Sổ tay phóng viên
An toàn trong vùng dịch bệnh
(04/09/2018 13:54:16)
Phóng viên theo dõi lĩnh vực y tế trước hết phải là người có ý thức bảo vệ sức khỏe, có sức đề kháng tốt, nếu không họ sẽ là người đầu tiên bị lây nhiễm khi vào vùng dịch. Tiêm văcxin phòng bệnh định kỳ hằng năm, mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang hay giữ thói quen rửa tay sát khuẩn là những việc mà mỗi phóng viên theo dõi y tế cần ghi nhớ. Nội san Thông tấn xin giới thiệu những kinh nghiệm tác nghiệp an toàn trong vùng dịch của nữ phóng viên Dương Bích Ngọc, Ban biên tập Ảnh, với thâm niên 17 năm theo dõi lĩnh vực truyền nhiễm HIV và 11 năm làm phóng viên theo dõi ngành Y tế.
PV Dương Ngọc cùng chuyên gia nước ngoài |
1. Tác nghiệp tại các bệnh viện, nơi có nguy cơ cao nhiễm khuẩn và lây chéo bệnh, để đảm bảo an toàn, phóng viên cần trang bị khẩu trang, mũ y tế và đặc biệt là tránh chạm vào giường bệnh và các vật dụng trong phòng bệnh.
Phòng cấp cứu ở các bệnh viện lớn là nơi nhiễm khuẩn rất cao, phóng viên dễ lây bệnh từ các bệnh nhân và người nhà của họ. Thực tế cho thấy, khi có mặt ở phòng cấp cứu để thu thập thông tin về những vụ tai nạn có số thương vong lớn, phóng viên thường rất vội vã để chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn và hầu như không có trang bị bảo hộ trong những tình huống đột xuất này.
Sau khi rời khỏi bệnh viện, nên bỏ mũ và khẩu trang vào thùng rác y tế theo quy định và sát khuẩn bàn tay. Về đến nhà, việc đầu tiên là ngâm quần áo đó trong xà phòng. Đối với phóng viên có con nhỏ, không ôm ấp trẻ nếu chưa thay quần áo.
2. Với một số dịch bệnh nguy hiểm như H7N9 – cúm gia cầm trên người, phóng viên cần trang bị ủng cao su, khẩu trang chuyên dụng 2 - 3 lớp. Khi tiếp xúc với bệnh nhân nên chọn vị trí đứng đầu chiều gió để tránh vi khuẩn theo nước bọt bệnh nhân bắn ra khi giao tiếp.
Gần đây nhất, dịch sốt xuất huyết năm 2017 đã khiến hàng ngàn người mắc bệnh, hàng chục người tử vong. Gần chục phóng viên đã bị lây nhiễm do muỗi vằn tấn công trong quá trình đi làm tin về công tác phòng dịch. Những phóng viên được cử đi kiểm tra môi trường sinh sống của lăng quăng, bọ gậy tại các khu trọ sinh viên, chung cư cũ, những nơi có nước đọng lại càng dễ bị muỗi đốt. Kinh nghiệm của tôi lúc này là, ngoài trang bị bảo hộ che kín cơ thể (găng tay, kính, mũ, khẩu trang…), còn phải xịt thuốc chống muỗi toàn bộ cơ thể và xịt lại sau hai tiếng nếu công việc chưa kết thúc.
Cũng cần lưu ý, khi đi theo xe chuyên dụng phun thuốc diệt muỗi với công suất lớn, phóng viên nhất thiết phải đi đầu chiều gió, đeo khẩu trang chuyên dụng để tránh hít phải thuốc.
3. Không chỉ trong phòng chống dịch, khi tiếp xúc với nhiều loại bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao, phóng viên cũng cần có những biện pháp phòng tránh cho bản thân. Đơn cử khi gặp gỡ bệnh nhân HIV, vốn tưởng chỉ lây qua đường máu, phóng viên cũng cần có khẩu trang chuyên dụng. Bệnh nhân nhiễm HIV ở giai đoạn cửa sổ - giai đoạn đầu tiên - hầu như chưa có biểu hiện của bệnh nhưng lại rất nguy hiểm, do giai đoạn này số lượng virus trong máu rất cao và người bệnh lại chưa ý thức là mình đã nhiễm. Mặt khác, bệnh nhân HIV thường hay đồng nhiễm, cùng lúc có thể nhiễm cả lao, viêm gan B, viêm gan A, viêm gan C đều là những bệnh rất dễ lây nếu thiếu các biện pháp bảo hộ.
