Chúng tôi nói về chúng tôi
Cờ Tổ quốc tô thắm Trường Sa
(12/07/2024 19:43:48)
Giữa mênh mông biển trời, những lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên các điểm đảo của quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 không chỉ là niềm kiêu hãnh, tự hào của dân tộc, mà còn là lời khẳng định đanh thép về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Với ý nghĩa đó, nhiều năm qua, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong cả nước, trong đó có Đoàn thanh niên Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã và đang tích cực hành động “hướng về biển đảo quê hương”, mang cờ Tổ quốc đến với Trường Sa.
Đoàn công tác số 16 thăm cán bộ, chiến sĩ tại đảo Đá Tây B, tháng 5/2024 |
Sóng gió có ngăn bờ thương nhớ?
Sau 5 năm tôi lại có cơ hội được đặt chân lên các điểm đảo của huyện đảo Trường Sa - một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Lần thứ hai được hít thở bầu không khí biển đảo, được rảo bước trên những lối nhỏ, ngồi dưới tán bàng vuông mát rượi cùng trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang công tác trên đảo,… cảm xúc vẫn vẹn nguyện như lần đầu!
Đúng 8 giờ sáng 3/5, quân cảng Cam Ranh - Khánh Hòa nắng vàng rực rỡ, mặt biển trong xanh, lấp lánh dưới ánh mặt trời. Con tàu mang số hiệu Trường Sa 571 thuộc Hải đội 411, Lữ đoàn 955, Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 sẵn sàng đưa Đoàn công tác số 15 lên đường làm nhiệm vụ, mang theo hơi ấm, tình thân của nhân dân cả nước đến với quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Vượt quãng đường hơn 900 hải lý, Đoàn công tác đã lần lượt có mặt tại các đảo và Nhà giàn DK1 trong sự tiếp đón đầy tình yêu thương của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Đặt chân đến Sinh Tồn, Song Tử Tây, Đá Tây A, Trường Sa xanh mát hay Cô Lin, Đá Đông A, Nhà giàn DK1 gan lỳ giữa sóng gió biển Đông là một trải nghiệm rất đáng trân trọng. Dù say sóng, mệt mỏi khi phải liên tục tác nghiệp với các hoạt động dày đặc, thế nhưng, khi tận mắt chứng kiến những hy sinh thầm lặng, giọt mồ hôi ướt đẫm trên lưng áo của những chiến sĩ trẻ rắn rỏi, cánh phóng viên chúng tôi đã xốc lại tinh thần, tiếp tục hoàn thành phần việc của mình.
Ngày công tác thứ 5, Đoàn đến với huyện đảo Trường Sa. Trên cầu cảng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã hàng ngũ chỉnh tề chào đón chúng tôi. Gặp gỡ, giao lưu rồi chia tay trong trọn vẹn buổi sáng, Đoàn lại tiếp tục hành trình theo kế hoạch. Giờ phút tạm biệt, trên cầu cảng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đứng vẫy chào, cùng đồng thanh hát vang Khúc quân ca Trường Sa. Những thanh âm hòa cùng tiếng sóng vang vọng: “đảo này là của ta, biển này là của ta… dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua…”. Tàu hú còi chào tạm biệt. Đáp lại, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa đồng thanh: “Trường Sa vì Tổ quốc”, “Chúc đoàn công tác khỏe”!
Phút chia tay ở Trường Sa thật đặc biệt! Hàng trăm người xa lạ, mới chỉ kịp làm quen nhau qua những cái bắt tay, nhưng cảm giác lại vô cùng thân quen bởi sự kết nối của lòng yêu nước, yêu dân tộc, yêu biển đảo quê hương. Tiếng hô “Trường Sa vì Tổ quốc” vang xa khiến không khí cả tàu bỗng trùng xuống, chỉ còn tiếng gió cùng sóng biển rì rào và những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt rám nắng của nhiều thành viên trong đoàn.
Có đến với Trường Sa và Nhà giàn mới cảm nhận được hết sự kiên cường, ý chí, nghị lực của chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển trời quê hương trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu thốn.
Giữa trùng khơi, Nhà giàn DK1 lầm lũi chống chọi với biển cả mênh mông. Nhà giàn ngay trước mắt, cán bộ, chiến sĩ trang nghiêm chờ đón chúng tôi. Thế nhưng, sóng và gió đã khiến hơn 200 thành viên trong đoàn không thể đến gần hơn với Nhà giàn. Kết nối qua bộ đàm, chẳng thấy mặt nhau, chỉ với tên, tuổi, quê quán… chúng tôi đã thành người thân. Từ cabin tàu Trường Sa 571, gửi vào bộ đàm, vào từng cơn sóng biển Trường Sa là những tình cảm thân yêu nhất qua lời thơ, tiếng hát sâu lắng, tâm tình.
