Thứ năm, ngày 04/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Tác nghiệp ở hội nghị WEF Davos


(07/02/2013 10:18:16)

Những ngày lạnh ở Hà Nội mùa này lại làm tôi nhớ về cái lạnh cắt da cắt thịt ở Davos, Thụy Sỹ. Hai lần (tháng 1/2007 và tháng 1/2010) được tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF, tổ chức hàng năm tại Davos), tôi đã có những kỷ niệm không thể nào quên.

Phóng viên Đức Tám trong những ngày ở Davos
Đường đến Davos

Davos thuộc quận PrÃấttigau, bang GraubÃỬnden, Thụy Sỹ. Thị trấn nằm trên bờ sông Landwasser và một phần dãy núi Alps thuộc lãnh thổ Thụy Sỹ, có độ cao cách mặt nước biển 1.560 m, cao nhất châu Âu. Davos được biết đến, không chỉ là một địa điểm kỳ thú với phong cảnh còn nguyên sơ quanh năm tuyết trắng bao phủ, có nhiều loại hình thể thao, giải trí, chữa bệnh, mà còn là nơi có Trụ sở của WEF.

Từ sân bay Nội Bài đến Zurich (Thụy Sỹ) hết 11 giờ bay và từ sân bay Zurich đến chân núi Alps hết 3 giờ ô tô, nhưng từ chân núi đến Davos (thị trấn nằm trên đỉnh núi) cũng mất cả tiếng đồng hồ. Nhóm PV chúng tôi nghỉ ở một nhà dân ở chân núi, cách địa điểm tổ chức hội nghị khoảng 15 km. Hàng ngày, chúng tôi phải lên đường từ 5 giờ và lúc trở về nơi ở đã là 21 giờ (khoảng 1 giờ sáng Việt Nam). Đường đến nơi tổ chức hội nghị, một bên là vực thẳm, một bên là vách núi. Tuyết rơi trắng trên rừng bạch dương, trên đường, trên mái nhà. Muốn lên được đỉnh núi an toàn, các bác tài có kinh nghiệm phải dùng xích sắt buộc vào lốp ô tô để tránh trơn trượt trên con đường quanh co, khúc khuỷu. Hàng ngày, các xe gạt tuyết phải làm việc 24/24h, các xe chở muối phải thường xuyên rắc muối xuống đường để chống đóng băng. Tiếng xích sắt bám vào mặt đường ken két và cứ một đoạn đường nó lại bị đứt và xe có nguy cơ bị quay ngang. Theo kinh nghiệm của các lái xe ở đây, nếu xe bị trượt vào vách núi thì còn có cơ hội sống, nếu ngược lại sẽ xuống vực sâu...

 

Những nỗi niềm khi tác nghiệp

WEF Davos là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới. Hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong hội nghị dày đặc, hàng chục sự kiện mỗi ngày.

Không chỉ Thủ tướng Việt Nam mà hầu hết lãnh đạo các nước đến với hội nghị đều tranh thủ từng giờ từng phút để gặp gỡ, tiếp xúc song phương, đa phương, qua các diễn đàn để cùng nhau bàn thảo về những vấn đề then chốt toàn cầu. Có thể nói, thời gian quí hơn vàng đối với tất cả những ai đến với hội nghị. Nhóm PV chúng tôi cũng phải tranh thủ từng phút một để có thể chuyển tải về nước những thông tin nhanh, chính xác nhất về các hoạt động của Thủ tướng tại hội nghị, quên cả đói và mệt.

WEF nghiêm ngặt về an ninh, việc cấp thẻ vào hội nghị bị hạn chế ghê gớm. Đoàn báo chí ta có 11 PV nhưng ban tổ chức chỉ cấp cho 1- 2 thẻ vào Trung tâm hội nghị. WEF lại không có Trung tâm báo chí như các hội nghị khác; không có thẻ, chúng tôi chỉ còn cách đứng trên tuyết. Khi có thẻ vào, chúng tôi phải tác nghiệp cực nhanh để tranh thủ gửi tin, ảnh về ngay lập tức. Và đường truyền hình ảnh luôn luôn là một vấn đề. Ra khỏi hội nghị, tìm được một nơi có đường truyền là một bài toán khó, chưa tính đến việc lệch múi giờ (chậm hơn Việt Nam 4 giờ).

