Thứ năm, ngày 28/03/2024

Sổ tay phóng viên

Thủ thuật khi đưa tin về COVID-19


(31/03/2020 10:40:29)

Nhà báo Laura Helmuth, biên tập viên về y tế và khoa học của báo Washington Post và từng là Chủ tịch Hiệp hội nhà báo khoa học quốc gia của Mỹ đã đưa ra một số lời khuyên khi đưa tin về dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19. Nội san Thông tấn giới thiệu để bạn đọc tham khảo.

Chuyên để Thông tin về dịch COVID-19 trên Cổng thông tin điện tử TTXVN

Tiếp tục đưa tin. Có thể bạn đã viết hàng chục bài về COVID-19, nhưng vì mọi người ngày càng quan tâm tới dịch bệnh này nên bạn càng phải viết thêm nhiều bài cho những người chưa nhận thức rõ về tính nghiêm trọng của nó, dù bạn có thể cảm thấy đang lặp đi lặp lại.

Giải thích rõ các thuật ngữ. Trong tất cả các tin, bài, thậm chí có thể tạo liên kết tới một danh sách các thuật ngữ thường gặp. Nhà báo thường xuyên nắm thông tin từ chính quyền và nhà chức trách y tế nên dễ dàng hiểu câu chuyện nhưng cho dù vội thì cũng nên giải thích rõ các thuật ngữ trong bài vì không phải độc giả nào cũng hiểu hết.

Sử dụng mạng xã hội hiệu quả. Mạng xã hội như Facebook hay Twitter không phải là nguồn thông tin nhưng nếu người dùng đưa ra các câu hỏi trên mạng xã hội hoặc cho thấy họ đang lúng túng, quan tâm đến điều gì đó thì nhà báo cũng nên lưu tâm viết về những vấn đề đó. Và cũng nên tranh thủ chia sẻ các bài viết của mình trên mạng xã hội. Độc giả muốn có ngay những thông tin tin cậy, mà nhà báo thì đang cung cấp những nội dung đó.

Tìm đến các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và y tế công để có những thông tin xác thực. Cảnh giác với những người cố chứng minh họ là chuyên gia dù không phải vậy. Một số người có thể sẽ cố nói giảm bớt về nguy cơ, một số khác thì khoe khoang những cách thức chữa trị thiếu căn cứ, một số kẻ chống tiêm vaccine sẽ tranh thủ khơi lên đủ loại thuyết âm mưu. Trong bối cảnh đó, ý kiến của những chuyên gia uy tín, trách nhiệm là vô cùng quan trọng.

Đừng bóc trần một thuyết âm mưu nếu nó chưa gây sự chú ý lớn, bởi nhắc nhiều đến các thông tin không chính xác có khi lại khiến người đọc có cảm giác là nó đúng.

Khi một thông tin sai lệch thu hút sự chú ý lớn thì phải phản bác thật hiệu quả. Các nghiên cứu về tin giả, tin sai lệch cho thấy cách làm hiệu quả nhất là đẩy ngay thông tin trung thực ra để thế chỗ tin sai lệch. Nói luôn trên tiêu đề rằng đó là thông tin sai. Nêu lý do tại sao tin giả đó lan truyền và tại sao mọi người tin vào nó; tại sao ai đó tung ra những tin như vậy, để giúp mọi người hiểu vì lẽ gì họ nhìn thấy các tin giả. Phản bác ngắn gọn và đơn giản thường là cách hiệu quả nhất.

Tránh sự cân bằng không cần thiết. Các nhà báo y tế, khoa học và môi trường có kinh nghiệm đều hiểu rằng không nhất thiết dành thời lượng tương xứng trên sóng phát thanh, truyền hình hay trong bài viết cho những người bác bỏ tình trạng biến đổi khí hậu, những người chống vaccine hoặc những người khẳng định trái đất là mặt phẳng. Vì thế không cần phải nói về “khía cạnh khác” của virus Corona khi đó là những thông tin vớ vẩn.

Thừa nhận nỗi lo sợ và bất an. Đây là cách để khắc phục chúng. Thay vì nói “đừng sợ” thì hãy nói rằng mọi người đang lo lắng và điều này hoàn toàn dễ hiểu vì đây là diễn biến mới, chúng ta chưa biết khi nào nó sẽ kết thúc, nhưng... (sau đó cung cấp những thông tin tin cậy để mọi người không quá kinh hãi).

Giải thích những gì chúng ta không biết. Độc giả có rất nhiều câu hỏi mà chúng ta chưa thể có câu trả lời, ví dụ: con virus này sẽ lây nhiễm tới mức nào nếu nó tồn tại trong cơ thể những người không hề có triệu chứng. Hãy nói thẳng rằng đó là điều mà các nhà nghiên cứu đang cấp bách tìm lời giải đáp thì sẽ phần nào giảm bớt băn khoăn của độc giả.

Nhận thức rõ rằng ai cũng có thể có nguy cơ. Đương nhiên những người có vấn đề sức khỏe nhất định thì dễ nhiễm virus Corona và thậm chí bị nguy kịch hơn. Nhưng họ có thể chính là độc giả của các cơ quan báo chí. Dù ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ở Trung Quốc nhưng con virus này, giống như văn hóa, có thể vượt đường biên giới lãnh thổ. Chia sẻ thông tin về những người có nguy cơ thì được nhưng chớ ám chỉ rằng ai đó là nguyên nhân phát tán bệnh.

Luôn nhấn mạnh ngữ cảnh. Bất cứ khi nào thích hợp, hãy giúp độc giả hiểu cách thức hoạt động của hệ thống chăm sóc sức khỏe, các vấn đề khoa học, về cơ chế miễn dịch, cách thức hoạt động của virus. Thông thường, mọi người không chú ý lắm đến những vấn đề như vậy nên bây giờ chính là thời điểm thích hợp khi độc giả bỗng nhiên quan tâm.

Phỏng vấn các y tá. Nói chung, giới báo chí thường dẫn lời các bác sĩ và không coi y tá là những nguồn tin chuyên môn, dù cho kinh nghiệm và kiến thức của nhiều y tá vô cùng cần thiết. Đặc biệt, đối với việc khống chế các bệnh truyền nhiễm, các y tá có thể cung cấp những thông tin và quan điểm vô cùng quan trọng.

Tranh thủ cơ hội để nói về công việc của các chuyên gia nghiên cứu về dịch bệnh, virus, các y tá, nhân viên y tế, các nhà sản xuất vaccine, các nhà nghiên cứu về gene... Nhiều độc giả không biết rằng, khoa học là một quá trình và nó được thực hiện bởi những con người bằng xương bằng thịt. Bây giờ là lúc mọi người cần biết nó diễn ra như thế nào.
 

Nội san Thông tấn số 3/2020