Thứ năm, ngày 25/04/2024

Tin tức trong ngành

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Những phóng viên F0


(30/08/2021 19:56:29)

Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021, cơn bão mang tên COVID-19 bất ngờ càn quét Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Pretoria (Nam Phi) khiến tất cả các thành viên trong gia đình của hai phóng viên thường trú đều dương tính với virus SARS-CoV-2. Điều đáng nói, cũng thời điểm này, diễn biến phức tạp của dịch bệnh và tình trạng bạo lực, cướp phá gia tăng khắp nơi đã buộc các phóng viên F0 phải khắc phục mọi khó khăn, thực hiện thành công “mục tiêu kép” là vừa chữa bệnh, vừa đảm bảo thông suốt nhiệm vụ thông tin.

Khi phóng viên thành F0
 

Hai phóng viên Lại Hồng Minh và Lê Đình Lượng, CQTT TTXVN tại Pretoria (Nam Phi), vẫn tích cực tác nghiệp dù đang trong thời gian điều trị COVID-19, đảm bảo giãn cách và không tiếp xúc với cộng đồng, tháng 7/2021

Thời điểm đó, Nam Phi - quốc gia đứng đầu danh sách chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh trên toàn châu Phi - đang trong đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm thứ ba, với khoảng 20.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày. Đặc biệt, ngày 3/7, số ca mắc mới được ghi nhận lên đến 26.500, cao nhất kể từ khi có ca nhiễm virus đầu tiên tại quốc gia này hồi đầu tháng 3/2020.

Trái ngược với thời tiết mùa hè ở Việt Nam, đất nước Nam bán cầu này hiện đang trải qua mùa đông. Thời tiết lạnh, sự chủ quan trong phòng, chống dịch và việc chậm triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đã khiến tình hình dịch bệnh tại Nam Phi ngày càng trầm trọng. Cùng với sự xuất hiện và hoành hành của biến thể Delta, tỉnh Gauteng, nơi có thủ đô hành chính Pretoria và thành phố lớn nhất Nam Phi Johannesburg, trở thành tâm dịch với số ca mắc và tử vong mỗi ngày lớn nhất cả nước.

Nhận thức rõ nguy cơ lây nhiễm từ hoạt động tác nghiệp và sinh hoạt hằng ngày tại địa bàn nóng, CQTT Pretoria đã chủ động trang bị phương tiện và thiết bị phòng dịch, cũng như liên tục cập nhật tình hình từ cơ quan y tế địa phương.

Thời điểm đó, Nam Phi mới chỉ tiến hành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hai nhóm nghề nghiệp có nguy cơ cao là nhân viên y tế và nhân viên giáo dục, cùng nhóm người dân trên 60 tuổi. Phải đến giữa tháng 7, chính phủ Nam Phi mới quyết định mở rộng chương trình tiêm vaccine cho nhóm tuổi từ 35 đến 49. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan khiến các phóng viên CQTT Pretoria và gia đình trở nên nhạy cảm với dịch COVID-19 hơn bao giờ hết.

Ngày 28/6, đúng ngày chính phủ Nam Phi nâng mức cảnh báo toàn quốc lên cấp độ 4 (dưới cấp độ cao nhất một bậc), một “thành viên nhí” trong gia đình của phóng viên CQTT Pretoria bắt đầu có biểu hiện sốt và một số triệu chứng nhiễm bệnh đi kèm. Trong lúc cháu đi test COVID-19, cả CQTT hồi hộp chờ kết quả. Ý thức được việc cháu có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2 từ bạn bè khi đi học (do các trường học ở Nam Phi vẫn tiến hành dạy và học trực tiếp, cho đến khi có quyết định nghỉ học kỳ sớm từ ngày 1/7), CQTT Pretoria đã tiến hành họp khẩn cấp, bàn một số giải pháp cấp bách cho những ngày sắp tới. Và cũng bắt đầu từ lúc này, chúng tôi tiến hành giãn cách và đeo khẩu trang khi tiếp xúc ngay trong cơ quan.

Các cụ vẫn dạy “trong cái rủi có cái may”! Với tình hình dịch bệnh căng thẳng tại Nam Phi, chúng tôi đã may mắn có kế hoạch chuẩn bị và “diễn tập” ứng phó với tình huống khẩn cấp một vài lần trước đó, khi có “báo động” về nguy cơ trở thành F1, F2… từ một số thành viên trong cộng đồng người Việt tại Pretoria mà chúng tôi có tiếp xúc. Thuốc và thiết bị y tế cơ bản dùng trong trường hợp bị lây nhiễm đã có. Phân công công việc, chia mảng tin, bài, theo dõi thông tin thời sự của Nam Phi và các nước trong địa bàn do CQTT Pretoria phụ trách cũng đã có. Chúng tôi thống nhất cách thức liên lạc và quy trình làm việc khi tự cách ly tại CQTT. Mọi việc cần bình tĩnh, cứ theo kế hoạch mà tiến hành!
 
