Thứ tư, ngày 24/04/2024

Sổ tay phóng viên

Vượt lũ dữ đến Lủng Pảng


(14/06/2016 14:33:00)

Đó là kỷ niệm khó phai trong những chuyến công tác của tôi ở vùng đất Bắc Kạn. Đầu tháng 8/2015, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn xảy ra mưa lớn trên diện rộng, nhiều tuyến đường bị ngập lụt. Tại Lủng Pảng, xã Côn Minh, huyện Na Rì có 12 hộ dân bị cô lập do mưa lũ.

Phóng viên dẫn hiện trường ngay trên bè mảng

 

Nhận được thông tin, tôi lập tức lên đường. Do đường vào rất khó đi, xe máy chỉ có thể đến được đầu thôn, còn lại phải đi bộ, tôi liền liên hệ với đồng nghiệp bên Đài phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, rất may anh em bên đó có xe "U oát" gầm cao. Tôi cùng hai phóng viên và lái xe lên đường ngay trong buổi trưa.

Trên đường đi, mưa như trút nước. Qua đèo Áng Toòng, chúng tôi gặp ngay điểm sạt lở lớn. Hàng vạn mét khối đất đá đổ ra đường, đất trơn và nhão nhoét. Rất may đường không bị tắc nên chúng tôi vẫn có thể đi qua được. Đến UBND xã, anh cán bộ xã khuyên nên để xe ô tô lại và di chuyển bằng xe máy. Nhưng để kịp thông tin, chúng tôi vẫn quyết định đi ô tô vào.

Con đường đến Lủng Pảng quả là gian nan và thử thách, chủ yếu là đường mòn nhỏ, hẹp, một bên là đồi núi, một bên là vực sâu, thỉnh thoảng lại có điểm sạt lở, cây cối chắn ngang đường, những con suối đục ngầu, nước chảy xiết. Chiếc xe cứ thế chồm lên, thỉnh thoảng lại nghiêng do đường trơn, khiến chúng tôi phải bám chắc và ôm chặt máy móc. Anh lái xe là một tay lái cừ khôi, dù đã quen với những cung đường quanh co ở miền núi nhưng vẫn phải tập trung cao độ, vầng trấn đẫm mồ hôi. Mất hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được đầu thôn. Mọi người đã tập trung đông đủ để mang hàng cứu trợ gồm gạo, mỳ tôm, thuốc và các nhu yếu phẩm vào cho bà con. Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục đi bộ gần năm cây số nữa mới đến được khu vực đi bè mảng vào trong vùng bị cô lập.

Chiếc xe 'U oát' bị sa lầy

Đến nơi, cảnh tượng nước ngập trắng đồi núi, người dân đứng tập trung trên những gò đất cao trông ngóng thông tin phía trong. Ai cũng lo âu thấp thỏm. Do không có sóng điện thoại, nên chỉ chờ những người từ trong vùng cô lập đi ra mới biết thông tin, muốn vào bên trong chỉ có thể dùng bè mảng tự đóng từ những cây tre, cả đi vào và ra mất hơn hai tiếng đồng hồ.

Chúng tôi lên chiếc bè mảng do một thanh niên địa phương dẫn đường, phải thay nhau đẩy và chèo, có chỗ nước ngập sâu hàng chục mét. Do không quen chèo bè mảng nên chúng tôi rất vất vả mới vào đến nơi.

Khu vực Lủng Pảng nằm giữa thung lũng, xung quanh là đồi núi cao, nước không thể thoát nên vùng này bị ngập nặng. Trưởng xóm Lý Đặng Sinh cho biết: Toàn khu có 12 hộ, 47 nhân khẩu, 100% là dân tộc Dao, sống bằng nghề nông, đa số là hộ nghèo và cận nghèo. Mấy ngày mưa to, nước dâng lên cao, xóm bị mất liên lạc với bên ngoài. Con đường đất duy nhất đã ngập nước sâu tới 4 - 5m. Đường điện dẫn vào thôn bị hư hỏng nặng. Nước dâng ngập cả cánh đồng, cao hơn cả những cây ngô, bốn bề là nước. Anh Sinh cho biết thêm, từ năm 1992 đến nay mới lại thấy một đợt lụt lịch sử như thế này, cuộc sống của bà con bị đảo lộn, lương thực đã hết, mắm muối cũng không còn. Phải mất một tuần nữa nước mới rút hết được, vì nước ở trên các khe suối vẫn đổ về và không có chỗ thoát. Đợt mưa lũ đã làm cho hơn 5 ha ngô bị ngập nặng không thể thu hoạch, hơn 1 ha lúa mới cấy cũng đã bị vùi lấp.

