Thứ năm, ngày 25/04/2024

Sổ tay phóng viên

Trên những cung đường Xuân...


(25/02/2016 15:50:29)

Tôi viết những dòng này khi đất trời đang chuẩn bị vào Xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc, nắng phương Nam trở nên ấm áp, ngọt ngào... Tôi muốn chia sẻ đôi chút cảm nhận của phóng viên Báo ảnh Việt Nam từng tham gia tác nghiệp qua nhiều vùng miền của đất nước trong những dịp đầu năm mới.

Phóng viên Nguyễn Vũ Thành Đạt ở ngã ba Đông Dương, Ngọc Hồi, Kon Tum

Những chuyến đi làm nghề phóng viên luôn mang đến cho tôi những cảm nhận không bao giờ cũ về con người và không gian văn hóa, về những giá trị lịch sử mà bao thế hệ ông cha đã gây dựng, vun đắp. Trước mỗi chuyến đi, tôi luôn có cảm giác háo hức như cậu sinh viên báo chí mới ra trường sắp được đi đến một miền đất lạ, được trải nghiệm, được tác nghiệp… Cảm giác ấy theo tôi trên mỗi cung đường mùa xuân, xen lẫn nhiều ý nghĩ về đề tài, về chính cuộc sống mưu sinh của người dân ở những nơi đã đi qua.
Đầu năm 2011, tôi có chuyến công tác tại tỉnh Đắk Lắk, được trải nghiệm cái nắng, cái gió Tây Nguyên trong tiết trời se lạnh. Những địa danh Krông Pak, Krông Buk, Krông Năng, Ea H’Leo, Cư M’Gar, Lắk, Yang Prông… với những con đường đất đỏ bazan, những vườn cà phê xanh bạt ngàn trổ bông trắng xóa. Cái nghèo như biến mất, thay vào đó là những ngôi nhà xây khang trang, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện, đèn điện sáng khắp nơi... Và đẹp nhất là hình ảnh những em bé người Ê đê, M’Nông, với đôi mắt to tròn, trong vắt như sương rừng Tây Nguyên, mang theo những chiếc túi dệt thổ cẩm, tung tăng đến trường.
Về Buôn Ma Thuột, không gian văn hóa Tây Nguyên như lắng đọng khi chúng tôi đến buôn AKô Đhông của người Ê Đê, được xem là hình mẫu của một buôn làng Tây Nguyên còn lưu giữ những mái nhà dài truyền thống. Già E Pắp, người đã sống ở AKô Đhông hơn 40 năm nay kể, AKô Đhông theo tiếng địa phương có nghĩa là buôn đầu nguồn. Trước đây, buôn là một vùng hoang vu với cây rừng bao phủ, rồi Ama Rin, người chủ rừng vốn ở buôn Ea Mlai thuộc huyện M’Đrắk đã đến khai hoang và lập buôn làng cho đồng bào về sinh sống. Ngoài nghề nương rẫy, người dân AKô Đhông còn phát triển các nghề truyền thống và thu hút du lịch bằng các lễ hội cồng chiêng mang đậm bản sắc Tây Nguyên.
Nhưng ấn tượng nhất trong chuyến đi này là con đường xuyên giữa Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Hai bên đường, những cánh rừng khộp rộng lớn đang vào mùa rụng lá. Dưới nắng trời Tây Nguyên, khung cảnh trở nên ngoạn mục tưởng như đang lạc giữa rừng bạch dương ở nước Nga xa xôi. Rừng khộp Tây Nguyên mang một vẻ đẹp riêng biệt với những tàng lá khô đủ màu sắc trong bạt ngàn cành khô như đang vươn lên đòi sự sống. Và thực tế khi mùa mưa đến thì rừng khộp gần như ngay lập tức sẽ được thay một lớp áo mới đan dày bằng triệu triệu chiếc lá non xanh mỡ màng…
Xuôi về phương Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, cảnh vật và con người mang nhiều nét văn hóa đặc trưng gắn với thiên nhiên sông nước. Chuyến công tác tại hai huyện Cần Giuộc và Cần Đước, tỉnh Long An vào đầu năm 2013 cho tôi nhiều cảm nhận mới thú vị.