Phóng viên Lê Đình Lượng ghi hình đất nước Nam Phi dần ổn định sau bạo loạn và cướp phá

Và rồi, chuyện gì đến cũng phải đến. Ngày hôm sau, thành viên đầu tiên của CQTT Pretoria nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Tại Nam Phi, bệnh nhân và người thân thực hiện cách ly tại nhà 10 ngày, chỉ nhập viện khi có các biểu hiện trở bệnh nặng. Ngay sau khi gửi báo cáo tình hình và nhận chỉ đạo từ Ban lãnh đạo TTXVN, CQTT Pretoria chính thức khởi động chương trình “bế quan tỏa cảng”, tự cách ly, ứng phó với tình huống khẩn cấp có trường hợp F0 như kế hoạch trước đó. Với tần suất tiếp xúc trong cơ quan, chúng tôi xác định khả năng tất cả mọi người đều bị lây nhiễm là rất cao.

Những ngày sau đó là quãng thời gian chúng tôi “chiến đấu” với các triệu chứng bệnh và cả công việc. Lần lượt từng thành viên trong CQTT xuất hiện triệu chứng, từ nhẹ như mất vị giác cho đến nặng như sốt cao, ho, cơ thể đau nhức, mệt mỏi… Điều may mắn là tất cả các “thành viên nhí” đều dứt triệu chứng rất nhanh, chỉ 3-4 ngày là có dấu hiệu khỏi bệnh nên chúng tôi chủ yếu tập trung vào chữa bệnh cho chính bản thân mình. Một may mắn nữa là tất cả các ca bệnh tại CQTT đều không có biến chứng và biểu hiện nặng như khó thở hay mất tỉnh táo. Chúng tôi vẫn đùa với nhau: “Chúng ta trẻ và khỏe. Làm phóng viên TTXVN vất vả, khó khăn thế còn được thì COVID-19 có là gì”.

Hằng ngày, chúng tôi cập nhật tình hình sức khỏe, đo thân nhiệt, đo huyết áp… của từng thành viên qua phần mềm chat WhatsApp, động viên nhau giữ tinh thần thoải mái, vận động nhẹ, đi lại trong khuôn viên cơ quan, sưởi nắng, ăn uống đầy đủ để giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục. Chúng tôi vẫn lấy công việc làm động lực để ngồi dậy, để vận động và tư duy, quyết không để bản thân bị bệnh tật quật ngã.

Trong gần một tháng, từ khi lây nhiễm, chữa trị, rồi dần dần hồi phục, các phóng viên CQTT Pretoria vẫn luôn cố gắng làm việc, đảm bảo tin, bài hằng ngày. Chúng tôi tự đề ra “mục tiêu kép”: vừa chữa bệnh, vừa đảm bảo công việc thông suốt, không bỏ sót thông tin địa bàn. Cho đến giờ, khi “cơn bão” đã qua đi, các thành viên CQTT đã có kết quả âm tính với virus, chúng tôi mới có cơ hội nhìn lại hành trình của chính mình.
 
Bạo loạn giữa đỉnh dịch

Đúng vào giai đoạn gay cấn thực hiện “mục tiêu kép” thì tình hình an ninh của nước sở tại và nước láng giềng Eswatini trở nên hết sức phức tạp, buộc chúng tôi phải nhanh chóng ra khỏi giường bệnh.
 
Những người biểu tình cầm gậy diễu hành qua các đường phố tại trung tâm kinh tế tài chính của đất nước - thành phố Johannesburg, cách thủ đô hành chính Pretoria 60km. Ảnh: Reuters

Ngày 29/6, ngày CQTT xuất hiện ca F0 đầu tiên, tại nước láng giềng Eswatini - vương quốc theo chế độ quân chủ chuyên chế cuối cùng của châu Phi - làn sóng biểu tình lần thứ hai đòi dân chủ diễn ra căng thẳng với bạo lực và cướp phá khắp nơi.

