Thứ hai, ngày 29/04/2024

Công tác nghiên cứu khoa học

Lần đầu làm đề tài


(24/09/2023 16:09:01)

Mọi việc bắt đầu vào ngày 21/6/2020, Tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa Lê Xuân Thành trở về tòa soạn sau chương trình Radar Văn hóa số đặc biệt kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6) phát trên kênh truyền hình Thông tấn với chủ đề “Đọc báo có phong cách” - một phong trào đổi mới của các tờ báo in thuộc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) do báo Thể thao và Văn hóa khởi xướng đang diễn ra hiệu quả, mang lại những cảm hứng mới, trải nghiệm mới cho độc giả yêu thích báo in. Có lẽ, sự ủng hộ của các bạn trẻ Gen Z với niềm khát khao theo đuổi việc sản xuất các nội dung truyền thông đẳng cấp trong buổi tọa đàm đã khiến Tổng biên tập Lê Xuân Thành hào hứng. Anh nhấn mạnh, sự đổi mới báo in ở Thể thao và Văn hóa thời gian qua, chưa nói thành công hay thất bại, tự thân nó đã là một việc làm rất ý nghĩa; đó là những kinh nghiệm “thực chiến” và chúng ta nên tổng kết lại để chia sẻ với mọi người.

 1. Dịp đó, tôi cũng vừa bắt tay vào làm chuyên đề Thương nhớ báo in cho số báo dịp 21/6. Tên chuyên đề có vẻ hơi “sến sẩm”, nhưng cảm giác “thương nhớ” là có thật. Trước đó, tình cờ lướt mạng, tôi bắt gặp bức ảnh quầy báo số 222 phố Hàng Bông do nhiếp ảnh gia người Mỹ William E. Crawford chụp vào năm 1986. Bức ảnh đã trở thành một phần của ký ức của chúng ta về Hà Nội vào thời kỳ đầu đổi mới. Trong bức ảnh đó, có thể thấy thời kỳ hoàng kim của những tờ báo như: Văn nghệ, An ninh Thủ đô, Tiền phong, Tuổi trẻ Thủ đô, Phụ nữ Việt Nam, Nhi đồng, Tuần Tin tức… và tất nhiên không thể thiếu Thể thao và Văn hóa với khổ A4 “thần thánh” một thời, vừa treo trên tường, vừa xếp chồng tại quầy. Đặc biệt, thời điểm đó đang diễn ra World Cup Mexico 86, nên không thể thiếu được “đặc sản” Tin nhanh World Cup.
 

Báo Thể thao và Văn hóa, Tin nhanh World Cup Mexico 86 được bày bán tại quầy báo số 222 Hàng Bông, Hà Nội năm 1986. Ảnh do nhiếp ảnh gia người Mỹ William E. Crawford chụp

Mới đó mà đã hơn 30 năm trôi qua với Thể thao và Văn hóa, trong đó có hơn 20 năm của tôi, kể từ khi ra trường tới giờ, chỉ công tác ở một nơi duy nhất - tòa soạn báo Thể thao và Văn hóa. Tôi đã chứng kiến thời hoàng kim của báo, đồng thời cũng chứng kiến và cảm thấy “phải chịu trách nhiệm một phần” về sự mai một đến mức gần như biến mất của nó trên các sạp báo.
 
Đương nhiên, đó cũng là tình trạng chung của rất nhiều tờ báo in trên toàn quốc khi bước vào kỷ nguyên số. Là người trong cuộc, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi. Trong suốt thời kỳ suy giảm báo in, với tư cách là tờ báo bán sạp, Thể thao và Văn hóa đã luôn nỗ lực hay đúng hơn là loay hoay tìm cách cải tiến, từ tăng kỳ, tăng trang, ra báo ngày đến giảm kỳ, giảm trang và bây giờ là “tạp chí hóa” từng số báo. May mắn, tờ báo in vẫn tồn tại, thậm chí nhiều giai đoạn còn nhúc nhích tăng lên, nhưng thời hoàng kim đã không thể trở lại.
 
Những gì diễn ra ở Thể thao và Văn hóa tự nói lên rằng, sự suy giảm báo in là xu hướng tất yếu, nhưng nó không đến ngay lập tức. Vậy nó kéo dài bao lâu? Nhìn lại mới thấy quá trình suy giảm ấy đã kéo dài tới một thập kỷ rưỡi rồi. Vậy mà, cùng với Thể thao và Văn hóa còn có kha khá các tờ báo in khác còn trụ lại được, thậm chí còn sống khỏe, cả ở trong nước lẫn thế giới, cả trước và sau đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, việc tổng kết lại những kinh nghiệm “thực chiến” của Thể thao và Văn hóa đặt trong môi trường báo in đặc thù của Việt Nam, nhất là sau quy hoạch báo chí, cũng là việc làm “hữu dụng”.
 
