Thứ tư, ngày 03/07/2024

Chúng tôi nói về chúng tôi

Những kinh nghiệm không muốn dùng lại


(04/12/2018 11:16:09)

Không ai muốn địa bàn mình thường trú có những biến động, vừa bất ổn vừa vất vả cho bản thân. Nhưng cuộc sống trên thế giới này vẫn diễn ra theo cách không phụ thuộc vào ý muốn của con người. Tôi đã phải mở đầu nhiệm kỳ đi thường trú tại Indonesia bằng chiến dịch thông tin về một vụ máy bay rơi của hãng AirAsia ZQ 8501 chở theo 162 người, tất cả đều thiệt mạng. Và những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11 này lại thêm một vụ máy bay rơi ở đất nước “vạn đảo”.

 

PV Đỗ Quyên dẫn hiện trường tại Cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia, tháng 10/2018 

1. Thỉnh thoảng trên địa phận, hải phận của quốc gia với hơn 17.500 hòn đảo này lại xảy ra những vụ động đất, núi lửa phun trào, tai nạn chìm phà, chìm tàu, rơi máy bay, thậm chí là khủng bố đẫm máu… Dường như những điều đó đã làm nên “sắc thái riêng” của tin tức về Indonesia.
 
Ngày 29/10/2018, khi tiếng “boong” của Breaking news báo trên điện thoại, tin tức đầu tiên về vụ tai nạn máy bay được phát đi cũng là lúc cả CQTT đang đi làm tin ở một địa điểm khá xa trung tâm thủ đô Jakarta. Chiếc máy bay Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu JT 610 chở 189 người thực hiện chuyến bay nội địa từ thủ đô Jakarta đến Pangkal Pinang đã mất liên lạc với đài kiểm soát không lưu chỉ sau 13 phút cất cánh. Các dữ liệu cho thấy, máy bay đã lao xuống biển từ độ cao hơn 1.000m, với vận tốc 640km/giờ. Không một ai trên máy bay sống sót sau vụ tai nạn.  
 
Ngay lập tức, chúng tôi chia hai mũi để triển khai thông tin. Một mũi tiếp tục bám sự kiện đang diễn ra, một mũi chuyển hướng sang sự kiện phát sinh. Khẩn trương và nhanh nhất có thể, một bản tin tổng hợp và dẫn hiện trường đã được gửi về. Những ngày sau đó là chuỗi hoạt động của Chính phủ Indonesia được thực hiện để xử lý vụ việc như: Xác định vị trí vùng biển máy bay rơi, triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn, lập các trung tâm xử lý khủng hoảng, các điểm cung cấp thông tin cho báo chí và người dân, điểm đón tiếp gia đình các nạn nhân… Tất cả các hoạt động đều được CQTT Jakarta chia lực lượng theo sát.
 
Kinh nghiệm từ chiến dịch đưa tin vụ tai nạn máy bay hơn ba năm trước đã giúp ích khá nhiều cho chúng tôi. Các đầu mối của cơ quan chức năng, địa điểm xử lý thảm họa lại được tìm đến. Thậm chí, tôi còn gặp lại một số phóng viên đã từng theo vụ máy bay AirAsia rơi trước đây.
 
Việc có nhiều bạn là phóng viên địa phương là một lợi thế lớn. Các phóng viên Indonesia rất nhiệt tình, tốt bụng, luôn sẵn sàng chia sẻ những thông tin hữu ích về các đầu mối, địa điểm có thể khai thác tin… CQTT chỉ có ba phóng viên, trong khi cùng thời gian đang diễn ra Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á (Asian Para Games) được tổ chức ở nhiều địa điểm tại Jakarta. Vậy là phải chia nhỏ lực lượng, cố gắng để không bỏ sót sự kiện nào và thu thập được nhiều thông tin nhất. Thiết bị của CQTT cũng có hạn, may là mượn thêm được một chiếc máy quay mini và điện thoại cũng được sử dụng để làm tin, chụp ảnh, thậm chí quay dẫn hiện trường. 
 