Bên cạnh đó, vào tác nghiệp tại các cơ sở sản xuất văcxin hay phòng mổ, phòng ghép tạng, phóng viên cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp vô trùng.
PV Dương Ngọc (bên trái) tác nghiệp trong phòng mổ |
4. Cái khó của một phóng viên ảnh hay quay phim là vừa phải bảo đảm an toàn cho bản thân vừa phải bằng mọi cách để tác nghiệp, tìm góc chụp tốt. Và nhiều câu chuyện cười ra nước mắt của phóng viên theo dõi lĩnh vực y tế, phòng chống dịch bệnh đã để lại những kinh nghiệm quý.
Để chụp được cảnh xe ô tô chuyên dụng phun thuốc diệt muỗi với công suất lớn lúc nửa đêm, tôi đã phải nhờ một người lái xe máy, còn mình ngồi sau quay mặt lại, vừa đi vừa “chụp lùi” cảnh xe phun thuốc chạy phía sau. Cách làm này hơi nguy hiểm nhưng bù lại có ảnh đẹp và đảm bảo phóng viên luôn ở phía đầu gió, không hít phải thuốc diệt muỗi.
Với các dịch bệnh nguy hiểm, nhạy cảm, phải xin phép bác sỹ và bệnh nhân trước khi chụp. Phóng viên cần có kỹ năng giao tiếp tốt để họ đồng ý, bởi hầu hết các bệnh nhân thường ngại hoặc tránh tiếp xúc với báo chí. Khi chụp ảnh, tránh chụp trực diện bệnh nhân, vì điều đó là vi phạm quyền tự do cá nhân, người bệnh cần được bảo vệ, trước hết từ báo chí.
Đưa tin phòng chống dịch cúm gia cầm |
Có thể nhiều bạn thấy buồn cười nhưng kỹ năng chống ngã trong bệnh viện cũng quan trọng vì không ít phóng viên đã “dính đòn”. Sàn bệnh viện thường trơn trượt do ẩm thấp, nhiều người qua lại và các nhân viên vệ sinh thường xuyên lau chùi. Phóng viên hay vội, chạy qua chạy lại để chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn, trên người lại mang nhiều máy móc, thiết bị cồng kềnh. Vì thế, phóng viên nhất thiết phải sử dụng giày bệt chống trơn, đi lại cẩn thận, bình tĩnh đề phòng té ngã; đồng thời tránh chạm vào bệnh nhân, tường và các vật dụng dọc hành lang vốn có độ nhiễm khuẩn cao.
Trong trường hợp cần tìm độ cao để chụp ảnh trung và toàn cảnh, phóng viên chú ý chọn điểm đứng chắc chắn, leo trèo cẩn thận, đảm bảo đứng thật vững mới tác nghiệp.
Dương Ngọc
Nội san thông tấn số 8/2018
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:
An toàn khi đi "săn bão" (05/06/2018 08:56:33)
Tác nghiệp trong hỏa hoạn (04/05/2018 14:52:02)
Cách viết tên các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý của các đơn vị, đoàn thể (03/05/2018 15:15:06)
Đảm bảo an toàn khi đưa tin cháy rừng (02/01/2018 10:59:00)
Giữ mình khi tác nghiệp nơi rừng núi (01/11/2017 15:16:32)
Ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính (02/08/2017 15:25:28)
Thông tấn xã Việt Nam đứng thứ hai bảng xếp hạng về Chỉ số ICT 2016 (23/03/2017 08:49:11)
Quy tắc hoạt động và hướng dẫn biên tập của OANA (02/03/2017 10:31:41)
Giải đáp Pháp luật về luật hôn nhân và gia đình (số 15) (06/12/2016 14:32:20)
Giải đáp Pháp luật về Bộ luật lao động (số 14) (06/12/2016 14:31:06)