Thứ tư, ngày 03/07/2024

Chúng tôi nói về chúng tôi

Nhật ký vùng lũ dữ


(03/07/2024 09:02:04)

Mưa lớn diện rộng diễn ra trong các ngày 8,9 và rạng sáng 10/6 khiến nhiều tuyến đường quan trọng trên địa bàn tỉnh Hà Giang bị chia cắt, sạt lở, nhiều khu vực tại TP. Hà Giang xảy ra ngập úng… Nắm được tình hình từ rất sớm, Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Hà Giang đã lên các phương án tác nghiệp, trong bối cảnh chỉ có hai phóng viên, nhằm đảm bảo thông tin nhanh, đầy đủ và an toàn.

Phóng viên Nguyễn Đức Thọ (phía sau) bám vào thành chiếc cầu độc đạo đã bị nước lũ làm hư hỏng để di chuyển, xã Thuận Hòa, Vị Xuyên, Hà Giang, tháng 6/2024

1. Những cơn mưa lớn kéo dài liên tục trút xuống vùng đất cao nguyên đá. Đỉnh điểm của những cơn lũ dữ diễn ra vào đêm 9 và rạng sáng 10/6 khi mọi người, mọi nhà vẫn đang chìm sâu trong giấc ngủ. Con sông Lô chảy qua TP. Hà Giang thường ngày hiền hòa bỗng chốc nước dâng cao gần chục mét, phủ khắp các làng bản, khu dân cư nằm ven sông và nhiều vùng trũng trên địa bàn thành phố. Đây là trận lũ lớn nhất trong lịch sử 30 năm qua tại TP. Hà Giang, nhiều điểm mưa từ 100-200mm; riêng Vị Xuyên mưa 226mm. 

Gần 5 giờ sáng 10/6, ngay sau khi nắm được tình hình mưa lũ và các khu vực bị ngập sâu trên địa bàn, nhận chỉ đạo của Trưởng CQTT tại Hà Giang Đào Thị Minh Tâm về các phương án tác nghiệp an toàn, nhanh và hiệu quả, tôi khẩn trương chuẩn bị máy móc để lên đường. 

Là phóng viên thường trú lâu năm tại Quảng Bình, thường xuyên tác nghiệp tuyến thông tin lũ lụt, nên tôi cũng có chút ít kinh nghiệm phòng thân. Trước khi đi, Trưởng CQTT dặn dò: “Em mới lên công tác nên chưa hiểu rõ về lũ lụt ở vùng cao. Lũ Hà Giang không đơn giản, giao thông đi lại phức tạp, địa hình đồi núi, tình trạng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Việc đi tác nghiệp quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho bản thân”. Lời nhắc nhở ấy khiến một phóng viên mới chuyển công tác về địa bàn như tôi cảm thấy ấm lòng và thầm nhủ bản thân phải tác nghiệp hết sức nhanh chóng, cẩn thận và an toàn. 

Lũ lụt ở Hà Giang diễn ra rất nguy hiểm. Nước dâng nhanh, người dân không kịp trở tay, đồ đạc, xe cộ, lương thực không kịp di chuyển nên bị nước lũ nhấn chìm. Có những gia đình, khi nước lũ cuồn cuộn kéo tới, chỉ kịp giục các con chạy thật nhanh lên chỗ cao nhất mà chẳng kịp mang theo tài sản. Đồ đạc trong nhà cứ thế trôi hết theo dòng lũ dữ…

2. Gần 6 giờ, mưa xối xả, gió rít từng cơn, nước sông Lô cuồn cuộn chảy xiết. Chúng tôi bắt đầu lên đường làm nhiệm vụ. Mục tiêu là tiếp cận được với những vùng bị cô lập, nước ngập sâu và các lực lượng chức năng đang giúp người dân “chạy lụt”, để truyền tải những hình ảnh và thước phim sớm nhất đến công chúng.

Đúng là nếu không có mặt và trực tiếp chứng kiến thì khó có thể hình dung rằng vùng cao bị lụt, mà lại lụt lớn. Việc tiếp cận các khu vực bị ngập sâu rất khó khăn. Rất ít nơi có ca nô hay thuyền phòng lũ lụt như ở miền xuôi. Chính vì thế, lực lượng chức năng như: Công an, Quân đội, Biên phòng cùng chính quyền địa phương thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) nhằm giúp người dân.

Trời mưa tầm tã, nước lũ dâng cao, giao thông bị chia cắt, mất điện, sóng điện thoại chập chờn nên quá trình tác nghiệp càng vất vả hơn. Sau khi thu thập thông tin, hình ảnh, chúng tôi tìm đến các trụ sở UBND xã, phường của TP. Hà Giang để xử lý thông tin, kịp thời chuyển tải hình ảnh sớm nhất về các đơn vị thông tin nguồn của TTXVN. Đến 9 giờ sáng, những thông tin đầu tiên đã được chuyển về.

Để tiếp tục triển khai tuyến thông tin hiệu quả, trong điều kiện cả CQTT Hà Giang chỉ có hai người, chúng tôi quyết định chia ra để thực hiện nhiệm vụ. Mỗi người một ngả: người trực tiếp đi cùng các đơn vị lực lượng vũ trang vào địa bàn ngập lụt; người đến những vùng lũ đã rút bớt để ghi nhận lực lượng chức năng khẩn trương giúp bà con thu dọn đồ đạc, sơ tán người già, trẻ nhỏ đến nơi an toàn, đồng thời tiếp tục nắm thông tin tại các địa phương, xử lý thông tin kịp thời gửi về Tổng xã. 

