Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Công tác nghiên cứu khoa học

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền đối ngoại


(30/10/2018 16:35:03)

Đề tài “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền của Ban biên tập tin Đối ngoại TTXVN, đáp ứng nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới” do Ban biên tập tin Đối ngoại (BTTĐN) thực hiện đã được nghiệm thu năm 2017. Trên cơ sở đánh giá, phân tích rõ thực trạng hoạt động của đơn vị, đề tài đã đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, xây dựng Ban BTTĐN tương xứng với vai trò nòng cốt trong thông tin chuyên ngữ của toàn ngành. Nội san Thông tấn lược trích giới thiệu một số nội dung nghiên cứu của đề tài để bạn đọc tham khảo.

 

BTV Ngọc Ly, Ban biên tập tin Đối ngoại, thực hiện phóng sự về nghề làm quỳ vàng tại làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội

Nâng cao chất lượng tin văn bản chuyên ngữ
 
Thời gian qua, Ban BTTĐN đã có nhiều nỗ lực mở rộng nội dung thông tin gắn với đa dạng hóa nguồn khai thác các bản tin chuyên ngữ: Mảng tin chính trị - ngoại giao đã áp dụng văn phong báo chí hiện đại, hạn chế tin báo đạo, lễ tân, bổ sung tư liệu background; mảng tin văn hóa khai thác nguồn tin tiếng Việt phong phú từ các đơn vị báo chí xuất bản và báo điện tử trong ngành đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tờ báo chuyên ngữ của TTXVN để khai thác, chia sẻ tin bài nhằm làm phong phú và “mềm hóa”; mảng tin xã hội tăng cường thông tin các vấn đề độc giả quan tâm, các vấn đề nóng, kịp thời định hướng dư luận, không tạo chỗ cho các đồn đoán vô căn cứ và các thông tin sai sự thật phát tác. Ban BTTĐN đang cố gắng mở rộng các tuyến tin khu vực, đặc biệt là thông tin về các nước ASEAN.
 
Để cải tiến mạnh mẽ chất lượng biên tập, chuyển ngữ, Ban dự kiến: Tái lập Phòng Biên tập tổng hợp, tổ chức khai thác, biên tập tin ngoài cung cấp cho các phòng ngữ, sát với tiêu chí và đặc thù của thông tin đối ngoại. Huy động lãnh đạo Ban và hiệu đính tham gia biên tập lại các tin, bài dài, có nội dung phức tạp. Tăng cường phối hợp chuyên môn giữa các phòng trong Ban, các phòng có thể khai thác bản gốc tiếng Anh hoặc bản mo rát đã được các hiệu đính tiếng Anh xử lý. Phân công các BTV chuyên sâu từng lĩnh vực cụ thể, theo đúng khả năng, sở trường của từng người, giúp cho việc xử lý, biên tập, chuyển ngữ tốt hơn do nắm chắc, hiểu rõ từng vấn đề cụ thể. Yêu cầu các BTV phải thẩm định thông tin, nhất là tin khai thác từ các mạng nước ngoài. Luân chuyển BTV đi công tác thường trú ngắn hạn trong nước và đi thực tế viết bài trực tiếp bằng tiếng nước ngoài. Nghiên cứu, tham khảo và áp dụng kinh nghiệm và mô hình xây dựng các trung tâm thông tin khu vực.
 
Ban thực hiện tăng tính cập nhật, đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên báo điện tử và truyền thông xã hội với việc cải tiến quy trình làm việc, điều chỉnh hợp lý ca kíp trực để kịp thời cập nhật các tin tức thời sự; nghiên cứu quy luật thời gian sử dụng tin của khách hàng, độc giả và khán thính giả để phát tin vào thời điểm thích hợp nhất; quyết liệt triển khai phát tin online và Breaking news hoặc cập nhật thông tin theo thời gian thực (Realtime) đối với các tin đột xuất như sự cố, thiên tai, tai nạn thảm khốc...
 
Để tăng tuyến tin chính luận, tạo điểm nhấn và thêm sức nặng cho các bản tin nguồn chuyên ngữ, Ban BTTĐN tiếp tục cập nhật, bồi đắp các tuyến tin chuyên sâu về phát triển bền vững biển đảo Việt Nam, du lịch Việt Nam, biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng, phát triển nguồn nhân lực, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng nông thôn mới và duy trì các chuyên mục biển Đông, Cộng đồng ASEAN… trên báo điện tử VietnamPlus, để có thể chi phối và định hướng công luận. Song song với đó, có kế hoạch chủ động và thường xuyên cung cấp thông tin về các vấn đề nhạy cảm thường bị các thế lực thù địch lợi dụng để công kích như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, chủ quyền lãnh thổ. Đặc biệt, cần phân công người phụ trách trực tiếp quản lý, chỉ đạo và điều hành, tổ chức nhóm các cây bút có năng lực chuyên môn tham gia các tuyến tin chuyên biệt này.
 
