Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Công tác thông tin

Trước thềm Lễ trao Giải báo chí TTXVN 2102: Những chuyến đi khó quên (Ký ức La Pán Tẩn)


(02/05/2013 16:00:37)

Các tác giả của hai chùm bài "Thảm họa La Pán Tẩn: Cân quặng, mạng người" (báo điện tử Vietnamplus) và "Gian nan con chữ nơi xa" (Ban Biên tập Ảnh) - đề cử Giải báo chí TTXVN 2012, kể về thời gian vất vả nhưng đáng nhớ khi thực hiện những tác phẩm báo chí này.

            

Phóng viên Mạnh Hùng trên đường vào mỏ đá 

Một buổi sáng đầu tháng 9/2012 như bao buổi sáng bình thường khác. Hàng chục đồng bào Mông bản Trống Páo Sang, La Pán Tẩn lầm lũi cắt rừng vào khu mỏ thiếc nằm sâu dưới chân đèo để mót quặng. Mưa ràn rạt từ trên đỉnh Cao Phạ hắt xuống lòng mỏ. Sương phủ trắng trời. Không ai trong số hơn 20 con người đang ì oạp dưới lòng suối Tú Lệ biết tử thần đang lửng lơ ngay trên đầu.

Tầm 10 giờ sáng, núi bất thần nổi giận. Mưa kéo núi sạt hẳn xuống, ầm ầm đổ vào lòng suối, nơi những người Mông đang cặm cụi nhặt quặng. Đá xô nhau lao về phía trước khiến chẳng mấy người kịp trở tay.

Một tuần tang thương ở La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái bắt đầu.

Nhận được chỉ đạo của lãnh đạo báo điện tử Vietnamplus, gần như ngay lập tức, hai chúng tôi lên đường. Bốn giờ sáng ngày 11/9 có mặt tại Mù Cang Chải, chỉ nghỉ hai tiếng, sáng hôm sau, chúng tôi thuê xe ôm vào mỏ đá.

Do trời mấy hôm mưa lớn nên toàn bộ con đường độc đạo chạy qua Ủy ban nhân dân xã La Pán Tẩn bị sụt lở nghiêm trọng. Xe chỉ đi được đến nửa đường thì dừng hẳn. Nhờ hai dân quân xã dẫn đường, anh em chúng tôi lội bùn, vượt dốc để đi tiếp.

Cách mỏ đá hai km, đường bị bịt kín bởi đá lở. Theo chỉ dẫn của lực lượng bộ đội Mù Cang Chải bảo vệ hiện trường, chúng tôi vòng theo lối rừng già để đi tiếp. Tuy nhiên, đi được chừng 20 phút thì bóng dáng hai dân quân dẫn đường mất hút. Chúng tôi loay hoay giữa rừng ngút ngàn. Có những đoạn không còn đường. Người dân chỉ bắc một thân cây cheo leo qua vách đá. Vừa đi, chúng tôi vừa lo, chỉ sợ trượt chân rơi xuống vực.

Địa hình hiểm trở khiến cho công tác tìm kiếm, cứu nạn gặp nhiều khó khăn 

Cứ thế, gần 2 giờ cặm cụi trên đường mòn theo dấu người đi trước, nhóm phóng viên Vietnamplus mới tiếp cận được hiện trường. Một khung cảnh tan hoang và đau thương đến nhói lòng đập thẳng vào mắt chúng tôi. Cả nửa quả núi bị nước mưa kéo sập xuống, đổ thẳng vào bãi khai thác thiếc của công ty Thịnh Đạt. Lực lượng chức năng huy động cả máy xúc, cả sức người để lần tìm thi thể của những người còn mất tích. Sau vài ngày mưa, nắng như đổ lửa. Nhưng không vì vậy mà hàng chục con người đang lăn mình bới hàng tấn bùn phía dưới ngơi tay.
 
 
 

Điều khiến chúng tôi đau xót nhất trong buổi đầu vào mỏ là hình ảnh hai người phụ nữ người Mông ngồi trên mỏm đá cao, mắt đăm đắm nhìn về phía đội cứu hộ La Pán Tẩn. Họ là chị em dâu, cùng mất chồng trong thảm họa đá lở. Đau hơn nữa, đến tận ngày tất cả rút ra khỏi hiện trường, những đôi mắt ấy vẫn đau đáu khôn nguôi. Bởi, họ không bao giờ tìm được thi thể của người thân.

