Thứ bảy, ngày 21/09/2024

Học theo Bác, làm theo Bác

Cẩn trọng - Yếu tố sống còn của nghề biên tập sách


(04/01/2010 10:45:34)

Kiên nhẫn, cẩn thận là những đức tính tôi chưa kịp trang bị cho mình khi đến với công việc làm sách. Những năm tháng còn là sinh viên khoa Ngôn ngữ học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, tôi thường mơ về những công việc năng động, được đi nhiều, tiếp xúc nhiều như làm báo, làm truyền hình... Công việc biên tập sách đến với tôi một cách tình cờ và hơi trái với sở thích bởi tôi biết một số nhược điểm của mình rất "dị ứng" với nghề biên tập. Những ngày đầu tôi đi làm tại Nhà xuất bản Thông tấn là những ngày cảm xúc đan xen lẫn lộn vừa vui sướng, vừa háo hức tò mò, vừa bỡ ngỡ, lo lắng nhưng cũng tràn đầy quyết tâm.

            Thấm thoắt đã bốn năm qua. Chừng ấy thời gian gắn bó với nghề biên tập sách, khoảng thời gian chưa dài nhưng cũng đủ cho tôi cảm nhận nhiều điều bổ ích cùng biết bao kinh nghiệm quý báu. Làm quen với công việc từ những bản thảo đơn giản nhất như sách cấp phép, rón rén đưa ra những ý tưởng đề tài sau khi tham khảo thị trường, tập tành tổ chức nội dung, liên hệ tác giả đặt bài rồi biên tập bản thảo... Những công việc xa lạ ấy qua từng ngày đã trở nên vô cùng thân thuộc với tôi. Nếu như trước đây tôi có thói quen đọc một lèo từ đầu đến cuối cuốn sách để nắm nội dung thì bây giờ như đã là căn bệnh nghề nghiệp khó bỏ, đó là đọc gì tôi cũng lăm lăm cây bút trên tay, sai là đánh dấu, là gạch. Cầm cuốn sách lật ngay trang xi-nhê xem ai là người chịu trách nhiệm nội dung, ai biên tập, số lượng xuất bản bao nhiêu... Có tham gia làm sách mới biết để có một cuốn sách đến tay độc giả, những người làm sách đã phải vất vả, kỳ công đến nhường nào. Từ khâu tổ chức đề tài, tổ chức thực hiện, biên soạn, biên tập, đọc mo-rát đến trình bày in ấn rồi phát hành, khâu nào cũng giữ một vai trò quan trọng nhất định, mỗi khâu là một mắt xích không thể thiếu trong dây chuyền xuất bản.

            Chỉ riêng việc biên tập nội dung, từ những trang bản thảo thô ráp nhất để ra được bông 1, bông 2 rồi đến bông cuối cùng hoàn chỉnh trước khi in can trải qua không biết bao nhiêu lần đọc, chỉnh sửa, biên tập. Đọc đi đọc lại cùng một nội dung, trung bình là 3, 4 lần đối với một cuốn sách đơn giản, có khi lên đến cả chục lần, rồi qua các cấp biên tập đối với những tác phẩm nhạy cảm, không phải không có lúc cảm thấy chán nản, mệt mỏi. Nhưng nghĩ đến công sức của cả một tập thể, nghĩ đến tâm trạng của độc giả khi cầm trên tay cuốn sách mình làm, mỗi người lại tự nhắc phải cố gắng hơn nữa.

            Chưa bao giờ tôi có cảm nhận một cách sâu sắc rằng cẩn trọng là một yếu tố "sống còn" trong nghề biên tập như lúc này. Và không biết bao nhiêu lần, tôi tự nhủ lòng phải hết sức cẩn thận bởi một bản thảo dù có đọc, sửa nhiều lần nhưng đôi khi vẫn không tránh khỏi những sai sót, thậm chí chỉ là những lỗi mo-rát rất nhỏ, rất giản đơn nhưng đọc đến mấy lần vẫn không phát hiện ra. Vốn nhanh ẩu đoảng nên tôi càng cảm thấy phải tự rèn luyện, cố gắng kiên trì, cẩn thận, tỉ mỉ trong từng bản thảo, dù phức tạp hay đơn giản. Nội dung sách hay, được làm nghiêm túc, không có sai sót cũng giúp thể hiện sự nghiêm túc của người làm sách với chính mình và độc giả.

