Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Sổ tay phóng viên

Trải nghiệm ở Olympic Rio 2016


(10/10/2016 16:18:16)

Đầu tháng 8/2016, phóng viên Tuấn Cương, báo Thể thao&Văn hóa, được cơ quan cử đi tác nghiệp ở Thế vận hội Olympic Rio 2016 tại Brazil. Đó vừa là một vinh dự lớn đồng thời cũng đặt ra những thử thách không nhỏ đối với một phóng viên lần đầu đi tác nghiệp độc lập tại nước ngoài. Nội san Thông tấn giới thiệu bài viết về chuyến công tác đặc biệt này.

Olympic Rio 2016 là một kỳ thế vận hội đặc biệt thành công của thể thao Việt Nam với một tấm huy chương vàng (súng ngắn hơi 10m) và một tấm huy chương bạc (súng ngắn bắn chậm 50m) của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Đó có lẽ cũng là một sự khích lệ cực kỳ lớn lao và trải nghiệm không thể nào quên với những phóng viên tác nghiệp tại Rio 2016.
 
Chuẩn bị tốt là thành công một nửa
Tại Thế vận hội lần này, Việt Nam có 5 đơn vị báo chí tham gia tác nghiệp. VTV, với việc sở hữu bản quyền các môn thể thao có Việt Nam thi đấu, dĩ nhiên vẫn là lực lượng đông đảo nhất với hai ê kíp quay phim và biên tập để có thể bao quát các môn thi đấu. Trái lại, các đơn vị như báo Thanh niên, Tuổi trẻ, VOV và TTXVN đều chỉ cử một phóng viên tham gia tác nghiệp.
Mặc dù các phóng viên Việt Nam có thể phối hợp phần nào trong quá trình tác nghiệp tại Brazil, song rõ ràng vai trò xử lý công việc của mỗi người đều vô cùng quan trọng. Nếu như phóng viên của Thanh niênTuổi trẻ chỉ cần sản xuất bài vở cho báo giấy và báo điện tử, VOV chủ yếu là phần tiếng (voice) và online, thì phóng viên của TTXVN thường xuyên phải đáp ứng yêu cầu “4 trong 1”. Đó là phần tin nguồn và ảnh nguồn cho cơ quan, bài vở cho báo giấy, tin bài cho báo điện tử và tin, phóng sự phát trên kênh truyền hình Thông tấn. Thậm chí, phóng viên cũng cần phải nhạy bén trong việc sử dụng mạng xã hội trong khai thác và sản xuất thông tin. Ví dụ như chạy livestream facebook ở những sự kiện nóng, được nhiều người quan tâm.
Đừng ngại hỏi thông tin từ các tình nguyện viên vì họ rất nhiệt tình, dù không phải ai trong số đó cũng biết tiếng Anh

Vậy thế nào là chuẩn bị tốt và tại sao chuẩn bị tốt đã là thành công một nửa? Ra nước ngoài không đơn giản là bạn chỉ cần chút ngoại ngữ và thông thạo các thủ tục ở sân bay. Điều quan trọng nhất khi tác nghiệp ở nước ngoài là phông văn hóa vừa đủ về quốc gia ấy.
Những ngày đầu tiên của tôi ở Brazil thực sự là một trải nghiệm đáng quên. Bước xuống sân bay là một quốc gia xa lạ và hầu như không ai biết tiếng Anh. Để về đến khu trọ, bạn phải nói chuyện mỏi cả… tay, cũng như sử dụng cả phần mềm Google Translate. Ở Rio, tôi đã vật vã gần hai ngày vì không tài nào nạp được tiền vào tài khoản cho chiếc sim mới mua. Đi taxi mà tắc đường thì đúng là cơn ác mộng. Bạn không chỉ đến muộn mà còn có thể mất cả đống tiền. Ở Brazil, xe có thể dừng đèn đỏ rất lâu nhưng đồng hồ tính tiền thì vẫn cứ chạy như bình thường.
Đó thật ra chỉ là vài trong số nhiều khó khăn mà phóng viên có thể gặp phải khi tác nghiệp ở nước ngoài. Nhưng điều này hoàn toàn có thể tránh được hoặc giảm thiểu nếu bạn chịu khó tìm hiểu về đất nước, con người, ẩm thực, văn hóa… trước khi đi, thông qua internet, qua sự chia sẻ từ các diễn đàn.
 
Tai nạn và những bài học
Ngày mới sang, cậu em Huy Đăng của báo Tuổi trẻ đã được một phen hết hồn khi một mình lần mò vào một favelas (khu ổ chuột), giương ống kính lên chụp và dính ngay cú đấm của một gã trai bặm trợn. Và nếu không nhanh chân chạy về phía cảnh sát ở đầu hẻm, anh có thể bị cả một toán thanh niên “quây”. Ở một thành phố có tỷ lệ tội phạm nằm trong Top 10 thế giới như Rio de Janeiro, mọi hành xử đều phải hết sức cẩn trọng.
Đôi khi, bạn phải tận dụng bất cứ điểm tựa nào để có thể đặt máy quay nếu phải dẫn hiện trường.

