Thứ sáu, ngày 29/03/2024

Sổ tay phóng viên

Tác nghiệp an toàn nơi xảy ra động đất


(31/10/2019 15:29:29)

“Kinh hoàng” và “khủng khiếp” là những cụm từ mà nhiều người sử dụng để nói về trận động đất kèm sóng thần xảy ra ở khu vực đông bắc Nhật Bản hồi tháng 3/2011. Có mặt tại Nhật Bản vào thời điểm đó, tôi đã chứng kiến những hậu quả khủng khiếp mà động đất gây ra cho đất nước Mặt trời mọc cũng như bản lĩnh mà người dân nước này thể hiện sau thảm họa. Từ những trải nghiệm đó, tôi đã rút ra được những bài học quý báu cho bản thân và hy vọng những bài học ấy sẽ giúp ích cho các đồng nghiệp khi tác nghiệp nơi xảy ra động đất.

Phóng viên Đào Thanh Tùng, Cơ quan thường trú Tokyo (Nhật Bản), tác nghiệp tại vùng thảm họa ở tỉnh Iwate, tháng 2/2012

Trước trận động đất kinh hoàng đó, tôi đã sống và làm việc ở Nhật Bản được hơn hai năm. Có lẽ do sống ở đây trong khoảng thời gian tương đối dài nên cũng như nhiều người Nhật khác, tôi có cảm giác “chai lì” với động đất - một trong những “đặc sản” của đất nước Mặt trời mọc. Tuy nhiên, suy nghĩ này đã thay đổi sau trận động đất kinh hoàng ngày 11/3/2011.

Khi động đất mới bắt đầu, tôi nghĩ rằng nó cũng giống như bao trận động đất trước đó, bởi vì Nhật Bản là một trong những quốc gia phải hứng chịu nhiều động đất nhất trên thế giới. Tôi thấy lo lắng khi sàn nhà bắt đầu rung lắc mạnh. Các đồ vật trên tủ và trên bàn làm việc rơi tứ tung. Tiếng bát đũa, cốc chén vỡ loảng xoảng ở trong bếp khiến tôi càng hoảng sợ.

Ngay sau khi những rung chấn đầu tiên vừa kết thúc, tôi ngồi vào bàn để làm tin và gửi về Tổng xã. Khi ấy tôi đã quên mất rằng, việc đầu tiên cần làm lúc này là khóa hệ thống gas và ngắt cầu dao điện để phòng chống cháy nổ, đồng thời phải mở cửa sổ, cửa ra vào để có lối thoát.

Trong lúc tôi làm việc, những người Nhật hàng xóm ở xung quanh đã nhanh chóng thu xếp đồ đạc và chạy ra khỏi nhà để chuẩn bị sơ tán. Tất cả mọi người đều rất bình tĩnh. Trên vai ai cũng đeo một chiếc balo mà sau này tôi mới biết đó là “túi phòng chống thiên tai”.

Sau khi hoàn thành xong tin đầu tiên, tôi cầm máy quay chạy ra ngoài, với hy vọng ghi lại những thước phim sinh động về cảnh đổ nát cũng như sự hoảng hốt của người dân. Khi bước ra ban công tầng 4, tôi nhìn thấy các tòa nhà xung quanh vẫn đứng vững. Chạy xuống tầng 1, tôi gặp những người hàng xóm của mình đang ngồi ở khoảng đất trống trước khu nhà. Họ mang theo những chiếc balo nhỏ được chuẩn bị trước cho các tình huống khẩn cấp. Mọi người đều rất bình tĩnh. Tôi liền quay lại phòng làm việc, bật tivi để cập nhật những thông tin mới nhất về thảm họa.

Qua các hình ảnh trên truyền hình, tôi thấy không giống như thủ đô Tokyo, cảnh tượng hoang tàn và đổ nát xuất hiện ở nhiều khu vực thuộc vùng Tohoku, từ thị trấn Minamisanriku của tỉnh Miyagi đến thành phố Rikuzentakata của tỉnh Iwate. Trong những đống đổ nát hay trên các bãi biển ở các khu vực xảy ra thảm họa, đâu đâu cũng có thể thấy người chết hoặc bị thương.

Vài tiếng sau đó, tôi tìm cách liên lạc với trường mẫu giáo Hatonomori – nơi con gái tôi đang học, nhiều lần nhưng không được. Tôi quyết định cuốc bộ hơn 3km đến trường để đón con. Lúc đó là 6 giờ chiều. Khi tới trường, tôi thấy một số thầy cô đang dọn dẹp những đồ vật vương vãi trên khắp mặt sàn. Thấy tôi đến, thầy Ishihara, người vẫn được bọn trẻ gọi với cái tên thân mật là Gorilla vì vóc dáng to lớn của mình, bước ra đón. Ông thông báo bọn trẻ vẫn an toàn, đã được sơ tán tới trường tiểu học gần đó, rồi quay vào dặn mọi người tiếp tục dọn dẹp và đưa tôi tới đó. Đến nơi, tôi thấy con gái đang đội một chiếc mũ bảo hộ mềm và đang chơi cùng các bạn ở dưới một chiếc chăn. Ba cô giáo của lớp ngồi xung quanh, mỗi người giữ một góc chăn để che chắn. Dường như họ lo ngại các dư chấn có thể tiếp tục xảy ra nên căng chiếc chăn để tránh đồ vật rơi vào đầu các con.

