Chủ nhật, ngày 06/10/2024

Sổ tay phóng viên

Dẫn hiện trường bằng ứng dụng trên điện thoại di động


(02/10/2018 16:37:52)

Bằng cách gắn chiếc điện thoại di động thường dùng vào máy quay và sử dụng một ứng dụng nhắc chữ miễn phí có sẵn trên các kho phần mềm, việc dẫn hiện trường hay trả lời phỏng vấn biên tập viên ở trường quay trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Khi cần thiết, phóng viên có thể sử dụng chính điện thoại di động để dẫn hiện trường hoặc trả lời phỏng vấn trường quay

1. Đứng trước máy quay để dẫn hiện trường hay thực hiện các chương trình trao đổi (talk) từ xa với biên tập viên ở trường quay là việc không hề đơn giản đối với nhiều phóng viên, nhất là phóng viên các CQTT, vốn thường xuất thân từ biên tập viên hoặc phóng viên báo viết. Công việc này còn khó khăn hơn khi ghi hình ở khu vực đông người hoặc nội dung trao đổi dài.
 
Một số phóng viên từng chia sẻ, để thực hiện cuộc trao đổi với biên tập viên ở trường quay, họ phải in sẵn câu trả lời trên giấy A4 hoặc soạn sẵn trên máy tính bảng, rồi nhờ phóng viên khác kiêm quay phim, hoặc thậm chí vợ hay chồng, đứng cầm phía sau máy quay để đọc. Việc này khá bất tiện, đồng thời tạo cảm giác không tự nhiên, căng thẳng khi lên hình, người trong nghề dễ dàng “bắt bài”.
 
Tuy nhiên, nếu biết tận dụng những điểm mạnh về công nghệ, phóng viên có thể phần nào khắc phục được khó khăn này. Giờ đây, với một chiếc điện thoại thông minh, chạy bất kỳ hệ điều hành nào, phóng viên cũng có thể dễ dàng sử dụng các ứng dụng nhắc chữ (Auto Cue hoặc Teleprompter) giúp công việc trở nên dễ dàng hơn.
 
Việc đầu tiên là tìm kiếm và cài đặt một ứng dụng (application, hay vẫn gọi tắt là app) chuyên nhắc chữ, ví dụ như Teleprompter vốn có sẵn và miễn phí trên các kho ứng dụng của hệ điều hành iOS hay Android. Một ứng dụng miễn phí là đủ dùng, nhưng nếu muốn khai thác nhiều tính năng sâu hơn, người dùng có thể phải trả thêm từ vài đến vài chục USD.
 
Tiếp theo là tìm cách gắn chiếc điện thoại di động vào máy quay, càng gần mép ống kính càng tốt, để tránh hiện tượng lác mắt khi lên hình. Trên máy quay thường có sẵn các vị trí dùng để cài micro hay đèn chiếu sáng, bạn có thể tận dụng để treo điện thoại thông qua các khớp nối, kết hợp với phần đầu của một chiếc gậy selfie phổ biến trên thị trường.
 
Bạn có thể soạn sẵn lời dẫn hay câu trả lời trên máy tính, rồi chuyển sang điện thoại di động thông qua các ứng dụng như E-mail hay Facebook Messenger, Viber. Bạn cũng có thể soạn trực tiếp nội dung ngay trên ứng dụng nhắc chữ Teleprompter. Việc này khá đơn giản, nhất là đối với nội dung dẫn ngắn. Bạn có thể chỉnh cỡ chữ, tốc độ chạy chữ… cho phù hợp với khả năng đọc và khoảng cách từ vị trí đứng dẫn đến máy quay. Lưu ý, nên để tốc độ vừa phải, tránh việc đọc quá nhanh khi lên hình và giữa các câu, các đoạn có khoảng nghỉ cần thiết.
 
Trước khi bấm máy, bạn nên đọc thử vài lần nội dung sẽ dẫn hay trả lời bằng cách chạy ứng dụng để làm quen. Cần cố gắng đọc mà như nói, tạo cảm giác tự nhiên nhất khi đứng trước máy quay. Trong quá trình soạn thảo văn bản, bạn có thể sử dụng văn nói, thêm các từ như “rằng, thì, là, mà...” để ngôn ngữ dẫn hiện trường trở nên tự nhiên, mềm mại, để người xem không cảm thấy phóng viên đang đọc.
 