Tuyến tin này sẽ được bổ sung bằng các bài phân tích đánh giá chuyên sâu, tổng hợp về các chủ đề quan trọng như biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế, xây dựng chính phủ kiến tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo… cũng như tạo lập diễn đàn cho các chuyên gia, học giả trao đổi, phản biện về những chính sách có liên quan.
 
Ban cũng sẽ tiến hành khảo sát một số địa bàn tiếp nhận thông tin; thiết lập phương thức tiếp nhận phản hồi và tương tác với độc giả để tiếp tục đổi mới tin, bài. Việc đưa vào khai thác và sử dụng bốn fanpages chuyên ngữ trên mạng xã hội Facebook từ tháng 8/2016 giúp đơn vị có cái nhìn khá bao quát về đặc điểm của đối tượng tiếp nhận, số lần truy cập từ các đường link dẫn trên Facebook và số lần tiếp cận độc giả của các tin bài được phát. Mới đây, Ban đã nhận chuyển giao từ Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn tài khoản trên website chuyên dụng Google Analytics nhằm theo dõi mọi lúc, mọi nơi các chỉ số thống kê liên quan đến bốn trang ngữ trên báo VietnamPlus.
 
Phát triển mạnh mẽ các loại hình thông tin đa phương tiện
 
Ban BTTĐN cần phát triển mạnh các sản phẩm thông tin đa phương tiện như: Tin truyền hình, tin đồ họa, tin ảnh, tin âm thanh... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của các cơ quan báo chí và công chúng, với mục tiêu số lượng tin đa phương tiện ít nhất phải bằng 1/3 sản lượng tin văn bản theo xu hướng chung của các hãng thông tấn thế giới.
 
Ban từng bước chuyên nghiệp hóa các bản tin truyền hình đối ngoại, mạnh tay điều chỉnh, cơ cấu lại các bản tin để nội dung hấp dẫn, thu hút khán thính giả hơn. Giảm thời lượng tin thời sự chính trị, ngoại giao để dành sóng cho các mảng tin “nhẹ nhàng” hơn như văn hóa, xã hội và du lịch. Tăng cường tin, bài, phóng sự do Ban tự sản xuất cho phù hợp với các đối tượng đặc thù của thông tin đối ngoại (TTĐN). Nghiên cứu xây dựng chỉ tiêu tin, bài cụ thể; bổ sung nhân sự cho Phòng tin Đa phương tiện có đủ lực lượng, triển khai chuyên nghiệp hóa các bản tin truyền hình. Tăng cường công tác đào tạo tại chỗ theo hướng đa năng cho đội ngũ PV, BTV; tạo môi trường và điều kiện khuyến học, nâng cao trình độ nghiệp vụ báo hình. Mở các chuyên mục như “Góc nhìn Đông Nam Á” hay “Mái nhà ASEAN”, “Sống ở Việt Nam”, “Cửa sổ văn hóa”, “Du lịch”, “Làng nghề”, “Phượt”… để tạo điểm nhấn, đưa các bản tin gần gũi hơn với các đối tượng khán thính giả người nước ngoài.
 
Xây dựng một phòng quay dành riêng cho các đơn vị TTĐN của TTXVN, giúp giảm bớt tình trạng quá tải tại trường quay của Vnews. Phối hợp với Truyền hình Thông tấn xây dựng, cập nhật kho hình tư liệu chuẩn phục vụ tuyên truyền đối ngoại. Tăng thời lượng các bản tin truyền hình tiếng Anh và tiếng Trung; xây dựng bản tin tuần tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha thành chương trình ngày. Tiến hành đăng ký và mở tài khoản cho các bản tin truyền hình của Ban BTTĐN trên Youtube, nhằm quảng bá tốt hơn, đồng thời phục vụ cho việc chia sẻ, phát lên mạng xã hội Facebook và báo điện tử VietnamPlus.
 
