Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Sổ tay phóng viên

An toàn khi đi "săn bão"


(05/06/2018 08:56:33)

Trong bài viết này, tôi xin chia sẻ một số hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân về tác nghiệp trong bão hay vẫn nói vui là đi “săn bão”, có thể giúp các đồng nghiệp trẻ thêm kinh nghiệm. Và quan trọng hơn là giữ an toàn cho mình, bởi không có thước phim, tấm ảnh hay dòng tin nào đáng giá hơn mạng sống.

PV Xuân Trường cùng đồng nghiệp đi vào tâm lũ Tùng Chỉn, Bát Xát, Lào Cai, năm 2008


Di chuyển trong bão
 
Khi tác nghiệp mưa bão, dù đi bằng bất cứ phương tiện gì phóng viên buộc phải có mũ cứng bảo vệ đầu (mũ bảo hiểm, mũ bảo hộ lao động, mũ cối...). Không nên sử dụng loại áo mưa trùm quá rộng, vì khi đó áo mưa sẽ thành cánh buồm đón gió làm người mặc có thể bị quật ngã; gió bão cũng sẽ giật rách áo. Nếu đeo ba lô sau lưng, có thể cắt bớt áo mưa, lồng dây buộc chặt vào thắt lưng tránh vướng víu.
 
Khi di chuyển bên phải đường, nếu gió đẩy người và xe ra phía lòng đường (gió thổi từ phải sang trái) thì bạn đang đi ra ngoài vùng tâm bão. Ngược lại, gió giật từ trái sang phải là đang đi vào vùng tâm bão. Đi “săn bão” khác với người đi tránh bão, cần “đi vào”.
 
Dù đi bộ hay di chuyển bằng xe, tuyệt đối không đi nhanh, nên cúi người thật thấp, hạn chế tối đa sức cản của gió.
 
Sẽ rất nguy hiểm khi đi qua đoạn đường ngập nước, đặc biệt nguy hiểm nếu nước chảy. Xe hai bánh chỉ cần ngập sâu 20cm thì sức nước và gió đủ lôi tuột người cùng xe vào vùng nước sâu hơn. Khi đi xe máy trên đường ngập nước, nên đi số 2, không đi số 1 rất dễ bị giật, chết máy; đi chậm, tốt nhất bám sau xe ô tô (nếu có), giữ khoảng cách 4 - 5m để vừa an toàn, vừa tránh được gió, ổ gà bất chợt và hạn chế sức cản của nước.
        
Trú ẩn an toàn
 
Nếu đang đi trong phố, không nên trú tránh ngay tại mặt phố chính. Tại đây gió vẫn rất mạnh, dễ bị các tấm tôn, kính, biển quảng cáo văng vào người. Nên chọn các hẻm, góc khuất để trú. Điểm trú ẩn cũng phải chọn hiên nhà kiên cố, đủ rộng để che chắn an toàn.
 
Nếu ở vùng nông thôn, tuyệt đối không chọn mái hiên nhà tranh, nhà ngói, bức tường, cây to, vì dễ bị gió bão quật đổ. Nên tìm các ngôi nhà kiên cố hay địa hình tự nhiên như: Góc khuất các gò, bờ đất cao, sau rặng tre, bờ rào cây cứng. Những khu vực trú ngụ này không ngăn được hoàn toàn mưa gió nhưng mức độ nguy hại rất thấp; đặc biệt những lũy tre dày hầu như không bao giờ bị quật ngã. Cần lưu ý, đó cũng là nơi động vật thường chọn để tránh bão, nguy hiểm nhất là rắn.
 
Chọn địa điểm để chụp ảnh, quay phim
 
Cố gắng chọn cho được điểm an toàn: Một mái hiên nhà, trụ bê tông ven đường, gầm xe tải... Những vị trí ấy tạo thành vật chắn đủ che cho chiếc máy ảnh, máy quay ít bị gió tạt. Nhưng có một vật chắn gió tiện nhất là... người đi cùng. Một đồng nghiệp khom người, che cho người quay phim chụp ảnh, vừa bảo vệ phương tiện vừa bảo vệ người đang tác nghiệp rất tốt. Do đó, khi tác nghiệp trong bão nói riêng hay thiên tai nói chung, nên cử ít nhất hai người cùng đi.
 
Khi quay phim, chụp ảnh, cần chú ý đến tiền cảnh và hậu cảnh. Tiền cảnh như biển hiệu, cột mốc hay bất kỳ cái gì ghi lại địa danh để thay cho ghi chép. Xin mách một mẹo nhỏ để bọc máy ghi âm: Bằng bao cao su. Vâng rất “OK” đấy, chỉ có điều khi sử dụng nên tế nhị đừng để người được phỏng vấn biết điều này.
 
