Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Tin tức trong ngành

Nhà báo Đặng Thu Huyền: Tết tất bật trong nỗi nhớ nhà


(21/01/2020 16:00:17)

Năm 2019, với nữ nhà báo Đặng Thu Huyền, là năm thứ hai của nhiệm kỳ công tác nhưng là năm đầu tiên giữ cương vị Trưởng Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam tại Washington (Mỹ). Thường trú tại địa bàn được coi là nóng và khó đoán định, với Đặng Thu Huyền và các đồng nghiệp, công việc thường xuyên phải chịu nhiều áp lực. Cùng lắng nghe những chia sẻ của chị trước ngưỡng cửa năm 2020 báo hiệu nhiều sôi động này.

Tết Canh Tý được tổ chức ở Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ

Xin chào chị Đặng Thu Huyền. Trong khi cả thế giới đang hân hoan mừng năm mới 2020 thì nước Mỹ đã có những đêm không ngủ, vì tình hình nóng bỏng tại Trung Đông. Công tác thông tin của CQTT Washington lúc đó ra sao?
Xin chào các đồng nghiệp tại quê nhà. Dường như những cơn bão mùa đông đổ tuyết dày mấy ngày vừa qua không đủ làm hạ nhiệt những căng thẳng đang diễn ra trên chính trường nước Mỹ và Trung Đông xa xôi. Với kinh nghiệm sẵn có, chúng tôi luôn chuẩn bị trước kịch bản cho những diễn biến có thể xảy ra. Tuy nhiên, ngay trong đỉnh điểm căng thẳng giữa Mỹ và Iran, phóng viên CQTT và nhiều chuyên gia vẫn nhận định sẽ không có chiến tranh. Chúng tôi đã phỏng vấn hai chuyên gia cho chương trình Thế giới 360 độ, dẫn hiện trường nêu nhận định và sản xuất rất nhiều tin. Tôi cũng đã chuẩn bị sẵn những kịch bản cho khả năng Tổng thống Trump sẽ tấn công lại Iran. Nhưng trong bài phát biểu của ông ấy chỉ có lệnh trừng phạt.

Năm 2019 là năm sôi động trên chính trường Mỹ, với CQTT tại Washington thì thế nào?  
Năm vừa qua, có quá nhiều biến động lớn trong nội bộ nước Mỹ với những căng thẳng và chia rẽ sâu sắc giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong một loạt các vấn đề và đỉnh điểm là cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh đó là những thay đổi trong một loạt chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ với các quốc gia và khu vực trên thế giới, chẳng hạn với khu vực Trung Đông, Triều Tiên hay cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.

Năm 2019, một sự kiện đặc biệt với nước Mỹ là cuộc gặp gỡ lần thứ hai giữa Tổng thống nước này với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ngay sau thông báo chính thức Việt Nam được chọn là nơi diễn ra sự kiện, CQTT Washington sôi động từng ngày với các khâu chuẩn bị, lên kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp ở Tổng xã. Đó là quãng thời gian vất vả với các cuộc phỏng vấn chuyên gia, với phóng viên Mỹ, phải dẫn hiện trường lúc nửa đêm hay sáng sớm khi nhiệt độ ngoài trời xuống âm độ C.

Tôi còn nhớ, trong khi báo đài nhiều nước đưa tin khá lạc quan và hy vọng về một thỏa thuận sẽ đạt được thì tại Washington, hầu hết các chuyên gia cũng như báo chí Mỹ đều nhận định khó khăn và có quan điểm ngược lại. Khi tôi gửi tin về Vnews, một biên tập viên tỏ ra lo lắng, rằng liệu đưa những thông tin trái ngược như vậy từ địa bàn có phù hợp và đúng đắn không. Chúng tôi vẫn giữ nhận định kết quả tốt đẹp mà mọi người mong muốn rất khó xảy ra tại thời điểm đó.

Mặc dù vậy, CQTT Washington vẫn chuẩn bị kịch bản dẫn hiện trường và nhận định khả năng hai bên đạt tuyên bố chung cho bản tin 6 giờ sáng, tức là chúng tôi phải quay hình từ 4 giờ rưỡi và gửi về lúc 5 giờ. Đương nhiên, kịch bản về khả năng cuộc gặp sẽ thất bại cũng được chuẩn bị sẵn. Thật may là với sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó, tôi và các đồng nghiệp đã không bị động khi sự kiện diễn ra.

Nước Mỹ là địa bàn nhạy cảm, phức tạp. Điều này có tạo nhiều áp lực thông tin với chị và đồng nghiệp?
Ôi, áp lực đến mức, thời gian đầu mới công tác tại địa bàn, không chỉ tôi mà anh em trong CQTT cũng cảm thấy choáng và hụt hơi khi sự kiện dồn dập diễn ra. Không giống như cách làm tin trước đây, phóng viên chỉ cần viết tin văn bản, bây giờ chúng tôi phải thực hiện các loại hình thông tin khác nhau, từ những bài phân tích sâu mang tính tổng hợp cho chuyên mục Theo dòng sự kiện hay Tiêu điểm trong ngày tới làm tin hình dẫn hiện trường cho các bản tin thời sự, talk bình luận sâu, phỏng vấn chuyên gia cho chương trình Thế giới 360 độ hay điểm báo tuần…

Yêu cầu công việc cao như vậy đòi hỏi phóng viên phải nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình để đưa ra những nhận định chính xác trong các chương trình phỏng vấn. Đặc biệt, phóng viên phải lên kế hoạch, sắp xếp thời gian hợp lý để khớp với các bản tin ở nhà do lệch múi giờ. Khó khăn và vất vả, nhưng đối với tôi, đó thực sự là cơ hội tốt để thử thách năng lực và có những trải nghiệm mà không phải địa bàn nào cũng có.

