Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Sổ tay phóng viên

Tác nghiệp trong lũ dữ


(10/10/2016 16:23:16)

Phóng viên Hương Thu thực hiện phỏng vấn tại hiện trường

Cách đây 11 năm, khi mới vào nghề được vài tháng, tôi nhớ rất rõ tin thiên tai đầu tiên của mình là về vụ lũ quét sạt lở đất làm ba người chết ở xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Bỏ xe máy đi bộ, lội bùn đến đầu gối gần 1km, đến hiện trường, nhìn thấy lực lượng chức năng đang đưa thi thể của một người đàn ông ra khỏi bùn đất, tôi bỗng rùng mình. Giờ đây, khi cơn lũ dữ vừa mới xảy ra tại Lào Cai, trực tiếp tác nghiệp tại hiện trường, tôi lại bị ám ảnh bởi nước mắt của những người còn sống mà mình phỏng vấn và ánh mắt hồn nhiên, nụ cười trong veo của những đứa trẻ người Dao nơi “rốn lũ” Sủng Hoảng.
Sau trận mưa to từ đêm đến rạng sáng ngày 5/8/2016, một phần thành phố Lào Cai và các xã vùng thấp của hai huyện Bát Xát, Sa Pa chìm trong biển nước. Khoảng 6 giờ nước rút để lại một lớp bùn đất dày từ 0,5m - 1m. Ngay sau khi nhận được thông tin, Cơ quan thường trú (CQTT) Lào Cai đã hội ý và quyết định tập trung toàn lực thông tin bằng cả ba loại hình (tin, ảnh, truyền hình) về mưa lũ đang gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn.
Theo sự phân công của đồng chí Trưởng CQTT, tôi cùng hai phóng viên Hải Hiếu và Cao Hương nhanh chóng di chuyển vào vùng lũ theo hướng Tòng Sành, Bát Xát - nơi có ba người mất tích vì đất vùi lấp. Ô tô đi vào quốc lộ 4D hướng Lào Cai - Sa Pa được 3km chúng tôi đã tiếp cận được hiện trường đầu tiên của cơn lũ.
Dẫn hiện trường bên bờ suối vào rốn lũ Sủng Hoảng

Cảnh tượng đập vào mắt là hàng chục ngôi nhà ven đường bị đổ sập, bùn dâng đến lưng tường nhà, phá hủy hầu hết tài sản của người dân. Trời mưa nặng hạt khiến tầm nhìn bị hạn chế, nhưng chúng tôi nghe rõ tiếng hò hét, gọi nhau di chuyển đồ đạc, tiếng máy xúc máy ủi, tiếng suối Ngòi Đum cuồn cuộn chảy bên cạnh. Cây cầu treo bắc qua suối bị lũ cuốn phăng. Có ba, bốn người đang dùng sức ghì chặt một chiếc ô tô con màu trắng chao đảo, bồng bềnh chờ nước rút. Một ông lão chừng 80 tuổi, khóe mắt ngấn nước nhìn sang căn nhà đối diện chỉ còn trơ lại nền lẩm bẩm: “Mất hết rồi, mất hết rồi con ạ!”.
Sau khi lấy thông tin chính thức từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, chúng tôi quyết định gửi tin đầu tiên về Ban biên tập tin Trong nước và dẫn hiện trường ngay bên đường. Tôi cũng không quên mặc chiếc áo mưa có logo của Truyền hình Thông tấn khi lên hình để khẳng định “thương hiệu” phóng viên TTXVN luôn có mặt ở tuyến đầu của mặt trận thông tin. Sau khi ghi hình và chụp ảnh xong, chúng tôi định quay xe trở về, nhưng tuyến đường ùn tắc nhiều cây số khiến ô tô không thể di chuyển được.
Để kịp chuyển thông tin về Hà Nội, chúng tôi đã quyết định để Hải Hiếu cùng ô tô ở lại, còn tôi và Cao Hương lấy thẻ nhớ máy quay, đi bộ len qua dòng xe bị tắc để về cơ quan trước. Quãng đường về trung tâm thành phố chừng 3km, chúng tôi phải rất vất vả mới thoát ra được. Đi được 1km, tôi gặp xe máy người quen, vậy là nhờ họ đưa đến trung tâm thành phố rồi tiếp tục bắt xe về cơ quan. May mắn khu vực cơ quan không mất điện nên tin truyền hình và ảnh được gửi ngay, kịp thời phát sóng trong bản tin 10 giờ ngày 5/8 của Truyền hình Thông tấn; còn tin và ảnh phát trên Tin Tức và báo điện tử VietnamPlus.
Để vào được thôn Sủng Hoảng, phóng viên phải đi qua chiếc cầu tre chênh vênh, dưới chân nước đục ngầu chảy xiết