Nên quay thử một đúp và xem lại trên máy quay để đánh giá các yếu tố cơ bản như ánh sáng, độ nét, chất lượng âm thanh, trước khi quay thật. Bằng cách sao chép và dán, bạn cũng có thể tạo ra một bản text dài hơn, lặp lại nội dung vài lần. Việc này giúp bạn có thể dẫn vài đúp liên tục mà không phải mất công bấm máy hay thao tác bấm nút trên ứng dụng, tiết kiệm được rất nhiều thời gian.
 
Với công cụ này, bạn hoàn toàn có thể thực hiện dẫn hiện trường một mình, như cách nói hiện nay là selfie, mà không cần đến sự trợ giúp của phóng viên khác. Ở CQTT Berlin, cả ba phóng viên đều có thể thực hiện dẫn hiện trường hay talk với trường quay một mình, một phần cũng nhờ vào sự hỗ trợ của công cụ nhắc chữ Teleprompter trên điện thoại di động.
 
2. Không dừng lại ở việc chạy các ứng dụng nhắc chữ, bạn hoàn toàn có thể sử dụng điện thoại di động để dẫn hiện trường. Phiên bản trả phí của ứng dụng Teleprompter cho phép bạn dẫn hiện trường bằng camera trước của điện thoại thông minh, với chữ chạy trên màn hình để bạn có thể đọc dễ dàng.
 
Nên chọn vị trí hiển thị chữ gần nhất với camera trước, để giảm hiện tượng lác mắt. Bạn cần một chân máy gọn nhẹ, một gậy selfie, hay cành cây, bờ tường… bất kỳ đâu để có thể gác được chiếc điện thoại hay nhờ ai đó cầm và tiến hành ghi hình.
 
Để chất lượng âm thanh tốt hơn, bạn có thể sử dụng một chiếc micro dành riêng cho điện thoại di động, hoặc một chiếc micro cài áo. Nếu cần logo của Vnews, bạn hãy cầm một chiếc micro có gắn logo như khi dùng với máy quay phim bình thường, nhưng không cắm dây micro vào đâu cả, bởi thực tế bạn chỉ dùng micro này để nhận diện thương hiệu mà thôi.
 
Việc dẫn hiện trường bằng điện thoại di động thực sự tiện dụng khi bạn không mang theo máy quay.
 

Điện thoại di động và ứng dụng nhắc chữ giúp việc dẫn hiện trường trở nên dễ dàng hơn

Ngoài việc “treo” điện thoại di động bên cạnh ống kính để dẫn hiện trường, bạn có thể tìm mua một thiết bị tốt hơn, gần giống với thiết bị Auto Cue được sử dụng trong các trường quay chuyên nghiệp, nhưng sử dụng kết hợp với điện thoại di động. Một trong số đó là Parrot Teleprompter for Smartphones mà CQTT Berlin đang sử dụng (ảnh). Thiết bị này gắn trực tiếp vào ống kính (vị trí gắn loa che nắng), với rất nhiều vòng nối có đường kính khác nhau, phù hợp với hầu hết ống kính máy quay hay máy ảnh.

Thiết bị này gồm một hộp bằng nhựa, bên trong có gắn tấm kính trong suốt được đặt nghiêng một góc khoảng 30 độ so với phương thẳng đứng. Tấm kính này sẽ phản chiếu màn hình của chiếc điện thoại di động được đặt nằm ngang trên giá đỡ phía dưới, qua đó giúp phóng viên dễ dàng đọc được nội dung trên ứng dụng Teleprompter, tất nhiên là có sử dụng lựa chọn lật ngược chữ.  

Chất lượng tấm kính khá tốt, không ảnh hưởng tới chất lượng hình ảnh khi quay, trong khi thiết bị lại rất gọn nhẹ, có thể mang kèm trong túi đựng máy quay, khá tiện dụng cho việc dẫn hiện trường hay trả lời phỏng vấn trường quay. Ưu điểm lớn nhất của thiết bị này là khi lên hình, phóng viên nhìn thẳng vào ống kính máy quay, không bị lác mắt, có sự giao tiếp bằng mắt với người xem.

Giá của thiết bị này bán tại Mỹ vào khoảng 130 USD, kèm theo điều khiển từ xa để điều chỉnh việc chạy chữ trên màn hình điện thoại, có thể đặt mua qua các trang thương mại điện tử phổ biến như eBay hay Amazon.

 

Phạm Thắng (Trưởng CQTT tại Berlin, Đức)
Nội san thông tấn số 9/2018