CQTT Washington có tôi và hai phóng viên là Phạm Ngọc Ánh và Bùi Đại Thắng. Qua hai năm của nhiệm kỳ, hoàn toàn có thể khẳng định, chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Làm việc với cường độ cao như thế, có bao giờ chị lâm vào tình huống khó xử không?
Nhiều lắm. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi có những kỷ niệm cười ra nước mắt. Nhớ nhất là lần đến trụ sở của hãng BBC để phỏng vấn phóng viên được cử sang Việt Nam đưa tin Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Sau khi phỏng vấn xong, cần một số cảnh quay trụ sở và phòng làm việc, chúng tôi nghĩ xin phép một câu cho có đầu có đuôi. Ai dè, phóng viên hỏi trưởng ban, trưởng ban xin giám đốc… và cuối cùng là không được phép ghi hình trong trụ sở làm việc. Cả ê kíp đứng hình, đành phải quay vài đúp hình ngoài trụ sở. Rút kinh nghiệm lần sau, trong lúc người ta đang chuẩn bị phỏng vấn thì mình đã quay “no nê” hình trám rồi. Hay một lần chúng tôi đi phỏng vấn chuyên gia cấp cao, về đến nhà gỡ hình ra mới phát hiện logo Vnews bị lắp ngược…

Không khí đón tết ở Việt Nam đang rất rộn ràng. Tính cả xuân Canh Tý năm nay, chị đã có ba cái tết xa nhà. Cảm nhận của chị về tết xa xứ như thế nào?
Nghe chị nhắc mà tôi thèm hương vị tết quê nhà quá (cười). Khác với nhiều người sợ tết, tôi lại rất thích tết, thích như con trẻ được quà ấy. Tôi vẫn giữ được sự háo hức mong chờ tết đến, thích giây phút hồi hộp đêm giao thừa, thích những lời chúc tết và cả niềm hy vọng vào năm mới với nhiều điều tốt đẹp nữa.

Hồi mới sang đây, năm đầu tiên tôi nhớ nhà kinh khủng. Không chỉ tôi mà anh xã và các con tôi cũng cảm thấy hụt hẫng. Dù ở đây cũng có bánh chưng, có lọ hoa lay ơn, mứt tết, nhưng vẫn nhớ da diết không khí tất bật mua sắm, dọn dẹp chuẩn bị tết, nhớ không khí đêm giao thừa. Đến giờ, gia đình tôi cũng đã quen dần với không khí ngày tết xa nhà, khi mà trẻ con vẫn đi học và người lớn vẫn tất bật làm tin. Vào những ngày tết, chúng tôi xuống khu thương mại sầm uất Eden để cảm nhận không khí tết của bà con người Việt nơi đây, xem múa rồng, múa lân, gói bánh chưng và thưởng thức những món ăn truyền thống, để vừa làm tin phản ánh không khí của bà con kiều bào vừa cảm nhận hương vị ngày tết.
 
Phỏng vấn chuyên gia Michael Miklaucic về căng thẳng giữa Mỹ-Iran, ngày 9/1

Chị có dự định gì cho năm 2020 báo hiệu nhiều sôi động này?
Năm 2020 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và Chủ tịch ASEAN, cũng là năm bầu cử của nước Mỹ. CQTT Washington sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam tới bạn bè Mỹ và thế giới.

Nhân dịp năm mới, cho phép tôi thay mặt anh em CQTT Washington xin gửi tới Ban lãnh đạo cơ quan và các đồng nghiệp TTXVN lời chúc năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị!

Thu Hiền (thực hiện)
Số Xuân 2020

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Hành trình chạm mốc chủ quyền ở Trường Sa (21/01/2020 16:00:07)

Nhớ những cái tết vùng cao (21/01/2020 15:59:48)

90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2020): Chi bộ phải là trung tâm đoàn kết (21/01/2020 15:59:08)

Làm tết, ăn tết ở trời Tây (21/01/2020 15:38:48)

Phóng viên Võ Thanh Sang: Địa bàn mới như một thử thách phải vượt qua (21/01/2020 15:33:03)

Ba năm sáu tết ở đất Chùa Tháp (21/01/2020 15:15:12)

Làm không hay thì ăn tết không ngon (21/01/2020 15:13:44)

Mùa xuân trên trang báo tết (21/01/2020 14:48:13)

Kỳ SEA Games lịch sử trên đất Philippines (21/01/2020 14:47:21)

Trung tâm Kỹ thuật Thông tấn: Lặng thầm 2019 (21/01/2020 14:46:18)