Tạm biệt Nhà giàn DK1. Các chiến sĩ phất cao cờ Tổ quốc đồng thanh hát vang tiễn đoàn. Chúng tôi nhìn thấy nhau nhưng lại cách xa nhau như lời bài thơ Thương lắm Huyền Trân của anh Nguyễn Văn Nam, Đài Truyền hình Việt Nam: “Sóng gió cách ngăn bờ thương nhớ. Tim chạm nhau rồi, lệ đã rơi”!
Phóng viên Trần Quang Thái, Cơ quan thường trú TTXVN tại Gia Lai, trao cờ Tổ quốc - món quà của Đoàn thanh niên TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên tặng cán bộ, chiến sĩ Đảo Cô Lin, tháng 5/2024 |
Màu cờ khẳng định chủ quyền
Hải trình vỏn vẹn 7 ngày nhưng đã để lại nhiều dư vị cảm xúc trong tôi và hơn 220 đại biểu của các cơ quan dân chính đảng, tổ chức, hội, đoàn thể và doanh nghiệp trong cả nước. Hải trình càng ý nghĩa hơn khi tôi được đại diện cho Đoàn thanh niên TTXVN khu vực miền Trung - Tây Nguyên mang những lá cờ Tổ quốc tươi thắm gửi tặng các điểm đảo và Nhà giàn DK1. Số cờ Tổ quốc này được Ban chấp hành Đoàn cơ sở B1 vận động từ các nguồn lực trong đoàn viên thanh niên cơ quan và mạnh thường quân.
Giữa trùng khơi, những lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trên các điểm đảo là minh chứng cho sự trường tồn của chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Không chỉ rực đỏ trên cột cờ chính, bia chủ quyền, cờ Tổ quốc còn tung bay trước các khu nhà, đơn vị và các xuồng nhỏ tăng bo từ tàu lớn lên đảo... Trên các đảo chìm và nhà giàn, những người lính Hải quân còn vẽ cờ Tổ quốc lên vách tường, bảng sắt để khi gió to, không may cột nghiêng đổ thì vẫn còn nguyên vẹn màu cờ khẳng định chủ quyền.
Với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang công tác trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 cũng như các ngư dân đang ngày đêm bám biển, nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; bảo quản, giữ gìn cho những lá cờ Tổ quốc luôn tươi thắm, tung bay giữa biển trời là nhiệm vụ “đặc biệt”. Đối với những người con của biển, mỗi tàu cá ra khơi với lá cờ Tổ quốc tung bay chính là một cột mốc sống để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, cờ bị hư hỏng rất nhanh.
Theo Thiếu tá Lý Quý Cường, Chính trị viên cụm chiến đấu 2 đảo Trường Sa: “Việc Đoàn thanh niên TTXVN trao những lá cờ Tổ quốc tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Trường Sa là rất thiết thực, góp phần tạo nguồn dự trữ, giúp cho những lá cờ Tổ quốc trên biển, đảo luôn được mới. Qua đó, thể hiện lòng yêu nước, trách nhiệm của công dân góp phần chung tay bảo vệ chủ quyền của đất nước”.
Những lá cờ của Đoàn thanh niên B1 nói riêng và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước đến với Trường Sa trong nhiều năm qua là biết bao tin yêu gửi tới các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng đang ngày đêm kiên cường bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Trần Quang Thái - CQTT tại Gia Lai
Nội san Thông tấn số 6/2024
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:
EURO & những chuyến tàu dọc ngang nước Đức (09/07/2024 14:39:08)
Nhật ký vùng lũ dữ (03/07/2024 09:02:04)
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024): Những ngày đáng nhớ ở Điện Biên (12/06/2024 09:30:42)
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024): Trải nghiệm rất khác biệt (10/06/2024 15:31:28)
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024): “Điểm hẹn” của lòng yêu nước (07/06/2024 10:37:08)
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024): Dấu ấn đợt thông tin đặc biệt (04/06/2024 14:21:56)
Chuyện về đội kéo co toàn thắng (04/06/2024 09:50:44)
Những dòng sông hội tụ (08/01/2024 10:07:40)
Chuyến đi nhiều cảm xúc (04/04/2022 16:46:48)
Olympic đặc biệt nhất trong lịch sử (30/08/2021 17:09:32)