Phát triển và mở rộng ứng dụng các sản phẩm thông tin đồ họa với lộ trình, chiến lược cụ thể và bài bản, đưa tin đồ họa thành sản phẩm thông tin phổ biến và có tính chuyên nghiệp cao. Đa dạng hóa nội dung và nâng cao chất lượng tin đồ họa, không ngừng đổi mới, làm phong phú thêm các loại hình sản phẩm đồ họa chuyên ngữ: đồ họa động, đồ họa video, đồ họa 3D, đồ họa tương tác… Xây dựng đội ngũ thiết kế đồ họa riêng theo hướng phát huy tối đa nguồn lực sẵn có trong đơn vị. Phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn nâng cấp, cập nhật cổng thông tin dịch vụ của TTXVN nhằm giải quyết đầu ra và phổ biến các sản phẩm tin đồ họa chuyên ngữ.
 
Phát triển các sản phẩm thông tin đa phương tiện khác như: Multi-platform (đa nền tảng), Mobile media, Mobile journalism (báo chí di động), Data journalism (báo chí dữ liệu), Innovative journalism (báo chí sáng tạo), Digital mega-stories (siêu tác phẩm báo chí), wearables (các thiết bị đeo trên người)… Trước mắt, Ban cần lên kế hoạch dự trù và chuẩn bị sẵn các điều kiện để tham gia sản xuất tin âm thanh (audio) - “sân chơi mới” nằm trong quy hoạch và định hướng phát triển của ngành trong những năm tới. 
 
Hợp lý hóa quy trình sản xuất và chuyển phát tin bài, cải tiến quản lý và điều hành

Quy trình sản xuất tin bài tại Ban BTTĐN được định hình, chuẩn hóa trong hàng chục năm qua và về cơ bản bao gồm ba bước chính: Lựa chọn, khai thác tin nguyên liệu; biên tập, chuyển ngữ và duyệt phát. Nhằm đẩy nhanh tiến độ sản xuất và nâng cao chất lượng cho các sản phẩm TTĐN, Ban cần tăng cường công tác PV để sản xuất các tin, bài trực tiếp bằng tiếng nước ngoài; phân công các BTV chuyên sâu từng lĩnh vực cụ thể; có thể sử dụng các phầm mềm và ứng dụng trực tuyến để chuyển ngữ tin, bài khai thác lại từ bản tin tiếng Anh của Ban, nhất là đối với các tin chính trị, ngoại giao thường mang tính khuôn mẫu, lễ tân; xử lý thông tin đầu ra để phát huy hết giá trị các sản phẩm.
Ban BTTĐN hiện có gần 70 người, nhưng do có nhiều cán bộ, BTV nghỉ chế độ thai sản, luân chuyển hoặc đi học nên số người làm việc thực tế còn khoảng 50 người, phân bố tại 5 Phòng. Với sản lượng hơn 180 đầu tin mỗi ngày (gồm tin văn bản, tin đồ họa và tin ảnh) cùng 4 bản tin truyền hình với tổng thời lượng 245 phút/tuần. 

 
Cải tiến quản lý và điều hành ở Ban BTTĐN trước hết ở phương thức truyền đạt và tiếp nhận ý kiến chỉ đạo, giúp Ban phụ trách nắm vững các hoạt động trong đơn vị, từ đó nâng cao hiệu quả điều hành thông tin. Ban phụ trách chủ động đề xuất với lãnh đạo ngành những nội dung mới, những vấn đề nảy sinh cần tuyên truyền; nâng cao bản lĩnh trong xử lý các thông tin phức tạp, nhạy cảm. Có như vậy mới rút ngắn quy trình chỉ đạo sản xuất mà vẫn đảm bảo thông tin đạt các tiêu chí nhanh và trúng.
 
Chủ động và áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại trong phổ biến sản phẩm
 
Ban cần chủ động kết nối với cơ quan báo chí, truyền thông trong nước cũng như các bộ, ban, ngành và tỉnh thành để giới thiệu, tìm kiếm cơ hội hợp tác, ký kết các hợp đồng phối hợp tuyên truyền. Thường xuyên tổ chức các hội nghị khách hàng, các cuộc gặp gỡ trao đổi với các đơn vị, cơ quan báo chí đang khai thác, sử dụng tin, bài của Ban để tìm hiểu nhu cầu của họ và có những điều chỉnh hợp lý, kịp thời. Chủ động cung cấp các sản phẩm tin nguồn chuyên ngữ cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam và PV thường trú của các hãng thông tấn báo chí nước ngoài tại Việt Nam; phối hợp với VietnamPlus và Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn cung cấp dịch vụ đăng ký nhận bản tin hằng ngày, cho phép tự động gửi tin, bài cho các đối tượng độc giả đăng ký dịch vụ miễn phí này.
 
