt đó để lựa chọn xem cán bộ đáng tin cậy trong lĩnh vực công tác nào để bố trí cho phù hợp. Người còn nhắc nhở dù là người tài rộng, học vấn cao đến đâu mà thiếu đạo đức thì không nên giao cho họ những nhiệm vụ quốc gia đại sự. Dù tài, trí hơn người nhưng còn nặng tự tư tự lợi thì cái tài cũng có thể trở thành cái tai. Đức, tài phải đi đôi với nhau nhưng đức phải là gốc, là nền tảng của mỗi cán bộ. Người khẳng định: việc biết lựa chọn cán bộ một cách đúng đắn là phẩm chất cao quý của mỗi người lãnh đạo trên bất kỳ cương vị công tác nào.
           
            Khéo sử dụng cán bộ
            Theo Hồ Chí Minh, khéo sử dụng cán bộ là dùng chỗ hay của người và giúp người sửa chỗ dở. Người nói: “Dùng người cũng như dùng gỗ, người thợ giỏi thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều dùng được cả, nếu không biết tuỳ tài mà dùng người chẳng khác gì thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao, thành thử cả hai đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”.
            Khéo dùng cán bộ là biết dùng đúng người, đúng tài, đúng việc; kết hợp được giữa cán bộ già với cán bộ trẻ; cán bộ cũ với cán bộ mới; người nhiều kinh nghiệm với người ít kinh nghiệm. “Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người tài năng, làm được việc, chớ vì bà con bầu bạn mà kéo vào chức nọ chức kia, chớ sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình”, Người cảnh báo.
            Về việc cất nhắc, đề bạt cán bộ, theo Hồ Chí Minh, đây là công tác cần được tiến hành thường xuyên. Khi cất nhắc một cán bộ “cần phải xét người đó có gần gũi quần chúng không, có được quần chúng tin yêu mến phục không, lại phải xem người đó xứng đáng với việc gì. Nếu người có tài mà không dùng đúng tài của họ cũng không được việc... Không dùng những người bô lô ba la, chỉ nói mà không làm, như thế rất có hại... Tránh lối cất nhắc kiểu “giã gạo” vì một cán bộ bị nhấc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời”.
           
             Sử dụng cán bộ còn phải biết thương yêu cán bộ
            Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Sử dụng cán bộ tốt còn phải biết quản lý, kiểm tra, giúp đỡ họ. Quản lý cán bộ thực chất là quản lý con người. Chọn đúng người vào đúng việc, chăm lo đời sống cán bộ để họ yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.
            Với những cán bộ mắc sai lầm thì cần phê bình với thái độ xây dựng để họ kịp thời sửa chữa khuyết điểm. Theo Hồ Chí Minh, người đời ai cũng có khuyết điểm “có làm việc thì có sai lầm, song chúng ta không sợ sai lầm và khuyết điểm, chỉ sợ không chịu cố gắng sửa chữa”. Giúp họ tìm ra nguyên nhân vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế sẽ có hại cho công việc như thế nào? Làm thế nào để sửa chữa? Không nên cưỡng bức mà phải giải thích để họ nhận ra và tự giác sửa chữa khuyết điểm. Mặt khác cũng không nên để sai lầm, khuyết điểm trở thành to tát rồi mới đem ra chỉnh một lần, vì thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập” rồi mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hoá thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng.
            Quan điểm của Hồ Chí Minh cùng với kinh nghiệm sử dụng cán bộ trong suốt cuộc đời lãnh đạo cách mạng của Người đã để lại những giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn. Nhờ đó công tác cán bộ của Đảng và nhà nước ta trong hơn nửa thế kỷ qua luôn phát triển đúng đắn, khoa học, tạo ra những thế hệ cán bộ tận trung với nước, tận hiếu với dân, góp phần làm nên những thắng lợi lịch sử to lớn của dân tộc. Việc có xây dựng thành công một đội ngũ cán bộ tốt hay không là tuỳ thuộc vào nhận thức và vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý nói chung, và trong lĩnh vực báo chí, xuất bản nói riêng ở nước ta hiện nay.
(Tiếp theo số T5/2009 và hết)

Th.s Đỗ Văn Ba
Theo NSTT số 7/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Sơ kết hai năm thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh": HẦU HẾT CÁC ĐÆ N VỊ TRONG TOÀN NGÀNH ĐÃ CÓ SỰ CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC (02/06/2009 09:23:11)

"Người cách mạng phải có đạo đức..." (01/06/2009 15:16:52)

Quan điểm của Hồ Chí Minh về huấn luyện và sử dụng cán bộ quản lý Báo chí - Xuất bản (01/06/2009 15:08:52)

Gắn việc học tập và noi gương Bác trên mỗi sản phẩm thông tin (08/05/2009 11:51:05)

Người lái xe thật thà liêm khiết (08/04/2009 09:58:04)

Hồi ức tháng Ba (08/04/2009 09:18:07)

Bà Nguyễn Thị Mai - người giữ lửa truyền thống gia đình (19/01/2009 09:57:30)

Tạo được sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động (16/01/2009 08:43:22)

Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về tự học (03/12/2008 12:26:28)

Học tập tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" trong công tác bồi dưỡng cán bộ (03/12/2008 12:22:18)