3. Khoảng 10 giờ, nước tiếp tục dâng cao, tôi quyết định đi sâu vào vùng lũ với đầy đủ thiết bị tác nghiệp: máy quay, máy tính, máy ảnh. Trước mắt là thành phố chìm trong biển nước trắng xóa, có chỗ cao hơn cả đầu người. Để vào được vùng lũ, tôi xin đi cùng đoàn cứu hộ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang. Ngồi trên chiếc xe chuyên dụng, ngắm nhìn khung cảnh trước mắt mờ mịt vì mưa, hai bên đường trôi nổi các đồ dùng, vật dụng của người dân, thi thoảng lại thấy nhấp nhô những chiếc xe máy, ô tô bị nước lũ nhấn chìm, những cánh đồng lúa chuẩn bị vào mùa gặt đổ rạp, chìm trong nước lũ, cả một vùng nước mênh mông, trắng xóa, thực sự thấy xót xa!

Để hỗ trợ di dời người dân ra khỏi vùng lũ, các đơn vị lực lượng vũ trang đã phải sử dụng bè, phao cứu hộ. Người dân cũng không còn ai mang áo mưa hay áo phao, chỉ mong duy nhất một điều, được ra khỏi vùng lũ đến nơi an toàn. Trong biển nước mênh mông, hình ảnh các lực lượng cứu hộ tấp nập vào ra, nỗ lực cứu người làm vững lòng bà con giữa cơn lũ dữ. 

Thông tin liên tục, nhanh và đa dạng trong bối cảnh lũ lụt đầy khó khăn, CQTT Hà Giang đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Dù hai phóng viên đi hai hướng khác nhau nhưng chúng tôi liên tục kết nối, đảm bảo an toàn cũng như nhanh chóng có phương án mỗi khi gặp sự cố đột xuất. Hàng chục tin, bài, ảnh, video của CQTT Hà Giang liên tục được chuyển về Tổng xã.

4. Địa hình Hà Giang chủ yếu là đồi núi, dốc cao nên lũ đến và đi cũng nhanh. Đến cuối giờ chiều, lũ đã bắt đầu rút, mưa cũng tạnh dần và cuộc sống người dân dần trở lại, bà con bắt đầu công tác khắc phục, dọn dẹp và sửa chữa. Những ngày sau đó, tôi tiếp tục cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang tiếp cận những nơi còn bị chia cắt để thu thập thông tin, phản ánh tình hình mưa lũ và công tác khắc phục hậu quả. 

Là một phóng viên được luân chuyển từ vùng đồng bằng lên miền núi chưa đầy 6 tháng, cảm giác đi làm lũ lụt ở đây rất vất vả. Mỗi lần di chuyển đến vùng lũ, phóng viên không sợ mưa lụt mà sợ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, chuyến đi vì thế sẽ vất vả và kéo dài thời gian hơn. Nhiều đồng nghiệp bảo rằng, di chuyển ở Hà Giang không thể tính bằng kilomet mà phải tính bằng giờ, vì quãng đường 10km có khi phải mất hàng tiếng đồng hồ. Đến các huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới của Hà Giang phải mất 5-6 tiếng cho 150km di chuyển. Đường đi hết vượt núi này lại sang núi khác, dốc cao nối vực sâu; hai bên là vách núi nên tình trạng sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Trong hai ngày lũ lụt ở Hà Giang, tôi đã tìm cách tiếp cận với những vùng bị chia cắt. Khó khăn nhất có lẽ là đường vào thôn Lũng Buông, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên vì cây cầu độc đạo vào thôn đã bị nước lũ làm hư hỏng, không thể lưu thông. Chứng kiến người dân phải đu dây, bám vào thành cầu và dây cáp để qua lại mua nhu yếu phẩm, tôi quyết định liều mình. Buộc máy quay vào người, tôi cũng đu dây qua cầu. Cảm giác vừa đi, vừa run chân vì phía dưới là vực sâu, nước cuồn cuộn chảy, phía trên chỉ bám vào dây cáp và bước trên mép cầu để đi. Biết là nguy hiểm, nhưng quyết tâm có mặt tại thôn bị cô lập Lũng Buông để phản ánh khó khăn của bà con đã thôi thúc tôi dấn bước.

Trận mưa lũ lịch sử xảy ra tại Hà Giang đã khiến 3 người chết; trên 1.400 ngôi nhà bị ảnh hưởng, hàng trăm hecta hoa màu bị hư hại, giao thông nhiều tuyến bị tê liệt… Trong những ngày này, đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, cán bộ, chiến sĩ, các phóng viên CQTT Hà Giang vẫn tiếp tục lên đường, nỗ lực giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống./.

Nguyễn Đức Thọ - CQTT tại Hà Giang
Nội san Thông tấn số 6/2024

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024): Những ngày đáng nhớ ở Điện Biên (12/06/2024 09:30:42)

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024): Trải nghiệm rất khác biệt (10/06/2024 15:31:28)

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024): “Điểm hẹn” của lòng yêu nước (07/06/2024 10:37:08)

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024): Dấu ấn đợt thông tin đặc biệt (04/06/2024 14:21:56)

Chuyện về đội kéo co toàn thắng (04/06/2024 09:50:44)

Những dòng sông hội tụ (08/01/2024 10:07:40)

Chuyến đi nhiều cảm xúc (04/04/2022 16:46:48)

Olympic đặc biệt nhất trong lịch sử (30/08/2021 17:09:32)

Kỳ họp Quốc hội nhiều dấu ấn (30/08/2021 17:02:41)

Trường Sa - Một mùa Xuân mới đang về (09/02/2021 09:30:38)