Khó khăn, vất vả khi tác nghiệp ở nơi đất khách quê người là vậy, song nhóm PV chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi: Ở diễn đàn 2010, một hôm, chúng tôi đi thông tin về sự kiện vào 19h tại một khách sạn ở Davos. Phải có mặt trước khi sự kiện diễn ra 30 phút, chúng tôi đã chuẩn bị trang phục kỹ càng để chống rét vì đêm ở Davos luôn lạnh tới -20 độ C. Vậy mà nhóm PV chỉ đứng được 10 phút là đều lạnh run người vì tuyết rơi dày đặc và gió lạnh, bàn chân tê cóng như đang ngâm dưới nước. 30 phút mà thấy như một ngày dài. Cuối cùng, đoàn xe của Thủ tướng đã đến. Không theo kịch bản, xe dừng lại, Thủ tướng bước đến chỗ chúng tôi và ân cần nói "Các em đã ăn gì chưa? Thôi các em về đi, trời lạnh lắm, hôm nay làm thế là đủ rồi". Chúng tôi cảm ơn rồi đi bộ về nơi tập kết để đợi xe đến đón, ai cũng ấm lòng trước tình cảm của Thủ tướng, dù vẫn thoáng băn khoăn vì cảm giác chưa hoàn thành nhiệm vụ.

 

Phòng ăn của Thủ tướng thành "Trung tâm báo chí"

Hàng ngày, chúng tôi tác nghiệp các cuộc đa phương ở Trung tâm hội nghị, còn các cuộc tiếp song phương ở nơi ở của Thủ tướng. Chúng tôi chạy bộ trên đường tuyết phủ trắng xóa, trời lạnh như vậy mà mồ hôi đổ từng giọt, miệng thở như khói vì nơi ở của Thủ tướng cách Trung tâm hội nghị khoảng 1,5 km với con đường độc đạo, rất hẹp và dốc. Thủ tướng được bố trí ở một biệt thự nhỏ trên lưng chừng núi

Cứ buổi sáng chúng tôi lại di chuyển từ chân núi lên, chỉ có hai PV vào hội nghị (ảnh và quay phim) còn các PV khác phải trú ngụ tại biệt thự của Thủ tướng để tiếp cận các bộ trưởng xin thông tin, phỏng vấn và viết tin, bài. Lúc đầu lễ tân Bộ Ngoại giao không chấp nhận cho chúng tôi được ngồi vào bàn ăn của Thủ tướng để tác nghiệp. Nhưng vì có các cuộc tiếp khách là các CEO, không ngồi ở đó thì cũng không có chỗ để các phóng viên nghe, ghi chép và đặt máy vi tính để làm việc nên cuối cùng các anh chị cũng đành chấp nhận. Khi tiếp khách xong, Thủ tướng đến chỗ chúng tôi, hỏi các PV viết về tin, bài và xem hình tôi chụp. Thấy Thủ tướng vui nên tôi "tranh thủ" báo cáo là không có đường internet nên rất khó truyền tin bài và xin mượn đường điện thoại của Thủ tướng để làm đường truyền. Thủ tướng rất vui vẻ cho phép, thế là từ đó các PV nghiễm nhiên biến phòng ăn của Thủ tướng và các bộ trưởng thành "Trung tâm báo chí"

 

Phòng ngủ và "phiên chợ đêm"

Như đã kể, chúng tôi ở một ngôi nhà ven đường ở chân núi (được Sứ quán VN tại Thụy Sỹ thuê giúp). Căn phòng biệt lập mà tôi và Thiện Thuật (PV tin của TTXVN) được "ưu tiên vì tuổi cao nhất đoàn" chỉ có bề rộng khoảng 1,2 m và dài 3m, rất khó thu xếp chỗ nằm và khi đi vào phải khom lưng, chỉ ngồi được chứ không đứng được vì chiều cao chỉ có 1,5m. Chín PV khác cùng tổ an ninh, chuyên viên Bộ Ngoại giao được xếp ở chung một phòng. Chúng tôi nằm trong túi ngủ mà không thể chợp mắt được vì ngôi nhà không có hệ thống sưởi ấm.

