Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Sổ tay phóng viên

Niềm vui từ sự thử thách


(07/04/2016 10:12:18)

Phóng viên thường trú ngoài nước - với người "ngoại đạo" chỉ nghe đã thấy oách, với người trong nghề ít nhiều cũng là sự hãnh diện. Nhưng với những ai đang đảm nhiệm công việc này, chắc hẳn sẽ hiểu áp lực công việc phải vượt qua để có những dòng tin, khuôn hình nóng hổi. Nhân Ngày quốc tế phụ nữ 8/3, Nội san Thông tấn giới thiệu với bạn đọc những chia sẻ về nghề của một nữ nhà báo TTXVN đang tác nghiệp tại "trái tim của châu Âu".

Phỏng vấn người dân tham gia cuộc tuần hành lịch sử phản đối khủng bố tại Paris, ngày 11/1/2015

 

 

Lần đầu đi công tác phóng viên thường trú ngoài nước, chị cảm nhận thế nào về công việc và địa bàn mình phụ trách ?

Nhà báo Phạm Bích Hà: Tôi được cử đi công tác thường trú ngoài nước ở độ tuổi không còn nhiều sự sung sức và khả năng nắm bắt công nghệ nhanh của tuổi trẻ, nhưng lòng yêu nghề và nhiệt huyết thì chưa bao giờ thiếu. Do đã có dịp tham gia một số khóa học trước đây tại Pháp, dành dụm được chút "vốn liếng" là kiến thức và sự hiểu biết về chế độ chính trị-xã hội Pháp, cộng với kinh nghiệm 25 năm làm báo, tôi tự tin háo hức lên đường và nghĩ rằng mình đã sẵn sáng cho lần thử sức đặc biệt này. Vậy mà, khi đặt chân đến đất Pháp, ngay từ lần đi đưa tin đầu tiên, tôi đã nhận thấy mình còn thiếu rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm thực tế để đáp ứng yêu cầu của một phóng viên thông tấn đa năng.

Tôi đã phải cố gắng rất nhiều thông qua việc đọc báo, nghe đài, xem truyền hình, trao đổi với đồng nghiệp, bạn bè,... tranh thủ mọi thời gian rảnh rỗi để cập nhật thông tin, tìm hiểu các vấn đề quốc tế lớn. Với tôi, đi đưa tin về mỗi sự kiện lớn, nhỏ xảy ra tại địa bàn hoặc liên quan tới địa bàn đều là một lần thử thách, vì cần phải nắm bắt nhanh diễn biến của sự việc và hiểu thấu đáo những gì ẩn khuất sau đấy. Từng chút, từng chút một, nhờ sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, cùng với thời gian tôi đã nắm bắt ngày một tốt hơn tình hình địa bàn, chủ động sắp xếp công việc, biết lựa chọn những thông tin quan trọng để xử lý. Thay cho cảm giác lo lắng ban đầu, giờ đây, tôi cảm thấy vui vì có những trải nghiệm phong phú và thấy mình trưởng thành thêm sau mỗi lần thử thách.

 

Địa bàn Pháp gần đây liên tục "nóng" lên với những vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo, hay loạt vụ khủng bố Paris cuối năm 2015. Để hoàn thành nhiệm vụ, chị và các phóng viên CQTT Paris đã vượt qua áp lực như thế nào?

Với phóng viên chúng tôi, cả hai vụ tấn công đều hết sức bất ngờ. Trong vụ tấn công tòa báo Charlie Hebdo, mặc dù đã rất cố gắng bằng cách nhanh chóng có mặt tại hiện trường, hòa vào biển người của cuộc tuần hành lịch sử ngày 11/1/2015 với sự tham gia của khoảng 40 nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng chính phủ, lãnh đạo cao cấp trên thế giới, đồng thời tích cực phỏng vấn người dân, nhà báo, nhà phân tích-bình luận,... Nhưng thành thật mà nói, chúng tôi chưa làm tốt đợt thông tin này. Thông tin thiếu một cái nhìn sâu chuỗi và thiếu luôn cả cảm nhận của những nhân chứng có mặt tại chỗ. Tuy nhiên, đây chính là đợt tập dượt đem lại những kinh nghiệm quý báu, để khi xảy ra loạt vụ khủng bố tại Paris cuối năm 2015, dưới sự chỉ đạo sâu sát và kịp thời của Ban lãnh đạo cơ quan, chúng tôi đã phối hợp nhịp nhàng với Ban Thư ký biên tập, Ban biên tập tin Thế giới và các CQTTNN, tạo ra sự "hiệp đồng tác chiến", làm nên sức mạnh thông tin của cơ quan thông tấn quốc gia.

Ngay trong đêm 13 rạng sáng ngày 14/11, vào thời điểm vụ giải cứu các con tin tại nhà hát Bataclan vẫn đang diễn ra, trong khi cảnh sát và các lực lượng an ninh còn chưa kịp dựng rào chắn do đang phải tập trung truy tìm những kẻ khủng bố, chúng tôi đã có mặt trên Đại lộ Voltaire dẫn đến nhà hát Bataclan để chụp ảnh, quay phim và thực hiện dẫn hiện trường. Việc sớm tiếp cận hiện trường, được chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn giống như trong chiến tranh với ánh đèn ô tô loang loáng trong đêm tối cũng như nghe tiếng còi hú của hàng trăm xe cảnh sát và cứu thương đã giúp chúng tôi nắm bắt nhanh thông tin, đưa ra những nhận định đầu tiên về mức độ nghiêm trọng của loạt vụ tấn công chưa từng có nhằm vào Paris.