Trong khi đó, tại Nam Phi, sự kiện cựu Tổng thống Jacob Zuma bị kết án 15 tháng tù vì tội coi thường tòa án đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình. Sự việc lên tới đỉnh điểm khi cựu Tổng thống tự nộp mình cho cảnh sát, chính thức thi hành án tù ngày 9/7, khiến các cuộc biểu tình trở thành chuỗi hành động bạo lực và cướp phá, gây tổn hại nặng nề cho nỗ lực tái thiết kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Chưa hết cuộc bạo loạn này đã đến cuộc bạo loạn khác. Cả hai quốc gia đều thuộc địa bàn thông tin của CQTT Pretoria nên dù đang trong quá trình chữa bệnh, phóng viên vẫn phải cố gắng đưa tin nhanh chóng về Tổng xã.
Nhờ nắm vững địa bàn, phóng viên Lê Đình Lượng đã liên lạc, kết nối kịp thời với công dân Việt Nam tại các khu vực chịu ảnh hưởng của bạo loạn tại Eswatini và Nam Phi, nhanh chóng có thông tin phản ánh, đồng thời hỗ trợ Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, kiêm nhiệm Eswatini, có hành động bảo hộ công dân đúng thời điểm.

Một điều khá lo lắng là tình trạng bạo loạn và cướp phá có thể lan đến khu vực có trụ sở CQTT Pretoria. Để bảo đảm an toàn tính mạng cũng như tài sản của cơ quan và gia đình, chúng tôi đã cắt cử nhau luân phiên theo dõi tình hình, kiểm tra an ninh. Điện thoại, máy tính lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng nhận và gửi thông tin về Hà Nội.

Mặc dù đã tuân thủ đúng thời gian tự cách ly như khuyến cáo của cơ quan y tế sở tại, nhưng khi làm tin, dẫn hiện trường về tình hình bạo loạn và cướp phá, chúng tôi vẫn thống nhất tìm địa điểm vắng người để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, nhưng cũng phải trong tầm kiểm soát của lực lượng an ninh để an toàn cho phóng viên tác nghiệp.
 
Lực lượng an ninh tuần tra quanh trung tâm mua sắm tại thành phố Vosloorus sau khi diễn ra hàng loạt vụ cướp phá. Ảnh: Ewn.co.za

Ngày 17/6, khi tình hình đã dần ổn định trở lại, sức khỏe cũng tốt hơn, chúng tôi mạnh dạn lên đường, tới các điểm đông người để tác nghiệp. Nhờ thế, hình ảnh ghi được phong phú, sinh động hơn, dẫn hiện trường cũng tốt hơn, được Ban biên tập tin Thế giới sử dụng trọn vẹn bản tin truyền hình. Đây là niềm vui kép của chúng tôi khi sức khỏe đã phục hồi và công việc đã bắt nhịp trở lại.

Nhiễm COVID-19, trở thành F0 tại một đất nước cách xa quê mẹ Việt Nam hơn mười ngàn cây số và 20 giờ bay là điều không ai muốn. Nhớ lại những ngày chữa bệnh, chia sẻ với nhau từng viên thuốc hạ sốt, từng lọ thực phẩm chức năng, hỗ trợ tăng cường miễn dịch mới thấy tình nghĩa đồng nghiệp thực đáng trân quý.

Cũng phải thừa nhận rằng, tác nghiệp khi sức khỏe không tốt vốn đã khó khăn, tác nghiệp khi mắc COVID-19 với đủ các triệu chứng của bệnh cùng việc phải tự giác cách ly, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, khiến công việc lại càng thêm vất vả. Nhìn lại gần một tháng thực hiện “mục tiêu kép” do CQTT Pretoria  đề ra với số lượng tin, bài vượt các tháng trước, chúng tôi tạm thấy hài lòng, tuy nhiên, không có nghĩa là chủ quan, bởi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Chúng tôi tự nhủ sẽ luôn phải đảm bảo an toàn, sức khỏe để tiếp tục bám địa bàn, không để sót, lọt thông tin ở quốc gia phía Nam lục địa châu Phi này trong dòng chảy thông tin TTXVN./.

Lại Hồng Minh - Trưởng CQTT tại Pretoria (Nam Phi)
Nội san thông tấn số 8/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Hãy dừng lại suy nghĩ trước khi chia sẻ (30/08/2021 19:54:05)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Những ngày không quên (30/08/2021 19:04:48)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Khó khăn gấp đôi, nỗ lực gấp ba (30/08/2021 19:00:15)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Rèn nghề trong đại dịch (30/08/2021 18:56:09)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Cho ngày trở về bình an (30/08/2021 18:55:37)

Hành trình nhân văn (30/08/2021 17:30:05)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Đồng hành trên những chuyến xe (30/08/2021 16:58:19)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Bảo đảm an toàn trụ sở cơ quan (30/08/2021 16:51:38)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Nóng theo diễn biến dịch bệnh  (30/08/2021 16:11:12)

Cuộc chiến chống dịch COVID-19: Bám sát địa bàn để thông tin (30/08/2021 16:08:01)