Đón con xong, hai bố con tạt vào một siêu thị để mua thực phẩm và một số vật dụng chuẩn bị cho những ngày khó khăn tiếp theo. Điều khiến tôi bàng hoàng khi bước chân vào siêu thị này là các sạp hàng thường ngày đầy ắp thực phẩm và nước uống, giờ đã trống trơn. Quay sang quầy bán pin và đèn pin, tình hình cũng tương tự. Tôi tiếp tục tạt qua nhiều siêu thị khác trên đường về nhà nhưng cũng không may mắn gì hơn.

Sáng hôm sau, tôi dậy từ rất sớm để ra siêu thị gần nhà. Lúc này, bánh mì, nước uống đã có trở lại trên các kệ hàng, tuy nhiên, mỗi người chỉ được mua hai chai nước và hai chiếc bánh mì với giá cao hơn ngày thường…

Từ những trải nghiệm đó, tôi thấy rằng, điều quan trọng nhất đối với phóng viên tác nghiệp tại các khu vực thường động đất là hãy trang bị cho mình các kỹ năng ứng phó với động đất và tuân thủ nghiêm ngặt các kỹ năng này.
 
Ứng phó với động đất như thế nào?
 
* Nếu đang ở trong nhà
 
Hãy chui xuống gầm bàn hoặc tìm góc chữ A để ẩn tránh; che mặt và đầu bằng sách hoặc bất cứ thứ gì có thể để tránh các đồ vật hoặc mảnh vỡ từ trần nhà, cửa kính rơi xuống. Tránh xa cửa kính để hạn chế những mảnh kính vỡ bắn vào người; tránh xa giá sách hoặc tủ vì chúng có thể đổ đè lên người.
 
Ngay sau những rung chấn đầu tiên kết thúc, hãy khóa hệ thống gas/bình gas và ngắt cầu dao điện; mở cửa sổ hoặc cửa ra vào để có lối thoát khi cần. Nếu mất điện, hãy dùng đèn pin. Không dùng bật lửa hay diêm vì có thể gây hỏa hoạn nếu có rò rỉ khí gas. Có thể chạy ra ngoài tới một khoảng trống; nếu đang ở trong tòa nhà cao tầng, hãy dùng thang bộ, tuyệt đối không dùng thang máy vì dễ bị kẹt nếu mất điện.
 
* Nếu đang ở ngoài đường
 
Hãy tìm khoảng trống để đứng, tránh xa các bức tường, tòa nhà, cột điện và những vật cao hơn người. Che đầu để bảo vệ đầu trước các mảnh vỡ. Nếu đang lái xe, hãy tạt xe vào lề đường và dừng lại, tắt máy, mở chốt khóa cửa xe nhưng để nguyên chìa khóa trên ổ điện. Không đỗ xe gần các tòa nhà, dưới gầm cầu, cây to, biển quảng cáo hoặc dây điện.
 
Quan sát kỹ xung quanh, nhất là phía trên đầu và chuẩn bị ứng phó với các dư chấn cũng như các thảm họa khác có thể xảy ra như lở đất, lở tuyết hay sóng thần… Mở radio để xem các thông báo khẩn cấp.
 
* Túi phòng chống thiên tai
 
Nếu sống trong khu vực có thể xảy ra động đất, cần chuẩn bị một “túi phòng chống thiên tai”, trong đó có thực phẩm, nước uống và các đồ dùng thiết yếu đủ dùng cho bạn và người thân (nếu có) ít nhất trong ba ngày. Bởi vì, khi động đất xảy ra, có thể phải chờ vài ngày, các đội cứu trợ mới đến; có thể sẽ không có điện hoặc gas, không thể nấu nướng hoặc trữ đồ trong tủ lạnh. Hãy để túi ở nơi dễ lấy trên lối ra.
 
* Giữ liên lạc
 
Khi tác nghiệp tại khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất, cần có điện thoại vệ tinh để duy trì liên lạc, bởi vì hệ thống thông tin và mạng Internet ở các khu vực này thường không ổn định hoặc bị tê liệt sau thảm họa.
 
Cần xây dựng phương án ứng phó với động đất và phổ biến phương án đó tới tất cả các thành viên trong nhóm và gia đình. Ghi nhớ số điện thoại của một đầu mối liên lạc (thường là người thân đang sống ở khu vực khác) và đảm bảo rằng người đó biết bạn đã chọn họ là đầu mối liên lạc trong tình huống động đất.

Đào Thanh Tùng
Nội san Thông tấn số 10/2019