Học theo Bác, làm theo Bác
Bảo vệ cơ quan: Những đóng góp thầm lặng
(12/02/2014 09:11:28)
Sắc Xuân, hương Tết đang tràn ngập từng ngôi nhà, góc phố. Trong khi mọi người đang hướng về sự sum họp gia đình thì lực lượng bảo vệ cơ quan lại âm thầm lên kế hoạch trực rất chi tiết, chặt chẽ.
Tinh thông và chuyên nghiệp
Con số hơn 70 người, trong đó có 16 nữ, của phòng Bảo vệ- TTXVN mới nghe thì thấy nhiều. Nhưng nếu rải đều cho hai bãi trông giữ xe và 6 điểm chốt (các trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt, 79 Lý Thường Kiệt, 33 Lê Thánh Tông, 11 Phan Huy Chú, 11 Trần Hưng Đạo và Đội xe Mai Hương), trực 24/24 giờ bất kể ngày nghỉ, lễ, tết, mới thấy các anh các chị thực sự vất vả.
Nhiệm vụ của lực lượng bảo vệ là làm công tác thường trực, tiếp xúc, quản lý khách đến, khách đi; trông xe; tuần tra, canh gác, bảo vệ cơ quan, phòng chống cháy nổ, tham gia phòng chống lụt bão, công tác quân sự...
Nghề nào cũng thế, muốn làm tốt phải có tính chuyên nghiệp và những tố chất riêng. Một nhân viên thường trực tốt phải biết "lỏng chặt hợp lý", nghĩa là tiếp khách phải tươi cười, uyển chuyển, mềm mỏng để ai cũng cảm thấy vừa lòng nhưng vẫn đúng nguyên tắc, không xuề xòa. Trong khi đó, nhân viên bảo vệ lại phải "mắt tinh, tai thính, mũi nhạy cảm"; sắc sảo, dũng cảm, bình tĩnh khi có tình huống, nắm bắt được tình hình có liên quan đến công tác bảo vệ trong cơ quan và địa bàn xung quanh. Nguyên tắc tuần tra là đi hợp lý, kiểm soát, phát hiện được những chi tiết bất thường.
Các chi tiết bất thường cũng muôn hình vạn trạng. Có khi là cánh cửa chưa đóng khi không còn ai làm việc, lúc lại là chiếc xe máy đang rỉ xăng, một vòi nước trong phòng vệ sinh chưa được khóa, dây điện chập cháy, phích nước đã cạn đang bốc mùi khét... Khi phát hiện các chi tiết bất thường, các anh, chị đều giải quyết kịp thời, tránh hậu quả khôn lường.
Hiện nay, hầu hết các trụ sở cơ quan đều được xây dựng khang trang, sạch đẹp, văn minh, đặc biệt tòa nhà thông minh- Trung tâm Thông tấn quốc gia. Công tác bảo vệ cũng được đầu tư tốt hơn về kỹ thuật, hạ tầng và đòi hỏi an toàn- vì thế cũng cao hơn. Nhân viên bảo vệ hiện được trang bị bộ đàm để liên lạc khi cần. Hỗ trợ cho các anh là hệ thống camera đặt ở tất cả các tầng. Rất nhiều trường hợp mất mũ bảo hiểm, làm mất vệ sinh nơi công cộng... bị phát hiện nhờ camera giám sát. Các công việc đều được đưa về quy chuẩn ISO để đảm bảo đúng nguyên tắc, tránh sai sót. Định kỳ hàng năm, các anh chị được bổ túc nghiệp vụ bảo vệ, phòng chống cháy nổ, phòng chống lụt bão...
Chuyện giờ mới kể
Trưởng phòng Bảo vệ Nguyễn Văn Giai từng là bộ đội chuyển ngành, gắn bó với công tác bảo vệ từ ngày đầu tiên bước chân vào ngôi nhà thông tấn năm 1977. Gần 37 năm công tác, anh đã gặp không ít tình huống nổi sóng.
Không thể quên được với anh là sự việc cuối những năm 1990, tại trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt xảy ra hiện tượng cán bộ, PV liên tục bị mất tiền. Một số chi tiết cho thấy, đối tượng hành động khá tinh vi, nắm được quy luật hoạt động của mọi người. Sự việc diễn ra trong thời gian dài. Đã có người nghi thủ phạm chính là bảo vệ. Và thế là, toàn bộ số bảo vệ của 5 Lý Thường Kiệt bị đổi sang các trụ sở khác, song mất mát vẫn xảy ra.
Anh Giai kể "Được một số người cung cấp nhiều tình tiết quan trọng, chúng tôi đã thu hẹp dần diện nghi vấn cho đến khi chỉ còn một đối tượng. Tôi đã làm việc với lãnh đạo và Bí thư chi bộ của đơn vị, xin ý kiến bên cảnh sát điều tra, đồng thời yêu cầu anh em bảo vệ theo dõi chặt. Tôi tự bỏ tiền mua một loại hóa chất khi dính không tẩy rửa được và có khả năng phát sáng khi bị soi đèn. Bằng nghiệp vụ, cuối cùng tôi đã tìm ra được đối tượng nằm ngay trong nội bộ cơ quan".
