Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Công tác thông tin

Những khoảnh khắc đậm tình người


(02/05/2013 16:12:32)

Phóng sự ảnh "Gian nan con chữ nơi xa" ra đời, là một trong những sản phẩm đáng nhớ trong chuyến đi công tác miền núi đầu tiên của tôi. "Thân gái" một mình khoác ba lô lang thang vào những bản làng vùng sâu vùng xa, nơi người già hầu như không biết câu tiếng Kinh nào, nơi trẻ con hiếm biết vị ngọt của cái kẹo.

  

Phóng viên Nguyễn Thủy - Ban Biên tập Ảnh

- Nhà em ở đâu?

- Phía xa kia kìa.

Tôi nhìn theo cánh tay cô bé chỉ. Nhà em chỉ là một chấm nhỏ bám bên sườn núi giữa cơn mưa mùa đông mịt mù, trong cái lạnh 10oC. Mấy đứa trẻ đứng nép vào nhau, người co ro, cúm rúm, môi tím tái. Ấy vậy mà khi tôi hỏi "Lạnh lắm phải không?" đứa nào đứa nấy chỉ cười: "Không lạnh, chúng em quen rồi!"

Lúc ấy, tôi chỉ có một chiếc áo khoác mỏng và chiếc khăn. Tháo chiếc khăn ra khỏi cổ choàng lên người cô học trò quần áo rách lỗ chỗ đang run rẩy trong gió lạnh từng cơn, tôi quay đi để ngăn những giọt nước mắt và chợt nhận ra một điều: Cái nghèo đói, cái lạnh không ngăn được các em yêu con chữ, không ngăn được niềm vui đến lớp dù điểm trường chỉ là những căn nhà lá, gió tạt tơ tướp, dù bữa cơm học sinh đôi khi chỉ có hạt muối trắng hòa với nước sôi thành canh. Sự vất vả ấy của các em cứ thôi thúc tôi phải làm điều gì đó, để nhiều người hiểu và sẻ chia.

Cô và trò đi kiếm củi để chuẩn bị nấu ăn

Trong chuyến công tác đầu tiên đến nơi xa nhất của Làng Nhì (Trạm Tấu-Yên Bái), "nữ nhi độc hành" nên tôi khá nhiều lo lắng. Gần một ngày lắc lư trên xe khách, đến cuối chiều tôi có mặt tại TP Yên Bái. Sau một đêm nghỉ ngơi tại phân xã, tôi tiếp tục hành trình xuống bản. Sương mù mờ ảo, đào mai bung nở hoa ven sườn núi, nhưng vẻ lãng mạn chợt tan biến khi anh Thuận, cán bộ phòng Giáo dục đưa tôi xuống bản, thông báo: "Hết đường bê tông rồi, giờ phóng viên phải bám chắc hơn kẻo rơi nhé!". Đã chuẩn bị tinh thần là đường đi sẽ khó lắm nhưng cái sự khó ấy lại quá sức tưởng tượng của tôi. Bên vách núi, bên vực thẳm, những đoạn dốc với những khúc cua tay áo cứ nối tiếp nhau, tưởng chừng chặng đường sẽ không bao giờ kết thúc... Có những đoạn đường bùn lầy, bánh xe cứ trượt tròn tại chỗ dù vít ga hết cỡ. Người lấm lem bùn đất, tôi cố hết sức đẩy xe, lưng oằn trĩu với chiếc ba lô máy móc nặng gần 10 ký. Thế mới biết nỗi vất vả, cực nhọc của bà con dân bản, của các thầy cô giáo vùng cao. Hơn 4 tiếng để đi con đường chưa đầy 26 km, mồ hôi, sương gió ngấm vào thân làm tôi lạnh run lên. Thế mà dưới cái lạnh 10oC của núi rừng Tây Bắc, các em học sinh trường THCS Làng Nhì phần lớn chỉ một manh áo mỏng, có khi còn không lành lặn. Trong bếp ăn, đứa đứng, đứa ngồi, quây tròn bên nồi cơm, bát canh lõng bõng vài cọng rau. Thế mà tiếng cười vẫn vang vọng núi.
 