Ban chú trọng đưa thông tin lên mạng xã hội nhằm tiếp cận trực tiếp độc giả trong và ngoài nước. Thử nghiệm trả chi phí để “boost” các tin quảng bá trên Facebook. Chú trọng đổi mới giao diện website theo hướng tăng tiện ích cho các trang ngữ của Ban trên báo điện tử VietnamPlus để thu hút người đọc và tăng lượng truy cập. Chủ động thiết lập và duy trì việc trao đổi, chia sẻ sản phẩm với các đối tác nước ngoài, qua đó để phổ biến rộng rãi nguồn thông tin đa ngữ phong phú, đa dạng về nội dung và thể loại của Ban BTTĐN ra thế giới.
 
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng và chuyên sâu
 
Để có nguồn nhân lực tốt, Ban cần chú trọng nâng cao nhận thức chính trị và lập trường tư tưởng cho cán bộ, PV, BTV bằng nhiều hình thức học tập. Cán bộ, PV, BTV phải nắm vững, nắm chắc mọi chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, cùng những chỉ đạo chiến lược và chiến thuật của các cấp lãnh đạo, qua đó phát huy cao độ sức sáng tạo trong sản xuất tin bài, tự tin xử lý những thông tin nhạy cảm, kịp thời chuyển ngữ với thông điệp rõ ràng phục vụ công tác tuyên truyền đối ngoại. Việc đào tạo và bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị và lập trường tư tưởng phải được tiến hành thường xuyên, áp dụng cho tất cả các cán bộ, PV, BTV không phân biệt là đảng viên hay quần chúng.
 
Đồ họa tiếng Trung về chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại châu Âu, tháng 10/2018

Mở rộng các hình thức học tập nghiệp vụ, khuyến khích BTV nâng cao trình độ chuyên sâu về lĩnh vực được giao cũng là giải pháp cần chú trọng. Trước những yêu cầu mới về tuyên truyền đối ngoại, Ban BTTĐN cần đặt hàng Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn mở các khóa bồi dưỡng ngắn ngày về tân văn báo chí, các kỹ năng xử lý thông tin, biên tập và biên dịch bằng tiếng nước ngoài; tổ chức các cuộc trao đổi, giao lưu nghiệp vụ về cách thức biên tập, xử lý thông tin, công tác PV… Ngoài ra, các BTV ngữ cũng cần có ý thức tự bồi dưỡng, làm phong phú vốn kiến thức nền của mình; chủ động tìm kiếm đề tài, thực hiện các tin bài và phóng sự chuyên sâu, rèn luyện kỹ năng PV để đáp ứng tốt yêu cầu của Ban cũng như khi được cử đi thường trú ở nước ngoài.
 
Tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động tu nghiệp trong và ngoài nước; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong đơn vị. Tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp ban và cấp phòng thông qua việc chuẩn hóa và bồi dưỡng chức danh cũng là việc cần thực hiện.
 
Trước mắt, Ban cần tăng cường nguồn nhân lực đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới. Nếu so với thời điểm cách đây 5 - 6 năm, sản lượng tin văn bản của toàn Ban tăng hơn gấp đôi, cộng thêm mảng thông tin đa phương tiện hoàn toàn mới mẻ, trong khi số lượng cán bộ, BTV chỉ còn khoảng 3/4, lại thường xuyên biến động do nhiều cán bộ được luân chuyển đi công tác thường trú trong và ngoài nước. Cỗ máy Ban BTTĐN đang hoạt động với công suất cao, có dấu hiệu bị quá tải ở một vài nhánh, cần được ưu tiên bổ sung mạnh mẽ về nhân lực, không chỉ để xử lý khối lượng công việc hằng ngày rất lớn, mà còn mở mang phát triển đơn vị.
 

Nội san thông tấn số 10/2018

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nhiều đề tài có giá trị thực tiễn (21/02/2018 10:48:23)

Hướng tới mô hình điện toán đám mây tại TTXVN (15/01/2018 10:44:53)

Phát huy hiệu quả "mỏ vàng" tư liệu (03/10/2017 14:51:26)

Hướng tới sự chuyên nghiệp (23/01/2017 10:26:11)

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên TTXVN (05/12/2016 11:17:33)

Giải pháp nâng cao chất lượng thông tin kinh tế của TTXVN phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH đất nước (11/10/2016 09:49:30)

Một số đề xuất về mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của các cơ quan thường trú trọng điểm ở trong nước  (04/10/2016 16:03:26)

Đề xuất thống nhất nội dung tuyên truyền về biển đảo (14/06/2016 14:19:21)

Nâng cao chất lượng tuyến tin phản hồi, định hướng, bác bỏ thông tin sai lệch (11/05/2016 15:40:38)

Giá trị thực tiễn của đề tài nghiên cứu khoa học (11/05/2016 15:33:26)