2. Jakarta là thành phố lớn, đông đúc với nạn tắc đường nổi tiếng “bất thường và khó lường”. Có lần đi tác nghiệp một mình, tìm được đến nơi, tôi thấy may mắn vì xe của mấy hãng truyền hình cũng vừa tới. Nhưng loay hoay tìm được chỗ đỗ xe, quay vào thì tôi đã thấy cả rừng chân máy xếp hàng kín chỗ. Họ đều có lái xe nên “đổ bộ” rất nhanh trong khi mình là phóng viên “n trong một”, không tránh khỏi chậm trễ.
 
Ở tất cả các trung tâm xử lý thảm họa và hiện trường vụ việc, các hãng tin tại Indonesia đều bố trí phóng viên bám trụ và có lực lượng luân phiên thay ca. Nhờ vậy mà tôi có thể có được những thông tin từ nhiều “đầu cầu”. Tuy nhiên, các hãng truyền hình ở đây đều làm tin trực tiếp từ hiện trường, nên dù họ có nhiệt tình và tốt bụng đến đâu thì cũng không thể xin hình.
 
Mặc những máy móc hiện đại hoành tráng của đội bạn, tôi len lỏi và sử dụng… điện thoại để ghi hình, chụp ảnh và làm tin. Ấm ức nhất là mạng Internet ở đây rất kém. Hôm đầu làm tin từ hiện trường, gửi hình và tin từ hơn 10 giờ, nhưng mạng cứ “đủng đỉnh”, không kịp cho bản tin 11 giờ và cũng lỡ luôn cả bản tin 12 giờ.
 

3. Ngày thứ hai kể từ khi chiếc máy bay rơi, chúng tôi vừa đến Cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia thì được thông báo cuộc họp báo lùi đến 16 giờ. Một phóng viên CNN quen biết cho biết, ở sân bay Soekarno Hatta sẽ có họp báo trong vòng một tiếng nữa. Vậy là chúng tôi đổi hướng, sân bay thẳng tiến… để kịp dự cuộc họp báo có Bộ trưởng Bộ Giao thông và người đứng đầu Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì cung cấp thông tin. Chờ thêm hai tiếng rưỡi nữa, Tổng thống Joko Widodo đến gặp các gia đình nạn nhân ngay tại sân bay, nơi được thiết lập là một trong bốn trung tâm xử lý thảm họa. Tôi và phóng viên Trần Chiến tranh thủ phỏng vấn được vài gia đình nạn nhân trên chuyến bay xấu số. Tin và dẫn hiện trường được thực hiện khẩn trương, kịp gửi về cho bản tin tối. Ảnh, tin cũng được xử lý bằng điện thoại để kịp gửi về cho tin nguồn cùng các báo điện tử… Vẫn là tắc đường, nên về đến nhà lúc hơn 22 giờ, chúng tôi mới nhớ ra chưa ăn tối.
 
Ngày thứ ba, sau cuộc họp báo ở Bộ Giao thông, chúng tôi tìm đường ra Cảng quốc tế Tanjung Priok. Thường ngày, cảng chỉ tấp nập container hàng hóa. Sau vụ tai nạn máy bay, một khu vực ở Terminal 2 được dành để lập trung tâm xử lý khủng hoảng. Ngay trên bờ biển, đối diện với hệ thống cần cẩu hiện đại, các vật thể do lực lượng tìm kiếm cứu nạn trục vớt đang được tập trung lại. Những chiếc ghế trên máy bay đã tan nát, những vật dụng cá nhân, những đôi giày được đặt ngay ngắn dù đã rách nát, những chiếc ba lô, túi xách chất đống, những tấm vé máy bay… giờ đây chỉ còn là phế liệu. Chỉ vài ngày trước, đó còn là những vật dụng thiết thân, chủ nhân của chúng bắt đầu một ngày mới trên một chuyến bay với nhiều dự định, kế hoạch. Thật thương tâm!
 
Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi những diễn biến mới nhất về vụ tai nạn. Những buồn vui, may rủi trong lúc tác nghiệp sẽ trở thành kinh nghiệm… và trong thâm tâm phóng viên của CQTT Jakarta những mong không có thêm lần nào phải dùng đến!

Đỗ Quyên (Trưởng CQTT Jakarta, Indonesia)
Nội san thông tấn số 11/2018