Sổ tay phóng viên
Tác nghiệp trong hỏa hoạn
(04/05/2018 14:52:02)
Hơn 6 năm công tác ở Phòng ảnh tại TP. Hồ Chí Minh, phóng viên Mạnh Linh đã tham gia đưa tin nhiều vụ cháy xảy ra trên địa bàn và đúc rút một số kinh nghiệm đảm bảo an toàn khi tác nghiệp. Nội san Thông tấn xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhận diện những vụ cháy lớn
Nhận được nguồn tin báo một vụ cháy, phóng viên cần dự đoán được đây có phải là một vụ cháy lớn và nghiêm trọng không.
Phóng viên phải nhanh chóng báo cáo cấp trên để có thể điều động đồng nghiệp trợ giúp, sau đó đến hiện trường càng sớm càng tốt, ghi nhận công tác chữa cháy ban đầu và việc di chuyển người dân xung quanh ra xa khu vực nguy hiểm.
Phóng viên phải nhận diện được quy mô của vụ cháy và tính chất của nó. Khi tác nghiệp tại đám cháy, phóng viên cần quan sát diễn biến, có nguy cơ gió thổi ngọn lửa lan ra khu dân cư lân cận, đe dọa cuộc sống của người dân hay không...
Cháy lớn ở cửa hàng kinh doanh sơn trên đường Phan Huy Ích, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh (tác phẩm đoạt giải B Giải báo chí TTXVN năm 2011) của tác giả Mạnh Linh |
Nguy hiểm luôn rình rập
Phóng viên tác nghiệp tại các vụ cháy thường rất nguy hiểm bởi trần nhà, tường nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào do sức nóng từ ngọn lửa. Phóng viên không nên vội vàng vào sâu bên trong, cho đến khi lực lượng phòng cháy chữa cháy (PCCC) khống chế được ngọn lửa. Nên bám sát phía sau lực lượng PCCC để tác nghiệp sẽ an toàn hơn.
Trong một vụ cháy, thật khó để biết trước khu vực nào an toàn và mức độ nguy hiểm ra sao. Chúng ta chỉ có thể giảm thiểu nguy hiểm khi tác nghiệp ở khu vực xa hiện trường vụ cháy.
Tuy nhiên, với phóng viên ảnh, quay phim, việc tiếp cận hiện trường càng sớm càng tốt để ghi lại những khoảnh khắc điển hình về vụ cháy, công tác dập lửa của lực lượng PCCC, đồng thời nắm bắt thông tin ban đầu về vụ cháy là điều rất quan trọng. Có nhiều vụ cháy, nếu phóng viên không mạo hiểm tiếp cận sâu vào bên trong, sẽ không có những bức ảnh lột tả được nỗ lực của lực lượng PCCC và sự dữ dội của ngọn lửa.
Phóng viên và chiến sỹ PCCC đều có thể gặp nguy hiểm, bởi lính PCCC tiếp cận đến đâu, phóng viên ảnh, quay phim bám theo đến đó để tác nghiệp.
Gần đây, trong một vụ cháy nhà ở TP. Hồ Chí Minh, một chiến sỹ PCCC đã tử vong do trần nhà đổ sập trúng người khi đang dập lửa. Đây là lời nhắc nhở cho phóng viên khi tác nghiệp ở các vụ cháy nổ cần phải đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân.
Vụ cháy công ty sản xuất giày dép ở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh |
Ứng xử khi gặp hiểm nguy
Trong khu vực đang có cháy lớn, diễn biến có chiều hướng phức tạp, lực lượng chức năng phong tỏa hiện trường rất nghiêm ngặt, thường thì phóng viên sẽ không được tiếp cận. Lúc đó, chúng ta cần bình tĩnh, không nên phản ứng với lực lượng chức năng vì họ cũng đang nỗ lực thực thi nhiệm vụ.
Phóng viên nên quan sát kỹ xung quanh, tìm đường tiếp cận vào bên trong vụ cháy. Lực lượng PCCC có những chiến sỹ gọi là “trinh sát lửa”, được trang bị đồ bảo hộ chống cháy, làm nhiệm vụ tiếp cận sâu để xác định nguồn lửa và các khu vực nguy hiểm, sau đó ra ngoài báo cáo. Từ đó, các chiến sỹ bên ngoài có hướng tiếp cận an toàn, khống chế ngọn lửa. Phóng viên bám sát phía sau lực lượng PCCC để tác nghiệp sẽ an toàn hơn.
Phóng viên phải biết tự bảo vệ mình mỗi khi đối mặt với nguy hiểm, bởi hậu quả từ những vụ cháy nổ là khôn lường, trong khi hiện trường, mức độ, tính chất mỗi vụ cháy lại rất khác nhau.