Tất nhiên, những chuyện đau đầu như thế thì không nhiều. Nhưng những tình huống phức tạp kiểu như nhầm lẫn rồi tưởng có người lấy mất xe, mất mũ bảo hiểm, quên không đóng cửa khi ra về hay gây mất vệ sinh công cộng... thì xảy ra như cơm bữa.
Có người lấy nhầm xe của đồng nghiệp tại trụ sở 79 Lý Thường Kiệt rồi sang 18 Trần Hưng Đạo làm ảnh. Khi ra về, do không tìm thấy xe của mình đã báo mất với Công an phường Phan Chu Trinh. Người bị lấy nhầm xe nên cũng báo mất với Bảo vệ. Sự việc được giải quyết khi các anh chắp nối hai vụ việc, phát hiện chỉ là sự nhầm lẫn.
Có người, một ngày đẹp trời, mang hộp đàn violon lên tận tầng thượng số 5 Lý Thường Kiệt cất, khiến lực lượng bảo vệ một phen tá hỏa vì phát hiện vật thể lạ, rồi phải tốn công dò theo camera để lần tìm đầu mối.
Có lần, bảo vệ nhặt được bọc tiền, chờ mãi không thấy có người tìm hay báo mất. Sau nhiều công sức dò tìm qua một số đầu mối và hệ thống camera, tiền được trả về trong sự ngỡ ngàng của người mất.
Nhiều đợt thông tin đặc biệt, trụ sở cơ quan sáng đèn cả ngày lẫn đêm, lực lượng bảo vệ được huy động tối đa. Chẳng hạn, trong hai ngày Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, phòng Bảo vệ đã tăng cường lực lượng 24/24 giờ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cơ quan, đồng thời hướng dẫn hàng nghìn lượt khách tham quan triển lãm ảnh về Đại tướng một cách trật tự.
Trước khi nghỉ Tết Giáp Ngọ, lực lượng bảo vệ cơ quan sẽ kiểm tra, hướng dẫn các phòng làm việc thu dọn, ngắt các thiết bị điện, chốt cửa sổ, niêm phong cửa ra vào và gửi chìa khóa cho phòng Thường trực; Lên kế hoạch ứng phó với những tình huống xấu.
Bạn có biết! Phóng viên có tên ấn tượng nhất TTXVN: KgửiH - Cơ quan thường trú Đắc Nông và Thạch Rober, Phòng đại diện Báo ảnh Dân tộc & Miền núi tại TP. Hồ Chí Minh. Phóng viên có biệt danh "kêu" nhất: "Lão tướng Miền Trung" - Nguyễn Đăng Lâm, Trưởng Cơ quan thường trú Quảng Ngãi. Phóng viên có cái tên dài nhất: Nguyễn Trần Thụy Hữu Duyên, Trung tâm Truyền hình Thông tấn. Ban biên tập "khủng" nhất Ngành: Ban biên tập tin Thế giới, với hơn 110 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, làm việc ở 9 phòng nghiệp vụ. Đơn vị làm báo với nhiều ngữ nhất: Báo ảnh Việt Nam, 8 ngữ, tiếng nước ngoài và Báo ảnh Dân tộc & Miền núi: 8 song ngữ của các dân tộc thiểu số trong nước. Đơn vị có tuổi nhân viên "trẻ" nhất: Báo điện tử VietnamPlus và Trung tâm Truyền hình thông tấn, với tuổi đời bình quân của cán bộ, phóng viên, biên tập viên là trên 30 tuổi. |
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:
Tết, làm việc nhiều hơn (12/02/2014 09:07:44)
“Nhà đài” vui Tết (11/02/2014 15:50:12)
Học theo Bác, làm theo Bác một cách thiết thực nhất. (10/02/2014 16:07:44)
Báo điện tử VietnamPlus: "Chuẩn xác - kịp thời" để tăng sức cạnh tranh thông tin (27/12/2013 10:45:46)
Đảng ủy Ban biên tập tin Thế giới: Việc học và làm theo Bác gắn với hiệu quả công việc (02/12/2013 09:48:48)
Nâng cao đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp cho từng phóng viên (07/10/2013 14:55:43)
Tin, bài đến với đồng bào phải ngắn gọn, dễ hiểu (09/09/2013 15:12:07)
Học theo "nhà báo Hồ Chí Minh" để hoàn thành nhiệm vụ thông tin đối ngoại (06/08/2013 15:06:52)
Ban Biên tập Tin trong nước: Làm nghề với lập trường chính trị vững, trách nhiệm cao (05/07/2013 15:22:11)
Trưởng thành hơn nhờ "Học Bác mỗi ngày" (05/07/2013 15:11:05)