Liên tục sau đó, anh em trong CQTT thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình mưa lũ và chỉ đạo của các cấp, các ngành, UBND tỉnh Lào Cai về khắc phục hậu quả thiên tai; đặc biệt là thông tin về chuyến thị sát của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến thăm hỏi, tặng quà gia đình các nạn nhân và làm việc với UBND tỉnh Lào Cai ngay buổi trưa hôm 5/8. Không kịp ăn trưa, lót dạ cái bánh mỳ mua tạm bên đường, ngay trong chiều tối ngày 5/8, anh em tiếp tục đi theo đoàn của Ban chỉ đạo Tây Bắc để kịp thời có thông tin cả ba loại hình gửi về Tổng xã trước 9 giờ tối.
Ngày hôm sau (6/8), nhóm ba người chúng tôi đi Bát Xát - địa bàn chịu thiệt hại nặng nề nhất của cơn lũ dữ với 9 người chết và mất tích cùng hàng trăm hecta hoa màu, nhiều công trình quan trọng bị phá hủy. Bước vào Quang Kim, cửa ngõ của huyện, chúng tôi không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy bùn đất tràn ngập từ đường đi cho đến nhà cửa. Sau một hồi loay hoay hỏi đường từ người dân địa phương, cả nhóm mới tìm được tuyến đường nhỏ dẫn vào xã Phìn Ngan, nơi có ba người mất tích. Sau khi ghi hình, chụp ảnh và phỏng vấn thanh niên địa phương cùng đoàn cứu trợ đưa gạo sang bờ bằng cáp, chúng tôi lại theo chân các chiến sỹ công an huyện Bát Xát tìm kiếm nạn nhân mất tích dọc suối Ngòi San.
Lúc này đã 12 giờ trưa, mệt và khát, song nhóm vẫn quyết định tiếp cận thôn Sủng Hoảng. Để đến được thôn, chúng tôi phải qua hai đoạn suối. Đi qua chiếc cầu tre mới toanh do vài thanh tre ghép lại, dưới chân nước suối chảy xiết đục ngàu, chúng tôi không khỏi chột dạ. Sau một hồi dò dẫm, cả nhóm cũng lên được bờ suối khi trong đầu vẫn đinh ninh lời đồng chí Bí thư đoàn xã Chảo A Phin: “Các nhà báo phải đi nhanh không thì nguy hiểm lắm, lũ ống có thể xuất hiện bất cứ lúc nào đấy”. Tiếp tục lội qua hai cái ruộng nữa, chúng tôi mới lên đến thôn Sủng Hoảng. Chúng tôi nhanh chóng ghi lại được nhiều hình ảnh quân và dân địa phương đang dồn sức khắc phục hậu quả và sửa đường giao thông.
Chúng tôi ra về lúc 3 giờ chiều, tranh thủ viết bài, làm phóng sự và chùm ảnh với chủ đề: “Bát Xát đứng dậy sau lũ dữ” gửi về Tổng xã. Lại một buổi trưa nhịn đói với hành trình mệt mỏi nhưng anh em đều vui vì không chỉ hoàn thành công việc mà đã học được nhiều điều sau mỗi lần tác nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn. Tôi càng thấm thía câu nói được đúc kết từ một nhà báo lớn tuổi: Đi khó, viết dễ.
Những hình ảnh sống động và chân thực nhất về mưa lũ đều được ghi lại qua các tin, bài ghi nhanh, phóng sự truyền hình và hàng chục bức ảnh được đăng phát trên các ấn phẩm của TTXVN. Đợt thông tin về mưa lũ của Cơ quan thường trú tại Lào Cai được lãnh đạo ngành biểu dương. Nhận thông tin này, cả Cơ quan thường trú ai nấy đều phấn khởi vì những nỗ lực vất vả khi tác nghiệp trong vùng lũ của chúng tôi đã được ghi nhận.

Theo Nội san Thông tấn, số 8/2016