Thứ hai, ngày 08/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Suy nghĩ từ lời chê và Bức ảnh được giải


(07/06/2007 11:00:12)

Tôi không định viết bài báo này, sợ rằng đồng nghiệp trong ngành lại nghĩ "mèo khen mèo dài đuôi", nhưng trong buổi sáng giao ban đầu tuần (thứ Hai ngày 21/5/2007), khi đánh giá công tác thông tin trong dịp bầu cử Quốc hội, giọng Tổng giám đốc trầm xuống "Ảnh của chúng ta chậm quá, đến 8 giờ 30 ngày 20/5 vẫn chưa có ảnh mới về bầu cử Quốc hội, mà trên mạng ảnh thời sự vẫn là bức ảnh đồng chí Tổng bí thư Nông Đức Mạnh dự lễ kỷ niệm sinh nhật Bác tại Nghệ An ngày 19/5". Tổng giám đốc nhắc nhở Ban BT- SX ảnh báo chí cần đổi mới tư duy trong thông tin bằng ảnh.

            Tôi cứ phân vân không biết thực chất phóng viên ảnh của TTXVN có kém đến mức như thế không?

            Kết thúc khóa học Chụp ảnh Báo chí và Công tác biên tập ảnh do Quỹ Tưởng niệm Báo chí và Công tác biên tập ảnh do Quỹ Tưởng niệm báo chí Đông Dương phối hợp với cơ quan diễn ra từ ngày 10 đến 18/5/2007, Thông tấn xã Việt Nam đoạt 3 trong tổng số 6 giải thưởng. Tuy quy mô giải thưởng nhỏ (chọn trong hơn 8000 bức ảnh mà 30 học viên thực hiện trong 8 ngày) nhưng để giành được giải cũng không phải là dễ. Bức ảnh "Khoảnh khắc đầu tiên của cuộc đời" của Dương Bích Ngọc đoạt giải Nhất Horst Faas đã phải vượt qua 47 bức ảnh xuất sắc với quy trình tuyển chọn hết sức khắt khe và khách quan. Mỗi ngày học, các giảng viên chọn ra 6 bức ảnh tốt nhất từ 6 nhóm gửi về Đức để ông Horst Faas, phóng viên ảnh đã từng hai lần đoạt giải Pulitzer (năm 1965 và năm 1972) và bà Gaby Sommer, đã từng là phóng viên ảnh của hãng Reuter, hiện nay là phóng viên ảnh tự do tại Đức, lựa chọn và trao giải.

            Bích Ngọc ở nhóm 1 do ông Tim Page, phóng viên ảnh chiến trường làm việc cho các hãng AP, UPI và Paris Match. Ông bị thương ở chiến trường Việt Nam 4 lần, lần cuối cùng suýt chết. Ông cùng với Horst Faas sáng lập Quỹ Tưởng niệm báo chí Đông Dương với ý nghĩa tưởng nhớ đến những đồng nghiệp đã chết trong những cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

            Hôm đầu tiên đi chụp ảnh về, Ngọc không được chọn ảnh nào để treo mà thầy còn mắng cho về tội "thích cửa sổ" vì tất cả những bức ảnh của Ngọc chụp ở Trung tâm điều dưỡng thương binh nặng TP Hà Nội đều có cửa sổ. Rồi thầy hỏi Ngọc: "Em có sợ máu không?". Ngọc gật lấy gật để. "Thế thì hãy làm một phóng sự ảnh ở bệnh viện sản".

            Sáng hôm sau, Ngọc mang đến cho thầy một loạt ảnh chụp tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội.

            Đúng là "có công mài sắt có ngày nên kim", Ngọc liên tiếp được thầy khen. Ngày học thứ hai, Ngọc đã được thầy chọn 3 bức ảnh liền để treo. Và "quả ngọt" đã đến với Ngọc. Chị giành giải cao nhất của khóa học này.

            Nguyễn Trọng Chính, phóng viên Báo ảnh Việt Nam giành được giải Nhất ảnh đơn và giải Nhì phóng sự ảnh. Bà Chicakô, hiện phụ trách ảnh cho AP khu vực Đông Á và Ôxtrâylia, độc quyền chấm giải. Bà là người cuối cùng bay sang Việt Nam tham gia lớp học này với nhiệm vụ chấm giải và thuyết trình bài "Công tác biên tập ảnh". Bà đã chọn ra 2 giải ảnh đơn và 2 phóng sự ảnh trong số hơn 200 bức ảnh được chọn treo. Và Trọng Chính đã đoạt giải luôn ở cả hai thể loại này.

            Sự miệt mài đam mê nghề của 30 thành viên tham dự lớp học đã làm cho các giảng viên say theo. Hầu như sáng nào các giảng viên cũng nhận được từ tay các học viên những bức ảnh chụp các hoạt động diễn ra về đêm: chợ đầu mối, chợ đêm Đồng Xuân, ga Hà Nội, những người làm vệ sinh đường phố... Và các thầy cũng phải miệt mài cùng trò trao đổi, phân tích, cắt cúp, chọn ảnh đẹp.

            Khóa học đã kết thúc nhưng tôi vẫn nhớ như in giọt nước mắt sung sướng của Dương Bích Ngọc khi nghe gọi đến tên mình nhận giải thưởng Host Faas. Tôi thầm mong với những kiến thức được học từ người thầy nổi tiếng, Ngọc sẽ gặt hái được nhiều thành công trong công việc.

            Đầu vào của lớp học này đã là một sự sàng lọc khắt khe. Tuyển chọn ảnh cũng lại là một sự khắt khe không kém. Vậy mà, phóng viên ảnh TTXVN đã chiếm đến 50% giải thưởng. Cho dù không phải là một giải chính thức nhưng kết quả này, ở một góc độ nào đó cũng là sự đánh giá khách quan về "chất lượng" của phóng viên ảnh TTXVN so với mặt bằng cả nước. Vậy, phóng viên ảnh TTXVN đâu phải là quá kém.

            Nhưng tại sao họ lại vẫn bị "chê" trong việc đáp ứng yêu cầu thời sự hàng ngày? Phải chăng ở đây có sự tác động của cơ chế, vai trò của cán bộ phòng, ban trong việc chỉ đạo, định hướng thông tin và cả trong việc đặt ra yêu cầu cao với sự giám sát khắt khe hay truyền cảm hứng và niềm say mê cho mỗi phóng viên?

Hằng Hải
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Câu ... cú (07/06/2007 10:58:39)

Một số suy nghĩ về công tác tuyển dụng, đào tạo, bố trí và luân chuyển phóng viên tin các phân xã trong nước (07/06/2007 10:55:36)

"Nhà bÃắo - ngẳồáỪŨi làm du láỪỀch thÃƠng thÃắi" (07/06/2007 10:53:00)

Nâng cao chất lượng biên tập, biên soạn tin, bài tư liệu (15/05/2007 11:15:48)

Cần làm việc chuyên nghiệp hơn (15/05/2007 11:13:42)

Người hai lần được giải A giải báo chí trẻ - Nữ nhà báo Phạm Thùy Hương (15/05/2007 09:06:53)

Tản mạn chuyện tít (15/05/2007 09:04:40)

15 phóng viên TTXVN trẻ dự lớp bồi dưỡng nghiệp vụ (08/05/2007 14:24:53)

Kết quả giải báo chí Trẻ TTXVN năm 2007 (18/04/2007 16:39:16)

Đồng nghiệp ơi, thương lấy chúng tôi cùng! (18/04/2007 15:55:42)