Thứ tư, ngày 24/04/2024

Người tốt việc tốt

Gom góp yêu thương...


(06/05/2014 10:38:29)

Cách thành phố Điện Biên gần 300 km, xã Sín Thầu (Mường Nhé, Điện Biên), nằm ở chót cực Tây của Tổ quốc, phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Tây giáp Lào. Ở mảnh đất nghèo này, tôi đã có cơ duyên với một em bé dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt.

 

Bé Vù Bích Nhận khỏe mạnh, tươi vui sau ca phẫu thuật

Cô bé Hà Nhì không may mắn

Nhóm PV Truyền hình thông tấn chúng tôi lên Sín Thầu vào tháng 6/2013, khi mùa mưa vừa bắt đầu. Sín Thầu nghèo nhất trong các xã nghèo cần hỗ trợ theo diện 135 của Chính phủ. Nếu theo chuẩn nghèo quốc gia thì Sín Thầu có đến 60% hộ nghèo, còn theo cách hiểu của đồng bào, nghèo là đứt bữa, là không có tiền đi chợ thì vẫn có đến 30% số hộ thiếu ăn.

Cán bộ đồn biên phòng 317 - Apa Chải đưa chúng tôi xuống thăm bản. Lúc ấy là thời điểm đồng bào cấy vụ lúa chính trong năm nên bản làng vắng hoe, chỉ có lũ trẻ chạy chơi. Đại úy quân y Trần Đăng Dân chỉ cho tôi một cô bé ngồi trên một khúc cây, gày gò và ốm yếu, duy chỉ có đôi mắt sáng long lanh. Anh kể: Em bé là Vù Bích Nhận, người Hà Nhì, sinh năm 2008. Sinh ra Nhận đã yếu đuối, lớn lên vẫn cứ còi cọc, ăn rất ít, một tháng ốm mất 20 ngày, chạy chơi thì chỉ một chốc là mệt, thở không ra hơi, nên thường chỉ ngồi nhìn chúng bạn nô đùa.

Anh Dân đưa chúng tôi đến thăm gia đình bé Nhận. Căn nhà nhỏ rộng chừng 20m2, chẳng có đồ đạc gì trị giá đến 500 nghìn đồng. Mẹ cháu - chị Sùng Phì Xó, đang bế cậu con út mới tròn 9 tháng tuổi. Sinh năm 1989 mà đã có ba con nên sức khỏe của Xó cũng không được tốt. Nhận là con thứ hai trong nhà. Cô con gái lớn mới 9 tuổi đã biết đi cấy. Cha bé Nhận, anh Vù Á Phù, là dân quân xã, hàng tháng đều phối hợp với bộ đội biên phòng đi tuần tra đường biên, cột mốc. Canh cánh nỗi lo về cô con gái ốm yếu, cứ gom góp được chút tiền là anh lại đưa Nhận đi khám bệnh. Mới đây, biết có đoàn công tác của Bệnh viện Việt Đức về huyện Mường Nhé khám sàng lọc bệnh tim cho trẻ em, Phù mang con về huyện. Sau khi khám, bác sĩ kết luận, Vù Bích Nhận bị bệnh tim bẩm sinh.

Anh Dân bảo, mỗi lần quân y đồn 317 xuống bản, khám chữa bệnh cho bà con, cha con Phù đều có mặt, nhưng các anh chỉ có thể điều trị triệu chứng chứ không thể nào chữa được bệnh tim cho con bé. Ánh mắt buồn rầu, cầu cứu của Vù Á Phù ám ảnh người thày thuốc biên phòng. Anh tìm cách liên hệ với chương trình "Trái tim cho em" của Đài truyền hình Việt Nam, mong cháu có cơ hội được mổ tim miễn phí. Nhiều tin đã gửi đi nhưng vẫn chưa có hồi âm. Lần này, anh lại gửi chúng tôi một tin đề nghị giúp đỡ bé.

