Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Chúng tôi nói về chúng tôi

Bồi đắp kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi


(29/10/2018 16:51:11)

PV Nguyễn Thị Thảo tác nghiệp tại khu danh thắng Tây Thiên, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc

Tôi vẫn nhớ câu nói của đám bạn khi mới bước vào nghề: Con gái sao lại chọn cái nghề này cho khổ, sao không chọn việc gì ngồi văn phòng cho nhàn. Thế nhưng, mơ ước được đi, được gặp gỡ những con người mới và được nghe những câu chuyện thú vị đã đưa duyên cho tôi đến với nghề phóng viên. Chính cái duyên này đã gắn bó tôi với mảnh đất Vĩnh Phúc gần 7 năm, trong vai trò là phóng viên thường trú của TTXVN.

Bảy năm làm nghề chưa phải là dài nhưng cũng giúp tôi vỡ ra được nhiều điều. Nghề báo không nhàn hạ như nhiều nghề khác. Nghề báo không thể làm việc theo giờ hành chính mỗi ngày 8 tiếng đồng hồ, mà nhiều khi làm cả ngày lẫn đêm, thậm chí cả ngày nghỉ, ngày lễ. Đối với phóng viên thường trú, để có thông tin kịp thời, những bản tin, phóng sự hay, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của dư luận, thì việc nắm vững địa bàn là vô cùng quan trọng. Hình ảnh chiếc ba lô lỉnh kỉnh máy ảnh, máy quay… không còn xa lạ đối với nữ phóng viên trong những chuyến công tác cơ sở. So với phóng viên nam, phụ nữ chúng tôi có những khó khăn nhất định, đặc biệt trong những chuyến công tác xa, địa bàn khó khăn. 

Còn nhớ, cuối năm 2015, tôi cùng nhóm phóng viên Truyền hình Quốc hội lên huyện Tam Đảo làm phóng sự về phát triển cây su su của đồng bào dân tộc Sán Dìu. Để có được những hình ảnh chân thực nhất về việc thu hoạch su su của đồng bào, chúng tôi phải xuất phát từ 3 giờ sáng trong tiết trời mùa đông giá rét, sương mù dày đặc. Không quen với công việc nhà nông nên cả nhóm ai cũng dính bùn đất lấm lem. Nhưng đổi lại, chúng tôi có được những hình ảnh đẹp về một ngày thu hoạch, chăm sóc su su của bà con nông dân.
Hoàn thành xong chương trình, trên đường quay về, xe ô tô của chúng tôi bị sa lầy xuống ruộng su su. Rất may nhờ sự giúp đỡ của người dân địa phương, chúng tôi mới đưa được chiếc xe ra khỏi bùn lầy.

Trong một lần cùng Trưởng CQTT Nguyễn Trọng Lịch xuống huyện Sông Lô để tìm hiểu về nạn “cát tặc”, để lấy được hình ảnh những con tàu đang hút cát trên sông, chúng tôi phải ẩn mình trong những bụi chuối chờ đến 12 giờ trưa, bởi “cát tặc” thường hoạt động vào trưa hoặc tối. Nhưng khi phát hiện thấy máy quay của chúng tôi, tất cả các tàu cuốc đang hút cát trộm ven bờ lập tức dừng hoạt động. Ngay sau đó xuất hiện một nhóm thanh niên xăm trổ, hùng hổ chạy đến. Chúng tôi phải nhanh chóng di chuyển về phía xe đang chờ để đảm bảo an toàn. Lại thêm một phen hú vía nữa!

Cứ thế, mỗi chuyến đi là một dịp bồi đắp kinh nghiệm, giúp tôi cứng cỏi, trưởng thành và thêm yêu nghề mình đã chọn. 

Phóng viên thường trú xa nhà có nhiều niềm vui với nghề nhưng cũng là một thiệt thòi lớn. Khi chưa có gia đình, những chuyến công tác về muộn, những sự kiện đột xuất ban đêm đối với tôi không có gì là khó khăn. Nhưng từ khi lập gia đình, sinh con, nhất là phải chăm con một mình do công việc của chồng thường xuyên xa nhà, đã khiến tôi vất vả hơn. Tôi không thể quên đôi mắt đẫm lệ của cậu con trai gần 4 tuổi phải ở nhà một mình ban đêm để mẹ đi làm tin tai nạn giao thông: “Con chờ mẹ mãi, con sợ lắm nhưng không dám khóc to”. 

Từ đó trở đi, tôi luôn cố gắng không để con ở nhà một mình ban đêm. Thậm chí, có những hôm đi làm tin buổi tối, tôi mang cả con theo cùng. Đã có đôi lần nhen nhóm ý định tìm một công việc khác để có thời gian chăm sóc gia đình, nhưng tôi không thể... Bởi nghề báo đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi.

Nguyễn Thị Thảo
Nội san thông tấn số 10/2018