Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Sổ tay phóng viên

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi - 25 năm "phủ sóng" tới đồng bào


(25/02/2016 16:00:00)

Nhìn lại chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển, tập thể những người làm Bản tin ảnh, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi các thời kỳ tự hào với những gì đã làm được, khẳng định vị thế của một tờ báo trong lòng đồng bào, đóng góp có ý nghĩa vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, vào sự nghiệp phát triển chung của ngành.

 

Đầu năm 1990, thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị, Quyết định 72 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Ban lãnh đạo cơ quan chủ trương có một ấn phẩm dành cho miền núi và vùng đồng bào dân tộc và giao nhiệm vụ cho tiểu ban (phòng) Miền núi và Lâm nghiệp (thuộc Ban biên tập tin Trong nước) làm nòng cốt chuẩn bị các điều kiện để xuất bản ấn phẩm này. Cuối năm 1990, lãnh đạo TTXVN đã có cuộc làm việc với 14 ủy viên Trung ương Đảng, bí thư tỉnh ủy các tỉnh miền núi tại trụ sở số 5 - Lý Thường Kiệt. Tại cuộc làm việc, tất cả bí thư tỉnh ủy nhất trí ủng hộ chủ trương của TTXVN xuất bản tờ báo duy nhất cả nước tại thời điểm đó dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Tiếp đó, ngày 28/11/1990, TTXVN đã tổ chức hội nghị phóng viên miền núi toàn ngành để bàn việc xuất bản Bản tin ảnh, với sự tham dự của Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh. Có được sự ủng hộ, đồng thuận cao, công việc chuẩn bị ra mắt số đầu tiên Bản tin ảnh, được Ban lãnh đạo cơ quan, trực tiếp là Tổng giám đốc Đỗ Phượng (cũng là Tổng biên tập đầu tiên của tờ báo) thực hiện khẩn trương.

Tháng 1/1991, số đầu tiên Bản tin ảnh Dân tộc và miền núi bằng tiếng Việt chính thức ra mắt với số lượng 10.000 bản/kỳ và đã nhận được sự chào đón của đồng bào. Từ nhu cầu thực tế, Bản tin ảnh đã lần lượt tăng số lượng lên 20.000 bản/kỳ (12/1992), 40.000 bản/kỳ (02/1995), 60.000 bản/kỳ (3/1996). Đáng chú ý, sau ba tháng ra mắt số đầu tiên, tháng 4/1991, Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi bằng tiếng Việt đã được chuyển ngữ sang tiếng Khmer cung cấp cho vùng đồng bào Khmer Nam bộ. Từ tháng 10/2013, tiếp tục chuyển sang ba ngữ Ê đê, Jrai, Bahnar phát hành tại các tỉnh Tây Nguyên. Tháng 10/2006 chuyển tiếp sang ngữ Chăm phát hành tại các tỉnh Nam Trung bộ. Như vậy, ngoài Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi bằng tiếng Việt, từ cuối năm 2006, hàng tháng, tòa soạn còn thực hiện chuyển ngữ sang năm tiếng dân tộc khác nhau là Khmer, Bahnar, Jrai, Chăm, Ê đê với số lượng phát hành lên 10.000 bản/kỳ. Bên cạnh đó, từ năm 1992, song song với xuất bản Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi tòa soạn đã thực hiện xuất bản số Chuyên đề Dân tộc và Miền núi hàng tháng, với số lượng gần 10.000 bản/kỳ.

Đầu năm 2011, trước sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình thông tin, trong đó có thông tin phục đồng bào dân tộc thiểu số, để tiếp tục khẳng định bản sắc riêng, tính chuyên biệt duy nhất của ấn phẩm, Ban lãnh đạo cơ quan đã chỉ đạo tòa soạn cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ, mang tính đột phá. Nhận thức được tính cấp thiết trong chỉ đạo của cấp trên, tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên tòa soạn đã động viên nhau chung sức chung lòng phấn đấu, bằng nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cuối năm 2011, sau khi lấy ý kiến của bí thư tỉnh ủy 40 tỉnh miền núi và vùng đồng bào dân tộc về việc nâng cấp Bản tin ảnh Dân tộc và Miền núi thành Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, tại cuộc họp ngày 14/02/2012, Ban Bí thư đã có kết luận đồng ý chủ trương của TTXVN xuất bản Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ bằng chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ tháng 7/2012 đến nay, tòa soạn đã lần lượt xuất bản 11 ấn phẩm song ngữ Báo ảnh Dân tộc và Miền núi gồm: Việt-Khmer, Việt-Mông, Việt-Tày, Việt-Ê đê, Việt-Jrai, Việt-Bahnar, Việt-K’ho, Việt-Chăm, Việt-M’nông, Việt-Xê đăng, Việt-Cơ tu với số lượng phát hành 68.000 bản/kỳ, tại 45 tỉnh miền núi và vùng dân tộc thiểu số cả nước.