Cần Giuộc là một vùng đất trù phú nhiều tiềm năng, với một hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa phong phú đang được chính quyền và người dân địa phương bảo tồn, gìn giữ. Ngay cửa ngõ của huyện là tượng đài anh hùng Nguyễn Thái Bình, biểu tượng về lòng yêu nước của sinh viên Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ, cũng là niềm tự hào, minh chứng cho truyền thống đấu tranh bất khuất xuyên suốt nhiều thế hệ của nhân dân Cần Giuộc. Cách đó không xa là Đình Chánh Tân Kim, di tích đã tồn tại gần 200 năm, gắn với lịch sử khai hoang mở đất của vùng đất này. Nức tiếng hơn cả là di tích chợ Trường Bình, chùa Tôn Thạnh, gắn với công trạng bi tráng của các nghĩa sĩ Cần Giuộc, vốn đã lưu danh sử sách qua bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của nhà yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Đi giữa chợ Trường Bình nhộn nhịp, tấp nập ở trung tâm của thị trấn Cần Giuộc ngày nay, tôi vẫn cảm nhận được đâu đó ý chí chống giặc với khí thế ngút trời của nhân dân và nghĩa sĩ Cần Giuộc thuở nào.
Trong tiết xuân mới, chúng tôi được thưởng thức món lạp xưởng, đặc sản truyền thống Cần Giuộc làm từ ruột heo tươi, bằng loài tôm đất đặc biệt, mang vị mặn mặn, ngọt ngọt hòa lẫn mùi tiêu thơm lừng, cay cay. Thật không hổ danh thương hiệu lạp xưởng Cần Giuộc được xếp vào hạng nhất nhì vùng đất Nam Bộ. Nhấp một ngụm trà, rồi cảm nhận vị ngọt, béo mà không ngán của cốm ngò, đặc sản nổi tiếng nhất của Cần Giuộc, chúng tôi như được xua đi những mệt mỏi sau những chặng đường dài công tác.
Chung những con rạch của dòng Vàm Cỏ Đông hiền hòa với Cần Giuộc, hàng trăm năm qua, thổ nhưỡng vùng đất Cần Đước đã chắt chiu nên hương độc đáo của thứ gạo thơm ngon bậc nhất Việt Nam- gạo Nàng Thơm Chợ Đào. Đặc sản gạo Nàng Thơm Chợ Đào chính hiệu chỉ trồng được ở 11 ấp thuộc xã Mỹ Lệ với diện tích khoảng 500ha, mà ngon nhất là ở 2 ấp Cầu Chùa và Rạch Đào. Người dân nơi đây kể lại, ngày xưa có cô Thơm nổi tiếng hiếu thảo, vừa đẹp người lại đẹp nết, lấy chồng ở Chợ Đào. Cô Thơm yểu mệnh mất sớm. Khoảng 100 ngày sau khi mất, trên mộ cô Thơm mọc lên cây lúa, cho ra hạt gạo trắng ngần, bên trong ửng hồng, có mùi thơm ngát. Người dân Cần Đước vốn ngưỡng mộ nàng dâu hiếu thảo nên lấy tên cô đặt cho giống lúa Nàng Thơm…
Chúng tôi lại lên đường tiếp tục hành trình phóng viên của mình. Thoảng trong gió dưới nắng nhẹ của buổi sáng đầu năm, những cánh đồng lúa Nàng Thơm cao ngập đầu người đang sai trĩu hạt, tỏa hương ngào ngạt, báo hiệu một vụ mùa Đông Xuân bội thu của vùng đất này…

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Lắng đọng tiếng sóng Trường Sa (25/02/2016 15:01:45)

Cùng vào cuộc đưa tin về vụ khủng bố tại Paris (12/01/2016 14:28:31)

Tìm chim, kiếm voọc giữa biển trời Bắc bộ (12/01/2016 11:08:27)

Đưa thông tin của TTXVN lên mạng xã hội (12/01/2016 10:43:09)

Cơ bản vè SEO báo điện tử mà nhà nhà báo cần quan tâm (08/12/2015 15:28:30)

Chào Atlanta, chào TPP!: Chuyến công tác không thể quên (05/11/2015 09:33:01)

Ký ức về bài báo đầu tiên ở chiến trường (16/09/2015 14:43:25)

Không ngại khó, ngại khổ (05/08/2015 15:01:35)

Tác nghiệp tại SEA Games 28: Vất vả nhưng vui! (04/08/2015 15:40:28)

Tác nghiệp trong dịp lễ đặc biệt 30/4 (08/06/2015 15:29:15)