Đó là một tai nạn ngoài xã hội. Còn tai nạn về chuyên môn, với tôi đáng quên nhất có lẽ là hôm phỏng vấn HLV Nguyễn Thị Nhung của đội tuyển bắn súng Việt Nam tại trường bắn Deodoro. Thời điểm ấy, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vừa giành tấm huy chương vàng môn súng ngắn hơi cự ly 10 mét và chuẩn bị bước vào cuộc thi đấu môn súng ngắn tự chọn cự ly 50 mét (mà sau đó anh giành HCB), nên chị Nhung không có nhiều thời gian, nhưng vì nể tôi nằn nì đeo bám nên đã đồng ý trả lời phỏng vấn. Đáng tiếc, vì quá vội nên khi quay phỏng vấn, tôi đã không cắt tiếng xông, sau khi xem lại băng hình mới thấy dở khóc dở cười: Chị Nhung trả lời trong tiếng đạn chát chúa ở trường bắn, phải căng tai lên mới nghe rõ. Kết luận: Tốc độ là điều rất cần thiết khi đeo bám nhân vật và phỏng vấn, nhưng đừng có vội quá, đến nỗi quên cả thao tác.
Việc dẫn hiện trường là điều bắt buộc với các phóng viên và xung quanh vấn đề này cũng khá nhiều điều hay. Hôm khai mạc ở Maracana, vì không mang theo chân máy, tôi đã hì hục đặt máy quay lên… trần xe cảnh sát rồi ra trước ống kính để dẫn, điều này khiến khung hình không thực sự chuẩn. Rút kinh nghiệm, tôi nhờ một anh bạn nước ngoài cầm máy hộ. Tốt nhất là nhờ một đồng nghiệp nước ngoài về lĩnh vực truyền hình. Họ là những tay máy chuẩn, ngắm khuôn hình rất tốt và cũng khá thân thiện, còn trong trường hợp bí quá thì đành nhờ CĐV, dĩ nhiên, là những người nom có vẻ đáng tin cậy một chút.
 
Đơn độc nhưng là trải nghiệm lý thú
Trong đám phóng viên Việt Nam ở bên này, có lẽ tôi được đoàn thể thao Việt Nam thương nhất vì lúc nào cũng hộc tốc chạy từ chỗ nọ đến chỗ kia, hết quay rồi chụp, rồi hẹn phỏng vấn, năn nỉ ỉ ôi.
Đối với một phóng viên chuyên trách về mảng quốc tế của báo Thể thao&Văn hóa, việc lần đầu đi làm một giải lớn của thể thao trong nước và phải theo sát đoàn Việt Nam, những ngày đầu tiên thật là khó khăn. Bạn không có mối quan hệ nào với bất kỳ thành viên nào trong đoàn trước đó. Bạn không có đối tác để có thể bàn bạc, trao đổi vào những lúc “nóng”. Nhiều khi việc ôm đồm nhiều loại hình có thể khiến bạn lẫn lộn, quên luôn cả công việc mà mình định làm.
Nhưng quan hệ thì có thể xây dựng theo thời gian, ít nhất là theo kiểu trước lạ sau quen. Các đồng nghiệp Việt Nam ở Brazil dù ít nhưng cuối cùng cũng có thể gặp gỡ và trao đổi học hỏi kinh nghiệm. Và tôi cũng may mắn khi được họ hỗ trợ khá nhiều.
Khoảng thời gian hơn hai tuần tác nghiệp tại Brazil thực sự là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời làm báo của tôi. Có những khó khăn, có những trở ngại, song cũng có nhiều niềm vui và tôi thấy rằng mình thật sự may mắn khi được trực tiếp chuyển tải những giây phút lịch sử từ Rio về cho Tổ quốc.

Tuấn Cương: Từ Rio janeiro, Brazil
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2016

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tôi học đứng trước máy quay truyền hình  (04/10/2016 10:59:18)

Vượt lũ dữ đến Lủng Pảng (14/06/2016 14:33:00)

Giải ảnh báo chí thế giới năm 2015: Bức ảnh về người di cư đoạt giải Nhất (08/04/2016 09:22:27)

Niềm vui từ sự thử thách (07/04/2016 10:12:18)

Báo ảnh Dân tộc và Miền núi - 25 năm "phủ sóng" tới đồng bào (25/02/2016 16:00:00)

Trên những cung đường Xuân... (25/02/2016 15:50:29)

Lắng đọng tiếng sóng Trường Sa (25/02/2016 15:01:45)

Cùng vào cuộc đưa tin về vụ khủng bố tại Paris (12/01/2016 14:28:31)

Tìm chim, kiếm voọc giữa biển trời Bắc bộ (12/01/2016 11:08:27)

Đưa thông tin của TTXVN lên mạng xã hội (12/01/2016 10:43:09)