Qua khảo sát, đánh giá của các địa phương về hiệu quả của Báo ảnh Dân tộc và Miền núi từ số đầu tiên năm 2012 đến nay, tất cả đều khẳng định: Đây là tờ báo duy nhất có nhiều song ngữ, tính chuyên biệt cao, có bản sắc riêng của cả nước do TTXVN xuất bản. Báo đã tạo cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với người dân, góp phần đắc lực vào việc bảo tồn tiếng nói - chữ viết của đồng bào các dân tộc; đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, văn hóa phẩm độc hại; chống lại sự chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch, phản động, tạo sự đồng thuận để xây dựng quê hương. Báo có hình ảnh đẹp, chân thực và hấp dẫn. Nội dung phong phú, chuyên trang, chuyên mục được sắp xếp khoa học. Chất lượng biên dịch chính xác, ngôn từ trong sáng và dễ hiểu...

Cùng với sản phẩm chính là báo in, trong các năm 2011-2012, tòa soạn còn tham gia thực hiện chuyên mục "Cộng đồng các dân tộc Việt Nam" phát trên Truyền hình thông tấn, thời lượng 15 phút/số. Tuy thời gian lên sóng chỉ có 18 tháng, nhưng chuyên mục đã để lại ấn tượng tốt cho người xem. Đặc biệt, từ tháng 3/2015, trang thông tin điện tử Báo ảnh Dân tộc và Miền núi đã chính thức đi vào hoạt động, có lượng truy cập ngày càng tăng tại trên 40 quốc gia.

Có được thành quả trên, Bản tin ảnh trước đây, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi song ngữ ngày nay đã phải trải qua không ít khó khăn. Đã có thời kỳ lực lượng những người làm báo của tòa soạn luôn "thiếu trước, hụt sau". Từ năm 1991 đến 1997, tuy là lực lượng nòng cốt làm Bản tin ảnh, tòa soạn cũng chỉ có 4 người chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm. Trong những năm 2011-2012, khi chuẩn bị các điều kiện để xuất bản Báo ảnh Dân tôc và Miền núi, tòa soạn cũng chỉ có 7 người.

Cán bộ, phóng viên tòa soạn đã vượt qua mọi khó khăn, thực hiện nhiều chuyến đi dài đến vùng sâu, vùng xa, của các tỉnh miền núi trong cả nước để điều tra, khảo sát, chuẩn bị bài, ảnh cho các sản phẩm thông tin mới. Mỗi chuyến đi đều để lại những niềm vui và kỷ niệm khó quên, từ chuyện phải đi bộ, leo núi, cắt rừng cả chục cây số, đến chuyện ăn ngủ của phóng viên nhiều khi chẳng giống ai. Nhưng niềm vui lớn nhất là đến đâu cũng thấy báo "của mình" được bà con trân trọng chuyền tay nhau đọc, đọc cho nhau nghe, bảo nhau cùng làm theo báo.

Thành công hôm nay còn có sự góp sức của nhiều thế hệ phóng viên thường trú TTXVN tại các địa phương. Để có được những bài viết, phóng sự hay, tấm ảnh đẹp trên mỗi số báo do tòa soạn đặt, anh chị em cũng phải trăn trở, vất vả trên từng chặng đường tác nghiệp. Cũng không thể quên sự hợp tác, giúp đỡ của các đơn vị trong ngành, của các địa phương trong việc phối hợp biên dịch, hiệu đính, in ấn, phát hành. Và trên hết là lòng tri ân sâu sắc đến các thế hệ cán bộ lãnh đạo, PV, BTV, nhân viên... đã có nhiều đóng góp và tạo dựng nền móng vững chắc cho tờ báo hôm nay không ngừng phát triển.

Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2016