Để vào được Lủng Pảng những ngày mưa lũ chỉ có cách đi bằng bè mảng tự đóng từ những cây tre

Ngay sau khi mưa lũ xảy ra và nắm được thông tin thôn Lủng Pảng bị cô lập, chính quyền địa phương đã hỗ trợ kịp thời nhu yếu phẩm cho bà con; huy động lực lượng dân quân túc trực 24/24 giờ, dùng bè mảng để vận chuyển nhu yếu phẩm và báo cáo tình hình thường xuyên. Ngay sau đó, đoàn công tác của UBND tỉnh Bắc Kạn do đồng chí Nông Văn Chí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, dẫn đầu đã đến thăm hỏi, động viên tinh thời, khiến bà con rất cảm động.

Chúng tôi trở ra khi trời đã tối, mưa cũng đỡ nặng hạt. Con đường nhỏ trở nên trơn trượt hơn, nhiều điểm sạt lở mới cũng xuất hiện, chiếc xe phải nhích từng chút một. Đến một đoạn sạt lở, đất đá tràn ra mặt đường, lái xe quan sát rồi quyết định tăng ga định vượt qua, nhưng không ngờ đất đá sạt lở lớn, chiếc xe quay vòng, bánh không thể nhúc nhích, rồi trượt ra ngoài và chết máy. Xe nghiêng đi, bánh sau đã trượt xuống mép vực, may bánh trước bám vào đất nên giữ chiếc xe lại, chỉ một chút xíu là lao xuống vực. Mở cửa ra ngoài, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm như vừa được thần may mắn cứu giúp.

Đang lo lắng không biết làm gì giữa rừng núi âm u thì đoàn lãnh đạo tỉnh đã kịp thời ứng cứu. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã cùng các anh dân quân xã chặt dây rừng quấn lại để kéo xe, đồng thời đào bới bớt đất sạt để chiếc xe có thể thoát được. Loay hoay một hồi nhưng vẫn không thể đưa chiếc xe ra khỏi khu vực nguy hiểm, chúng tôi đành nhờ người đi xe máy tìm vào nhà dân mượn thêm cuốc, xẻng và dây thừng...

Với sự giúp sức, cố gắng của mọi người, cuối cùng chiếc xe cũng đã được kéo ra khỏi vùng nguy hiểm. Đến trung tâm xã đã là 22 giờ đêm, ai cũng mệt nhoài. Một chuyến đi vất vả, nguy hiểm nhưng đầy ắp kỷ niệm. Nó sẽ theo tôi suốt quãng đời làm báo, giúp tôi vượt qua những khó khăn, thử thách trên chặng đường dài.

Theo Nội san Thông tấn, số 5/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Giải ảnh báo chí thế giới năm 2015: Bức ảnh về người di cư đoạt giải Nhất (08/04/2016 09:22:27)

Niềm vui từ sự thử thách (07/04/2016 10:12:18)

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi - 25 năm "phủ sóng" tới đồng bào (25/02/2016 16:00:00)

Trên những cung đường Xuân... (25/02/2016 15:50:29)

Lắng đọng tiếng sóng Trường Sa (25/02/2016 15:01:45)

Cùng vào cuộc đưa tin về vụ khủng bố tại Paris (12/01/2016 14:28:31)

Tìm chim, kiếm voọc giữa biển trời Bắc bộ (12/01/2016 11:08:27)

Đưa thông tin của TTXVN lên mạng xã hội (12/01/2016 10:43:09)

Cơ bản vè SEO báo điện tử mà nhà nhà báo cần quan tâm (08/12/2015 15:28:30)

Chào Atlanta, chào TPP!: Chuyến công tác không thể quên (05/11/2015 09:33:01)