Thứ năm, ngày 04/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Tính chân thật trong ảnh báo chí


(29/08/2012 15:22:15)

Tính chân thật hay còn gọi tính hiện thực, hoặc tính tài liệu, là một trong những đặc tính quan trọng bậc nhất của nhiếp ảnh, đặc biệt hiện nay, khi mà kỹ thuật số ngày càng hoàn thiện.

           Phần mềm của photoshop đã đạt được trình độ tinh xảo, thì tính chân thật trong ảnh nói chung và ảnh báo chí nói riêng càng đóng một vai trò cực kỳ trọng yếu. Nếu ảnh báo chí không đảm bảo được tính chân thật, sẽ làm mất lòng tin của công chúng. Và một khi nhiếp ảnh đánh mất hiện thực, thì nhiếp ảnh chỉ còn là một trò chơi ánh sáng, mua vui con mắt người xem.

Việc mô tả hiện thực được coi là cơ sở của phạm vi hoạt động ảnh báo chí. Ảnh báo chí trước hết phải là ảnh tài liệu, nó không phải là ảnh nghệ thuật thuần túy. Điều đó không mảy may làm giảm giá trị xã hội của ảnh báo chí. Ngược lại càng xác định vững chắc hơn bản chất độc đáo của nó - tính chân thật - tính thời sự - tính hiện thực. Bất luận trường hợp nào xã hội cũng cần biết sự thật một cách chính xác nhất. Sự thật trong ảnh báo chí là  nguyên hình nguyên trạng, không bị một nguyên nhân chủ quan nào chi phối. Tính chân thật của một bức ảnh đã tạo cho nó một giá trị đặc biệt. Bởi nó là chứng cứ hay là một sự xác nhận.       

Mỗi một bức ảnh báo chí là một tư liệu, chứa đựng những thông tin cần thiết về một chủ đề nào đó. Vì vậy các nhà lý luận nhiếp ảnh cho rằng: Sự tồn tại của nhiếp ảnh báo chí trước hết là tính tư liệu của nó. Và ảnh báo chí là một thể loại độc lập, có tiếng nói riêng rất có giá trị của hoạt động tạo hình nhiếp ảnh thuộc lĩnh vực báo chí, có khả năng phát hiện và phổ biến những tin tức có thật trong đời sống rất cần thiết đối với xã hội.

Như vậy để đảm bảo giá trị tư liệu của ảnh báo chí, phóng viên ảnh phải luôn tôn trọng sự thật. Tuyệt đối không được dùng kỹ thuật để thêm hoặc bớt, làm méo mó sự kiện đang diễn ra. Đặc biệt không được dàn dựng, sắp xếp, bố trí đối tượng làm thay đổi sự thực vốn có. Cần để cho sự kiện diễn ra một cách tự nhiên, nhiệm vụ của phóng viên ảnh là phải ghi lại cho được những giây phút có sức biểu hiện cao nhất, có sức hấp dẫn nhất, chân thật nhất của dòng thác sự kiện.

Đã một thời, các phóng viên ảnh chúng ta mang đến cho công chúng những bức ảnh thời sự nóng hổi, có sức cuốn hút người xem với những hình ảnh nổi tiếng như "Tải đạn"  của Lê Chi Hải; "Chiếm căn cứ Đầu Mầu" của Đoàn Công Tính; "Chạy đâu cho thoát" của Mai Nam; "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" của Vũ Tạo; "Phúc Tân kêu gọi trả thù" của Vũ Ba; "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của Minh Trường; " O du kích nhỏ" của Phan Thoan.... Những bức ảnh đó vừa ghi lại sự hiện diện của đối tượng không thêm không bớt, vừa mang tính sáng tạo, mà sáng tạo là một bước nhảy đột biến của chất lượng, để từ đó nảy sinh ý ảnh trực diện với hiện thực.

Tóm lại, trong ảnh báo chí bất luận dùng kỹ thuật nào, kỹ xảo nào làm méo mó hiện thực, làm thay đổi tính chân thật của ảnh đều sẽ bị loại bỏ. Nhưng cũng phải nói thêm là chúng ta chấp nhận mọi kỹ thuật để tạo ra tình huống nhằm nới lỏng cảm xúc, nói khác đi là mở rộng cảm xúc để tiếp nhận nội dung. Đó là loại ảnh thời sự nghệ thuật. Chất nghệ thuật trong ảnh thời sự báo chí khá đậm, làm cho bức ảnh sống mãi với thời gian.                                                            

Mạnh Thường
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Qỷãên lẳ½ trõ»ơ sõ»ă vẳ  cẳ´ng tẳâc vẵƒn phẳ²ng - Chuý»‡n khẳ´ng hõ» nhõ» (29/08/2012 15:05:58)

Cần lắm sự cảm thông giữa phóng viên, biên tập viên (29/08/2012 15:02:59)

Chờ đợi để... sẵn sàng tác nghiệp (29/08/2012 15:00:23)

Linh hoạt trong vấn đề bản quyền truyền hình (29/08/2012 14:56:08)

Bản quyền - nhìn từ nhiều phía (29/08/2012 14:49:52)

Cập nhật thông tin tài chính - ngân hàng cho các nhà báo TTXVN (02/08/2012 11:12:37)

Một số tiêu chí của ảnh báo chí (02/08/2012 09:38:38)

Phản hồi (02/08/2012 09:28:12)

Những yếu tố làm giảm tốc độ đọc (02/08/2012 09:22:17)

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống  (01/08/2012 13:27:43)