Những đứa trẻ Mông đang mong nhớ người cha qua bức ảnh có trong nhà 

Hình ảnh ấy khiến chúng tôi muốn đi sâu hơn vào nỗi đau của những người ở lại, tập trung khai thác hành trình kiếm tìm thân nhân của họ. Từ đây, những bài viết về bản mồ côi, xóm không chồng được hình thành. Để có thể khắc họa hết nỗi đau của đồng bào Mông Mù Cang Chải sau thảm họa, chúng tôi đã chia nhau đến từng hộ để tìm hiểu gia cảnh cũng như chia sẻ với từng người.

Cũng chính trong hành trình này, chúng tôi nhận ra một vòng luẩn quẩn đang bao trùm lên đời sống nhân dân La Pán Tẩn. Ngay trong lúc đi tìm xác người thân dọc lòng suối Tú Lệ, vẫn có những người mang theo xô nhựa để nhặt những mẩu quặng thiếc lẩn quất. Ngay hơn chục người Mông được huy động tìm kiếm thi thể cũng không bỏ qua dịp được "găm" quặng mang về nhà.

 

Lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân bị đất đá vùi lấp

Cái đói nghèo khiến người Mông La Pán Tẩn gắn mình vào quặng, đánh đổi sinh mạng vì quặng. Ngay cả việc người thân mất đi cũng không khiến họ dừng mót quặng.
Mặc dù chủ doanh nghiệp khai thác quặng thiếc Thịnh Đạt khẳng định không hề thuê dân mót quặng cũng như không thu mua quặng của dân nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, vẫn có những đối tượng sẵn sàng bỏ tiền gom quặng. Đây cũng chính là nguồn cơn khiến những thảm họa như La Pán Tẩn xảy ra. Và sự chưa quyết liệt của chính quyền địa phương đã khiến cho tình trạng không thể chấm dứt. Vì vậy, chúng tôi cũng đã có những kiến nghị với chính quyền xã La Pán Tẩn cũng như chính quyền huyện Mù Cang Chải và tỉnh Yên Bái với hy vọng có thể góp phần ngăn chặn những thảm họa tương tự.

Tranh thủ ăn cơm ngay cạnh khu vực sạt lở để khẩn trương tiếp tục tìm kiếm nạn nhân 

Những ngày ở La Pán Tẩn, chứng kiến và sẻ chia nỗi đau với đồng bào, chúng tôi nhận ra, câu chuyện về La Pán Tẩn, về nỗi đau cuối trời Tây Bắc sẽ chỉ có thể chấm dứt nếu tất cả cùng chung tay, quyết liệt tìm ra hướng giải quyết cái đói, cái nghèo cho người Mông vùng cao.

Sơn Bách- Mạnh Hùng: Vietnamplus
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2013

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Thông báo: Tuyển chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2012 (đợt 1) và hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2012 (02/11/2012 10:41:33)

Cập nhật thông tin tài chính - ngân hàng cho các nhà báo TTXVN (02/08/2012 11:12:37)

Liên Chi hội Nhà báo: Hướng hoạt động về các Chi hội cơ sở  (29/06/2012 12:10:15)

Về chùm tác phẩm đoạt giải A Giải báo chí TTXVN: Những ngày ở Mường Nhé (29/05/2012 14:33:30)

Bước nhảy vọt về số lượng tác phẩm dự thi (02/05/2012 16:40:37)

Liên Chi hội Nhà báo TTXVN: Kỷ niệm 62 năm Hội Nhà báo VN và trao Giải báo chí TTXVN 2011 (02/05/2012 16:30:53)

Bế giảng lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ thôn tấn K25 (17/01/2012 14:44:18)

Báo Thể thao & Văn hóa: Phát động cuộc thi Biếm họa báo chí - Cúp Rồng Tre lần III (22/12/2011 11:21:02)

Liên Chi Hội Nhà báo TTXVN: Hướng trọng tâm vào việc hỗ trợ hội viên trong hoạt động nghiệp vụ (22/11/2011 16:13:22)

Thông báo Tuyển chọn tác phẩm tham gia Giải báo chí TTXVN năm 2011 (đợt 1) và hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2011 (22/11/2011 15:40:03)