Về hậu cảnh, ngoài các chi tiết cần thiết, cần cố gắng đưa vào tán cây để “lấy gió”, điểm đặc trưng thể hiện về bão. Chọn một cây độc lập là tốt nhất, hoặc có thể chọn rặng dừa, rặng phi lao… để thấy được sức mạnh của gió bão.
      
Tìm nhân vật cho bức ảnh
 
Yếu tố quan trọng bậc nhất để có bức ảnh tốt là nhân vật chính của “câu chuyện” mà bức ảnh kể. Tìm được nhân vật coi như hoàn thành 80% bức ảnh. Có hai tuyến nhân vật cũng là hai hoạt động chính trong bão lũ: Nạn nhân và công tác cứu hộ, cứu nạn. Phương châm mà các PV ảnh chiến trường luôn “nằm lòng”: Gần, gần và gần hơn nữa. Gần hơn nữa để có cái nhìn người trong cuộc, dữ dội và chân thật, sẻ chia và cảm thông hơn. Gần hơn nữa để nhân vật chính nổi bật trong ảnh, đặc biệt là ánh mắt, với trạng thái tâm lý, cảm xúc, hành động, với nỗi đau, sự hoảng sợ, thất vọng… Nên tìm chọn các nhân vật là người già, trẻ em, phụ nữ, có thể là một nhóm người đang dắt díu nhau tránh bão, một chị bán hàng rong đang trở về nhà...
 
Để có được bức ảnh với ánh mắt biểu lộ rõ cảm xúc, PV phải ở rất gần với đối tượng, phải đeo bám. Nhưng tối kỵ cách đeo bám gây khó chịu, thậm chí gây phẫn nộ cho người “bị chụp”, nhất là khi họ đang ở tận cùng nỗi đau mất mát.
 
Đừng vội quay hay chụp, việc cần làm đầu tiên là chia sẻ với nạn nhân. Với gia đình có người tử vong, tôi thường xin viếng nạn nhân, rồi sau đó mới trò chuyện cùng thân quyến (cuộc trò chuyện đó có rất nhiều tư liệu để viết). Khi có sự sẻ chia rồi, quay hay chụp sẽ rất dễ.
 

PV Huy Hùng, Ban biên tập Ảnh, tác nghiệp trong trận lụt lịch sử năm 2008 tại Hà Nội

Cầm máy ảnh thế nào?
 
Không nên đưa sát ống kính vào mặt người được chụp. Học cách ước lượng ống kính để không cần ngắm, dùng ống kính góc rộng, cầm máy trong tay, khi đó ống kính có thể đặt rất gần mà vẫn bớt đi cảm giác soi mói, vừa nói chuyện với đối tượng vừa bấm máy. Làm như vậy mình có thể đeo bám đối tượng khá lâu mà không gây phản cảm.
 
Khi di chuyển chụp đối tượng đang chuyển động trong mưa bão thì kỹ năng này càng cần thiết, giúp mình cùng chạy với đối tượng mà vẫn chụp được hàng trăm bức ảnh. Lưu ý, luôn tranh thủ xem lại hình để điều chỉnh vì rất có thể ảnh bị trượt.
 
Một điều cần lưu ý nữa, khi tác nghiệp trong mưa bão, PV nên mặc áo phao để phòng chống đuối nước và giúp giảm bớt những va đập thường gặp.
 
 

Xuân Trường
Nội san thông tấn số 5/2018

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tác nghiệp trong hỏa hoạn (04/05/2018 14:52:02)

Cách viết tên các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị, đoàn thể (03/05/2018 15:15:06)

Đảm bảo an toàn khi đưa tin cháy rừng (02/01/2018 10:59:00)

Giữ mình khi tác nghiệp nơi rừng núi (01/11/2017 15:16:32)

Quy tắc hoạt động và hướng dẫn biên tập của OANA (02/03/2017 10:31:41)

Tác nghiệp trong lũ dữ (10/10/2016 16:23:16)

Trải nghiệm ở Olympic Rio 2016 (10/10/2016 16:18:16)

Tôi học đứng trước máy quay truyền hình  (04/10/2016 10:59:18)

Vượt lũ dữ đến Lủng Pảng (14/06/2016 14:33:00)

Giải ảnh báo chí thế giới năm 2015: Bức ảnh về người di cư đoạt giải Nhất (08/04/2016 09:22:27)