Thứ tư, ngày 17/04/2024

Chúng tôi nói về chúng tôi

Chưa bao giờ hối hận về nghề đã chọn


(29/10/2018 16:50:19)

PV Thanh Thương thực hiện phóng sự về tục "phóng điểu" tại Bắc Ninh

Là phóng viên, nhất là phóng viên thông tấn, trước khi nhận nhiệm vụ công tác, đều cần trau dồi cho mình bản lĩnh và cả sự hy sinh. Đó là điều mà những phóng viên đi trước đã nhắn nhủ chúng tôi khi bước vào ngôi nhà thông tấn.  

Năm 2012,  khi nhận công tác tại CQTT tại tỉnh Bắc Ninh, việc ban đầu mà tôi tiếp cận chỉ là đi họp và viết tin nên lúc đó chưa hiểu hết nỗi nhọc nhằn của người phóng viên. Sau này, khi tiếp cận địa bàn, phát hiện vấn đề, nhất là những sự kiện nóng, tôi mới dần cảm nhận rõ ràng những gian nan, vất vả của nghề báo.

Lập gia đình khi mới đi thường trú, chồng lại thường xuyên vắng nhà nên tôi khá bận rộn, vừa chủ động quán xuyến công việc trong gia đình vừa hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan và đơn vị giao. Từ một đứa con gái nhút nhát, hễ nhìn thấy máu là sợ, thậm chí có thể chóng mặt, tụt huyết áp, nhưng giờ đây, sau nhiều lần “va chạm”, tôi đã được rèn luyện thêm bản lĩnh.

Lần mang bầu bé đầu tiên, chỉ cần nhận được thông tin, dù là những sự việc xảy ra ở bệnh viện hay những vụ cháy nổ, tôi đều lập tức lên đường ngay mặc dù có người khuyên là “kiêng” không nên xuất hiện những nơi đó khi đang mang bầu. 

Còn nhớ, một đêm tháng 2/2017, lúc 23 giờ, tôi nhận được điện thoại từ trưởng công an xã Đào Viên, huyện Quế Võ cho biết vừa xảy ra một vụ nổ xe khách trên địa bàn. Ngay lập tức, tôi gọi điện báo cáo với Trưởng CQTT, tìm hiểu nhanh thông tin, một mình đến cơ quan lấy máy móc lên đường. Càng về đêm trời càng lạnh. Tôi chạy xe hơn 20 km trong đêm tối xuống hiện trường. Lúc này, lực lượng chức năng đã đưa được hầu hết hành khách đến viện cấp cứu, chỉ còn lại lãnh đạo công an tỉnh đang chỉ đạo khám nghiệm hiện trường. 

Đến nơi, cảnh tượng đầu tiên tôi nhìn thấy là kính xe, chăn, gối, các vật dụng cá nhân và máu vương vãi trên đường. Tay cầm máy quay, tay cầm máy ảnh, tôi hết quay lại chụp. Càng đến gần chiếc xe bị biến dạng hoàn toàn, tôi càng có cảm giác rợn người. Bỗng một câu nói của đồng chí cảnh sát vang lên: Em nên cẩn thận vì trên xe có thể vẫn còn chất nổ đấy. Sau cái rùng mình, tôi tự trấn tĩnh và tiếp tục quay, chụp để có những thước phim và hình ảnh cập nhật tại hiện trường. Tôi lấy thêm thông tin từ lực lượng chức năng và một số người dân xung quanh về diễn biến vụ việc, rồi tức tốc về cơ quan để làm tin.

Làm tin xong, tôi tiếp tục liên lạc với Bệnh viện đa khoa tỉnh để nắm thêm về tình hình sức khỏe các nạn nhân, rồi vào bệnh viện quay hình. Lúc này công tác cấp cứu, khám chữa bệnh tại bệnh viện rất khẩn trương. Bốn giờ sáng, công việc gần như hoàn thành, tôi mới trở về nhà, khi ấy trời tờ mờ sáng. Những ngày sau đó, tôi lại cùng đồng nghiệp liên tục cập nhật tình hình để đưa đến cho độc giả những thông tin chân thực, nóng hổi nhất về vụ việc. 

Đó chỉ là một trong số rất nhiều tình huống mà phóng viên thường trú gặp phải. Đã theo nghề báo và gắn bó với nghề một thời gian, chưa bao giờ tôi thấy hối hận về nghề mình đã chọn và theo đuổi. Tôi nghiệm ra rằng, mỗi phóng viên, nhất là phóng viên nữ, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ, bên cạnh nhiệt huyết, đam mê, rất cần tình yêu cùng sự cảm thông, sẻ chia từ mái ấm gia đình.

Thanh Thương
Nội san thông tấn số 10/2018