Trong những chuyến công tác đến Davos, nhóm PV chúng tôi, không ai bảo ai đều hay "khoe" những vết nứt nẻ và sưng rộp đầu ngón chân vì trời quá lạnh. Tôi thì đặc biệt hơn, chẳng biết cơ địa thế nào, cứ bị nấc liên tục. Anh em trong đoàn truyền những kinh nghiệm chữa nấc nhưng tôi không tài nào hãm được cơn nấc, cho đến khi một anh lái xe của Sứ quán kiếm cho một củ gừng và mách mẹo, đập gừng ra nấu với nước Coca Cola. Quả nhiên, tôi dùng một cốc là cơn nấc ngưng lại ngay, ngực đỡ đau. Cũng từ đó, anh em trong đoàn, khi đi công tác ở vùng lạnh giá bao giờ cũng có củ gừng tươi "phòng thủ" trong ba lô.

Không chỉ chịu trận giá lạnh kinh người, chúng tôi lại gặp phải khó khăn nữa là ngôi nhà này không có internet. Nhưng bù lại, chúng tôi có được niềm vui từ "phiên chợ đêm" đặc biệt. Gọi là phiên chợ đêm nhưng thực chất nó diễn ra ngay tại nơi chúng tôi ở. Biết chúng tôi sẽ không có điều kiện đi bất cứ cái chợ hay siêu thị nào ở đó nên các tài xế Việt kiều đã nghĩ ra cách mua rất nhiều đồng hồ, giầy, đồ trang sứcâẠẩ đem đến cho chúng tôi chọn lựa. Cuộc "chen bon" mua bán khá tấp nập cho đến khi người bán hết hàng, phiên chợ tự động kết thúc và ai cũng phấn khởi vì mua được một vài món đồ vừa túi tiền. Theo khẳng định của người bán thì đồng hồ đều là của Thụy Sỹ, nhưng sau khi về nước, các PV gặp nhau và cùng thông báo, đồng hồ mua ở Thụy Sỹ nhưng "Made in China".

 

Đến với Hội nghị WEF Davos, chúng tôi được nhiều bài học quí để rồi trưởng thành hơn rất nhiều. Và mỗi lần nghĩ đến Davos Thụy Sỹ, tôi lại không thể nào quên ấn tượng về cái lạnh giá mùa đông ở đây cùng sự ấm áp, tình cảm của người đứng đầu Chính phủ đối với anh em nhà báo. 

Đức Tám: PV chuyên trách Thủ tướng Chính phủ
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phóng viên chuyên trách: " Chuyên" cao, "trách" lớn  (07/02/2013 10:11:14)

Phỏng vấn chân dung (04/01/2013 13:36:38)

Xì căng đan báo chí gây chấn động nước Đức: Bàn tay không che nổi mặt trời (03/01/2013 16:09:49)

Thông tin kinh tế về phát triển bền vững  (03/01/2013 15:57:58)

Đi thường trú là quyền lợi của PV trẻ (03/01/2013 15:12:34)

5 công thức bố cục kinh điển của nhiếp ảnh (05/12/2012 16:12:13)

BBC trong vận bĩ (05/12/2012 15:40:40)

Đôi điều về chuyện học nghề ở Vnews  (05/12/2012 11:24:40)

Công tác đào tạo, từ góc nhìn của một tòa soạn báo đối ngoại  (05/12/2012 11:17:49)

"SáỪổ háỪỄc" cáỪậa cÃắc nhà bÃắo thÃƠng táỨần (05/12/2012 10:23:00)