Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Sổ tay phóng viên

Thông tin về dịch COVID-19: An toàn cho phóng viên đưa tin về COVID-19


(29/04/2020 10:36:59)

Roger Renni, Giám đốc, chuyên viên tư vấn cấp cao của Key Objectives phát biểu tại một cuộc hội thảo trực tuyến mới đây của Hiệp hội Báo chí và các Nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA), trong đó nhấn mạnh đến việc đảm bảo an toàn cho phóng viên ra hiện trường tác nghiệp về dịch COVID-19. Nội san Thông tấn xin giới thiệu nội dung chính của bài phát biểu này.

Phóng viên Ban biên tập Ảnh nhận trang thiết bị bảo hộ phòng chống lây nhiễm virus SARS-CoV-2

Ông Roger Renni cho rằng, các nhà báo trong mùa dịch COVID-19 phải lên kế hoạch và đánh giá rủi ro như thể đang bước vào vùng chiến sự, đưa tin về thảm họa thiên tai hoặc những cuộc biểu tình bạo lực. Những gì chúng ta đang gặp phải là một mối đe dọa, nếu không xử lý một cách phù hợp, sẽ gây hại cho tất cả mọi người và hậu quả vô cùng tàn khốc. Khi cử phóng viên ra hiện trường, tòa soạn và bản thân phóng viên không chỉ nhắc nhau “cẩn thận nhé” mà cần quan tâm đến một số lưu ý sau:
 
An toàn cá nhân
 
An toàn cá nhân là điều vô cùng quan trọng khi xảy ra đại dịch, nhất là với những phóng viên hiện trường không thể tự cách ly và vẫn phải tiếp tục đưa tin nơi tuyến đầu.
 
Ngay khi rời khỏi nhà hoặc tòa soạn, phóng viên cần nhớ, không được chạm tay lên mặt. Khi trở về nhà, cần rửa tay ngay lập tức trước khi chạm vào bất kỳ thứ gì. Nếu phóng viên trở về từ môi trường có rủi ro cao thì tắm gội và cho toàn bộ quần áo vào giặt.
 
Đối với phóng viên chuẩn bị tiếp xúc với những người có khả năng dương tính với COVID-19, bắt buộc phải dùng các thiết bị bảo hộ như quần áo, kính, khẩu trang. Lưu ý, khẩu trang cũng có nhiều loại với khả năng ngăn chặn khác nhau và dứt khoát không sử dụng khẩu trang tự chế.
 
An toàn khi tác nghiệp
 
Phóng viên cũng luôn ghi nhớ rằng, cần tránh tiếp xúc và không xâm phạm vào không gian của người khác.
 
Khi phỏng vấn, cần sử dụng micro có tấm chắn, hoặc phải khử trùng thiết bị sau khi hoàn thành công việc. Ở tòa soạn cũng nên lưu tâm đến những đồ dùng chung. Nên khử trùng bàn phím máy tính và không dùng chung máy tính xách tay. Nếu có dấu hiệu nhiễm COVID-19 thì phải báo ngay cho tòa soạn và cơ quan y tế.
 
Có đáng để chấp nhận rủi ro
 
Tòa soạn cũng như phóng viên luôn cần đặt ra câu hỏi: liệu nhiệm vụ được giao có đáng để một phóng viên phải ra hiện trường không? Tất nhiên, sẽ có những nhà báo tranh thủ lý do dịch bệnh để không phải ra ngoài, nhưng đối với những nhà báo năng nổ thì câu hỏi này là cần thiết.
 
Phóng viên ra khỏi nhà cần phải hiểu là đang bước vào vùng dễ lây nhiễm. Vì vậy, mỗi người phải tự quyết định có đặt bản thân mình và đồng nghiệp vào chỗ hiểm nguy hay không bằng câu hỏi: Liệu tôi có bệnh nền không? Tôi có nằm trong nhóm tuổi dễ bị rủi ro không? Hiện trường có đủ an toàn để thực thi các biện pháp cần thiết không? Tôi có thể hoàn thành công việc trong khi vẫn đảm bảo giãn cách xã hội chứ? Sẽ có bao nhiêu người tới địa điểm đó? Những rủi ro của môi trường này là gì và cần có những biện pháp phòng tránh ra sao?...
 
Phóng viên cần dành thời gian nghiên cứu tình hình để đảm bảo an toàn cho bản thân, giống như là nghiên cứu cho câu chuyện mà họ sắp viết vậy.
 
Tôn trọng các biện pháp giãn cách xã hội
 
Nhà báo cần tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội, tức là duy trì khoảng cách tối thiểu 2m với người khác và tránh những chỗ đông người. Nhiều nước áp dụng các biện pháp này để tránh sự lây lan của virus SARS-CoV-2, nhưng chỉ có hiệu quả nếu ít nhất 80% dân chúng thực hiện. Nhà báo tác nghiệp để phục vụ xã hội nhưng chúng ta cũng là một phần của xã hội nên sự tuân thủ của nhà báo cũng góp phần để biện pháp giãn cách xã hội đạt hiệu quả.
 
Đi lại
 
Nếu tự lái xe, phóng viên phải khử khuẩn tay trước và sau khi ngồi lên xe. Nếu sử dụng các phương tiện công cộng - môi trường có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao - cần phải chuẩn bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ.
 
Sức khỏe tinh thần
 
Stress, lo lắng, thậm chí suy sụp tinh thần là hậu quả có thể xảy ra với phóng viên trong quá trình đưa tin về dịch bệnh. Những câu chuyện đau thương có thể tác động đến tâm lý của phóng viên. Khi đó, cần nghỉ ngơi, đảm bảo ăn ngủ đầy đủ và bắt buộc tạo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống./.

Nội san Thông tấn số 4/2020