Với sự chỉ đạo của Ban phụ trách báo Thể thao và Văn hóa, nhóm biên tập viên, phóng viên của tòa soạn đã đăng ký đề tài nghiên cứu về báo in. Sau nhiều phen “đẽo cày”, tên đề tài được chốt lại: “Giải pháp đổi mới báo in Thể thao và Văn hóa trong kỷ nguyên số và những gợi mở cho báo in Việt Nam”. Đề tài do Tổng biên tập Lê Xuân Thành làm chủ nhiệm, tôi làm thư ký đề tài.
 
Hội đồng nghiệm thu chúc mừng nhóm thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học của báo Thể thao và Văn hóa, tháng 5/2023

2. Đây là đề tài nghiên cứu đầu tiên của báo Thể thao và Văn hóa, nên khi bắt tay vào làm, chúng tôi rất hoang mang, không biết phải bắt đầu từ đâu. Chủ nhiệm đề tài Lê Xuân Thành lập tức trấn an: “Chúng ta có kinh nghiệm thực chiến. Chúng ta đang làm báo như thế nào thì hãy viết lại như thế, còn hay bằng mấy những thứ lý thuyết suông”.
 
Quá trình triển khai đề tài diễn ra gần đúng như vậy. Trong quá trình đổi mới báo in Thể thao và Văn hóa, chúng tôi đã soạn ra rất nhiều dự án nội dung để xây dựng các chuyên mục, chuyên đề, cùng các giải pháp đổi mới hình thức, các chiến dịch phát hành… Tự thân các dự án đó đã là một phần của đề tài. Đơn cử như cuộc vận động Đọc báo có phong cách do báo khởi xướng - đó đã là một giải pháp đổi mới toàn diện nội dung các số báo in, theo hướng tạp chí hóa từng số báo trong tuần (mỗi số báo có một format nội dung và phong cách trình bày riêng). Mục tiêu là biến mỗi số báo in thành một ấn phẩm văn hóa thực sự, chứ không phải là một sản phẩm thông tin “mì ăn liền”. Đồng thời, cuộc vận động cũng hướng tới việc xây dựng “văn hóa đọc báo in” của độc giả như một sự bổ sung cho “văn hóa đọc sách” của cả xã hội. 
 
Trong quá trình nghiên cứu, nhờ những kinh nghiệm thực tiễn, chúng tôi đã dám bác bỏ nhiều thứ thuần túy lý thuyết được “nhập khẩu” về Việt Nam. Chẳng hạn, khi nói về các giải pháp tăng số lượng phát hành, có cuốn sách nghiên cứu về kinh tế báo in đã dẫn chứng: “Theo kinh nghiệm của The New York Times, hiện nay, lượng báo bán thông qua các cửa hàng tạp hóa, siêu thị nhỏ chiếm tới tới 60% số báo ngày và 75% số báo Chủ nhật. Tổng số bán báo lẻ chiếm 25% số báo phát hành. Một lý do mà các cửa hàng tạp hóa rất thích bán những tờ báo ăn khách vì đó chính là ‘mật ngọt’, là nguyên nhân để thu hút khách đến với cửa hàng”.
 
Khi nghiên cứu, chúng tôi dẫn ra một kinh nghiệm thực tế là, báo Thể thao và Văn hóa đã sử dụng giải pháp này bằng  cách đưa báo vào hệ thống bán lẻ Vinmart, Vinmart+ trong hai năm 2017-2018, nhưng kết quả gần như là con số 0. Điều này cho thấy đặc thù của người đọc báo Việt Nam rất khác so với thế giới. Thực tiễn đã chỉ ra rất nhiều biện pháp thúc đẩy phát hành báo in không đem lại hiệu quả. Tờ báo “cho không biếu không” là Ngày nay cũng không cải thiện được số lượng báo phát ra. Chưa kể, sau hai năm dịch COVID-19, hệ thống đại lý bán lẻ báo đã tan vỡ từ Bắc đến Nam, nhất là đội ngũ bán báo rong. Do đó, các giải pháp thông dụng không thể áp dụng, trừ phi xây dựng lại được “văn hóa đọc báo” cho lớp độc giả mới.
 