 

            Theo gương Bác, học tập không ngừng

            Càng làm sách, càng được biên tập nhiều, mới càng thấy kho tàng tri thức là mênh mông vô hạn. Trong bốn năm, tôi đã được giao làm những cuốn sách thuộc các thể loại khác nhau, có lĩnh vực am hiểu nhưng cũng có thể loại hiểu lơ mơ hay chỉ biết mà không hiểu, chẳng còn cách nào khác là vừa đọc biên tập vừa phải tra cứu tài liệu, vừa hỏi ý kiến của các cô, chú biên tập viên lớn tuổi, giàu kinh nghiệm. Vừa làm vừa học tôi cảm thấy rất hứng thú và hiệu quả, những kiến thức cứ thế được khắc ghi một cách thật tự nhiên. Có làm nhiều, có va vấp nhiều, tôi mới thấy mình trưởng thành thêm biết bao nhiêu sau từng ấn phẩm.

            Bên cạnh sách chữ, tôi cũng được tham gia thực hiện một vài cuốn sách ảnh-thế mạnh của Nhà xuất bản Thông tấn. Phải nói rằng đây là mảng sách vô cùng thú vị bởi làm sách ảnh là làm theo nhóm, thường có khoảng 3 người gồm một phóng viên ảnh, một biên tập viên chữ và một họa sĩ thiết kế. Làm thế nào để ảnh và lời khớp nhau, lời ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn đủ ý, văn phong hay, thiết kế ấn tượng là phần việc của từng người nhưng luôn phải thống nhất về ý tưởng để có một ấn phẩm chất lượng và kịp tiến độ. Nghe qua tưởng đơn giản nhưng bắt tay vào làm mới thấy nhiều điều phức tạp, trong quá trình làm không tránh khỏi những khó khăn, có những lúc tranh luận gay gắt, "chiến đấu" đến cùng để bảo vệ chính kiến, có những lúc tưởng như không thể làm tiếp bởi cái "tôi" của ai cũng lớn nhưng vì công việc chung, cả nhóm lại ngồi cùng nhau, cùng lắng nghe và thảo luận. Mỗi lần cầm ấn phẩm hoàn thiện trên tay là thêm một lần cảm thấy hạnh phúc, thấy yêu, thấy gắn bó hơn với công việc làm sách.

            Sinh thời, Bác Hồ luôn coi trọng vai trò của sách báo. Sách, báo đã trở thành món ăn tinh thần và phương tiện thông tin không thể thiếu được của Người. Bác có thói quen khi đọc, ngón tay đưa theo dòng, mắt dõi theo, chỗ nào có vấn đề cần chú ý, những số liệu và thông tin cần xử lý thì dừng tay ghi chép hoặc đánh dấu để dễ nhận biết. Đại tướng Hoàng Văn Thái kể rằng năm 1969, mỗi lần đến làm việc, ông thường thấy trên chiếc bàn con bên giường của Bác để đầy sách báo đang xem. Ông lo lắng đến sức khỏe của Người nên đề nghị "Thưa Bác, Bác mệt, Bác nên đọc ít, để nhiều thời gian nghỉ ngơi thư thái cho lại sức". Bác trả lời, giọng như tâm sự mà dứt khoát, rành rẽ từng lời: "Cháu bảo Bác không đọc sách báo ư? Dù già yếu cũng phải học, phải đọc sách báo nâng cao hiểu biết và nhất là để nắm vững tình hình chứ!".

            Những lời Bác nói như tiếp thêm nguồn động lực, thấm nhuần trong tôi tinh thần không ngại khó, ngại khổ, luôn nêu cao tính cẩn trọng và ý thức làm việc có trách nhiệm của một biên tập viên Nhà xuất bản thông tấn.

Trần Thu Hương (Nhà xuất bản Thông tấn)
Theo Nội san Thông tấn, số 12-2009

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ (27/11/2009 08:48:07)

Bác Hồ với Báo ảnh (15/10/2009 15:45:08)

“Hiệp sĩ bắt cướp của Thông tấn” (05/10/2009 10:34:29)

40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nhớ lời căn dặn của Bác đối với thanh niên (31/08/2009 14:41:47)

Những người làm công việc thầm lặng (11/08/2009 09:13:16)

Quan điểm của Hồ Chí Minh về huấn luyện và sử dụng cán bộ (10/08/2009 14:27:50)

Sơ kết hai năm thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh": HẦU HẾT CÁC ĐÆ N VỊ TRONG TOÀN NGÀNH ĐÃ CÓ SỰ CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC (02/06/2009 09:23:11)

"Người cách mạng phải có đạo đức..." (01/06/2009 15:16:52)

Quan điểm của Hồ Chí Minh về huấn luyện và sử dụng cán bộ quản lý Báo chí - Xuất bản (01/06/2009 15:08:52)

Gắn việc học tập và noi gương Bác trên mỗi sản phẩm thông tin (08/05/2009 11:51:05)