Thứ tư, ngày 24/04/2024

Học theo Bác, làm theo Bác

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ


(27/11/2009 08:48:07)

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ cách mạng vĩ đại mà còn là một nhà giáo dục lỗi lạc. Sinh thời, Người quan tâm đặc biệt đến các "công việc đối với con người", trong đó giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ chiếm một vị trí quan trọng.

            Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ là một hệ thống các luận điểm có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, được thể hiện trên các mặt sau:

            Thứ nhất, Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò quyết định của các tầng lớp nhân dân - mà trước hết là thế hệ trẻ, thanh niên - cho sự thành công của cách mạng. Người sớm phát hiện được và tin tưởng ở tiềm năng, sức mạnh to lớn của thế hệ trẻ trong cuộc đấu tranh cách mạng và sự phát triển xã hội. Người nhận thấy tuổi trẻ Việt Nam là lực lượng đông đảo, hùng hậu, dũng cảm, có những ưu thế nổi trội: trẻ, khỏe, chiếm số đông trong xã hội, hăng hái, nhiệt tình, nhanh nhạy tiếp thu cái mới. Thế hệ trẻ tiêu biểu cho sức sống, sức phát triển của dân tộc, nếu được chăm sóc, rèn luyện sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, quyết định vận mệnh của dân tộc, sự phát triển của đất nước. Điều đó được thể hiện qua những lời khẳng định của Người: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Năm 1947, trong thư gửi Hội nghị thanh niên Việt Nam, Người tiếp tục khẳng định: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà,... nước nhà thịnh hay suy, mạnh hay yếu, một phần lớn là do các thanh niên". "Thanh niên là sức chính của mọi sự kiến thiết. Thiếu thanh niên thì việc gì cũng khó thành công".

            Chúng ta đều biết, sau cách mạng tháng Tám, đất nước vừa giành độc lập đã phải đối mặt với bao thách thức, với thù trong giặc ngoài và những khó khăn về kinh tế, chính trị, thiên tai nặng nề... Trong bối cảnh vận mệnh quốc gia, dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc, Hồ Chí Minh vẫn khẳng định vị trí, vai trò của nền giáo dục. Ngay trong khóa họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3/9/1945, Người đã nêu lên nhiệm vụ diệt "giặc dốt", "giặc đói", "giặc ngoại xâm". Người nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đồng ý mở chiến dịch chống nạn mù chữ". Trong điều kiện đất nước có hơn 90% người dân mù chữ, Hồ Chí Minh đã xác định: "Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí".

            Quan điểm nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh là trong hoàn cảnh nào, kháng chiến hay kiến quốc, đất nước cũng cần nhân tài. Muốn vậy, phải xây dựng một nền giáo dục độc lập, tiến bộ, mọi người đều có quyền tự do học tập. Đó là nền giáo dục mang tính dân tộc, khoa học và đại chúng, có tính nhân đạo và dân chủ cao. Mục tiêu của nền giáo dục mới, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là đào tạo "những công dân tốt và cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà". Muốn cho dân giàu, nước mạnh thì dân trí phải cao, phải đa dạng hóa các loại hình đào tạo, mở trường vừa học, vừa làm để tạo điều kiện cho người lao động, cán bộ, chiến sĩ được đi học. Khi dân trí cao sẽ xuất hiện nhiều nhân tài tham gia xây dựng đất nước. Người chỉ cho chúng ta con đường đưa đất nước phồn vinh, đó là con đường phát triển giáo dục, đào tạo nhân tài.

            Thứ hai là nội dung của công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu phải giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ một cách toàn diện, vừa "hồng" vừa "chuyên". Trong Thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hoá, ngày 31/8/1960, Hồ Chủ tịch căn dặn: "Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất".

            Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng giáo dục đạo đức, xem đó là gốc, nền tảng của người cách mạng, của thế hệ trẻ. Theo Người, "đức" phải đi liền với "tài": "Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế, tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi ích gì cho người".

            Tiếp đến là giáo dục lý tưởng cách mạng. Người chỉ rõ, giáo dục lý tưởng cho thế hệ trẻ tức là phải dạy cho họ biết yêu nước thương nòi, biết tự lực tự cường, không chịu thua kém ai; làm cho thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; xây dựng niềm tin ở tương lai của đất nước, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng... Bác nói: "Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có máy móc, có kỹ thuật, có văn hoá... "Thanh niên phải học và học cho giỏi". Từ đó, Người yêu cầu nhà trường phải coi trọng các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, các môn kỹ thuật để có kiến thức toàn diện tham gia vào sự nghiệp xây dựng nước nhà. Phải giáo dục thế hệ trẻ tình yêu lao động, quý trọng người lao động, có thái độ trân trọng đối với người lao động.

            Thứ ba, về phương pháp giáo dục, Người cho rằng, học phải đi đôi với hành, học để phục vụ cuộc sống. Người phê phán lối học vẹt. Học phải có suy nghĩ, thực hành, thí nghiệm. Giáo dục thanh niên không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với đấu tranh xã hội. "Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong".

            Người coi việc giáo dục thanh niên là cả một khoa học. Người nói: "Óc của người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ". Điều đó đòi hỏi giáo dục thanh niên phải có nội dung, chương trình phù hợp. Người cũng đã chỉ rõ những nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ đối với mỗi cấp học. Đối với thanh niên, Người yêu cầu phải tự giác, tự động, "cần phải làm đầu tàu, gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên" .

            Người cũng nghiêm túc phê bình bệnh ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, anh hùng của thanh niên. "Thanh niên cần phải chống tâm lý tự tư tự lợi, chỉ lo lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình... Chống thói quen xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay. Chống lười biếng, xa xỉ. Chống cách sinh hoạt uỷ mị. Chống kiêu ngạo, giả dối khoe khoang" .

            Tóm lại, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ nói chung và thanh niên nói riêng, thể hiện một tầm nhìn chiến lược xuyên suốt, vẫn còn nguyên giá trị trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay. Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người về vấn đề này, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào những cống hiến to lớn của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trần Nguyên Hào
Theo Nội san Thông tấn số 11/2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Bác Hồ với Báo ảnh (15/10/2009 15:45:08)

40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhớ lời căn dặn của Bác đối với thanh niên (31/08/2009 14:41:47)

Quan điểm của Hồ Chí Minh về huấn luyện và sử dụng cán bộ (10/08/2009 14:27:50)

Sơ kết hai năm thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh": HẦU HẾT CÁC ĐÆ N VỊ TRONG TOÀN NGÀNH ĐÃ CÓ SỰ CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC (02/06/2009 09:23:11)

"Người cách mạng phải có đạo đức..." (01/06/2009 15:16:52)

Quan điểm của Hồ Chí Minh về huấn luyện và sử dụng cán bộ quản lý Báo chí - Xuất bản (01/06/2009 15:08:52)

Gắn việc học tập và noi gương Bác trên mỗi sản phẩm thông tin (08/05/2009 11:51:05)

Hồi ức tháng Ba (08/04/2009 09:18:07)

Tạo được sự chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động (16/01/2009 08:43:22)

Tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về tự học (03/12/2008 12:26:28)