Cuối cùng, đề tài cũng đã được nghiệm thu với một kết quả đủ khiến nhóm thực hiện cảm thấy hài lòng vì nó chính xác với những ưu, nhược điểm của mình. Hội đồng nghiệm thu đã cho “điểm cộng” nhờ có các số liệu, giải pháp đưa ra phong phú và giàu tính thực tiễn, nhưng đồng thời cũng cho “điểm trừ” vì cấu trúc đề tài chưa chặt chẽ, văn phong chưa mang tính khoa học…
 
Các ý kiến góp ý từ Hội đồng đã được nhóm thực hiện nghiêm túc tiếp thu, cập nhật, chỉnh sửa vào bản cuối cùng nộp lên Hội đồng. Tất nhiên, cũng có những ý kiến gợi ý vượt khỏi khả năng nghiên cứu của chúng tôi, chẳng hạn về cơ sở lý thuyết, có ý kiến gợi ý nên áp dụng khung lý thuyết “tiếp cận và hài lòng”. Nhóm đã nỗ lực tìm tòi, nhưng không đủ tài liệu để có thể tiếp xúc sâu và hiểu được lý thuyết này, nên không thể áp dụng. Nhóm thực hiện là những người thực hành, chủ yếu căn cứ vào thực tiễn để nghiên cứu, nên đơn giản là học tập lời dạy viết báo của Bác Hồ: viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào để vận dụng vào thực tiễn đổi mới báo in hiện nay và coi đó là cơ sở lý thuyết quan trọng nhất của đề tài.
 
Báo in Thể thao và Văn hóa vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu với nhiều độc giả trung niên trong nước

3. Vẫn biết rằng, việc xây dựng và triển khai một đề tài nghiên cứu khoa học đòi hỏi rất chặt chẽ, khác hẳn so với với việc viết một bài báo nghiên cứu, hay thậm chí là thực hiện một cuốn sách chuyên khảo. Nhưng cuối cùng thì mục đích của nghiên cứu khoa học không phải là để thuyết minh cho các lý thuyết cao siêu mà chính là để giải quyết các vấn đề thực tiễn sát sườn mà chúng ta đang phải xử lý hằng ngày. Một nền nghiên cứu khoa học lành mạnh luôn tìm cách rút ngắn khoảng cách giữa các kết quả nghiên cứu với thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực báo chí, vốn rất thực dụng.
 
Lần đầu tiên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, chúng tôi thu hoạch được nhiều điều cần thiết. Bởi đó là dịp để chúng tôi nhìn nhận lại một cách khách quan nhất những việc mình đã, đang và sẽ làm cho tờ báo, sau khi đã lắng nghe và soi chiếu với rất nhiều kinh nghiệm của các tờ báo bạn trong phạm vi nghiên cứu của đề tài.
 
Lần đầu tiên này, chúng tôi cũng có phần e ngại, không phải ở việc phải khảo sát bao nhiêu tờ báo trên toàn quốc, phải tổng hợp bao nhiêu số liệu, thuyết trình bao nhiêu luận điểm và cuối cùng phải viết báo cáo tổng hợp dài bao nhiêu trang… Mà chính ở những “quy phạm” nghiêm ngặt theo những mẫu, những form, những kết cấu, những phương pháp, những lý thuyết… Tuy vậy, lần đầu tiên này cũng cho chúng tôi nhiều bài học quý, mang lại những thay đổi tích cực và niềm hy vọng cho báo in Thể thao và Văn hóa và báo in Việt Nam trong kỷ nguyên số đầy sôi động./.

Đỗ Doãn Phương - Phó tổng biên tập báo Thể thao và Văn hóa
Nội san Thông tấn số 8/2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thông tin về dịch COVID-19: Nghiên cứu mới về thông tin sai lệch liên quan đại dịch COVID-19 (29/04/2020 10:35:49)

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền đối ngoại (30/10/2018 16:35:03)

Nhiều đề tài có giá trị thực tiễn (21/02/2018 10:48:23)

Hướng tới mô hình điện toán đám mây tại TTXVN (15/01/2018 10:44:53)

Phát huy hiệu quả "mỏ vàng" tư liệu (03/10/2017 14:51:26)

Hướng tới sự chuyên nghiệp (23/01/2017 10:26:11)

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên TTXVN (05/12/2016 11:17:33)

Giải pháp nâng cao chất lượng thông tin kinh tế của TTXVN phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước (11/10/2016 09:49:30)

Một số đề xuất về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của các cơ quan thường trú trọng điểm ở trong nước  (04/10/2016 16:03:26)

Đề xuất thống nhất nội dung tuyên truyền về biển đảo (14/06/2016 14:19:21)