 

Góp yêu thương, cho em cơ hội

Về lại Hà Nội, công việc cuốn đi, nhưng tôi vẫn không thể quên bé Nhận với hình hài ốm yếu và đôi mắt sáng, nụ cười thơ trẻ. Nhờ đồng nghiệp Truyền hình Việt Nam giới thiệu, tôi đã liên hệ trực tiếp với chương trình "Trái tim cho em". Khi tiếp xúc, thấy họ chỉ yêu cầu tôi ghi lại tên tuổi, địa chỉ, tôi chưa thật yên lòng. Ấy thế nhưng, chỉ hai hôm sau, chương trình đã phản hồi đầy đủ thông tin gia cảnh và tình hình sức khỏe của Vù Bích Nhận cho tôi và xác nhận, cháu đủ điều kiện để được mổ tim miễn phí; thêm ba ngày nữa, hồ sơ, thủ tục đã được hoàn thiện để cháu có thể nhập viện sớm nhất.

Tôi gọi điện lên Đồn Biên phòng 317 báo tin. Các chiến sĩ biên phòng và gia đình đều rất mừng. Nhưng khi tôi hỏi về thời điểm cụ thể gia đình có thể đưa cháu xuống Hà Nội để xếp lịch phẫu thuật thì bố cháu lại xin "hoãn mổ" một thời gian để đi vay tiền, trang trải chi phí đi lại, ăn ở trong những ngày cháu nằm viện.

Nghe vậy, tôi băn khoăn quá. Bà con trên đó ai cũng nghèo, gia đình anh Phù sẽ vay tiền ở đâu! Nhẩm tính mọi khoản, Vù Á Phù cần phải có khoảng trên dưới 10 triệu đồng để lo cho con. Tôi đem chuyện nói với anh Phan Văn Thực, người quay phim đồng hành cùng tôi chuyến công tác lên Điện Biên. Anh Thực bảo: Cứ nói anh Phù đưa cháu Nhận về Hà Nội đi, rồi mỗi người góp cho cháu một ít, thế nào cũng đủ. Cá nhân anh Thực giúp ngay cháu Nhận 2 triệu đồng. Thế là tôi đăng ngay thông tin về bé Vù Bích Nhận lên trang facebook của mình, kêu gọi bạn bè chung tay giúp đỡ. Thông tin vừa đăng lên, người trong Ngành tới tấp hỏi thăm và ủng hộ (mà nhiều nhất là dân Truyền hình Vnews). Bạn bè tôi ngoài cơ quan cũng góp sức. Vài ngày sau tôi đã có một số tiền kha khá cho cha con Vù Á Phù "về xuôi".

Xác định đây là trường hợp đặc biệt, chương trình "Trái tim cho em" đã nhanh chóng xếp lịch cho Vù Bích Nhận được mổ tại bệnh viện Việt Đức. Ngày 18/11/ 2013, đưa cô bé vào phòng mổ, tôi đứng ngoài lắng nghe động tĩnh bên trong. Bốn tiếng đồng hồ sau, bác sĩ thông báo: Ca mổ đã thành công. Vù Á Phù gọi điện báo tin về nhà, vừa nói vừa khóc. Tôi thì cập nhật tình trạng của bé lên trang cá nhân, mọi người trên mạng xã hội cũng ngó tin bé từng phút từng giờ. Khi đó, số tiền góp cho bé Nhận mổ tim đã được 9 triệu đồng và đến khi dừng quyên góp, số tiền thu được lên tới 11 triệu đồng, đủ cả cho bé dưỡng bệnh, phục hồi sau phẫu thuật.

Giờ đây, cô bé Vù Bích Nhận không còn những cơn khó thở, những lúc mệt bất thường. Bé sẽ được học hành, được chạy nhảy, nô đùa thỏa thích, đón đợi một tương lai tươi sáng. Tất cả những điều đó là nhờ có tấm lòng vàng của những người lính mang quân hàm xanh nơi địa đầu Tổ quốc, nhờ chương trình "Trái tim cho em" và sự chung sức chung lòng của nhiều người "dân Thông tấn".

Nguyễn Hữu Trung
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2014