Trang bị bảo hộ cần thiết
Phóng viên theo dõi mảng tin cháy nổ nên tự trang bị đồ bảo hộ cho bản thân khi tác nghiệp.
Là phóng viên ảnh, tôi luôn mang trong ba lô một chiếc khăn và một cái khẩu trang, trên người luôn mặc một chiếc áo khoác dù đi tác nghiệp ở bất cứ đâu. Riêng đi làm tin về cháy nổ, trong lúc tác nghiệp, phóng viên phải dùng khăn trùm đầu, đeo khẩu trang, mặc áo khoác nhằm hạn chế khói bụi, hoá chất độc hại và sức nóng từ đám cháy tỏa ra.
Phóng viên ảnh Mạnh Linh với trang phục bảo hộ khi tác nghiệp |
Trong các vụ cháy hóa chất
Một trong những vụ đáng nhớ nhất là cháy cửa hàng kinh doanh sơn trên đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình) cuối năm 2011. Nhận được thông tin, tôi lập tức tìm cách tiếp cận hiện trường để chụp ảnh. Khi đó tôi đứng cách đám cháy khoảng 10m. Những vụ cháy sơn, hóa chất có nguy cơ cháy lan và phát nổ cao. Khi tôi đang chụp ảnh thì bất ngờ thùng sơn phát nổ, bức tường nhà kho đổ sập xuống. Một người dân từ phía đám cháy hốt hoảng chạy ra ngoài. Hơi nóng từ vụ nổ làm rát mặt. Tôi bấm máy liên tục để chớp khoảnh khắc vàng này và đã chụp được cảnh người dân hoảng sợ bỏ chạy, phía sau ngọn lửa đang cháy đỏ rực. Bức ảnh đã được trao giải B Giải báo chí TTXVN năm 2011.
Hay vụ cháy một công ty hóa chất trong khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) đêm 16/4/2014, khi tôi đến hiện trường thì thấy đám cháy đỏ rực cả một góc trời kèm theo những tiếng nổ lớn. Lần tìm đường vào bên trong khu vực cháy, tôi thấy rất nhiều chiến sỹ PCCC đang được sơ cứu, thở oxy do bị ngạt khí, một số bị bỏng vì dính axit, hóa chất vào người, dù các anh đều đã được trang bị bảo hộ.
Công ty hóa chất rộng hàng ngàn mét vuông có đến 180 loại hóa chất khác nhau, có nhiều độc hại. Khi cháy, các hóa chất hòa vào nhau tỏa ra không khí rất nguy hiểm.
Để chụp được vụ cháy này, tôi đã phải quấn khăn lên đầu tránh để hóa chất bám vào tóc, đeo khẩu trang, dùng tay bịt phía ngoài để hạn chế hít trực tiếp mùi hóa chất vào người. Sau khi chụp được vài tấm ảnh ưng ý, tôi phải chạy ra ngoài ngay vì mùi hóa chất tỏa ra nồng nặc; cách hiện trường khoảng 50m vẫn ngửi thấy mùi. Vụ cháy tuy không có thiệt hại về người nhưng đã làm 24 cán bộ chiến sỹ tham gia chữa cháy bị bỏng và ngạt thở do hóa chất.
LƯU Ý: - Tiếp cận hiện trường vụ cháy càng sớm càng tốt. - Không vội vàng tiến sâu vào đám cháy khi ngọn lửa chưa được khống chế. Bám sát phía sau lực lượng chữa cháy để tác nghiệp cho an toàn. - Hiện trường các vụ cháy được phong tỏa nghiêm ngặt. Phóng viên cần bình tĩnh, không nên phản ứng với lực lượng chức năng. - Mang theo khăn chùm đầu, khẩu trang, mặc áo khoác nhằm hạn chế khói bụi, hóa chất độc hại và sức nóng từ đám cháy tỏa ra. |
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:
Cách viết tên các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị, đoàn thể (03/05/2018 15:15:06)
Đảm bảo an toàn khi đưa tin cháy rừng (02/01/2018 10:59:00)
Giữ mình khi tác nghiệp nơi rừng núi (01/11/2017 15:16:32)
Ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính (02/08/2017 15:25:28)
Thông tấn xã Việt Nam đứng thứ hai bảng xếp hạng về Chỉ số ICT 2016 (23/03/2017 08:49:11)
Quy tắc hoạt động và hướng dẫn biên tập của OANA (02/03/2017 10:31:41)
Giải đáp Pháp luật về luật hôn nhân và gia đình (số 15) (06/12/2016 14:32:20)
Giải đáp Pháp luật về Bộ luật lao động (số 14) (06/12/2016 14:31:06)
Giải đáp Pháp luật về Bộ luật lao động (số 13) (06/12/2016 14:29:56)
Giải đáp Pháp luật về Bộ luật lao động (số 12) (06/12/2016 14:28:35)