Chúng tôi đã bám sát diễn biến các sự kiện, phối hợp với các biên tập viên ở Tổng xã kịp thời cập nhật thông tin. Bên cạnh những dòng tin nóng hổi, tận dụng lợi thế có mặt tại địa bàn vào thời khắc thế giới bị chấn động, nhóm phóng viên TTXVN đã cho ra đời những bài viết ngồn ngộn chất liệu, với sự hiện diện của nhiều nhân chứng có mặt tại nước Pháp vào thời khắc đau thương.

 

Bí quyết gì giúp chị duy trì sự đoàn kết và hoạt động đều tay của cả ba phóng viên như vậy?

Không có bí quyết gì đặc biệt cả, ngược lại tôi còn thấy mình thật may mắn khi được làm việc với các phóng viên trẻ, năng nổ, đã qua thử thách tại nhiều địa bàn. Để mọi việc thông suốt, tôi nghĩ trước tiên, bản thân mình phải gương mẫu. Trong công việc nên có sự phân công hài hòa trên cơ sở phát huy thế mạnh, đôi khi là cả sở thích của từng người; trao đổi thẳng thắn nhưng chân tình với các đồng nghiệp. Điều này rất quan trọng, nó hiệu quả hơn mệnh lệnh hành chính. Tôi tin rằng tình yêu, nhiệt huyết và sự say nghề luôn có trong mỗi người, chỉ cần biết cách khơi gợi các tiềm năng đó. Đôi khi, chính những điểm yếu của tôi - chẳng hạn như không dám lái xe trên đường phố Paris, chưa hiểu hoặc không hiểu kỹ đến mức có thể phân tích bản chất các xung đột ở một số khu vực - lại trở thành chất xúc tác, thúc đẩy các đồng nghiệp cùng vào cuộc, chia sẻ công việc với tôi.

Trong cuộc sống cũng vậy, mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên. Cả ba phóng viên, hay đúng hơn là hai gia đình phóng viên và tôi, sống hòa thuận, nhường nhịn và giúp đỡ lẫn nhau. Sống xa quê hương đất nước, nơi mọi thủ tục hành chính và quy định pháp luật đều mới lạ, chúng tôi phải dựa vào nhau, từ việc thông báo các quy định để làm giấy tờ cư trú tại Pháp hàng năm, đến việc chia nhau những vỉ thuốc mỗi khi trái gió trở trời. Nhờ vậy, quãng thời gian công tác tại Pháp không chỉ mang đến cho tôi niềm vui, sự hứng khởi trong công việc mà còn để lại những kỷ niệm đẹp về tình đồng nghiệp.

 

Từ thực tế tác nghiệp, theo chị cần có sự điều chỉnh nào để việc phối hợp giữa CQTTNN và Tổng xã nhịp nhàng, hiệu quả?

Làm việc tại CQTTNN, cách xa Tổng xã, do vậy yêu cầu về tính kỷ luật, tính tự giác, tinh thần trách nhiệm của mỗi phóng viên rất cao. Ngoài ra, phóng viên phải chủ động và sáng tạo, bởi vì có những việc chưa kịp báo về nhà thì sự việc đã diễn ra, phải xử lý nhanh nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội.

Theo tôi, mô hình tổ chức công việc trong cơ quan ta hiện nay là rất tốt, từ sự chỉ đạo có tính định hướng của Ban lãnh đạo cơ quan tới những trao đổi công việc cụ thể với người đứng đầu các đơn vị thông tin liên quan đến các tuyến tin và các sự kiện quan trọng. Tuy nhiên, nếu có sự tương tác nhiều hơn giữa các CQTTNN và các đơn vị xử lý thông tin, hoặc chúng tôi có nhiều thời gian hơn để xem lại thành phẩm của mình, của đồng nghiệp (đặc biệt là tin truyền hình) để tự rút kinh nghiệm thì chắc rằng hiệu quả sẽ cao hơn nhiều. Song, tìm được một khoảng trống thời gian ở CQTTNN không phải dễ khi cả núi công việc từ chuyên môn đến sự vụ, luôn phải giải quyết.

Trong các đợt cao điểm thông tin như các vụ khủng bố, Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu,... CQTT Paris luôn nhận được sự hỗ trợ và động viên rất lớn từ Tổng xã, đặc biệt là từ Ban Thư ký biên tập, Ban biên tập tin Thế giới. Những tiếng nói ấm áp từ đầu cầu Hà Nội giúp chúng tôi hiểu rằng "đồng đội" ở nhà luôn sẵn sàng "chia lửa", điều đó đã làm ấm lòng và tiếp thêm nghị lực để chúng tôi tiếp tục những chuyến đi, cho ra đời những dòng tin, bài báo có sức mạnh.

 
Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị. Chúc chị có một ngày 8/3 vui vẻ và ý nghĩa.

Nhà báo Phạm Bích Hà - Trưởng CQTT TTXVN tại Paris
Theo Nội san Thông tấn, số 3/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi - 25 năm "phủ sóng" tới đồng bào (25/02/2016 16:00:00)

Trên những cung đường Xuân... (25/02/2016 15:50:29)

Lắng đọng tiếng sóng Trường Sa (25/02/2016 15:01:45)

Cùng vào cuộc đưa tin về vụ khủng bố tại Paris (12/01/2016 14:28:31)

Tìm chim, kiếm voọc giữa biển trời Bắc bộ (12/01/2016 11:08:27)

Đưa thông tin của TTXVN lên mạng xã hội (12/01/2016 10:43:09)

Cơ bản vè SEO báo điện tử mà nhà nhà báo cần quan tâm (08/12/2015 15:28:30)

Chào Atlanta, chào TPP!: Chuyến công tác không thể quên (05/11/2015 09:33:01)

Ký ức về bài báo đầu tiên ở chiến trường (16/09/2015 14:43:25)

Không ngại khó, ngại khổ (05/08/2015 15:01:35)