Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Người tốt việc tốt

Cuộc chiến không đơn độc


(10/10/2016 16:11:34)

Bà Trần Tố Nga, nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP), là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, nguyên đơn vụ kiện các công ty hóa chất của Mỹ sản xuất ra chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Hơn hai năm qua, bà Nga đã cùng bạn bè, đồng đội và người dân Việt Nam từng bước kiên trì đấu tranh giành công lý cho những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Bà Trần Tố Nga (người ngồi giữa đang bế cháu bé) cùng các học viên lớp báo chí tổ chức tại cơ quan Tuyên huấn Trung ương cục


1. Vốn là một tiểu thư Sài Gòn, năm 13 tuổi, Trần Tố Nga được mẹ gửi ra Bắc học Trường học sinh miền Nam. Mười năm trên đất Bắc, tốt nghiệp ĐH Tổng hợp khoa Hóa, Tố Nga khoác ba lô lên vai cùng bạn bè vượt Trường Sơn trở vào Nam để được chiến đấu bên mẹ.
Những cán bộ công tác ở các cơ quan thông tấn, Ủy ban giáo dục miền Nam, Ban Trí vận Sài Gòn - Gia Định năm xưa ai cũng nhớ cô phóng viên Tố Nga xinh đẹp, thông minh và đầy suy tư.
 Bà Trần Tố Nga trả lời phỏng vấn báo chí Pháp sau phiên tòa

Một ngày cuối năm 1966 ở Củ Chi, bà Tố Nga khi ấy mới 24 tuổi, là phóng viên chiến trường của TTXGP. Nghe tiếng máy bay quần thảo, bà ra khỏi hầm và thấy như có một đám mây dày đặc phủ trên đầu, cả người ướt đẫm chất bột mịn. Hai năm sau, con gái đầu lòng của bà chào đời, được ba mẹ gọi là Tố Ngỗng. Thật đau đớn, da bé cứ tróc đi từng lớp, tim mang 4 dị tật và bé đã mất khi mới 17 tháng tuổi.
Suốt mấy chục năm sau, bà Nga luôn sống trong dằn vặt, ân hận vì không biết giữ gìn khi mang thai để đến nỗi con phải chết. Sau này khi biết mình là nạn nhân chất độc da cam, để lại di chứng cho con cháu, đồng thời thấy được hậu quả của chất độc da cam/dioxin, bà luôn đau đáu, làm gì để giảm bớt bi kịch ấy.
 
2. Tháng 7/2004, bà Trần Tố Nga được Chính phủ Pháp tặng Bắc đẩu bội tinh cấp Hiệp sĩ và được nhập quốc tịch Pháp. Đây chính là tiền đề quan trọng để bà đứng đơn kiện các công ty hóa chất Mỹ với tư cách là một công dân Pháp.
Khi về thăm lại chiến trường xưa, gặp gỡ đồng đội cũ, bà càng hiểu rõ nỗi đau, mất mát của những gia đình có nạn nhân chất độc da cam. Có người mãi mãi không có được thiên chức làm vợ, làm mẹ. Có người đẻ 3 - 4 người con đều dị hình, dị dạng... Càng đi nhiều bà càng thấy, nỗi đau do ảnh hưởng của chất độc da cam mà hàng triệu nạn nhân tại Việt Nam đang phải chịu đựng, những bệnh tật vô phương cứu chữa, những đứa trẻ sinh ra dị hình, mất trí... chính là động lực để bà theo đuổi vụ kiện tới cùng.
Bà Nga chia sẻ: “Theo như nghiên cứu khoa học thì các thế hệ càng về sau sẽ càng nặng hơn thế hệ trước. Vậy thế hệ thứ nhất chúng tôi mất đi rồi thì ai sẽ là người chăm sóc thế hệ thứ hai, thứ ba nếu như chúng ta không có đủ điều kiện để xây dựng những trung tâm chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. Đó chính là lý do chúng ta phải chiến đấu”.
Bà Trần Tố Nga thăm hỏi các nạn nhân chất độc da cam tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Sóc Trăng

3. Trong vụ kiện các công ty hóa chất của Mỹ, bà Trần Tố Nga không đơn độc bởi bên cạnh bà còn có rất nhiều bạn bè Việt Nam và quốc tế. Hội nạn nhân chất độc da cam Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, Văn phòng luật sư Pháp William Bourbon luôn sát cánh, đồng hành cùng bà từ những ngày vụ kiện bắt đầu mà không quan tâm đến thù lao. Và cả những nhà làm phim người Mỹ, muốn qua câu chuyện của bà, chuyển tải tới người dân nước mình và thế giới thông điệp về hậu quả của chất độc da cam mà Mỹ đã gieo rắc xuống Việt Nam.
Đoàn làm phim đã cùng bà Tố Nga về những cánh đồng Củ Chi vẫn còn dấu tích hố bom vào cánh rừng trên địa đạo nơi ngày xưa chất độc da cam làm cho trụi lá, tới căn cứ của TTXGP nằm sâu trong cánh rừng Lò Gò (huyện Tân Biên, Tây Ninh).
Các luật sư Pháp tham gia bào chữa cho vụ kiện của bà Trần Tố Nga đã không giấu được xúc động khi tiếp xúc với các nạn nhân chất độc da cam từ thế hệ thứ nhất đến thế hệ thứ hai, thứ ba ở Việt Nam. Họ chăm chú lắng nghe và dù không đồng ngôn ngữ, vẫn hiểu thông điệp của những nạn nhân ẩn chứa sau những giọt nước mắt. Họ bày tỏ sự cảm phục khi chứng kiến nỗ lực của mọi người trong cuộc sống và càng cảm phục hơn khi không một ai nói lời căm thù, mà chỉ đòi công lý phải được thực hiện.
Các cộng sự trẻ của Văn phòng luật sư Pháp William Bourbon, luật sư Bertrand Repold và Amélie Lefebvre chưa bao giờ biết đến chiến tranh, nhưng sau khi đọc những hồ sơ đã quyết định đến Việt Nam. “Chúng tôi không quan tâm đến việc phải dành bao nhiêu thời gian và tuổi trẻ để theo đuổi vụ kiện này; kể cả phải kéo dài nhiều năm, tôi cũng sẽ quyết tâm đi đến cùng” - Luật sư Bertrand Repolt chia sẻ.
Luật sư Amélie Lefebvre thì cho rằng: “Thắng lợi lớn thật sự không phải về tiền bạc, chỉ cần các công ty hóa chất thừa nhận việc làm sai trái của họ và góp phần sửa chữa những sai trái đó. Nhân dân Việt Nam, nạn nhân Việt Nam cũng như các nạn nhân khác có thể đi tới cùng đòi công lý, đó chính là thắng lợi thực sự mà chúng tôi mong muốn và tin tưởng”.
“Chúng tôi đi tới, chúng tôi không thoái lui” là câu nói bà Nga luôn tự nhủ với chính mình và luôn khẳng định trong câu chuyện về vụ kiện da cam, về truyền thống trong gia đình của bà. Thức tỉnh lương tâm những người đã góp phần gây nên tội ác mang tên “da cam”; giành lại công lý cho những nạn nhân chất độc da cam là mục tiêu mà bà Trần Tố Nga đang tiếp tục theo đuổi. Dẫu kết quả của vụ kiện ra sao thì bản lĩnh của người nữ phóng viên chiến trường TTXGP năm xưa, vẫn đang được khẳng định trong cuộc sống hôm nay.

Theo Nội san Thông tấn, số 8/2016