Thiếu phòng nội trú, các em học sinh  Mù Cang Chải phải ở nhờ trong những túp lều bên bờ ruộng

Thiếu điện, thiếu nước, sự vất vả luôn thường trực trong cuộc sống hàng ngày của các em

Rời Làng Nhì - Trạm Tấu, tôi tiếp tục hành trình hơn 100 km tới Mù Cang Chải (Yên Bái), rồi tới xã Lao Chải với những thửa ruộng bậc thang miên man bên sườn núi, với những cô gái Mông váy xòe, chân quấn xà cạp lom khom cuốc nương...Tới nơi cũng kịp vào tiết học cuối buổi sáng của các em học sinh. Tôi bị thu hút bởi tiếng ê a đọc bài của các em. Lớp học được các thầy cô cùng dân bản dựng lên bằng nứa, lá chẳng đủ che nắng mưa và gió lạnh. Có lớp có hai dãy bàn quay về hai phía và hai cái bảng để dạy cho hai nhóm trình độ khác nhau. Có em vừa học vừa phải trông em. Phòng học cũng chính là nơi các em ăn, ngủ. Thiếu điện, thiếu nước, thiếu củi... học trò xung phong theo cô giáo lên rừng kiếm củi. Thiếu phòng nội trú, các em đã phải ngủ đêm nhờ tại những túp lều bên bờ ruộng...
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Cơ sở vật chất điểm trường Hồ Nhì Pá, xã Lao Chải (huyện Mù Cang Chải) chỉ đơn sơ như thế này

Tôi không biết dùng từ gì để diễn tả cảm xúc của mình khi thấy đôi mắt ngấn nước của cô giáo Qua, người đã có 5 năm gắn bó với điểm trường Xéo Dì Hồ, từ khi cô mới đôi mươi. Yêu học trò, cô giáo Qua như quên hạnh phúc riêng của mình để dạy cho các em biết chữ. Hỏi về chuyện riêng, cô quay mặt đi, lặng thinh, rớm lệ. Tôi tự dặn với lòng, mình phải đi thật nhiều, đi tới những nơi xa xôi, đi tới những nơi nghèo khó. Đi để ghi lại những khoảnh khắc đời thường mà cảm động của biết bao con người vùng khó như cô giáo Qua và rất nhiều thầy cô giáo miền biên viễn. Đi để thấy được tình người, tình đời luôn ấm áp dù hoàn cảnh có khó khăn, khắc nghiệt đến nhường nào.

Nguyễn Thủy- Ban Biên tập Ảnh
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trước thềm Lễ trao Giải báo chí TTXVN 2102: Những chuyến đi khó quên (Ký ức La Pán Tẩn)  (02/05/2013 16:00:37)

Thông báo: Tuyển chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2012 (đợt 1) và hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2012 (02/11/2012 10:41:33)

Cập nhật thông tin tài chính - ngân hàng cho các nhà báo TTXVN (02/08/2012 11:12:37)

Liên Chi hội Nhà báo: Hướng hoạt động về các Chi hội cơ sở  (29/06/2012 12:10:15)

Về chùm tác phẩm đoạt giải A Giải báo chí TTXVN: Những ngày ở Mường Nhé (29/05/2012 14:33:30)

Bước nhảy vọt về số lượng tác phẩm dự thi (02/05/2012 16:40:37)

Liên Chi hội Nhà báo TTXVN: Kỷ niệm 62 năm Hội Nhà báo VN và trao Giải báo chí TTXVN 2011 (02/05/2012 16:30:53)

Bế giảng lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ thôn tấn K25 (17/01/2012 14:44:18)

Báo Thể thao & Văn hóa: Phát động cuộc thi Biếm họa báo chí - Cúp Rồng Tre lần III (22/12/2011 11:21:02)

Liên Chi Hội Nhà báo TTXVN: Hướng trọng tâm vào việc hỗ trợ hội viên trong hoạt động nghiệp vụ (22/11/2011 16:13:22)